100
năm ngày sinh Văn Cao (1923-2023): Quẻ Văn
Lê Thiết
Cương - Tuổi Trẻ Cuối Tuần
06/09/2023 06:11 GMT+7
https://cuoituan.tuoitre.vn/100-nam-ngay-sinh-van-cao-1923-2023-que-van-20230824091440607.htm
TTCT - Vào một tối hè oi ả, Hà Nội lao
xao trở lại sau hồi còi báo yên, cô nhân viên của Hội Văn nghệ rón rén gõ cửa
nhà nhạc sĩ Văn Cao, đưa ông tập bản thảo "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi", đặt
ông làm bìa.
Cắm xong bó hoa hồng cô gái tặng, đặt lên trên chiếc dương cầm, rót chén
rượu quốc lủi, rượu ông thửa riêng từ người bà con ở xứ đạo ngoại ô. Bom Mỹ cứ
giội, Hà Nội vẫn có hoa và rượu.
Tập bản thảo không dầy lắm, đánh máy trên giấy pơ luya mầu nước trà
loãng. Họa sĩ Văn Cao vừa nhấp rượu
vừa đọc, đến khuya đã xong.
Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Cái
vỉa hè như áo cài khuy
Sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, tháng 8-1964, Mỹ bắt đầu ném bom phá hoại miền Bắc.
Hà Nội, các thành phố lớn, các cảng biển là mục tiêu chính. "Những năm bom
Mỹ trút trên mái nhà"… Ông già bà cả dắt díu bế bồng trẻ con chạy về quê
sơ tán, người lớn vẫn ở lại thành phố, tay búa tay súng, vừa sản xuất vừa chiến
đấu.
Cuộc sống thời chiến giai đoạn này được cụ Nguyễn Tuân gói trong tập Hà
Nội ta đánh Mỹ giỏi (Hội Văn nghệ Hà Nội, in năm 1972), gồm 9 tùy bút
được viết rải rác trong khoảng thời gian từ 1966 -1972. Tên của tùy bút số 7 được
lấy làm tên của cuốn sách.
Như đã nói, ở Hà Nội và các thành phố chỉ người già trẻ con đi sơ tán,
người lớn vẫn phải trụ lại, công trường nhà máy vẫn hoạt động, cho nên vỉa hè
nào cũng có hầm cá nhân để trú ẩn khi còi báo động máy bay địch tới.
Đoạn kết Tùy bút số 7, Nguyễn Tuân tả: "Bên các gờ hố cá nhân mở nắp,
trên các lề phố, trước cổng các cơ quan, trên mặt đường nhựa, từ khắp năm cửa ô
trở vào, hoa sấu vẫn nở vẫn vãi vương khắp thủ đô tưng bừng chiến thắng".
Điều khó nhất của họa sĩ thiết kế bìa sách là phải tìm cho ra được hình ảnh
chìa khóa, hình ảnh logo, vì hình ảnh ấy sẽ ôm trọn nội dung cuốn sách. Người họa
sĩ thiết kế trước tiên phải là người đọc. Văn Cao quá tinh khi chọn hình ảnh hố
cá nhân. Bố cục bìa sách khúc chiết, chia đôi trên/dưới, trời/đất. Phần trên là
tên tác giả và tên sách mầu xanh áo lính, dưới là hình những hố cá nhân đã được
cách điệu, cô đọng, biểu cảm, khỏe chắc với hai mầu đen và ghi.
hố cá nhân
Nhà họa sĩ Văn Cao ở phố Yết Kiêu, nhà thơ Trần Dần ở Vũ Lợi, nhà thơ Đặng
Đình Hưng ngay Nguyễn Thượng Hiền, các ông cùng là hàng xóm với một quán rượu
quen, quán Xiếc vì quán đối diện cổng rạp xiếc. Nhà thơ Đặng Đình Hưng tuần nào
cũng đạp xe về quê, làng Thụy Hương gần chùa Trăm Gian cất rượu, bán lại cho
"bà Xiếc", lãi quy thành rượu để uống với bạn bè.
Ngoài các thầy còn các thi sĩ tửu đồ trẻ hơn như Phan Đan, Đào Trọng
Khánh… xoay vần tháng năm chỉ loanh quanh chuyện trò văn nghệ chứ còn biết chuyện
gì mà nói, thi thoảng đọc cho nhau nghe vài ba câu thơ lẻ.
Khuya hôm ấy, đã ngà ngà, trước khi dìu Văn Cao về, Đào Trọng Khánh đọc một
bài thơ mới của ông: "Cái vỉa hè như áo cài khuy/Hố phòng không sũng nước".
Cuối thu, đầu đông 1972, Hà Nội căng như dây đàn, ai cũng linh cảm về những
ngày tới, Mỹ sẽ leo thang bằng B52 để san phẳng Hà Nội. Hình như bữa ấy họ uống
nhiều hơn? Trần Dần, Đặng Đình Hưng đi cùng nhau về, hai ông chia tay dưới gốc
cây bàng ở cửa nhà Trần Dần. Đám còn lại đưa Văn Cao về, phố vắng, vỉa hè nhiều
"khuy áo" hơn, có cả những cái mới đào thêm, dở dang nham nhở.
Hình ảnh hố cá nhân trong tùy bút của Nguyễn Tuân và trên hè phố đã cộng
hưởng tạo ra xúc cảm cho designer Văn Cao vẽ thành bức tranh làm hình nền của Hà
Nội ta đánh Mỹ giỏi.
Văn
Cao họa sĩ và chuyện tay trái nuôi tay phải
Với Văn Cao, thiết kế đồ họa là một nghề, logo tạp chí Văn Nghệ,
nay là Tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam cũng là thiết
kế của ông cùng họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Một số bìa sách mà ông thiết kế cũng rất đáng nhớ như tập thơ Hương
cây/Bếp lửa của Lưu Quang Vũ, in chung với Bằng Việt (Nhà xuất bản Văn
Học 1968), đây chính là tập thơ "chào sân" của Lưu Quang Vũ hoặc Tuyển
tập ca khúc Làng tôi của ông (Nhà xuất bản Văn Hóa, 1975)… Những tranh
làm hình nền cho bìa sách của ông đều thống nhất theo tinh thần ước lệ, gợi
hình chứ không tả hình, thật thà kể lể. Cũng có thể coi đó là những bức tranh
bán trừu tượng.
Bên cạnh thiết kế bìa, ông còn tham gia vẽ minh họa thơ, văn cho các báo,
chủ yếu là báo Văn Nghệ. Sau "tai nạn" Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956 đến
khi Đổi mới năm 1986, Văn Cao họa sĩ sáng tác nhiều hơn Văn Cao nhạc sĩ, đời sống
khó khăn, tay trái nuôi tay phải qua ngày nhưng ông vẫn vui, "mùa bình thường,
mùa vui nay đã về" (bài Mùa xuân đầu tiên, 1976).
Bộ tứ Nghiêm Liên Sáng Phái cùng Văn Cao trong giai đoạn này là những người
có công lớn trong việc cách tân minh họa, minh họa của các ông đều là những tác
phẩm độc lập… Xem lại minh họa Kiều của Nguyễn Tư Nghiêm (bản in song ngữ Việt
- Pháp, Nhà xuất bản Ngoại Văn, 1979), minh họa Hề Chèo - Hà Văn Cầu (Nhà xuất
bản Văn Hóa, 1977), minh họa chính trong cuốn Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của
Bùi Xuân Phái, minh họa của Văn Cao trong sưu tập của ông Bổng (Hàng Buồm)… thì
thấy rõ cá tính sáng tạo của từng họa sĩ in đậm trên minh họa thế nào.
Giai đoạn 1945-1954, Văn Cao cũng đã là một cây bút minh họa quen thuộc
cho các tờ Độc Lập, tạp chí Văn Nghệ, báo Lao Động,
nhất là hai tờ Quân Bạch Đằng và Gió Biển của
Hải Phòng quê ông.
Bìa sách Làng Tôi
Với cách tạo hình lấy nét làm chủ đạo, vài ba nét để bắt được đặc điểm
nhân vật, cái thần của nhân vật, Văn Cao cũng để lại cả dấu ấn trong thể loại
ký họa chân dung. Chân dung Nguyễn Tuân, bác sĩ Trần Duy Hưng, họa sĩ Tạ Tỵ,
nhà phê bình Đặng Thai Mai…
Nguyên cớ nào đưa Văn Cao đến với hội họa?
Hồi nhỏ ở Hải Phòng, ông chỉ mới dừng ở mức độ thích vẽ, thích tìm hiểu về
hội họa. Nhà thơ Thụy Kha kể: "Hồi ấy, vào khoảng 1942, vừa như thế là trốn
chạy cho xa cái không gian của cuộc tình, vừa là tính lang thang của nghệ sĩ, vừa
là thực sự muốn tìm một nghề gì vững chãi để kiếm miếng cơm manh áo, Văn Cao
quyết định lên Hà Nội. Dù lúc ấy, ông đã rất nổi tiếng bởi những nhạc phẩm Buồn
tàn thu, Thiên thai, Bến xuân và Suối mơ, nhưng tân nhạc
lúc đó chỉ để chơi, không làm ra cơm áo được.
Hình : https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2023/9/5/img-0384-16939084126391952639661.jpg
Minh họa của Văn Cao
Lên Hà Nội, Văn Cao chuyển hướng sang hội họa. Ông nhập học khóa dự bị của
Trường Mỹ thuật Đông Dương với sự khuyến khích của họa sĩ Lưu Văn Sìn. Ở lĩnh vực
này, Văn Cao cũng tỏ ra có một tài hoa kỳ lạ, hứa hẹn nhiều. Làm sao quên được
những ngày lang thang sống nhờ bè bạn. Một bữa cơm canh cá ở nhà Nguyễn Đình
Phúc. Một ít mầu dầu của Lưu Văn Sìn cho là biết bao đùm bọc, là biết bao tình
nghĩa.
Văn Cao đâu có phụ lòng bè bạn. Ở triển lãm duy nhất đầu năm 1944 này, ba
bức sơn dầu của ông: Cô gái dậy thì, Thái Hà ấp đêm mưa và nhất
là bức Cuộc khiêu vũ của những người tự tử đã làm giới mỹ thuật
ngạc nhiên về bút pháp và màu sắc.
Ba bức tranh được treo ở chỗ tốt nhất của phòng tranh Hội Khai Trí Tiến Đức".
(Trích Văn Cao - Những tài danh âm nhạc Việt Nam của Nguyễn Thụy
Kha).
Qua đó để thấy sự dạy của Trường Mỹ thuật Đông Dương tốt thế nào và tố chất
tự học rất đặc biệt của Văn Cao, kể cả tự học âm nhạc. Tất nhiên bên cạnh đó
còn là yếu tố thiên bẩm mới có thể tạo ra họa sĩ, nhà thiết kế đồ họa Văn Cao.
Mỹ thuật không chỉ là đồ họa, ký họa, minh họa, biếm họa, Văn Cao vẽ nhiều biếm
họa nhưng cốt yếu của hội họa vẫn phải là những tác phẩm sáng tác bằng sơn dầu: Chân
dung nhà văn Đặng Thai Mai (100x70cm/sơn dầu trên toan/1977), Thanh
niên vùng cao (59x79cm/sơn dầu trên toan/1978), Chân dung ông
Lâm (82x60cm/sơn dầu trên toan/1971).
Hình : https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2023/9/5/img-0379-1693908292855200278853.jpg
Bìa báo Văn Nghệ
Vâng, 1971, đạn bom sống chết, ông Lâm vẫn bán cà phê, khi rảnh vẫn đến
nhà Văn Cao ngồi mẫu. Văn Cao vẫn vẽ, vẫn có sơn và toan to để vẽ và chắc hẳn từ
khi bắt đầu vẽ đến khi kết thúc thì nhiều lần bị dừng đột ngột vì còi báo động,
"đồng bào chú ý, đồng bào chú ý máy bay địch cách Hà Nội…", còi báo
yên, vẽ tiếp. Nếp sống thời chiến nó thế thì phải thuận theo, đã đành nhưng
cũng phải nói, đó là cái chất Hà Nội, chất chơi, chất kệ…
Tuy chỉ học dự bị hai năm, tuy số lượng tranh không nhiều, tuy cái
tên nhạc sĩ Văn Cao che lấp phần nào cái tên họa
sĩ Văn Cao nhưng không thể phủ nhận những đóng góp của ông cho giai đoạn đầu
tiên của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Hình : Minh họa của Văn Cao bài báo MiỀN QUÊ XA CÁCH
Đặc điểm dễ nhận biết nhất trong thẩm mỹ hội họa của ông chính là kết hợp
hài hòa giữa hội họa và đồ họa. Tạo hình bằng nét kết hợp mảng phẳng, không sa
đà vào chi tiết, bỏ qua kiểu vờn tỉa, tả khối, sáng tối. Đặt tác phẩm của ông
trong những năm tháng đó, bên cạnh những tác phẩm của các họa sĩ khác mới thấy
cái riêng, cái mới của Văn Cao.
Đi tìm cái mới, ủng hộ cái mới là tính tình của ông. Còn nhớ hồi 1948 ở
Việt Bắc, cùng Nguyễn Đình Thi, ông đã nhiệt tình cổ xúy cho thơ tự do, thơ
không vần.
Tôi không đặt ra câu hỏi, hồi ấy nếu Văn Cao tiếp tục theo học Trường Mỹ
thuật Đông Dương sau hai năm dự thính (1942-1944) thì thế nào? Bởi lẽ tháng
3-1945 khi Nhật đảo chính Pháp thì trường cũng đóng cửa, hơn nữa như đã nhắc, bản
thân Văn Cao là người có chất tố tự học rất cao và cuối cùng, cái khác biệt -
điều quan trọng nhất để nhận định về một họa sĩ - mà Văn Cao đóng góp cho hội họa
đủ để ông là họa sĩ Văn Cao rồi.
Hoặc nói như nhà thơ Đặng Đình Hưng, bạn ông: "Nếu anh là nhà thơ
thì tôi sẽ khám túi anh xem anh có vài ba chữ ở trong không? Nếu anh là họa sĩ
thì túi anh có hình nào, mầu nào không?".
Hình : https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2023/9/5/img-0380-16939083384541468547397.jpg
Minh họa của Văn Cao
Mở đầu trường ca Những người trên cửa biển, ông viết
"Sinh ra tôi đã có Hải Phòng". Cũng có thể, sinh ra ông đã là nghệ
sĩ. Nghệ sĩ Văn Cao như một quẻ, gồm có 3 hào: âm nhạc, thi ca và hội họa. 3 hào này giao hòa với nhau mới
thành quẻ. Ông thường ký tên trên tác phẩm của mình là Văn. Tôi gọi quẻ này là
Quẻ Văn.■
No comments:
Post a Comment