28/09/2023
https://baotiengdan.com/2023/09/28/khong-chi-vinh-xua/
Không bao giờ là quá trễ để viết lại lịch sử của một
vùng đất. Nhưng khi gấp 700 trang sách Tìm Dấu Vinh Xưa, tôi ước, giá như cuốn
sách ra đời khi mà phần lớn những người Vinh tha hương từ trước 1954 còn sống.
Rồi, tự an ủi, các thế hệ kế tiếp, dù ở quê hay ở xa, đang sống với một phần
“Vinh Xưa” sẽ thấy cuốn sách này như là một trong những món quà quý giá nhất mà
người Nghệ tặng cho người Nghệ.
Cuốn sách bắt đầu từ năm 1804, khi Gia Long giao cho
Tả quân Lê Văn Duyệt chuyển lỵ sở Nghệ An từ Lam Thành – Phù Thạch về Vinh. Và,
trong 80 năm, cho dù đủ ba yếu tố “thị – đô – thành”, Vinh vẫn không phát triển
được.
Cho dù, người Nghệ chiếm vị trí nòng cốt trong phong
trào Văn Thân nhưng, thay vì “bình Tây”, họ đã “sát Tả” là chủ yếu. Và, tháng
8-1885, chỉ một “trận đánh giáp lá cà” người Pháp dễ dàng chiếm thành Nghệ An.
Jean Dupuis, được mô tả là “một thương gia, đồng
thời là một tên thực dân khét tiếng hiếu chiến” nhưng hành động của ông được
viết: “Tại đây, ông dựng lên một chiếc lều để thu mua và kinh doanh gỗ. Chiếc
lều Bến Thủy của J. Dupuis đã mở đầu cho một trào lưu đầu tư mạnh mẽ vào Vinh”.
Năm năm sau, 1889, từ một nơi có khoảng 5000 người tăng
lên 12.000 người Việt, 40 người Âu và 161 người Hoa.
Năm 1905, khánh thành ga Vinh, từ đó, người Nghệ có
đường xe lửa thông thương với Hà Nội [năm 1928 đường sắt đi tới Đông Hà; 1936
thì thông toàn quốc]. Năm 1920, Vinh có sân bay và vào ngày 25-4-1933 có tới 21
chiếc máy bay cùng hạ xuống sân bay Trường Thi.
Vinh của trước 1945 là một trung tâm công nghiệp với
Diêm Bến Thủy, Điện Vinh, Gỗ Vinh, Thịt Hộp Lapique, Xe Lửa Trường Thi… Sản
lượng điện mà Vinh tiêu thụ năm 1936 lớn gấp đôi Đà Nẵng, gấp 5 lần Quy Nhơn,
gấp 10 lần Hội An và gấp 6 lần Lào. In ấn cũng phát triển tới mức, cụ Tản Đà
Nguyễn Khắc Hiếu, định kỳ, ôm bản thảo vào Vinh in ở nhà in tư Vương Đình Châu.
Không chỉ có các cơ sở kinh tế, xét thấy “xứ Nghệ là
đất học”, năm 1920, một năm sau khi trường thi Hương đóng cửa, Toàn quyền Pháp
cho lập Trường Quốc Học Vinh. Ở Vinh lúc ấy có cả nhà thương cho người Âu có cả
nhà thương cho người bản xứ, có tòa án dân sự, văn hóa, bóng đá đều phát triển…
Năm 1940, Vinh có 20.000 dân, thì có 481 người Âu,
38 người Ấn, hàng ngàn người Hoa [Dân số Vinh hiện gấp 17 lần nhưng hầu như
không có ngoại kiều định cư; trong 31.000 dân ngoại (tỉnh) kiều, dân Hà Tĩnh
chiếm 76,41%]. Trước năm 1945, Vinh có 235 công sở, 324 toà nhà cao tầng, 1.263
biệt thự của thị dân. Tất cả đều được xây dựng theo kiến trúc Pháp và Châu Âu
[Đây là số liệu chính xác được Việt Minh thống kê để làm nhiệm vụ tiêu thổ
kháng chiến đầu năm 1947].
Năm 1947, ga Vinh, hệ thống đường sắt, kể cả cầu Yên
Xuân… bị phá hủy nhằm “tiêu thổ kháng chiến” [đến 1964 mới khôi phục được]. Các
công trình đẹp nhất ở Vinh đều bị phá hủy.
