Saturday, September 30, 2023

NỖ LỰC “THAO TÚNG TÂM LÝ” ĐÀI LOAN, TÀ GIÁO TRUNG QUỐC VẪN THẤT BẠI (Trần Tiến Minh / Saigon Nhỏ)

 



Nỗ lực “thao túng tâm lý” Đài Loan, tà giáo Trung Quốc vẫn thất bại

Trần Tiến Minh  -  Saigon Nhỏ

28 tháng 9, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/no-luc-thao-tung-tam-ly-dai-loan-ta-giao-trung-quoc-van-that-bai/

 

Càng gần đến ngày bầu cử tổng thống Đài Loan (Tháng Giêng 2024), bàn tay bẩn Trung Quốc càng thò sâu vào đảo quốc này, với chiến dịch tung tin thất thiệt đánh phá nội bộ Đài Loan cũng như phá hoại mối quan hệ Đài Bắc-Washington…

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/GettyImages-1245128464.jpg

Càng gần đến ngày bầu cử, Đài Loan càng ngập trong tin giả do Trung Cộng sản xuất (ảnh: Hesther Ng/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

 

Tháng Bảy 2023, một trong những tờ báo hàng đầu của Đài Loan, United Daily News (聯合報 – Liên hợp báo), đã đăng một tin giật gân dựa trên “biên bản” được cho là bị rò rỉ từ một cuộc họp bí mật của chính phủ. Bài báo khẳng định Mỹ đã yêu cầu Đài Loan sản xuất vũ khí sinh học tại một phòng thí nghiệm do Bộ Quốc phòng Đài Loan điều hành!

 

Biên bản được cho rò rỉ đã không được viết theo phong cách thông thường trong hồ sơ của chính phủ Đài Loan. Chúng chứa đầy những cụm từ được sử dụng ở Trung Quốc đại lục. Giới chức Đài Loan tin chắc đây là một phần trong chiến dịch đánh phá Đài Loan bằng tin giả. Tuy nhiên, bản tin lan nhanh như cháy rừng. Nó xuất hiện trong các chương trình trò chuyện (talkshow) và thậm chí trên diễn đàn của những người có sức ảnh hưởng. Chỉ trong vòng vài tuần, nó đã phát triển thành một tin khủng khiếp hơn: Chính phủ Đài Bắc sẽ thu thập 150,000 mẫu máu của người Đài Loan và giao cho Mỹ để họ có thể phát triển một loại virus giết người Trung Quốc!

 

Sự lây lan tin đồn tào lao đang trở thành mối lo ngại lớn đối với chính phủ và xã hội dân sự Đài Loan trước cuộc bầu cử tổng thống cực kỳ quan trọng vào Tháng Giêng 2024. Trên thực tế, cử tri Đài Loan sẽ được yêu cầu quyết định xem liệu Đài Loan có nên tiếp tục liên kết với Mỹ trong việc tăng cường khả năng răn đe trước một cuộc xâm lược có thể xảy ra của Trung Quốc hay không; hoặc nên tiến tới xây dựng quan hệ với Trung Quốc. Phe đối lập Quốc dân đảng đã gọi cuộc bỏ phiếu là sự lựa chọn giữa “chiến tranh và hòa bình”, ngụ ý rằng thái độ thù địch Trung Quốc của Đảng Dân chủ Cấp Tiến đương quyền sẽ kích động Bắc Kinh tấn công Đài Loan bằng quân sự.

 

Phần mình, Trung Quốc luôn đẩy dư luận – ở Hoa lục lẫn Đài Loan – lèo lái sang hướng suy nghĩ phổ biến rằng chính Mỹ mới là mối đe dọa của người Đài Loan chứ không phải Trung Quốc.

 

Lo Ping-chen (羅秉成 – La Bỉnh Thành), một bộ trưởng nội các, người lãnh đạo nhóm đặc nhiệm chống tin giả của chính phủ từ năm 2018, nói rằng chiến dịch đánh phá Đài Loan bằng vũ khí tin giả đã “xâm nhập nghiêm trọng” vào xã hội Đài Loan. Không chỉ xuất hiện vào mùa bầu cử như trước đây, tin giả chính trị ngày càng “trở nên bình thường và xảy ra hàng ngày.”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/GettyImages-1444733271.jpg

Không khí bầu cử dân chủ như thế này chắc chắn sẽ không bao giờ có thể xảy ra một khi Đài Loan rơi vào tay Trung Quốc (ảnh: Louise Delmotte/Getty Images)

 

Trong khi đó, hầu hết người dân – tức cử tri Đài Loan – lại không nhận thức được điều này. Một cuộc khảo sát gần đây của Doublethink Lab, một nhóm Đài Loan chuyên nghiên cứu về thông tin sai lệch, cho thấy chưa đến 20% người được hỏi tin rằng thông tin sai lệch lan truyền ở Đài Loan trong các cuộc bầu cử là đến từ nước ngoài.

 

Puma Shen (沈伯洋 – Trầm Bá Dương), người đứng đầu Doublethink Lab, lo lắng về 1/5 số cử tri không theo bất kỳ đảng phái nào vì ông cho rằng đó có thể trở thành khối quyết định. Ông nói: “Ngay cả khi chỉ có 15% cử tri thực sự bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch của Trung Quốc, thì chỉ cần 7% cử tri đã có thể thay đổi kết quả bầu cử”.

 

Một nghiên cứu gần đây về thông tin nhảm nhí liên quan “mối đe dọa từ Mỹ” do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Thông tin (IORG), một nhóm nghiên cứu của Đài Loan, đã xác định rằng nguồn “sản xuất” chủ yếu từ Trung Quốc nhưng hơn một nửa dường như cũng được sản sinh ngay tại Đài Loan. Chihhao Yu (游知澔 – Du Tri Hạo), tác giả báo cáo, nhận định rằng điều đó cho thấy Trung Quốc đang lợi dụng một cách hiệu quả những rạn nứt trong xã hội Đài Loan. Ông cho rằng nhiều người Đài Loan có “tâm lý mồ côi”: Họ sợ bị người ngoài bỏ rơi vì Đài Loan từng mất đi sự công nhận về mặt ngoại giao của Mỹ vào thập niên 1970.

 

Cách Trung Quốc đang khai thác nỗi sợ hãi đó cũng hệt như cách mà Nga khai thác những rạn nứt về chủng tộc và văn hóa của Mỹ, giữa những người ủng hộ và chống Trump, khi Kremlin thọc tay vào mùa bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Thông tin sai lệch của Trung Quốc ở Đài Loan cũng lặp lại tuyên truyền của Nga về cuộc chiến ở Ukraine, khẳng định rằng Mỹ đứng sau cuộc xung đột chứ không phải cuộc chiến Ukraine là do Kremlin khởi sự; rằng Mỹ đã tạo ra vũ khí sinh học trong phòng thí nghiệm của Ukraine…

 

Chien Yu-yen (顏芊雨 – Nhan Thiên Vũ), cựu ký giả và tác giả cuốn sách về ảnh hưởng của Trung Quốc trên truyền thông Đài Loan, cho biết Trung Quốc đã phát triển các phương tiện có hệ thống để tạo ra xu hướng tin giả ở Đài Loan. Chien Yu-yen đưa ra bằng chứng một vụ rằng, Trung Quốc từng loan truyền Mỹ “muốn cho nổ tung” TSMC, nhà sản xuất chip của Đài Loan. Vụ việc bắt nguồn từ một video đăng trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok. Sáng hôm sau, một tờ báo Đài Loan đăng câu chuyện về video clip trên. Cựu nữ ký giả Chien nói: “Hành trình từ Douyin của Trung Quốc đến các phương tiện thông tin đại chúng, video, báo chí và truyền hình Đài Loan chỉ mất chưa đầy nửa ngày”.

 

Giới chức Đài Loan tin rằng một số người Đài Loan tung ra tin giả chính là những “cộng tác viên địa phương” nhận “đơn đặt hàng” và được trả tiền từ Trung Quốc. Nguồn tiền Trung Quốc có thể được chuyển qua các doanh nhân Đài Loan hoặc những công ty quan hệ công chúng. Wang Kun-yi (王羿 – Vương Nghệ Côn), một tay bỉnh bút chuyên viết về “mối đe dọa Mỹ” gửi đăng trên truyền thông Trung Quốc cũng như truyền thông Đài Loan thân Trung Quốc, nói rằng tất cả nhà báo Đài Loan đều phục vụ cho sự thiên vị của ông chủ tờ báo họ; và vì sự sống cá nhân. Nói cách khác, ai trả tiền thì báo chí phục vụ cho người đó.

 

Đài Loan có luật chống gián điệp nước ngoài và luật chống gây ảnh hưởng lá phiếu bầu cử, nhưng những luật này chỉ giới hạn trong các vụ việc có bằng chứng rõ ràng về sự bảo trợ của cấp nhà nước. Đài Loan cũng có luật chống lại việc lan truyền tin giả có chủ ý trên các phương tiện truyền thông phát sóng, nhưng lại không bao gồm các phương tiện truyền thông in ấn hoặc kỹ thuật số. Năm 2020, chính phủ thu hồi giấy phép của CTI News, một kênh thân Trung Quốc, với lý do nhiều lần họ không xác minh được nguồn thông tin. Để lách luật và tiếp tục hoạt động, CTI chỉ đơn giản chuyển sang trực tuyến.

 

Vụ CTI News làm dấy lên cáo buộc và chỉ trích rằng chính phủ Đài Bắc bắt đầu “độc tài”, “phi dân chủ”, “đàn áp và kiểm duyệt báo chí”… Đài Bắc phải xoay sang sử dụng các phương pháp khác để chống lại thông tin sai lệch. Họ nâng cao hiểu biết về truyền thông, cung cấp thông tin chính thức nhanh hơn và thúc đẩy sự phát triển các tổ chức kiểm tin (fact-checking organisations). Tuy nhiên, đám tà phái Trung Quốc vẫn biến hóa khôn lường. Vào Tháng Tám, Meta (Facebook) đã xóa một mạng lưới gồm hơn 7,000 tài khoản, trang và nhóm lan truyền thông tin sai lệch có nguồn gốc Trung Quốc. Tuy nhiên, các tài khoản mới lại nhanh chóng mọc ra. Bom đạn tin giả vẫn nổ ầm ầm trong xã hội Đài Loan.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/GettyImages-1502681993.jpg

Ứng cử viên William Lai (賴清德 – Lại Thanh Đức) thuộc Đảng Dân chủ Cấp tiến, người quyết liệt bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan (ảnh: Walid Berrazeg/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

 

Dù vậy, tình hình không đến nỗi quá bi quan. Người dân có thể hoảng hốt khi nghe những tin hư hư thực thực nhưng, cho đến nay, đa số người Đài Loan vẫn không thể chấp nhận viễn cảnh sống chung với cộng sản Trung Quốc.

 

Bất chấp mọi thông điệp trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc (lẫn chính Đài Loan) chống lại Đảng Dân chủ Cấp tiến, ứng cử viên của đảng này, William Lai (賴清德 – Lại Thanh Đức, đương kim Phó Tổng thống), vẫn đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. Và bất chấp tất cả những hoài nghi về Mỹ, người Đài Loan thậm chí tỏ ra cảnh giác và dè dặt hơn đối với Trung Quốc. Một cuộc khảo sát năm 2022 của Academia Sinica, một tổ chức nghiên cứu của Đài Loan, cho thấy 34% người được hỏi đã bày tỏ đồng ý rằng Mỹ mới là quốc gia “đáng tin cậy”. Chỉ có 9% cho rằng Trung Quốc là kẻ “chơi được”.

 

Họa có điên mới tin lời cộng sản Trung Quốc. Liên tục thời gian gần đây, họ đã hù dọa nhe nanh giơ vuốt khi bao vây Đài Loan bằng máy bay chiến đấu và tàu chiến, cùng lúc lại công bố một kế hoạch hội nhập hứa hẹn mang lại lợi ích cho người dân Đài Loan sống ở Phúc Kiến!

 




No comments: