Yếu
tố Việt Nam trong cuộc đối đối đầu Mỹ - Trung
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 07/09/2023 - 16:00
Tổng thống Hoa Kỳ Biden có rất nhiều lý do chọn
công du Việt Nam vào thời điểm này sau khi dự thượng đỉnh G20 tại New Delhi - Ấn
Độ. Ấn Độ cũng như Việt Nam là hai nước láng giềng sát cạnh với Trung Quốc,
cùng có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên bộ và trên biển với Bắc Kinh. Riêng
Việt Nam còn có lợi thế về kinh tế vào lúc mà nhiều tập đoàn Mỹ đi tìm những
"bãi đáp" mới thay thế cho Trung Quốc.
https://s.rfi.fr/media/display/08b7f614-cef4-11ed-8555-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP744923053938.webp
Ảnh tư liệu : Tổng bí
thư đảng Cộng Sản Việt Nam (phía sau) và phó tổng thống Mỹ Joe Biden tại bộ Ngoại
Giao Hoa Kỳ, Washington, ngày 07/07/2015. AP - Manuel Balce Ceneta
Căng thẳng về thương mại kéo dài giữa Washington với Bắc Kinh đã khiến
nhiều hãng của Mỹ và của nhiều nước khác như Hàn Quốc hay Đài Loan « trực
chỉ » Việt Nam, xem quốc gia này là một giải pháp thay thế cho
Trung Quốc. Ngân Hàng Thế Giới dự phóng tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 đạt
6,3 % lại càng thúc đẩy đầu tư nước ngoài quan tâm đến quốc gia này. Trong tám
tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã đạt 18 tỷ đô la,
tăng 8 % so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Theo một số nhận định, tiềm năng đó của Việt Nam là một trong những lý
do đưa ông Biden đến Hà Nội với mục đích « đẩy mạnh quan hệ về
kinh tế và công nghệ ». Washington xem quốc gia Đông Nam Á này là một « đối
tác then chốt » để Mỹ bớt phụ thuộc vào Trung Quốc trong một số lĩnh vực.
Nhưng có lẽ đối với Nhà Trắng, Việt Nam là một mắt xích quan trọng
trong chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương, mà mục tiêu chính nhằm kềm tỏa ảnh hưởng
của Trung Quốc ở khu vực này. Phát ngôn viên của tổng thống Hoa Kỳ, bà Karine
Jean-Pierre, từng ghi nhận Việt Nam là một « đối tác giá trị » cho
phép mở rộng bang giao với vùng Đông Nam Á. Từ năm 2015, Indonesia đã trở
thành « đối tác chiến lược toàn diện » của Mỹ. Trong
chuyến công du Việt Nam lần này, rất có thể Hà Nội và Washington sẽ nâng bang
giao hai nước lên mức cao nhất, sau 10 năm quan hệ « đối tác toàn diện »
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Jake Sullivan, trong cuộc họp
báo cách nay 2 ngày đã giải thích « đối tác chiến lược toàn diện » với
Mỹ sẽ mang lại « an ninh, ổn định và thịnh vượng chung trong vùng Ấn
Độ - Thái Bình Dương ».
Hôm đầu tháng, ông Biden đã khẳng định chính phía Việt Nam mong muốn
nâng cấp quan hệ với Mỹ để chứng minh với Bắc Kinh rằng họ « không
đơn độc ». Trái lại, một số nhà bình luận cho rằng, Nhà Trắng đang muốn
tranh thủ cảm tình của Hà Nội vào lúc mà Trung Quốc và Nga đều đã thiết lập
quan hệ « đối tác chiến lược toàn diện » với Việt
Nam, Trung Quốc là từ năm 1998.
Chuyến công du Việt Nam của tổng thống Biden lần này diễn ra vào lúc
căng thẳng giữa Hà Nội với Bắc Kinh ở Biển Đông lại vừa nổi lên qua hai sự kiện :
ảnh vệ tinh mới cho thấy Trung Quốc tiếp tục bồi đắp các đảo nhân tạo và Bắc
Kinh vừa công bố bản đồ « tiêu chuẩn 2023 ». Nói cách
khác, đây là « cơ hội » tốt để tổng thống Hoa Kỳ
thăm Việt Nam.
Trên báo Nhật The Diplomat ngày 06/09/2023, tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, đại
học tư thục VinUniversity, đưa ra nhiều yếu tố có lợi cho ông Biden trong chuyến
đi Việt Nam lần này. Thứ nhất là thắt chặt quan hệ cá nhân với các lãnh đạo Việt
Nam, đứng đầu là nhân vật quyền lực nhất, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thứ hai
là ghi khắc tên ông vào bang giao Mỹ - Việt, giống như hai đời tổng thống tiền
nhiệm, cũng thuộc đảng Dân Chủ, là BaracK Obama và Bill Clinton. Năm 2016, tổng
thống Obama đã xóa bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Còn tổng thống Clinton
vào năm 1995 đã tái lập bang giao với nước cựu thù Việt Nam. Giờ đây sẽ là cơ hội
để tổng thống Biden từ Việt Nam thông báo nâng quan hệ song phương lên nấc cao
nhất.
Nhưng sự hiện diện của tổng thống Biden tại Hà Nội sẽ được truyền thông
quốc tế chú ý đến rất nhiều bởi đây sẽ còn là một thông điệp mạnh của Nhà Trắng
về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng với việc dừng
chân tại Việt Nam, một quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền biên giới với
Trung Quốc, Washington gián tiếp nói lên « lợi ích của khu vực với
Hoa Kỳ ». Đây là cách để xua tan những chỉ trích rằng Joe Biden
lơ là các nước Đông Nam Á khi vắng mặt tại thượng đỉnh Jakarta, chỉ cử phó tổng
thống Kamala Harris đến dự.
Về phía Việt Nam, cái khó là làm thế nào để mối quan hệ « đối
tác chiến lược toàn diện » với Mỹ không làm phật lòng Trung Quốc,
một nước láng giềng quá lớn ở sát cạnh. Chẳng thế mà 5 ngày trước khi đón tổng
thống Biden, hôm 05/09 tại Hà Nội, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn
Phú Trọng đã tiếp trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng Sản Trung
Quốc Lưu Kiến Siêu.
----------------------------
Các nội dung liên quan
Liệu
Việt Nam có thể nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành "đối tác chiến lược toàn
diện" ?
Nhà
Trắng thông báo tổng thống Mỹ Biden công du Việt Nam, thắt chặt quan hệ song
phương
No comments:
Post a Comment