Bất
ổn ở Miến Điện đe dọa lợi ích của Trung Quốc như thế nào?
Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày: 10/11/2023 - 15:04
Từ cuối tháng 10/2023, nội chiến tại
Miến Điện đã bùng lên dữ dội với cuộc tấn công của liên minh nhiều nhóm dân tộc
thiểu số ở miền bắc giáp với Trung Quốc chống lại chính quyền quân sự Miến Điện,
cầm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi
vào năm 2021.
https://s.rfi.fr/media/display/7e3d7ff2-7fd0-11ee-8b1d-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/000_33ZC9D6.webp
Ảnh chụp ngày 28/10/2023: Một tên lửa bắn từ một căn
cứ quân sự của Miến Điện tại bang Shan ở miền bắc. AFP - STR
Tình trạng bất ổn tại Miến Điện đã khiến Bắc Kinh phải lên tiếng yêu cầu
chính quyền Miến Điện hợp tác để bảo đảm ổn định tại vùng biên giới hai nước.
Theo giới phân tích, Bắc Kinh lo lắng là vì Trung Quốc có rất nhiều lợi ích tại
quốc gia Đông Nam Á lân cận.
Tình hình phải nói là rất nghiêm trọng. Hôm qua, 09/11/2023, ông Myint
Swe, tổng thống được tập đoàn quân sự Miến Điện bổ nhiệm, đã báo động về nguy
cơ đất nước bị chia cắt, đặt biệt là sau khi một thành phố chiến lược ở miền Bắc
rơi vào tay liên minh nổi dậy. Là quốc gia có đường biên giới chung dài hơn
2.100 km với Miến Điện, Trung Quốc dĩ nhiên đã hết sức lo lắng, và ngay từ đầu
đã bày tỏ thái độ “hết sức quan ngại”, và cấp tốc cử đặc sứ qua nước láng giềng
để yêu cầu chính quyền quân sự Miến Điện bảo đảm an toàn cho cư dân Trung Quốc
sống tại vùng biên giới chung, đồng thời yêu cầu quân đội Miến Điện hợp tác với
Bắc Kinh để duy trì ổn định tại khu vực này.
Tại sao Bắc Kinh lại có phản ứng chóng vánh như vậy? Trả lời nhật báo
Pháp 20Minutes, giáo sư Emmanuel Véron, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, hiện
nghiên cứu và giảng dạy tại Viện Inalco ở Paris, cho rằng đó là vì lợi ích của
Trung Quốc tại Miến Điện rất to lớn, không chỉ về kinh tế, thương mại, mà cả về
an ninh, chiến lược.
Về kinh tế, giáo sư Véron không ngần ngại cho rằng Miến Điện ngày nay đã
trở thành một quốc gia “gần như là vệ tinh của Trung Quốc, hầu như bị Bắc Kinh
nắm gọn trong tay”. Kể từ khi không còn ủng hộ đảng Cộng Sản Miến Điện
vào cuối thập niên 1980, Bắc Kinh đã tập trung vào việc kết thân với tập đoàn
quân sự Rangun, ồ ạt đầu tư vào nước láng giềng và với thời gian, Miến Điện gần
như đã phụ thuộc vào Trung Quốc. Vào năm 2021 chẳng hạn, gần một phần ba ngoại
thương của Miến Điện được thực hiện với Trung Quốc.
Tại vùng biên giới giữa hai nước, người Trung Quốc gần như đã tràn qua
sinh sống bên phía Miến Điện, người Trung Quốc đến Miến Điện hàng ngày để làm
việc và việc xin thị thực trở nên dễ dàng hơn để khuyến khích những trao đổi
hàng ngày đó.
Ngoài vấn đề kinh tế, thương mại, Trung Quốc còn có những lợi ích chiến
lược quan trọng ở Miến Điện. Quốc gia Đông Nam Á này đã biến thành một kho dự
trữ tài nguyên thiên nhiên lớn cho Trung Quốc, từ gỗ, khí đốt, cho đến ngọc
bích. Chẳng hạn Trung Quốc đã được quyền khai thác một số mỏ khí đốt ngoài khơi
Miến Điện.
Bên cạnh đó, do vị trí địa dư của mình, Miến Điện đã trở thành một quốc
gia mang tính chất chiến lược đối với Trung Quốc,
Giáo sư Véron ghi nhận: “Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng (như
hệ thống đường xá) xuyên qua Miến Điện và giúp Trung Quốc có ngõ đi ra Ấn Độ
Dương”. Một tuyến đường sắt mới được xây dựng vào năm 2021 để kết nối hai nước.
Bang Shan, nơi đang diễn ra những vụ giao tranh dữ dội, còn là một trong
những mắt xích trong “Con đường tơ lụa mới” mà Trung Quốc đang xây dựng. Hai đường
ống dẫn dầu được xây dựng đi qua khu vực này để vận chuyển dầu hỏa và khí đốt từ
các giàn khoan ở Vịnh Bengal đến Trung Quốc.
Với lợi ích kinh tế và chiến lược ở Miến Điện, Bắc Kinh đang theo dõi chặt
chẽ tình hình miền bắc nước láng giềng. Liên minh của các nhóm dân tộc thiểu số
hiện đã chặn đứng một số tuyến đường thương mại đến Trung Quốc.
------------------------------
Các nội
dung liên quan
MIẾN ĐIỆN - NỘI CHIẾN
Miến
Điện có nguy cơ bị chia cắt nếu quân đội không giải quyết xung đột
MIẾN ĐIỆN - TRUNG QUỐC
Trung
Quốc yêu cầu Miến Điện hợp tác duy trì ổn định tại biên giới chung
No comments:
Post a Comment