Sáng 16-10-2022, tại Cà Phê 175 Tây Sơn, Hà Nội, sau
khi nghe nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần thuyết trình, Trung tướng Nguyễn Quốc
Thước, người đã từng học trường Tây ở Vinh, nói: “50 bức ảnh của nhóm Vinh Xưa
triển lãm nhắc lại những ký ức của tôi ở Vinh. Ngày xưa Vinh đẹp thật, nhưng đó
là cái đẹp của thực dân Pháp. Chúng ta đang xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp
hơn”.
Không phải tất cả sự phồn vinh ấy là của thực dân.
Môi trường tự do kinh doanh ở Vinh đã giúp rất nhiều người Việt thành đạt trên
rất nhiều lĩnh vực, vào năm 1925, một người Việt, ông Phạm Văn Phi đã có 43 ô
tô các loại, kinh doanh trong lĩnh vực vận tải.
Vinh còn có rất nhiều đền thờ, chùa chiền, miếu mạo
của người Việt như : Võ Miếu, Văn Miếu, nhà thờ Cầu Rầm, chùa Diệc, chùa Cần
Linh, chùa Tập Phúc, Thành Cổ Vinh… Nhưng nay chỉ còn Võ Miếu, đền Hồng Sơn,
chùa Diệc Cổ chỉ còn phế tích cửa tam quan; Văn Miếu Vinh chỉ còn mấy vì kèo
làm kho của công ty In. Thành Cổ còn 3 cửa chính. Nhiều công trình như chùa Tập
Phúc mới bị đập phá cuối năm 1970…
Sau sự kiện “Lan tỏa Vinh xưa – Hà Nội 2022”, Nguyên
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Lê Doãn Hợp viết trên trang Facebook của ông:
“Trước 1945, nền báo chí Vinh phát triển mạnh với 17 tờ báo, 2 Tạp chí của
Người Việt, Người Hoa và Người Pháp… hoạt động rất chuyên nghiệp và sôi động.
Vinh là một thành phố đa sắc màu văn hoá”. Tôi cmt bên dưới, “Ngày nay, nếu xét
theo các tiêu chuẩn báo chí, Vinh không có tờ báo nào”.
Nghệ An là quê hương của những người Cộng sản.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Bạo lực cách mạng đã tập hợp được những
người dân Việt Nam nôn nóng giành độc lập. Nhưng, chính con đường bạo lực lại
là con đường dài nhất, lâu nhất. Tiến trình đi tới độc lập, thống nhất ấy mất
tới 30 năm và thêm 15 năm chiến tranh Biên giới.
“Nước độc lập mà dân không có tự do hạnh phúc, độc
lập ấy cũng không có ý nghĩa”, càng đọc Tìm Dấu Vinh Xưa càng nhớ tuyên bố này
của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhớ “số phận nghiệt ngã” sau Cách mạng của Trịnh Văn
Ngấn, một doanh nhân hào hoa và giàu có nhất nhì ở Vinh thời thuộc Pháp.
Tìm Dấu Vinh Xưa là một cuốn sách khảo cứu thuần túy
khoa học. Trong rất nhiều cộng đồng mạng, cộng đồng Vinh Xưa với người dẫn dắt
là nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần, đã làm được nhiều việc vô cùng giá trị. Tìm
Dấu Vinh Xưa không phải là “lịch sử đảng bộ, nhân dân thành phố Vinh”. Nhưng
đọc Tìm Dấu Vinh Xưa không chỉ hiểu hơn “lịch sử đảng bộ, nhân dân thành phố
Vinh” mà còn hiểu đầy đủ hơn một chặng đường lịch sử mà dân tộc này nếm trải.
PS: Các bạn tìm sách xin liên hệ trực tiếp tác giả
Phạm Xuân Cần và nhóm VINH XƯA…
_______
Một số hình ảnh:
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/1-67-1068x500.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/1-68-1024x573.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/1-69-1024x575.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/1-70-768x459.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/1-71-1024x599.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/1-72-1024x631.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/1-73-1024x696.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/1-74-1024x571.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/1-75-1024x601.jpg
No comments:
Post a Comment