(Bài viết
nhân kỷ niệm trang Bauxite Việt Nam 10
năm)
10:17 | Posted by BVN4
https://boxitvn.blogspot.com/2023/09/vai-ieu-tom-lai-cho-gon.html
(Bài 1 trong chuyên mục đăng lại
các bài viết của tác giả Hà Sĩ Phu về Một chủ nghĩa phản khoa học và phản tiến
hóa)
Hà Sĩ Phu
(Bài viết nhân kỷ niệm trang Bauxite Việt Nam
10 năm)
Chủ nghĩa CS đã được thực tiễn và cả thế giới
văn minh chứng minh là con đường sai lầm và phản tiến hóa thì phải từ bỏ, mọi
cách làm khác đều chỉ là ngụy biện và lừa bịp!
Trang Bauxite Việt Nam ra đời đã 10 năm, vượt
qua bao đoạn thăng trầm, có lúc tưởng đã không trụ nổi. Tôi cùng một vài bạn đồng
tâm ở Đà Lạt đã có hân hạnh và duyên nợ đóng góp cùng trang Bauxite Việt Nam để
vượt qua tất cả những bước trầm luân ấy. Nay trang Bauxite Việt Nam đã lên mười
tuổi thì cũng là lúc sức khỏe của tôi có những báo động chuyển biến bất thường,
trước nguy cơ có thể không còn viết lách gì được nữa. Vì vậy xin làm một việc
là điểm lại những ý chính mà tôi đã viết trong một vài năm cuối cùng vừa qua,
chủ yếu đăng trên trang Bauxite Việt Nam.
Bài chia làm 2 phần:
Phần 1: Lý thuyết Mác-Lê xuất phát từ những nhầm
lẫn, phản tiến hóa.
Phần 2: Một tà thuyết, sao có thể bùng lên,
kinh thiên động địa một thời?
*
Phần 1
Lý thuyết Mác-Lê xuất phát từ
những nhầm lẫn, phản tiến hóa
Xin không bàn về những lý thuyết thuần túy Triết
học của Marx, mặc dù Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử Mác-xít cũng có những
điều rất cần phải tranh luận về mặt Triết học. Điều có ý nghĩa thực tế cần thiết
cho xã hội ở đây là chỉ xét những “lý sự” gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin được dùng
làm kim chỉ nam chỉ đạo mọi chủ trương của Đảng Cộng sản, những điều đã thành
nhận thức phổ thông, tuyên truyền phổ cập ai cũng biết. Hiện nay về lý thuyết
cũng như thực tiễn Cộng sản tuy có những biến đổi để hòng thích nghi nhưng bản
chất chủ thuyết căn bản vẫn không có gì thay đổi.
Trong bài Từ Nguyễn Phú Trọng đến Lê Hiền Đức
(2012, đăng trên trang mạng của nhà văn Phạm Thị Hoài) tôi đã kể qua 9 điều “nhầm
lẫn nhỏ” (mà các Cụ nhà ta thường dùng chữ rất hay là “bé cái nhầm”) của
Mác-Lênin khi dựng một học thuyết cao siêu và vĩ đại. Ở đây chỉ xin nhắc lại
năm điều nhầm lẫn quan trọng nhất.
1/ Mác-Lênin hiểu nhầm về thời đại mà các ông đang sống
Tại sao có thể nói các nhà Mác-xít kinh điển
đã “đọc nhầm” thông điệp của Thời đại?
Thế kỷ 18-19 và đầu thế kỷ 20 là thời kỳ phôi
thai bột phát của nền văn minh Công nghiệp, vừa đem lại những thành quả nhảy vọt
nhưng đồng thời cũng tạo ra những tai họa nhất thời mà lúc đầu chưa có phương
án chế ngự, đó là sự áp chế của một số chủ Tư bản đối với Công nhân và sự áp chế
của các nước đại công nghiệp đối với các nước còn lạc hậu cổ hủ, sự áp chế được
gọi là Chủ nghĩa Đế quốc và Chủ nghĩa Thực dân.
Chủ nghĩa Đế quốc-Thực dân ấy thực ra chỉ là
bước chập chững, loạng choạng, hăm hở chào đời của một “đứa hài nhi” sẽ thành
khổng lồ, nhưng Mác-Lê tưởng “Chủ nghĩa Đế quốc là giai đoạn tột cùng của Chủ
nghĩa Tư bản”! Đã là “giai đoạn tột cùng” rồi thì tất nhiên là già nua sắp chết,
nên phải nghĩ ngay ra một Chủ nghĩa mới để thay thế, trước mắt là huy động “Vô
sản toàn thế giới liên hiệp lại” để đào mồ chôn nó đi! Nhưng rồi theo thời gian
đứa hài nhi có gien khổng lồ ấy “cứ giãy mãi mà không chết”, ngày càng trưởng
thành và sửa chữa những điều ấu trĩ của mình, còn cái chủ nghĩa với đội quân đi
“đào mồ chôn” nó thì cứ huênh hoang vô địch nhưng bỗng lăn ra chết ngay tại quê
hương của mình, mà chẳng thấy giãy giụa gì.
2/ Mác-Lênin hiểu nhầm Lịch sử, tưởng Lịch sử chỉ là một chuỗi đấu
tranh giai cấp, và coi đấu tranh giai cấp là động lực của Tiến hóa
Theo Mác, Lịch sử là một chuỗi những cuộc đấu
tranh giai cấp, với tư cách là động lực của Tiến hóa (trích: Giai cấp bị trị và
giai cấp thống trị luôn đối kháng nhau về quyền lợi nên sinh ra đấu tranh giai
cấp. Nô lệ chống chủ nô làm chế độ chiếm hữu nô lệ tan rã. Nông dân chống địa
chủ phong kiến làm chế độ phong kiến tan rã. Giai cấp công nhân chống giai cấp
tư sản làm chủ nghĩa tư bản sụp đổ…
… Kết quả cuối cùng của những cuộc đấu tranh
đó đều dẫn tới sự ra đời của phương thức sản xuất mới thông qua đỉnh cao của nó
là những cuộc cách mạng xã hội).
Mác nhìn lịch sử Tiến hóa của nhân loại như một
chuỗi những đoạn đứt khúc do các cuộc Cách mạng, dùng bạo lực lật đổ nhau để tạo
ra thể chế mới và mỗi lần như thế làm cho xã hội tiến hóa lên một bước mới. Đó
là quan điểm Chính trị Mác-xít xuất phát từ Chủ nghĩa Kinh tế (khi hạ tầng Kinh
tế thay đổi thì thượng tầng Chính trị cũng thay đổi theo).
Nhưng trên quan điểm khoa học thì phải hiểu sự
Tiến hóa như thế nào?
Trước hết, trong thế giới động vật, Tiến hóa
là sự chọn lọc tự nhiên trong đấu tranh sinh tồn, đấu tranh giữa sống và chết,
do đó cơ thể phải biến đổi để thích nghi. Động vật thích nghi với điều kiện sống
chỉ bằng chính cơ thể của nó, loại cơ thể nào không biến đổi được để thích nghi
thì bị tiêu diệt. Tiến hóa để lại dấu ấn trên cấu tạo cơ thể và do đó cũng thay
đổi các tập tính.
Nhưng sự Tiến hóa của con người, sống thành xã
hội, thì khác hẳn:
Do có TRÍ TUỆ, là sự phát triển cao nhất của
Sinh giới, nên hình thành tiếng nói và chữ viết để ghi lại những thành quả của
thế hệ trước để thế hệ sau tiếp tục “ngồi lên vai” mà tiến cao hơn. Sự tích lũy
và gia tăng của Trí tuệ để lại dấu ấn trong sách vở, trong công cụ lao động và
cả trong phương thức quản lý-điều hành xã hội. Con người thích nghi với môi trường
bằng những công cụ và những phương tiện do Trí tuệ và lao động của mình tạo ra,
nên cấu tạo cơ thể không cần thay đổi mà cả xã hội vẫn tiến hóa ngày một cao
hơn.
