Thursday, September 7, 2023

TUYÊN BỐ CHỦ TỊCH ASEAN 2023 DÀNH ƯU TIÊN CHO AN NINH HÀNG HẢI và MIẾN ĐIỆN (Thanh Hà / RFI)

 



Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2023 dành ưu tiên cho an ninh hàng hải và Miến Điện

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 07/09/2023 - 12:21Sửa đổi ngày: 07/09/2023 - 12:23

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20230907-th%C3%B4ng-c%C3%A1o-chung-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-asean-2023-d%C3%A0nh-%C6%B0u-ti%C3%AAn-cho-%E1%BB%95n-%C4%91%E1%BB%8Bnh-tr%C3%AAn-bi%E1%BB%83n-v%C3%A0-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n

 

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ( ASEAN ) kêu gọi tăng cường an ninh, đặc biệt là an ninh hàng hải, đẩy mạnh trao đổi mậu dịch và tìm giải pháp cho khủng hoảng Miến Điện. Đây là những điểm chính trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN được công bố hôm nay 07/09/2023 tại Jakarta, Indonesia.

 

https://s.rfi.fr/media/display/c5e2bab4-4d64-11ee-ae7a-005056a90321/w:980/p:16x9/2023-09-06T033559Z_32846676_RC2P23AKLAER_RTRMADP_3_ASEAN-SUMMIT-CHINA.webp

Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, tại thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc, Jakarta, Indonesia ngày 06/09/2023. VIA REUTERS - POOL

 

Văn bản đề ngày 05/09 nhưng chỉ được công bố vào lúc thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 bế mạc hôm nay 07/09/2023. Liên quan đến Miến Điện, thông cáo Jakarta « mạnh mẽ lên án bạo lực gia tăng » gieo rắc đau khổ, đẩy quốc gia Đông Nam Á này vào « khủng hoảng nhân đạo ». Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á chủ trương duy trì bản đồng thuận 5 điểm nhằm vãn hồi ổn định chính trị tại Miến Điện. 

 

Trong văn bản dài 34 trang kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên ASEAN, Indonesia và các đối tác Đông Nam Á tránh nêu đích danh các quốc gia trên thế giới, nhưng đã bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về những căng thẳng địa chính trị trong khu vực đang gia tăng, về sự « thiếu hợp tác » trong lĩnh vực chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, về những bế tắc trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Tình hình Biển Đông cũng là đề tài đã được đề cập đến, khối ASEAN nhìn nhận « lo ngại » của một số thành viên trước những « tranh chấp chủ quyền » làm « xói mòn lòng tin », đồng thời « tác động đến an ninh, hòa bình » của khu vực. Do vậy ASEAN nhấn mạnh đến ưu tiên « duy trì và phát triển hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải » ở Biển Đông trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS.

 

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trực tiếp liên quan đến 4 nước thành viên ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Trong cuộc họp hôm qua 06/09/2023 với thủ tướng Nhật Bản và tổng thống Philippines, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris một lần nữa khẳng định « cam kết lâu dài của Mỹ với Đông Nam Á, và rộng ra hơn là với toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ». Tránh nêu đích danh Trung Quốc, nhưng Washington nhắc lại lập trường chống mọi « thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông ». 

 

Với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN, tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm nay một lần nữa nhấn mạnh thượng đỉnh Jakarta là một diễn đàn « hợp tác », không phải là nơi để phơi bày những hiềm khích. Theo ông, cộng đồng quốc tế có trách nhiệm tránh tạo ra thêm những « xung đột, căng thẳng và chiến tranh », hiềm khích giữa các cường quốc trên thế giới « tàn phá » thịnh vượng chung.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

MIẾN ĐIỆN - ASEAN - BIỂN ĐÔNG

ASEAN họp thượng đỉnh vẫn với hai hồ sơ chính là Miến Điện và Biển Đông

 

ASEAN - TRUNG QUỐC

ASEAN họp thượng đỉnh mở rộng trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc

 

MIẾN ĐIỆN - ASEAN

Khủng hoảng Miến Điện : Naypidaw lên án quyết định « đơn phương » của ASEAN

 





No comments: