Ẩn ý sau phát biểu của
Tập về Đài Loan tại thượng đỉnh Filoli
Katsuji Nakazawa
- Nikkei Asia
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
Biden
nghe là Trung Quốc không có ý định xâm chiếm Đài Loan, nhưng không nhận ra tham
vọng lãnh tụ trọn đời của Tập.
Năm 2027
và 2035 mang ý nghĩa rất quan trọng đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Và đó là lý do tại sao ông cố tình đề cập đến chúng trong khi phủ nhận việc
Trung Quốc có kế hoạch xâm chiếm Đài Loan.
Lời phủ nhận
được đưa ra trong cuộc trò chuyện kéo dài 4 giờ với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở
California hồi tuần trước.
“Tôi nghe
nói tất cả các báo cáo ở Mỹ cho rằng chúng tôi đang lên kế hoạch hành động quân
sự [chống lại Đài Loan] vào năm 2027 hoặc 2035,” một quan chức cấp cao của Mỹ dẫn
lời nhà lãnh đạo Trung Quốc trong một cuộc họp báo sau thượng đỉnh. Vị quan chức
Mỹ này tiết lộ “dường như có chút bức xúc trong bình luận đó.” Tập tiếp tục nói
thêm, “Không có kế hoạch nào như vậy cả, chưa có ai nói chuyện với tôi về điều
này.”
Lời phủ nhận
đột ngột đã gây xôn xao dư luận khắp thế giới. Nhưng Tân Hoa Xã lại không đưa
tin về phát biểu này, và các cơ quan truyền thông chính thức khác của Trung Quốc
cũng vậy. Thay vào đó, họ dẫn lời Tập nói rằng Đài Loan “vẫn là vấn đề quan trọng
nhất và nhạy cảm nhất” trong quan hệ Mỹ-Trung. Và “Trung Quốc sẽ tiến tới thống
nhất đất nước, và đó là điều không thể ngăn cản.”
Tập muốn
truyền tải điều gì qua những nhận xét bất ngờ về Đài Loan?
Tại
California và Washington, nhiều quan chức và giám đốc điều hành, bao gồm cả những
doanh nhân nặng ký của Mỹ, những người nghe bài phát biểu của Tập ở San
Francisco vào đêm hôm trước, dường như đã chấp nhận vẻ ngoài việc phủ nhận các
kế hoạch xâm lược Đài Loan.
Tuy nhiên,
Tập không hề nhắc đến việc từ bỏ việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan. Ý định
đã nêu của ông đối với Đài Loan, về cơ bản, vẫn không thay đổi.
Vì vậy,
không có gì ngạc nhiên khi các nguồn tin quen thuộc với chính trị nội bộ Trung
Quốc lại có những phản ứng hoàn toàn khác nhau. Một nguồn tin cho biết Tập đưa
ra nhận xét về Đài Loan như một phần trong chiến lược “nhìn xa trông rộng,” “cẩn
trọng tính toán tác động của chúng đối với chính trị trong nước.” Nguồn tin nhận
định Tập cũng có tính toán chiến lược khi đề cập rằng ông biết các quan chức Mỹ
đang nói về điều gì.
Một
màn hình ở Bắc Kinh trình chiếu đoạn tin tức về một tàu hải quân tham gia cuộc
tập trận do Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông của Quân đội Giải phóng Nhân dân
Trung Quốc tổ chức quanh Đài Loan, vào ngày 19/08. © Reuters
Việc nhận
ra năm 2027 và 2035 đại diện cho điều gì sẽ giúp chúng ta hiểu được nhận xét của
Tập. Ông đã đề cập đến hai năm này kể từ đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng
Cộng sản Trung Quốc vào năm 2017, khi ông đắc cử nhiệm kỳ tổng bí thư lần thứ
hai.
Năm 2027
đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân, và được coi là
năm cột mốc cho sự phát triển quân sự của Trung Quốc.
Đại hội
toàn quốc tiếp theo của đảng cũng sẽ được tổ chức vào năm 2027. Khi Tập nhắc đến
thời điểm trong tương lai này, rất có thể ông đã hình dung ra việc giành được
nhiệm kỳ thứ tư với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tại đại hội.
Nhưng vấn
đề lớn hơn nằm ở năm 2035. Tại đại hội đảng toàn quốc năm 2017, Tập Cận Bình đã
đặt năm 2035 là năm mục tiêu đầy tham vọng để Trung Quốc bắt kịp và vượt qua Mỹ
về cả quân sự và kinh tế.
Đại hội
toàn quốc lần thứ 22 của đảng rơi vào giữa hai năm đó, năm 2032, và việc Tập đề
cập đến năm 2027 và 2035 tương đương với việc tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ thứ tư
và thứ năm với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Tập sẽ
tròn 83 tuổi vào năm 2035, hay 82 tuổi theo cách tính tuổi của phương Tây.
Đây chính
xác là độ tuổi mà Mao Trạch Đông, nhà sáng lập nước Cộng sản Trung Quốc, qua đời.
Nếu Tập tiếp tục nắm quyền đến năm 2035, việc đuổi kịp Mao về thành tích sẽ
không phải là một giấc mơ.
“Tập có kế
hoạch tiếp tục nắm quyền lâu hơn nữa và ông ấy đã chọn truyền tải thông điệp đó
tới Biden,” một nguồn tin quen thuộc với chính trị Trung Quốc cho biết. Việc Tập
đề cập đến năm 2035 còn cho thấy tham vọng của ông là trở thành nhà lãnh đạo
hàng đầu của Trung Quốc trong suốt quãng đời còn lại.
Tập gặp
Biden trong bối cảnh bị các đảng viên lão thành gây áp lực về các vấn đề ngoại
giao và kinh tế. Như đã chỉ ra trong chuyên
mục này tuần trước, động thái nhằm tạo ra bầu không khí sùng bái cá
nhân xung quanh Tập đã dẫn đến phản ứng dữ dội từ bên trong đảng, đặc biệt là từ
các đồng chí “thế hệ đỏ thứ hai” hay con cái của các lãnh đạo đảng thời kỳ cách
mạng.
Tập đã đưa
ra nhận xét về Đài Loan tại Mỹ trong khi nhận thức được sự bất an ở quê nhà.
Joe
Biden và Tập Cận Bình bắt tay vào ngày 15/11 trước khi diễn ra hội nghị thượng
đỉnh Filoli ở Woodside, California, nơi Tập đưa ra một thông điệp nhiều khả
năng là dành cho khán giả trong nước ở quê nhà. © Reuters
Đây không
phải là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc bày tỏ mong muốn
về sự nghiệp chính trị của mình trong cuộc gặp với các quan chức nước ngoài. Sử
dụng khán giả nước ngoài theo cách này là một chiến thuật có thể giúp xác định
“hướng gió thổi,” ở cả trong và ngoài nước.
Tháng
5/2000, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã gặp các quan chức cấp cao của liên minh
cầm quyền Nhật Bản tại Trung Nam Hải của Bắc Kinh và nói rằng “Ở sông Dương Tử,
sóng sau xô sóng trước.”
Câu nói
này mang nghĩa là giống như dòng chảy của sông Dương Tử, thế giới không ngừng
thay đổi khi thế hệ mới thay thế thế hệ cũ.
Trong cuộc
họp, Giang cũng nhắc đến tên của Phó Chủ tịch lúc bấy giờ là Hồ Cẩm Đào, người
được nhiều người cho là sẽ lên kế nhiệm Giang. Quả thực, Hồ đã kế nhiệm Giang
làm tổng bí thư vào năm 2002.
Tuy nhiên,
hiếm có nhà lãnh đạo nào lại thể hiện ý định tại vị trong tương lai xa khi đi
thăm nước ngoài, như Tập đã làm vào tuần trước. Và khán giả của ông không chỉ
là một quan chức nước ngoài bình thường, mà là tổng thống của siêu cường mà
Trung Quốc đang có một cuộc đối đầu nghiêm trọng.
Phải chăng
nước đi táo bạo của Tập phản ánh sự tự tin sau khi giành được “quyền lực tối
thượng” ở quê nhà? Không hẳn thế.
Tập đang
phải chịu áp lực ngày càng tăng từ bên trong đảng, và cả từ công chúng, trong bối
cảnh kinh tế Trung Quốc đang khó khăn.
Để vượt
qua tình hình chính trị khó khăn ở quê nhà, Tập cần gửi đi một thông điệp liên
quan đến Đài Loan và thể hiện sự tự tin rằng ông sẽ nắm quyền trong hơn một thập
niên tới.
Mục đích
thực sự của việc Tập tới Mỹ có thể là để đưa ra tuyên bố mang tính chính trị
cao này, rồi sau đó lan truyền nó ra phần còn lại của thế giới, bao gồm cả
Trung Quốc.
Tập và
Biden gặp nhau tại Filoli, một khu biệt thự cách trung tâm San Francisco hơn 40
km. Tập đã ký và ghi ngày tháng vào sổ lưu bút bằng chữ thư pháp Trung Quốc, điều
ông rất hiếm khi làm ở Trung Quốc. So sánh với chữ ký của ông từ năm 2015, chữ
ký hồi tuần trước có phông chữ gãy hơn và khác biệt đáng kể.
Bức ảnh
bên trái, chụp năm 2015, là một chữ ký đúc theo mẫu chữ viết tay của Tập Cận
Bình. Bức ảnh tiếp theo là chữ ký của Tập trong sổ lưu bút Filoli vào ngày
15/11. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)
Tập đã ký
vào sổ lưu bút ngay sau cuộc gặp với Biden, và chữ ký của ông đã được trưng bày
khi khu biệt thự mở cửa cho công chúng vào ngày hôm sau.