Như vậy, sự tích lũy và gia tăng Trí tuệ, tức
động lực của Tiến hóa, xảy ra có tính liên tục, và có sự cộng tác, hiệp lực với
nhau trong xã hội, cho dù vẫn còn mâu thuẫn với nhau về quyền lợi. Còn sự Đấu
tranh giai cấp cũng chỉ là một mặt trong sinh hoạt xã hội, đấu tranh giai cấp bằng
các cuộc Cách mạng như thế là những bước gián đoạn, có thể thúc đẩy sự Tiến hóa
nhưng cũng có khi làm hại cho Tiến hóa (cuộc đấu tranh giai cấp, một mất một
còn trong Cải cách ruộng đất và trong Cải tạo Tư bản tư doanh của xã hội Việt
Nam do Đảng Cộng sản chỉ huy là một ví dụ làm hại cho Tiến hóa, biến Việt Nam từ
một xã hội có đoàn kết nhân ái và có tiềm năng phát triển biến thành một xã hội
đầy thù hận và “không chịu phát triển” như bấy lâu nay).
3/ Mác-Lênin tưởng nhầm vai trò lịch sử của mình, nên đoạn tuyệt với các
giá trị truyền thống, không đi tiếp con đường văn minh của nhân loại
Do tiếp nhận được tinh thần “vạch đường cho
nhân loại, cải tạo cả nhân loại” của chủ nghĩa Mác-Lê cực đoan và ngạo mạn, nhà
thơ mê tín Cộng sản Tố Hữu đã có những câu thơ để đời ca ngợi Cách mạng vô sản
Tháng Mười Nga như sau:
Thuở Anh
[Cách mạng tháng Mười] chưa ra đời,
Trái đất còn
nức nở,
Nhân loại chửa
thành người.
Người Cộng sản coi cả nhân loại này không đáng
là người khi chưa được Mác-Lê dẫn lối. Họ muốn xóa sạch loài người cũ không
đáng là người, để nhận trách nhiệm lịch sử dựng một loài người mới cho xứng
đáng là người ư? Ngông cuồng đáng khôi hài đến thế là cùng!
Về quản lý xã hội thì Mác-Lê coi mọi Nhà nước
xưa nay chẳng qua là công cụ để bóc lột người lao động, nên phải tiến tới làm
cho nhà nước tiêu vong đi để cho giới lao động trực tiếp làm lấy việc quản lý.
Thế là không thèm hiểu về sự phân công xã hội. Cũng do không thèm hiểu về sự
phân công xã hội nên mới coi giai cấp công nhân, giai cấp lao động, chính là
“giai cấp tiền phong, giai cấp lãnh đạo, giai cấp tiêu biểu cho phương thức sản
xuất tiên tiến nhất”!
Mặc dù có nhà lý luận cố bênh vực Mác rằng “Sứ
mệnh lịch sử của giai cấp vô sản không phải là “ý muốn nhân tạo”, hoặc “lựa đặt
ngông cuồng” của C. Mác mà do địa vị kinh tế - xã hội khách quan quy định”,
nhưng thực tế thì một giới lao động nào đó cũng chỉ là sản phẩm của một nền văn
minh tương ứng sinh ra, chứ tiêu biểu và dẫn dắt cho nền văn minh đó phải ở giới
chuyên viên và trí thức tinh hoa, có đủ Trí tuệ, đủ trình độ điều hành, vì đó
là sự phân công tự nhiên trong xã hội.
Thực ra đến thời các ông Mác và Lê ra đời, tức
thời kỳ Văn minh Công nghiệp Nhân loại đã tiến được những bước khá xa, đã có ý
thức nâng đỡ sự phát triển cá nhân để tạo ra mọi giá trị, đồng thời biết quản
lý xã hội theo nguyên tắc Dân chủ và Pháp trị: DÂN CHỦ để cá nhân có điều kiện
phát triển nhưng đồng thời cần PHÁP TRỊ để khống chế sự phát triển Tự do cá
nhân sao cho không thể ảnh hưởng xấu đến người khác và đến cả cộng đồng.
Trong xã hội Pháp trị, Đạo đức “phải trở thành
thừa”, không cần anh đạo đức, anh cứ làm đúng Pháp luật là đúng đạo đức rồi.
Giáo dục đạo đức chỉ là biện pháp hỗ trợ, rất cần cho tuổi thanh thiếu niên.
Khi trưởng thành, sống trong xã hội thì “Trường đời” mới là trường học tự nhiên
hun đúc con người. Xã hội có Pháp trị lành mạnh thì hun đúc ra những con người
tử tế, xã hội vô pháp thì hun đúc ra những con người lưu manh. Khi bộ máy cầm
quyền còn hư hỏng thì làm sao các công dân lại có thể sống cho tử tế được, dù
có giáo dục đạo đức bao nhiêu cũng bằng thừa, vì “Trường đời” đã giáo dục tất cả.
Khi Mác (1818-1883) và Lê (1870-1924) ra đời
thì đã có những nhà tư tưởng về Dân chủ và Pháp trị như John Locke (1632-1704),
Montesquieu (1689-1775), Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), Voltaire
(1694-1778)…, họ đã tạo ra cả một thời đại Khai sáng, với lý thuyết về Khế ước
xã hội, chống chủ nghĩa chuyên chế và xây dựng Chủ nghĩa tự do, đặc biệt là
hình thành lý thuyết về Tam quyền phân lập để điều hành xã hội. Lịch sử loài
người hàng nghìn năm mới đạt đến trình độ như vậy, nền văn minh ấy đã đạt được
rất nhiều thành quả nhưng lại tạo ra những mâu thuẫn mới mà xã hội cần tìm cách
khắc phục, chứ không thể nói nhân loại lúc ấy “chưa thành người”!
Chính Mác-Lê “đoạn tuyệt một cách triệt để nhất
với các giá trị truyền thống” mới là người mắc bệnh “phủ nhận quá khứ”, mà “phủ
định sạch trơn” một cách vô lý nhất, chứ những người dân chủ ngày nay có phủ định
con đường Mác-Lê cũng chỉ là “phủ định sự phủ định” đúng phép biện chứng để trả
lại cân bằng cho thế gian, đem lại bình yên cho cuộc sống mà thôi!
Nếu trào lưu Cộng sản chỉ như một làn sóng phản
biện, chỉ vạch trần, phê phán những yếu kém, những bất công do xã hội Công nghiệp
lúc ấy tạo ra thì quá tốt, để giúp xã hội buộc phải thanh toán những khuyết tật
của mình. Cộng sản muốn tranh giành quyền bính cũng tốt thôi, nhưng phải giành
bằng cách cạnh tranh công khai-dân chủ, chứ không thể “cướp” chính quyền, và
giành được chính quyền rồi thì đi tiếp con đường tiến bộ của nhân loại tức con
đường Dân chủ đa nguyên Pháp trị như các nước Bắc Âu bây giờ (đó là nền Dân chủ
Xã hội bắt nguồn từ Quốc tế 2), rồi cũng thực hiện đường lối Lao-Tư lưỡng lợi
như cụ Phan Châu Trinh đã nghĩ đến (tạo điều kiện để các nhà Tư bản kinh doanh
chân chính và thu lãi nhiều để có tiền góp cho các quỹ phúc lợi xã hội, trợ cấp
người lao động, người nghèo, người già yếu tàn tật…).
