Biển
Đông : Bắc Kinh không thực tâm đàm phán về COC, Manila tìm kiếm sự hợp tác
khu vực
Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 21/11/2023 - 13:23
Tại Hawai, tổng thống Philippines
Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố, chính phủ của ông tìm cách tiếp cận với các nước
Đông Nam Á láng giềng như Việt Nam và Malaysia để thảo luận về một Bộ Quy tắc Ứng
xử riêng biệt ở Biển Đông. Nhưng mong muốn của Manila liệu có thể được đáp ứng ?
Ảnh tư liệu do quân đội Phillippines cung cấp : Tầu
hải cảnh Trung Quốc chặn mũi tầu Philippines gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas
Shoal) ở Biển Đông, ngày 22/10/2023. © AP / Armed Forces of the
Philippines
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương
Daniel K. Inouye ở Honolulu, thủ phủ của Hawai hôm thứ Bảy 18/11, tổng thống
Philippines trước hết đưa ra nhận định : Tình hình tại những vùng lãnh hải
đang có tranh chấp « ngày càng thảm hại » do thái độ lấn lướt
ngày càng tăng của Trung Quốc, trong khi các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Bắc
Kinh về một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông lại rất chậm chạp, hạn chế.
Một ngày trước đó, tại San Francisco, Hoa Kỳ, sau cuộc trao đổi với chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á –
Thái Bình Dương nhằm thảo luận về những phương cách giảm thiểu các căng thẳng tại
những vùng biển có tranh chấp, tổng thống Marcos cho biết cả ông và chủ tịch Tập « đã
nỗ lực tìm kiếm các cơ chế để hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông » nhưng
không nêu chi tiết.
Trang mạng The Diplomat ngày 21/11/2023 ghi nhận các hành động gây hấn
sách nhiễu của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể từ năm 2022 và liệt kê nhiều sự cố
nghiêm trọng ở Biển Đông, đặc biệt trong các vùng biển của Philippines. Trong
bài phát biểu tổng thống Marcos còn cho rằng Trung Quốc hiện nay còn « để
ý » đến những bãi đá ngầm và vùng nước sâu « ngày
càng gần » với bờ biển của Philippines.
Nói một cách khác tình hình không những không được cải thiện như cam kết
của Bắc Kinh cách nay một năm mà ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Một năm trước,
thủ tướng Trung Quốc thời đó là Lý Khắc Cường, trong cuộc họp ở Phnom Penh, nhằm
kỷ niệm 20 năm Tuyên bố « lịch sử » về cách ứng xử của
các bên ở Biển Đông (DoC), đã cùng với 10 nước thành viên khối ASEAN tái khẳng
định tuân thủ « các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc,
Công ước về Luật biển 1982, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam Á, năm nguyên
tắc cùng tồn tại hòa bình và nhiều nguyên tắc phổ quát khác được luật pháp quốc
tế công nhận, làm nền tảng cho các tiêu chuẩn cơ bản cho các mối quan hệ giữa
Nhà nước ». Một cam kết mà ông Raymond Powell, giám đốc SeaLight, đánh
giá là hàm chứa nhiều tham vọng hơn so với cam kết DOC năm 2002.
Sebastian Strangio, một cây bút xã luận của The Diplomat, chuyên gia về
vùng Đông Nam Á nhận định, lời kêu gọi này của nguyên thủ Philippines về một sự
hợp tác mới trong khu vực phản ảnh rõ những thách thức mà ASEAN đang đối mặt
trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Bất chấp các nỗ lực từ 2002,
khả năng ASEAN đạt được một thỏa thuận về Bộ Quy tắc Ứng xử mang tính ràng buộc
sau các cuộc đàm phán với Trung Quốc là rất thấp.
Một mặt là vì ASEAN khó khăn dung hòa các lợi ích của 10 thành viên trong
hồ sơ tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ ở Biển Đông. Mặt khác, Trung Quốc không thực
tâm đàm phán để đi đến một thỏa thuận công bằng và mang tính ràng buộc.
Cũng theo ông Raymond Powell, trong một bài viết trên The Diplomat, nếu
như các chính phủ Đông Nam Á tiếp tục bày tỏ « ủng hộ » Bộ Quy tắc Ứng
xử (COC), thì « mối hoài nghi về triển vọng của văn bản này kể từ
giờ phải được xem xét nghiêm túc ». Cũng theo chuyên gia này,
trong trường hợp tốt nhất, đối với Trung Quốc, « các cuộc đàm phán bị
kéo dài đóng vai trò là vỏ bọc chính trị trong khi nước này trên thực tế vẫn mở
rộng quyền kiểm soát đối với nhiều yêu sách lãnh hải rộng lớn hơn nữa ».
Hơn nữa, một số nước Đông Nam Á chưa giải quyết được các đòi hỏi chủ quyền
và tranh chấp với nhau tại Biển Đông, cản trở việc hình thành một mặt trận thống
nhất phản đối các đòi hỏi quá mức của Bắc Kinh. Một Bộ Quy tắc Ứng xử không
chính thức giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia có thể sẽ là khúc dạo đầu cho
một giải pháp đối với những tranh chấp giữa các nước này, và cho phép đặt nền tảng
cho một trong những sự thống nhất rộng lớn trong khu vực về những tranh chấp ở
Biển Đông.
Trước một Trung Quốc chọn « vũ lực » để
khẳng định các yêu sách của mình, việc các nước khác phải đầu tư mọi nguồn lực
ngoại giao trong đàm phán đa phương thu hẹp dường như hợp lý hơn là trong một
khuôn khổ ASEAN vận hành theo cơ chế đồng thuận.
Nhưng liệu Việt Nam và Malaysia có đủ « can đảm » để
nắm lấy cơ hội này hay không, còn là một câu chuyện khác !
----------------------------
Các nội
dung liên quan
BIỂN ĐÔNG
Biển
Đông : Philippines muốn cùng Việt Nam và Malaysia soạn thảo Bộ Quy tắc
Ứng xử riêng
TRUNG QUỐC - PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG
Biển
Đông : Tổng thống Philippines gặp chủ tịch Trung Quốc tìm cách hạ nhiệt
căng thẳng
INDONESIA - ASEAN - QUỐC PHÒNG
Biển
Đông: Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN kêu gọi sớm đúc kết COC
No comments:
Post a Comment