Kể từ sau hôm
đó, các nhóm khách du lịch Trung Quốc đã tràn vào Filoli, mỗi người phải trả
phí vào cửa 32 USD chỉ để được nhìn thoáng qua con đường nơi Tập và Biden đi dạo.
Một số người thậm chí còn cố mở tủ kính trưng bày cuốn sổ, với hy vọng chạm vào
chữ ký của nhà lãnh đạo chính trị của họ.
Để tránh
thiệt hại, nhân viên ở Filoli đã phải tạm thời cất sổ lưu bút khỏi tầm mắt công
chúng.
Một nguồn
tin cho biết quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Filoli đã được đưa ra
khá muộn, và khâu chuẩn bị chỉ được bắt đầu tại địa điểm này khoảng hai tuần
trước cuộc họp.
Dù địa điểm
được chọn để giúp Tập tránh xa những người biểu tình có thể chỉ trích ông,
nhưng nó cũng mang lại một khung cảnh để Tập và Biden có thể cùng nhau đi dạo một
cách thoải mái.
Khu
vườn Woodside, California, nơi Joe Biden và Tập Cận Bình đi dạo sau cuộc gặp
vào ngày 15/11. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)
Căn phòng
nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Trung cũng gợi nhớ đến Cung điện Versailles ở Paris.
Biệt thự
Filoli được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ bởi William Bowers Bourn II, một tỷ
phú, doanh nhân, và nhà hoạt động xã hội, người đã tích lũy được khối tài sản
khổng lồ nhờ kinh doanh nước, khí đốt, và các cơ sở hạ tầng khác ở San
Francisco.
Trong Thế
chiến I, Bourn nhiệt tình ủng hộ Pháp chống lại Đức và đã giúp định hình dư luận
ở Bờ Tây nước Mỹ. Năm 1919, Bourn và vợ được mời đến dự lễ ký kết Hiệp ước
Versailles, hiệp ước hòa bình lịch sử giữa Đức và các cường quốc Đồng minh Hiệp
ước, tại Cung điện Versailles.
Căn phòng
nơi Biden và Tập gặp nhau vào ngày 15/11 được trang trí theo phong cách Cung điện
Versailles của Pháp. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)
Bourn cũng
được trao tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh để ghi nhận những đóng góp của ông
cho nước Pháp trong thời chiến.
Quyết định
tạo ra thứ gì đó hữu hình từ trải nghiệm của mình tại Cung điện Versailles,
Bourn đã xây dựng phòng khiêu vũ của Filoli theo mô hình Sảnh Gương, căn phòng
nổi tiếng nhất trong cung điện.
Liệu chữ
ký của Tập có đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ thống nhất Đài Loan bằng
vũ lực trong tương lai?
Biden cũng
đã ký vào sổ lưu bút, nhưng còn quá sớm để nghĩ rằng Tập đang ký một thứ gì đó
tương tự như một hiệp ước.
Chữ ký
của Joe Biden trong sổ lưu bút của Filoli. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)
Trên thực
tế, nhận xét về Đài Loan của Tập là một con dao hai lưỡi. Các nguồn tin cho biết,
nếu Tập tuyên bố rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ sử dụng vũ lực để thống
nhất Đài Loan, sức hút của ông ở Trung Quốc có thể tan biến.
Khát vọng
của Tập – trở thành nhà lãnh đạo đạt được “sự phục hưng dân tộc Trung Hoa,” xây
dựng một chính quyền ổn định, lâu dài, và cuối cùng là thống nhất Đài Loan – đã
được những người theo chủ nghĩa dân túy diều hâu ở Trung Quốc ủng hộ.
Khác với
giọng điệu nhẹ nhàng mà ông dành cho Đài Loan trong cuộc gặp với Biden, Tập cần
tiếp tục có thái độ mạnh mẽ đối với Đài Loan ở Trung Quốc.
Chúng ta sẽ
không thể biết ý nghĩa thực sự của phát biểu mới nhất về Đài Loan của Tập, chí
ít là cho đến năm 2027. Vẫn còn cả một chặng đường dài, và rất khó để dự đoán
được tương lai, như những gì đã xảy ra sau năm 1919 khi Hiệp ước Versailles được
ký kết. Thoả thuận đó hoá ra chỉ có sức mạnh ngang với một cuốn sổ lưu bút: Thế
chiến II đã nổ ra hai thập niên sau đó.
Nhưng nếu
thượng đỉnh Mỹ-Trung tuần trước để lại cho thế giới ấn tượng rằng có thể tránh
được xung đột vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh vấn đề Đài Loan, thì có
lẽ việc Bourn tái hiện lại Sảnh Gương của Cung điện Versailles sẽ phục vụ nhiều
mục đích hơn là chỉ mang tính thẩm mỹ.
------------------
Katsuji
Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại
Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở
thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda
năm 2014.
Nguồn: Katsuji Nakazawa, “U.S. failed to catch hints Xi Jinping
dropped at Filoli summit,” Nikkei
Asia, 23/11/2023
No comments:
Post a Comment