Con đường Dân chủ Xã hội (đừng dịch nhầm là Xã
hội chủ nghĩa) của Bắc Âu tuy có tiếp nhận Mục đích tốt đẹp mà Mác-Lê gợi ý,
nhưng Phương tiện tiến hành hành thì hoàn toàn khác nên thành công rực rỡ, dù bị
các nhà lý luận Mác-xít ghét bỏ như kẻ thù, nhất là lý luận gia Nguyễn Đức
Bình, bởi đó là đối chứng hùng hồn nhất, chứng minh Mác-Lê muốn làm điều tốt
song cách làm hoàn toàn sai lầm nên gây hiệu quả ngược với mục đích.
Lối thoát danh dự cho Cộng sản Việt Nam hiện
nay là từ bỏ con đường cực đoan ảo tưởng Mác-Lê của Quốc tế 3, để theo con đường
Bắc Âu (tức con đường từ Quốc tế 2 mà Thụy Điển là tiêu biểu), cũng là con đường
Phan Châu Trinh chủ trương (con đường bị Hồ Chí Minh phê phán là hữu khuynh
thân Pháp). Thực chất cái gọi là “chủ nghĩa Tư bản” chẳng qua là một giai đoạn
khá cao trong tiến trình Tiến hóa tự nhiên của xã hội loài người, giai đoạn văn
minh Công nghiệp và Đại Công nghiệp, gọi là “chủ nghĩa” nhưng không ai nghĩ ra
trước, không có tác giả như trường hợp “chủ nghĩa Cộng sản”.
Nhưng sai lầm chết người ở chỗ phong trào Cộng
sản tưởng nhầm là lịch sử giao cho mình nhiệm vụ phải làm lại thế giới, cướp lấy
chính quyền để xây dựng một chế độ Mác-xít, theo một chủ nghĩa do một vài tác
giả cụ thể bốc đồng nghĩ ra trong một thời gian ngắn, một Thiên đường hết sức
chủ quan, thiếu hiểu biết, rất phản khoa học, phản quy luật. Cái chủ nghĩa Cộng
sản mới toanh ấy tuyên bố “đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với các giá trị
truyền thống đã có”, nên gạt bỏ hết mọi giá trị mà nhân loại phải hàng nghìn
năm mới đạt được là nền Dân chủ đa nguyên Pháp trị với thiết chế Tam quyền phân
lập.
Mục đích Cộng sản thì cao siêu nhưng phương
cách thực hiện là bạo lực cách mạng, là độc đảng toàn trị nên thực tế đã đạp đổ
tất cả nền Dân chủ Pháp trị vừa mới manh nha. Người Cộng sản coi các giá trị đó
là sản phẩm của chủ nghĩa Tư bản nên quyết tâm đào mồ chôn nó đi. Chính từ sự
kiêu ngạo vô lối này, chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lê đã tự đào mồ chôn chính mình
trước lịch sử tiến hóa Nhân loại.
4/ Mác-Lênin ảo tưởng vì không hiểu bản tính Con người
- Mác-Lê dám tưởng tượng sẽ có ngày “làm theo
năng lực, hưởng theo nhu cầu” vì tin rằng khi được chế độ Cộng sản giáo dục thì
“con người mới” sẽ rất thánh thiện chứ không ai tham lam, muốn làm ít mà đòi hưởng
nhiều!
- Tuy Mác vẫn nhắc một danh ngôn cổ điển
“Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi” nhưng có lẽ Mác vẫn không
hiểu, không chấp nhận bản tính tự nhiên của con người. Nếu Mác-Lê biết bản tính
con người vốn tham lam và lợi dụng khi không bị luật pháp kiềm chế thì Mác-Lê
đã không cho phép Đảng Cộng sản được độc quyền lãnh đạo. Không có đa nguyên kiềm
chế, khiến cho các Đảng Cộng sản cầm quyền đều mặc sức lạm quyền, mặc sức tham
nhũng quyền lực như ở các nước Cộng sản ngày nay (ví dụ: đã làm Tổng Bí thư lại
muốn kiêm luôn Chủ tịch nước để nắm gọn toàn bộ quyền lực trong tay như Tập Cận
Bình và những người tương tự)! Nếu hiểu bản tính tham lam của con người, sao lại
trao toàn bộ khối Công hữu khổng lồ của đất nước cho cơ quan nhà nước “thống nhất
quản lý” để nó biến hết của công thành của tư? Chính luật pháp Tư bản hiểu rõ
con người nên mới không cho tập trung quyền lực mà phải “Tam quyền phân lập” hẳn
hoi, chứ không lừa dối bằng kiểu “tam quyền phân công” từ một đầu mối là sự chỉ
huy thâu tóm của một đảng duy nhất.
5/ Mác-Lênin hiểu nhầm về nguyên nhân khổ ải và bất công, và do đó sai
lầm về các biện pháp giải quyết
Đi vào những việc cụ thể Mác-Lê cũng mắc những
nhầm lẫn. Mác-Lê quy nguyên nhân mọi tai họa là do tính Tự do cá nhân và tính Tư
hữu nên tìm mọi cách để “chống chủ nghĩa cá nhân” và diệt Tư hữu để công hữu
hóa hết thảy, và để nhà nước Cộng sản duy nhất quản lý. Kết quả là không có gì
phát triển được và chính cái nhà nước Vô sản độc quyền quản lý tài sản Công hữu
thì nó biến mọi Công hữu thành Tư hữu của họ. Để tránh tệ nạn tham nhũng và cậy
quyền thì Đảng Cộng sản lại dùng biện pháp “phê và tự phê, tu dưỡng đạo đức,
theo đạo đức Bác Hồ”, kết quả là những kẻ càng ca tụng đạo đức bao nhiêu thì sự
tham lam lại ngày càng phát triển bấy nhiêu. Nền Kinh tế chỉ huy (với các kế hoạch
5 năm) và Kinh tế quốc doanh làm cho nhà nước và nhân dân đều kiệt quệ nhưng
cái túi riêng của những “học trò xuất sắc của đạo đức Bác Hồ” thì căng đầy tiền
tỷ đô la để gửi ngân hàng Thụy Sĩ! Về sau, tuy biết sai lầm nên đã chuyển sang
Kinh tế thị trường và ca ngợi Kinh tế tư nhân, nhưng tất cả vẫn nằm trong tay một
đảng độc quyền và một “nền Pháp trị xã hội chủ nghĩa” thì tất cả vẫn chỉ là sự
“đánh bùn sang ao”, kể cả việc “đốt lò” rùm beng cũng vậy.
Công hữu hay Tư hữu, đó là một mấu chốt của
tình hình diễn biến. Thuở ban đầu thì những người Cộng sản thật sự chân thành
tin vào con đường Công hữu như lời Mác dạy. Nhưng khi bước vào thực hiện thì
chút liêm khiết lúc đầu bị cái máu tham trong lòng tấn công. Máu tham tự nhiên
cứ như một kẻ gian truyền kiếp ẩn nấp sẵn trong lòng những tín đồ Cộng sản, cứ
đêm ngày xui họ biến những của Công trong tay thảnh của Tư, một sự “cướp ngày”
có giấy tờ rất đúng quy trình! Và cứ thế tình hình mỗi ngày một xấu. Cái máu
tham phục sẵn trong mỗi con người hỏi Mác có biết không, có “xa lạ” với Mác
không?
Đã từ lâu, miệng nói Công hữu nhưng tay làm Tư
hữu, nhưng không phải thứ Tư hữu lành mạnh công minh mà là Tư hữu gian manh. Cờ
thì giương cao Búa và Liềm nhưng hành động thì cướp đất của Nông dân và không
cho Công nhân tự lập hội để bảo vệ quyền lợi. Công và Nông là những người khổ
nhất hiện nay, trong khi trên truyền hình toàn thấy những ông bà Nông dân (phần
đông có gốc Bộ đội) có hàng chục héc-ta đất, thu lợi hàng chục tỷ mỗi năm, quá
đẹp!
Trước tình trạng Cộng sản nói một đằng làm một
nẻo như vậy thì tôi biết tranh luận những điều lý thuyết là hoàn toàn vô ích,
vì người ta nói như vậy nhưng có làm như vậy đâu nên tranh luận về lời nói làm
gì? Song, tôi vẫn muốn chốt lại một vài điều về lý thuyết chỉ để thấy cái gọi
là học thuyết Mác-Lê và Chủ nghĩa Xã hội khoa học ngay từ đầu đã chỉ là một tà
thuyết, phản khoa học, một ảo tưởng xuất phát từ khát khao đẹp đẽ muốn giải
phóng con người.
Tà thuyết đã phản lại Thiện tâm, nó sẽ bị cuộc
đời vứt bỏ, Nghị quyết 1481 của Quốc hội 46 nước châu Âu đã khẳng định Chủ
nghĩa Cộng sản là một chủ nghĩa chống Nhân loại.
Nhưng trong xã hội Việt Nam hiện nay, đừng vội
tưởng Ý thức hệ Cộng sản đã hết tầm quan trọng để không cần quan tâm đến nữa.
Trái lại Đảng Cộng sản vẫn còn giữ chặt và đẩy mạnh giáo điều Mác-Lê và xiết chặt
bộ máy Chuyên chính hơn bao giờ hết, bởi đó là chất xi măng gắn kết của hệ thống
và là cái áo giáp sắt giữ an ninh chế độ. Đảng Cộng sản mỗi khi mở cửa một chút
thông ra thế giới thường khiến cho nhiều người vui mừng, vì nghĩ cứ mỗi ngày một
chút, một tí chút thôi thì lâu dần, tích tiểu thành đại, cũng sẽ ngày một khá
lên. Xin thưa, đấy là kiểu tư duy đơn giản thuận chiều của con nít. Mỗi lần mở
ra cũng kèm theo một kế hoạch xiết lại, chặt hơn. Phía trước chờ ta luôn có một
dấu hỏi, ngay bên cạnh một niềm hy vọng.
Phần 2:
Một tà thuyết, sao có thể bùng
lên, kinh thiên động địa một thời?
1/ Quan hệ giữa Mục đích, Cứu cánh và Phương tiện
Ngày nay trên thế giới chỉ còn lại vài nước Cộng
sản và đang biến dạng, nhưng đã có một thời kỳ Cộng sản phát triển thành một
liên kết quốc tế đông đảo gây biến động thế giới.
Để hiểu vì sao lúc đầu ở một số nước số người ủng
hộ Cộng sản lại đông đảo như vậy, tôi muốn trở lại bài lý luận đầu tiên tôi viết
năm 1988 (Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ) trong đó có sự
phân chia con người thành ba giới, ba xu hướng DUY LÝ, DUY TÍN (hay Duy cảm),
và DUY LỢI. Trong chủ thuyết Cộng sản thì có phần nói về MỤC ĐÍCH và phần nói về
PHƯƠNG TIỆN tức các cách tiến hành để đi đến mục đích.
Mục đích nêu trong chủ nghĩa Cộng sản thì quá
đẹp nên hấp dẫn ngay hai giới Duy lợi và Duy cảm. Giới Duy lợi có hai cực: cực
thiểu số giàu có ở bên trên tất nhiên không ưa Cộng sản, cỏn cực lao động nghèo
khổ ở dưới đáy là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội thì hưởng ứng Cộng sản
ngay. Các trí thức văn nghệ sĩ thì đa số nặng về Duy tín hay Duy cảm, giới này
có tác dụng lôi cuốn rất mạnh đối với quần chúng đông đảo. Hai giới này chỉ cần
thấy mục đích tốt đẹp là theo, chứ không quan tâm đến Phương tiện vì nghĩ rằng
dùng Phương tiện gì cũng được, miễn Mục đích tốt là được nên hưởng ứng Cộng sản
ngay từ đầu là điều dễ hiểu. Đó là tình hình theo Cộng sản rất đông ở mấy nước
châu Á và nước Nga.
Còn với giới Duy lý, phần lớn là các trí thức
khoa học và dân chúng ở các nước đã trải nghiệm quá trình dân chủ thì có nhãn
quan khác hẳn, họ luôn nhìn xem Chủ nghĩa ấy dùng Phương tiện gì tức dùng cách
gì để đi đến mục đích. Họ hiểu Phương tiện mới là nhân tố quan trọng, Phương tiện
đúng thì Cứu cánh 究竟mới tốt (thuật ngữ Cứu cánh là cái kết quả cuối cùng, chứ không có ý
nghĩa cứu giúp như số đông vẫn hiểu lầm). Cứu cánh biện minh cho Phương tiện
(la fin justifie les moyens!). Phương tiện và Cứu cánh mới là cặp quan hệ nhân
quả máu thịt, chứ Mục đích có khi chỉ là ảo tưởng hoặc tô vẽ để tuyên truyền!
Nhìn vào Phương tiện, đường lối, thấy chủ thuyết Cộng sản chủ trương gạt bỏ Tự
do cá nhân, gạt bỏ Tư hữu, chỉ Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo… là họ biết
tương lai không thể đi đến cái đích tốt đẹp.
Cho nên mặc dù chủ thuyết Cộng sản phát sinh ở
Tây Âu và ở đó cũng có các đảng Cộng sản nhưng nhân dân Tây Âu tránh xa Cộng sản
ngay từ đầu và sau này còn cho ra một nghị quyết của Quốc hội 46 nước, Nghị quyết
1481 kết tội chủ nghĩa Cộng sản là chống nhân loại.
2/ Con đường Cộng sản vào Việt Nam
Ngoài quy luật chung, ban đầu hấp dẫn bởi cái
đích trương ra rất huy hoàng, sự hấp dẫn của Cộng sản đối với dân Việt Nam còn
có đặc điểm riêng.
- Tâm lý dưới
đáy
Đi đến cái đích đẹp thì ai cũng tán thành,
nhưng những kẻ ở dưới đáy tận củng thì có một cảm hứng đặc biệt riêng là cảm hứng
muốn lật ngược xã hội để đổi đời. Ví dụ trong lớp có 50 học sinh thì những anh
xếp thứ 30-40 biết tiến thêm vài bậc là đã khó khăn, nhưng anh suốt đời đội sổ
thì trong giấc mơ nó phải vọt lên đứng đầu và chứng minh những đứa vẫn đứng đầu
là không xứng đáng. Chỉ những anh lẹt đẹt sau cùng mới có cảm hứng “đi tắt đón
đầu” để dẫn đầu nhân loại, thay thế những kẻ dẫn đầu cũ. Nay thấy chủ nghĩa Mác
ảo tưởng đánh trúng tâm lý lật ngược xã hội ấy thì làm gì mà quần chúng lao khổ
đói rách dưới đáy chẵng rầm rập đi theo?
Khẩu hiệu “Trí Phú Địa Hào, phải đào tận gốc
trốc tận rễ” chẳng phải vì muốn thanh toán mà chính vì khát khao bốn ngôi vị
đó, phải quật những kẻ đang ngồi trên đầu để mình thay vào, cho nên khi cướp
xong chính quyền những người Cách mạng đã phát huy ngay mọi sáng kiến để trở
thành Trí Phú Địa Hào mới một cách không tuyên bố, thực tế đã và đang thấy rất
rõ.
- Sự hấp dẫn
của ngọn cờ Độc lập Dân tộc, nhưng cuối cùng “mất cả chì lẫn chài”
Mục đích của chủ nghĩa Mác là đánh đổ chủ
nghĩa Tư bản để thiết lập chủ nghĩa Cộng sản nhưng điều ấy dân Việt Nam không
quan tâm vì Việt Nam đã có chủ nghĩa Tư bản đâu mà cần đánh đổ? Nhưng chính tài
liệu của Lênin “Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa” đã “gãi đúng
chỗ ngứa” của dân Việt Nam và dẫn Nguyễn Ái Quốc đi vào Quốc tế 3 ở Hội nghị
Tours nước Pháp tháng 12 năm 1920. Chính người Cộng sản lão thành Nguyên Ngọc
đã nhận định rằng sai lầm bắt đầu từ bước ngoặt thành Tours năm ấy. Tai họa của
đất nước Việt Nam cũng khởi đầu ở chỗ này, chỉ vì yêu nước mà thành Cộng sản chứ
không biết con đường Cộng sản là gì (không thể biết rằng chính vì theo đường Cộng
sản để cứu nước nên sẽ mất nước về sau). Xuất phát đã như thế thì tất nhiên sự
hăm hở ban đầu rồi cũng mau chóng tan đi, sau mấy chục năm hồ hởi với đảng, rồi
trầm luân với đảng, nay đến lúc chính người đảng viên lão thành Nguyên Ngọc
đành phải ly khai đảng vì thấy đảng của mình bây giờ chỉ “bán nước hại dân”!
Đảng Cộng sản Việt Nam từ chỗ tay trắng mà rồi
nắm được toàn quyền làm chủ giang sơn tất nhiên phải có sức mạnh ghê gớm, vậy sức
mạnh ấy từ đâu, nếu không phải từ chính nhân dân?
Dân Việt Nam là dân tộc mà lòng yêu nước chống
ngoại xâm đã thành một “gien” chảy trong máu (1000 năm Bắc thuộc và 80 năm Pháp
thuộc thì còn gì là đời, hỡi người Việt Nam?), nên cứu nước chống ngoại xâm đã
thành bản năng, thành tiềm thức, cứ thấy ngoại xâm là phải đánh đuổi bằng mọi
giá (cứu được nước do bản năng này, nhưng vội vã lầm đường bị mất nước cũng do
bản năng này, sẽ nói rõ trong đoạn sau). Tất cả sức mạnh Việt Nam nằm ở đó, những
bà mẹ Việt Nam đứt ruột hiến cho đời cả 5-7 người con máu mủ của mình cũng vì
cái lòng yêu nước ấy, chứ mẹ có tơ vương gì với cái gọi là Cộng sản? Nhưng Cộng
sản vào được Việt Nam, hoành hành được ở Việt Nam là do mượn con đường của lá cờ
yêu nước đó, Cộng sản thành công được là do ký sinh vào sức mạnh của lòng yêu
nước đó. Vậy đối với lòng yêu nước Việt Nam thì chủ nghĩa Cộng sản như một con
“ký sinh trùng”, như con sán nhiều đầu móc vào khúc ruột Việt Nam để hút dinh
dưỡng và gây bệnh, tôi đã từng nói và viết điều đó.
Nhưng nói về sức mạnh ban đầu của Cộng sản Việt
Nam thì sẽ là thiếu sót nếu không biết đến giá trị của những lớp Cộng sản đầu
tiên. Họ cũng từ nhân dân mà ra. Nhưng vì là đảng viên nên ngoài tấm lòng yêu
nước họ có được trang bị một số nhận thức sơ đẳng về chủ thuyết Cộng sản và họ
tin đó là Chân lý. Chính niềm tin, dù là niềm tin đơn sơ khi chưa có điều kiện
hiểu biết tường tận, niềm tin chân thành đã cho họ sức mạnh vượt qua mọi gian
khổ, tù đày để cùng nhau tiến lên giành lấy chiến thắng. Những Trí thức khi ấy
tin theo Cộng sản vì thấy những Trí thức lớn của thế giới như Aragon, Romain
Rolland, Jean-Paul Sartre, André Gide... cũng mê say Cộng sản kia mà?
Trong diễn biến của xã hội Việt Nam sẽ có sự đổi
ngôi dần dần giữa các yếu tố CHÍNH và PHỤ. Nội dung chính của chủ nghĩa Mác là
chất Cộng sản, nhưng chỉ là yếu tố rất phụ trong tâm thức dân Việt Nam. Nhưng
khi Cộng sản vào được Việt Nam thì yếu tố phụ kia chuyển dần thành yếu tố
chính, yếu tố chính (độc lập dân tộc) thực tế đã bị đổi chỗ thành yếu tố phụ,
tuy bề ngoài vẫn được hết sức tô vẽ, chứng cứ là nếu rất yêu nước mà đòi bỏ Cộng
sản là bị bắt ngay, bởi yếu tố phụ ngày xưa (Ý thức hệ Cộng sản) nay đã thành yếu
tố chính để xét xử.
Nếu Ý thức hệ Cộng sản đã mượn đường lá cờ dân
tộc mà chui vào được đất nước Việt Nam, thì kẻ thù truyền kiếp Đại Hán lại mượn
đường Ý thức hệ Cộng sản đó để chui vào Việt Nam một lần nữa, lần này nó mạnh
hơn nhiều bởi có Ý thức hệ Cộng sản làm nội ứng như có con ngựa thành Troy. Mấy
ai biết rằng Cộng sản Đại Hán giúp Cộng sản Việt Nam trong chiến tranh là giúp
kẻ cùng Ý thức hệ, là tháp tùng Ý thức hệ Cộng sản vào Việt Nam lần này với mưu
đồ “giải giáp” dân tộc Việt Nam, phá hủy lòng yêu nước, hòng nô dịch Việt Nam một
lần nữa?
Theo thời gian, yếu tố chính của tâm thức Việt
Nam là lòng yêu nước chống ngoại xâm, chẳng những bị hạ xuống thành yếu tố phụ
trong xét xử mà còn có nguy cơ bị tiêu vong, bởi chính kẻ ngoại xâm truyền kiếp
đã lẻn được vào trong nhà, đã ngồi lên bệ và dùng nhiều cách thâm độc để thủ
tiêu lòng yêu nước ấy. Lạ thật, tôi đã tiếp xúc với một số người, nói chuyện Tổ
quốc mình đang bị Tàu áp chế khủng khiếp mà lòng họ lạnh như tiền, có lẽ bởi họ
linh cảm thấy muốn Thoát Trung thì phải Thoát Cộng, nhưng muốn Thoát Cộng thì
khó mà Thoát… Tù (!), nên thôi, mặc xác sự đời, hãy lo mà sống yên thân. Mất
khát vọng Tự do - Hạnh phúc, mất xương máu, mất chủ quyền, lại mất nốt cả mạch
nguồn yêu nước trong máu thì… “mất cả chì lẫn chài” ư?
3/ Vấn đề Trái tim Đan-cô
Trái tim Đan cô là câu chuyện ngụ ngôn của nhà
văn Nga Maksim Gorky (ngọn cờ đầu của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa), ca
ngợi sức mạnh linh thiêng tuyệt vời của TRÁI TIM có thể phát ánh sáng để động
viên và dẫn dắt quần chúng lao khổ vượt qua đầm lầy tăm tối đến nơi an toàn và
hạnh phúc.
Vâng, vượt trên sức mạnh cơ bắp, con người có
hai sức mạnh tinh thần tuyệt vời được cách điệu tượng trưng bởi hai bộ phận
trong cơ thể là KHỐI ÓC và TRÁI TIM.
TRÁI TIM biểu trưng cho lòng hướng thiện, cho
đức yêu thương, cho nghị lực để vượt qua sự bi quan và sợ hãi. Trong một xã hội
mà cái giả dối ác độc còn đè nặng xuống những thân phận đau thương và bi lụy
thì mọi người, đặc biệt là các nhà văn và trí thức duy cảm, đứng hẳn về “phía
nước mắt” và “phía trái tim” là dễ hiểu.
Những Trái tim thì thường tìm đến Trái tim! Vì
quá yêu Trái tim nên những tâm hồn đa cảm cũng mong Trái tim phát sáng để dẫn
đường luôn, làm thay chức năng của Khối óc tức của Trí tuệ, mà quên rằng Trái
tim tuy tuyệt vời nhưng không thể dẫn đường, vì bị một căn bệnh di truyền từ thời
thượng cổ là dễ mù lòa, đã yêu nhau thì củ ấu cũng tròn, đã ghét thì ghét cả
tông chi họ hàng.
Trái tim cho con người sự yêu thương và hướng
thiện, Trái tim cho con người nghị lực, sự dũng cảm và lòng hăng say, nhưng
Trái tim không tự tìm ra được đúng con đường phải chọn, nhất là ở những ngã ba,
ngã năm, ngã bảy, vì trời không cho trái tim đôi mắt. “Sự mách bảo của trái tim”
có thể là sự gợi ý rất quý, nhưng nếu không được khối óc kiểm tra lại cẩn thận
thì có khi nguy hiểm. Sau khi Trí tuệ đã tìm ra con đường thì lúc ấy rất cần
nghị lực của Trái tim, nhưng một khi “Trái tim lầm chỗ để trên đầu” thì chưa biết
thân xác sẽ dạt về đâu?
Trái tim mà làm bà sơ phát cơm từ thiện thì
tuyệt, chứ làm Hoa tiêu hoặc làm Quan tòa thì có khi bỏ sót tội phạm mà xử tử
chính nạn nhân cần được bảo vệ, rồi sau tỉnh ra mới hối hận thì đã muộn rồi.
Tôi thường nói chuyện với bạn bè: Tôi rất sợ
những Trái tim lớn mà cái Đầu không đủ lớn, nó dẫn dụ hàng triệu người rầm rập
đi trong hiên ngang và nhân ái, nhưng chẳng may đi nhầm xuống những hầm hố lớn
phủ lá ngụy trang thì chết cả nút, ôm nhau chết cả đám trong hào quang của đoàn
kết, hướng thiện và yêu thương. Bài học của Việt Nam là thế.
Cảnh tượng hùng hồn khi dân chúng và trí thức
Việt Nam hăm hở ủng hộ Việt Minh, đi vào con đường Cộng sản với tất cả tấm
lòng, hy sinh cả tính mạng, gia đình và của cải… chính là bi kịch của Trái tim
Đan cô Việt Nam! Bi kịch của liệt sĩ Nguyễn Thị Năm - Cát Hanh Long bỏ cả cơ
nghiệp lớn ở Hà Nội lên Thái Nguyên để nuôi Cách mạng, cuối cùng được các gót
giày Cách mạng ấn vào một chiếc quan tài quá hẹp cho hết “ngoan cố” cũng chẳng
là một bi kịch đi theo Trái tim Đan-cô thiêng liêng đó sao?
Thực ra đây là vấn đề của “tầm văn minh”, tầm
văn minh của xã hội và phản chiếu thành tầm văn minh trong mỗi con người. Thời
văn minh Nông nghiệp cũng là thời kỳ của “văn minh Trái tim” phát sáng rực rỡ
mà lịch sử cần ghi nhận và lưu giữ trong bảo tàng. Nhưng nhân loại tiên tiến
ngày nay đã được chuyển cấp văn minh, được “văn minh Trí tuệ” chiếu sáng, dẫn lối
chỉ đường, chắc chắn sẽ ánh xạ vào mỗi con người chúng ta, để ta biết đặt Khối
óc và Trí tuệ vào đúng vị trí trên đầu của nó. Chuyển giai đoạn thế mới là tự cứu.
Đối với kẻ cầm quyền ác tâm cao thủ thì Trái tim Đan-cô chính là cửa ngõ lý tưởng
nhất để… lừa!
Nền văn minh Trí tuệ có một kẻ thù dai dẳng là
sự ngu dốt, nhưng riêng ngu dốt chưa gây hại được gì. Ngu dốt phải cộng với Nhiệt
tình, với sự Lý tưởng hóa, nhất là Lý tưởng hóa kiên định mới thành phá hoại. Cụ
cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (được mệnh danh là “ngài Thủ tướng vô tích sự” vì chắng quan tâm
gì đến Luật pháp, chỉ chuyên thuyết giảng Đạo đức Bác Hồ) đã để lại cho đời một
công thức đáng gọi là danh ngôn: “Nhiệt tình + Ngu dốt = Phá hoại”!
Phần Kết luận
1/ Tai họa khó gỡ ra
Để kết thúc, xin trích dẫn tinh thần của một
Nghị quyết mang tính thế giới, Nghị quyết của Hội nghị Quốc hội 46 nước châu Âu
về chủ nghĩa Cộng sản Mác-xít: Nghị quyết 1481, kết luận chủ nghĩa Cộng sản phá
hoại xã hội toàn diện, nó là một chủ nghĩa chống Nhân loại (*).
Châu Âu đáng tin cậy vì là châu lục tập trung
nhất, đồng đều nhất, giàu tính khoa học nhất, toàn diện nhất của văn minh nhân
loại. Ở đó mọi lý thuyết đều được tự do giãi bày, được khảo sát, giới thiệu và
lưu trữ bình đẳng. Tây Âu là tiếng nói khách quan nhất đối với Marx vì họ không
phải là nạn nhân của học thuyết Marx, trái lại còn là quê hương và nơi nương tựa
của Marx.
Nghị quyết 1481 do nghị sĩ người Thụy Điển
Goran Lindblad đề xuất, Thụy Điển là nước theo thể chế Dân chủ xã hội, bắt nguồn
từ Đệ nhị Quốc tế, như người anh em song sinh của Đệ tam Quốc tế Mác-Lênin. Thụy
Điển có vị trí hàng đầu của văn minh và hạnh phúc trên thế giới, là quốc gia ân
nhân thân thuộc bậc nhất với Việt Nam từ thời Cộng sản. Những tiếng nói như thế
chính là khách quan, đáng tin cậy.
Nhiều người lên án chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lê ở
thành tích giết chết 100 triệu người, lớn hơn tội của phát-xít Hitler, nhưng
tôi nghĩ tội ác với hơn một tỷ người còn sống còn quan trọng hơn:
Về kinh tế, Cộng sản kìm hãm sự phát triển. Về
văn hóa-xã hội, khi sự độc tài và “đểu cáng lên ngôi” (ý thơ Bùi Minh Quốc) nó
làm cho con người sa đọa, vì phá hết niềm tin, vỡ hết lý tưởng, cạn hết những
khát vọng tinh thần cao đẹp làm lẽ sống, làm cho con người trở về như một con
thú vật tầm thường.
Nhưng muốn thoát ra cũng khó thoát được, vì
cái chủ nghĩa ảo tưởng thoạt đầu tưởng như vô hại ấy, thực tế nó tạo ra một tai
họa kép: một mặt nó tạo ra các tai họa như trên vừa kể, nhưng mặt khác nó đồng
thời tạo ra một lực lượng, một sức mạnh khủng khiếp để giữ chặt chủ nghĩa ấy một
khi nó bị lộ bộ mặt phản diện. Lực lượng ấy, sức mạnh ấy là một Đảng Cộng sản
toàn trị với các thiết chế vũ trang cả vật chất lẫn tinh thần, tất cả phải bảo
vệ chủ nghĩa Mác-Lê để giữ vững cái ngai vàng và mọi bổng lộc, lợi quyền lớn nhỏ.
Ngoài những tội chung đối với thế giới, riêng
với Việt Nam, Mác-Lê còn nợ dân Việt Nam vì cái tội “cho Đại Hán mượn đường”
vào Việt Nam, hòng nô dịch Việt Nam một lần nữa! Không có Ý thức hệ chung ấy, Đại
Hán lấy cớ gì để áp sát Việt Nam, vừa nựng vừa đè, vừa hôn vừa cắn từng mảng
như vậy được?
Tất nhiên Đảng Cộng sản Việt Nam phản đối Nghị
quyết 1481, nhưng khốn nỗi, sự phản đối của một đảng như Đảng Cộng sản Việt Nam
đối với điều gì đó chỉ càng làm cho điều đó thêm giá trị.
2/ Hòa nhập không hòa tan
Chủ nghĩa Mác-Lê phản quy luật nhưng “vô địch
muôn năm” ấy không chịu thua ai, cuối cùng chỉ thua quy luật, thua cuộc sống thật.
Ông Trường Chinh đã phải thốt lên “Đổi mới hay là chết” là lo sợ trước quy luật.
Nhưng người Cộng sản dù đổi mới cũng đổi mới khác người: chỉ đổi mới một nửa,
còn một nửa vẫn khóa chặt trong tay để “những lực lượng thù địch” không thể lợi
dụng. Đồng thời khẳng định cái điều đổi mới ấy chính là của người Cộng sản, do
người Cộng sản trước đây đã nghĩ ra, chứ không phải của bọn Tư bản.
Phải bỏ Kinh tế kế hoạch - kinh tế tập thể -
kinh tế quốc doanh để theo kinh tế thị trường nhưng nói: kinh tế thị trường là
của chung nhân loại, thậm chí đó chính là “chính sách kinh tế mới của Lênin”,
nên kinh tế thị trường phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghĩa là cắp sách đi học thiên hạ nhưng lại muốn
bảo điều ta học đó là do ta nghĩ ra, ta giữ bản quyền tác giả, bản quyền phát
minh, ta làm theo cách của ta. Điều này phải thông cảm, vì chẳng lẽ một đảng
“quang vinh muôn năm” từng “thắng hai Đế quốc to” lại phải cắp sách đi học cái
thằng “Đế quốc Mỹ xâm lược” à? Về “tam quyền phân lập” cũng vậy: ta “phân công
chứ không phân lập”, phân lập là loạn, đảng viên nào thích đa nguyên, thích tam
quyền phân lập thì phải khai trừ.
Đó cũng là luận điểm “hòa nhập chứ không hòa
tan” của ông Nguyễn Phú Trọng.
Một cục đường bỏ vào trong nước mà dứt khoát
bướng không chịu hòa tan vì nó tưởng nó là cục đá kim cương thỉ mặc kệ nó thôi.
Có thể cục đường này có tẩm chất chống tan gì đó nên nó cứ tan dần dần, ta mất
công chờ một chút. Cuối cùng đâu rồi cũng vào đấy cả thôi.
3/ Tôi cũng “có một giấc mơ” (I also have a dream!)
Kết quả của những suy tư như vậy khiến tôi đi
vào giấc ngủ. Và tôi mơ.
Tôi thấy mình cầm trong tay cuốn Tạp chí Cộng
sản số mới.
Đọc thấy:
“Lời Bác dạy, người Kách mệnh là phải bám sát thực tiễn và tôn trọng quy
luật. Thí zụ: Đến một lúc, nếu quy luật chứng minh phải đa đảng đa nguyên, phải
tam quyền phân lập thì dân mới được mở miệng, đất nước mới thoát cảnh nô lệ Tàu
và sánh vai cùng thế giới 5 châu… thì người Kách mệnh sẵn sàng học theo thế giới.
Và điều quan trọng nhất Bác nói với các chú về cái sự học: Học điều gì là phải
học thực lòng, thực chất, chứ không chỉ học cái vỏ, còn cái ruột ta vẫn cố tình
làm theo ý cũ của ta để zữ cái lợi cho mình thì người chiến sĩ Kách mệnh nhất định
không bao zờ làm thế.
Ký tên: C.B.”.
Ôi chao, hay quá! Sao “Bác Hồ” lại bỗng dưng
phát ngôn hệt như quan điểm của những người mà “đảng ta” bấy lâu vẫn liệt vào
loại “các thế lực thù địch” thế này? Tốt quá, tốt quá, tình hình biến chuyển đến
nơi rồi!
Thế là tôi giật mình, tỉnh ngủ, biết là mình vừa
mơ, và buồn cười thay cho giấc mơ ngớ ngẩn của mình, cứ như mấy nhà lý luận nịnh
đảng khuyên hãy trở về với “Bác Hồ kính yêu”. Nhưng mơ thế là có lý do:
Chẳng là, trong thâm tâm tôi biết mỗi khi lâm
vào thế bí, buộc phải bỏ một sai lầm của mình để đi theo đà tiến bộ chung của
thế giới thì “đảng ta” thường có động tác chữa thẹn, gỡ thể diện của kẻ xưa nay
vẫn tự xưng vô địch rằng “điều này là đảng ta thực hiện lời dạy vốn có của các
lãnh tụ Vô sản, chứ không phải học theo bọn Tư bản giãy chết đâu” (Cục diện
chuyển sang Kinh tế thị trường là một ví dụ). Thế thì một khi chuẩn bị chấp nhận
thể chế Dân chủ đa nguyên như các nước Âu Mỹ để tự cứu, dứt khoát đảng ta phải
chứng minh Dân chủ đa nguyên cũng vốn là tư duy có sẵn của các lãnh tụ, nhất là
của… bác Hồ!
Sự mong mỏi và thấu hiểu ấy của tôi đã vào giấc
mơ.
Nhưng nếu theo giấc mơ của tôi, vừa vô lý vừa
có lý: nếu ĐCSVN sẽ thực lòng áp dụng thể chế Dân chủ đa nguyên, nhưng kèm theo
cái “ngụy biện chữa thẹn” như trên, thì người trí thức và dân chúng sẽ phản ứng
ra sao? Tôi tin chắc tất cả chúng ta đều vô cùng mừng rỡ, chẳng mấy ai mất công
tranh luận về cái “bản quyền” Dân chủ đa nguyên, khiến nó cản trở chương trình
đổi mới tốt đẹp mà toàn dân mong đợi.
Suy cho cùng, những Chân lý vốn là của chung của
cả thế giới loài người rất tuyệt vời này, và Tự do-Hạnh phúc của nhân dân mới
chính là điều quan trọng vượt lên trên tất cả.
Ngược dòng lịch sử công bằng mà xét, thì trào
lưu CS cũng chẳng qua là kết quả khốn khổ từ một GIẤC MƠ đẹp, rất đẹp! Nhưng
TRÁI TIM thổn thức và bùng nổ ấy chưa được sự tham vấn Duy lý-Khoa học-và Thực
tiễn của KHỐI ÓC nên Cứu cánh mới phản lại Mục đích như hiện thực ngày nay.
Nhưng rồi giấc mơ Duy cảm Mác-Lê ấy đã được tư
duy Khoa học và Duy lý tiếp sức nên đã tạo ra kết quả tuyệt vời là thể chế Dân
chủ Xã hội như ở Thụy Điển, Na Uy và mấy
nước Bắc Âu, các nước luôn được thế giới văn minh ngày nay xếp lên hàng đầu về
văn minh và hạnh phúc.
Gần đây ta nhận được thông tin “Ngày
10/5/2019, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng với Tập
đoàn Ericsson (Thụy Điển) đã thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên mạng di động 5G tại
Việt Nam. Hoạt động nằm trong chương trình thử nghiệm kỹ thuật do Viettel thực
hiện, nhằm đánh giá mọi mặt về khả năng ứng dụng công nghệ trong thực tiễn tại
Việt Nam”.
Việt Nam liên kết với Ericsson – Thụy Điển (chứ
không liên kết với Hoa Vi – Trung Quốc) để thực hiện cuộc “Cách mạng 5G” là một
dấu hiệu đáng suy nghĩ.
Thế giới đang chuyển động như vũ bão trên nền
Văn minh Trí tuệ thần kỳ, mọi xu hướng, mọi Chủ nghĩa, dù khác nhau nhưng nếu cứ
bám lấy tư duy tư biện xơ cứng của mình thì đều là tự sát. Tất nhiên không ai
muốn bị đào thải, ĐCSVN cũng vậy. Giấc mơ “Bác Hồ đã khuyên nên Dân chủ đa
nguyên-Tam quyền phân lập” vừa như đùa vừa như thật biết đâu chẳng có lúc phải
ló ra và biến dạng.
Trong cuộc cạnh tranh sinh tồn hiện đại này,
chẳng có ai ngu cả, nên thực lòng chẳng dám khuyên ai. Chỉ xin thành tâm chốt lại
một niềm tâm sự:
Làm gì thì làm, Dân phải được hưởng nền Văn
minh Tự do và Hạnh phúc! Sức mạnh đẩy thuyền và lật thuyền của lòng yêu nước là
sức mạnh có thật trong máu người VN, lịch sử đã, đang và sẽ chứng minh. Chân
thành thì sống, khôn vặt cũng chết, không lừa được nhau đâu. Nói yêu nước mà chặn
Dân chủ, mà tăng cường bộ máy công an đến tận thôn xóm, mà đánh đập người nói lẽ
phải, mà khéo mồm để tay vét túi dân thì không xong đâu. Tiểu kỷ không thể lừa
Đại nghĩa, Tư lợi không thể trùm lên Công ích - Công tâm.
Năm 2014 tôi có đọc được một bài trên Tạp chí
CS ca ngợi chiến thuật “mở đường lui cho địch” trong kế sách giữ nước của cha
ông. Với kẻ thù xâm lược, khi có cơ hội ta còn mở đường, huống chi những mâu
thuẫn chỉ trong nội tình một Dân tộc mình? Hận thù nên cởi-không nên buộc, chỉ
cần người đã nghĩ sai, làm sai phải biết lỗi mà sửa, mà bài viết nhỏ này xin
góp mấy suy tư cặn kẽ, đã ôm ấp từ lâu, để cùng nhau phân định lỗi lầm, mong được
quan tâm tham khảo một chút mà thôi.
Chủ nghĩa CS đã được thực tiễn và cả thế giới
văn minh chứng minh là con đường sai lầm và phản tiến hóa thì phải từ bỏ, mọi
cách làm khác đều chỉ là ngụy biện và lừa bịp!
Nói chuyện “giấc mơ” cũng là một mong ước từ
lòng nhân ái, cũng là chiến thuật “mở đường lui cho địch” của cha ông chúng ta
(mà chính Tạp chí CS đã ca ngợi). Nhưng mở đường lui cho ĐCSVN trở về với Dân tộc
thành “người tử tế” có chút khả năng hiện thực nào không, thực tiễn hành động sắp
tới của ĐCSVN sẽ trả lời nhân dân một lần cuối.
H.S.P.
19/5/2019
_________
(*): Nghị quyết 1481 của Quốc
hội 46 nước châu Âu được tóm
tắt giới thiệu trên Bách khoa toàn thư của Thế giới như sau:
Điều 2: …Những chế độ độc tài toàn trị cộng sản
gồm khối Liên Xô, Đông Âu trong thế kỷ 20 và một số chế độ cộng sản hiện vẫn
còn cầm quyền ở 4 nước trên thế giới, đều là những quốc gia vi phạm nhân quyền.
Những vi phạm này tuy khác nhau về cấp độ văn hoá, về ranh giới quốc gia, cũng
như tùy giai đoạn lịch sử nhưng đều có chung những cuộc giết người tập thể, ám
sát, thủ tiêu cá nhân không cần xét xử, biến đất nước thành trại tập trung với
sự đầy đọa con người về thể xác cũng như tinh thần: tra tấn, nô lệ hoá, lao động
khổ sai, tù đầy, khủng bố tập thể, ngược đãi, ám sát vì lý do chủng tộc, tôn
giáo, chính kiến; vi phạm quyền tự do tư tưởng, xúc phạm lương tâm con người, cấm
tự do báo chí, tự do chính trị, độc tôn, độc quyền, độc đảng…
Điều 3: Nhân danh chủ trương đấu tranh giai cấp
và nguyên tắc chuyên chính vô sản mà các tội ác được biện minh. Sự giải thích
hai nguyên tắc này đã hợp thức hóa việc 'thủ tiêu' những người bị cho là có hại
cho sự xây dựng một xã hội mới: xã hội chủ nghĩa, và do đó, bị xem là kẻ thù của
các chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Hầu hết nạn nhân chế độ cộng sản chính là
công dân của nước đó…
Điều 4: Nghị viện thừa nhận rằng, bất chấp những
tội ác của các chế độ cộng sản toàn trị, vài đảng cộng sản Âu Châu [Đông Âu –
HSP] cũng từng đóng góp nhiều vào việc hoàn tất nền dân chủ.
Điều 5: Sự sụp đổ của những chế độ độc tài
toàn trị cộng sản tại Trung và Đông Âu chưa được điều tra kỹ lưỡng bằng tổ chức
quốc tế để thống kê hết tội ác của cộng sản, đặng đưa tác giả của những tội ác
này ra xét xử trước cộng đồng nhân loại, như trường hợp những tội ác khủng khiếp
do Đức Quốc xã gây ra trước đây…
Điều 7: Nghị viện xác tín rằng việc hiểu biết
lịch sử là một trong các điều kiện tiên quyết để tránh những tội ác tương tự
trong tương lai... Quan điểm minh bạch của cộng đồng quốc tế về quá khứ có thể
là một điểm tham chiếu cho những hành động tương lai của họ.
Điều 9: Các chế độ độc tài toàn trị còn lại
trên thế giới vẫn tiếp tục gây tội ác. Không thể dùng quan điểm quyền lợi quốc
gia để biện hộ, lấp liếm sự lên án của cộng đồng nhân loại với các tội ác của
các chế độ toàn trị này. Quốc hội chung châu Âu cực lực lên án tất cả mọi vi phạm
quyền con người trong các chế độ cộng sản, coi nó như là tội ác chống nhân loại…
Điều 14: Nghị viện tin rằng quan điểm minh bạch
này của cộng đồng quốc tế sẽ mở đường cho sự hòa giải trong tương lai....
Hội đồng
châu Âu đã trở thành tổ chức quốc tế đầu tiên lên án các tội ác chống lại nhân
loại của các chính thể cộng sản. (hết trích)
H.S.P.
Tác giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment