Vì
sao 30 phi công của Bamboo Airways đồng loạt nghỉ việc?
An Vui - Saigon
Nhỏ
27 tháng 9, 2023
Sau
hai tháng bị chậm lương, 30 phi công đã rời khỏi Bamboo Airways (công ty Hàng
không Tre Việt).
Bài báo ngày 27 Tháng Chín 2023 của Reuters
cho biết, 30 phi công là khoảng 10% số lượng phi công của Bamboo Airways.
Một tin nhắn ngày 21 Tháng Tám từ đại diện Bamboo
Airways nói với các phi công ngoại quốc rằng họ sẽ nhận được 35% tiền lương
Tháng Bảy vào ngày hôm đó, sau khi đã quá hạn một tuần. Sau đó, phần còn lại đã
được thanh toán đầy đủ.
Tháng trước đó, họ đã nhận được tin nhắn tương tự về
tiền lương Tháng Sáu.
Đến nay, các phi công ngoại quốc cho biết họ vẫn
chưa nhận được lương Tháng Tám, vốn đến hạn vào ngày 15 Tháng Chín.
Dù nhân viên tại Bamboo Airways đã từng bị nhận
lương trễ hạn nhưng đây là lần đầu tiên các phi công ngoại quốc của hãng này bị
trả lương chậm.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào Tháng Giêng 2019,
Bamboo Airways có chặng đường phát triển gập ghềnh. Mới thành lập chưa bao lâu thì
vướng vào chính sách hạn chế đi lại của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch
COVID-19. Sau đó, hãng này phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ thương
hiệu giá rẻ VietJet đang được đầu tư mở rộng quá nhanh.
Năm 2022, Bamboo Airways lỗ 17.6 ngàn tỷ đồng ($722
triệu).
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/27.9.23_Anh-4a.jpg
Đại hội cổ đông Bamboo Airways họp ngày 21 Tháng Sáu
2023 công bố một đối tác Nhật Bản và tập đoàn Him Lam đầu tư vào hãng bay này –
Ảnh: VietnamNet
Trong một lá thư gửi nhân viên, ông Nguyễn Ngọc
Trọng, chủ tịch mới của Bamboo Airways, cho biết hãng hàng không này đang phải
đối mặt với thời kỳ khó khăn và nằm trong tiến trình tái cơ cấu, tìm mô hình
kinh doanh phù hợp để phát triển.
Ông Trọng được bổ nhiệm làm chủ tịch hãng bay này
hồi Tháng Bảy 2023, khi người tiền nhiệm từ chức sau chưa đầy hai tháng đảm
nhiệm chức vụ.
Trả lời Reuters, ông Trọng khẳng định hãng
bay này đang thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lớn, bao gồm mạng lưới đường bay,
đội bay và nguồn nhân lực để tăng hiệu quả và tối ưu chi phí vận hành nên đã
cắt giảm một số nhân sự phi công để phục vụ mục tiêu này.
Bamboo Airways phủ nhận việc chậm trả lương là
nguyên nhân khiến các phi công ngoại quốc nghỉ việc.
Bamboo còn cho biết họ đang hoạt động ổn định và
đang có kế hoạch huy động vốn từ các cổ đông chiến lược. Họ cho biết một trong
những người ủng hộ tài chính lớn của họ là ngân hàng Sacombank của Việt Nam đã
bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng dài hạn và mong muốn tăng cường đầu tư vào
hãng hàng không này.
Sacombank chưa đưa ra lời bình luận về thông tin
trên.
Bamboo đã lên kế hoạch niêm yết tại Hoa Kỳ hồi năm
2021 nhưng công ty này đang phải vật lộn với những thay đổi nhanh chóng về quản
lý và tái cơ cấu mạnh mẽ, kể từ khi cựu chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn
Quyết – tập đoàn sáng lập hãng bay và có cổ phần lớn nhất, bị bắt hồi Tháng Ba
2022 với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.
Hiện chưa rõ công ty nào có cổ phần lớn nhất tại
Bamboo Airways. Người phát ngôn của Bamboo Airways cho biết thông tin chi tiết
về quyền sở hữu của công ty này sẽ được tiết lộ sau.
Bamboo, hãng bay cả quốc tế và nội địa, chiếm thị
phần khoảng 17% tại thị trường Việt Nam, đó là thông tin công bố cho báo chí
hồi Tháng Ba 2023, có 30 phi cơ, trong đó có ba chiếc Boeing 787-9.
Các chuyến bay của Bamboo vẫn khởi hành đều đặn tại
hai phi trường Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Theo trang web theo dõi
Planespotters.net, 7 trong số 30 phi cơ của hãng, bao gồm một số chiếc mới mua
gần đây, hiện đang được đậu tại phi trường để bảo trì.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/27.9.23_Anh-4.jpg
Bamboo Airways phủ nhận thông tin 30 phi công nghỉ
việc vì bị trả lương trễ hạn – Ảnh: BAV
Sau bài báo của Reuters, trao đổi với VietnamNet
ngày 27 Tháng Chín, đại diện Bamboo Airways (BAV) cho hay, do kinh tế khó khăn
cộng với giá nhiên liệu xăng dầu tăng cao, hãng đang phải đối mặt với nhiều
thách thức. Việc chậm lương là có, tuy nhiên chỉ trong vòng vài ngày, cùng lắm
là một đến hai tuần, chứ không có chuyện cắt giảm nhân sự.
“Chúng tôi đang trong quá trình tái cơ cấu, việc chi
trả lương chậm không phải là quá nghiêm trọng”, đại diện hãng này nhấn mạnh.
Hồi Tháng Bảy 2023, Bamboo Airways cũng vướng vào
tin đồn “xin bảo hộ phá sản”. Cũng trả lời VietnamNet về vấn đề này,
ngày 14 Tháng Bảy 2023, đại diện chủ đầu tư mới của BAV cho biết, hãng bay tuy
gặp khó khăn nhưng không có chuyện nộp đơn xin bảo hộ phá sản ra tòa án như tin
đồn lan truyền trên thị trường mà vẫn đang hoạt động bình thường.
Trong thông cáo báo chí phát đi cùng ngày, BAV cho
biết, hãng vẫn đang hoạt động ổn định, bảo đảm khai thác các chuyến bay đúng
giờ, an toàn và sẽ tiếp tục phát triển mạng bay, tối ưu hóa mọi nguồn lực.
Trong thời gian vừa qua, không chỉ BAV mà nhiều hãng
hàng không cũng gặp khó khăn, chẳng hạn như tổng công ty Hàng không Việt Nam –
Vietnam Airlines (HNV) còn đối mặt với ba năm lỗ liên tiếp (2020-2022) và có
thể bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Hôm 11 Tháng Bảy 2023, Vietnam Airlines bất ngờ hủy
chốt danh sách họp đại hội cổ đông thường niên năm 2023. Trước đó, hơn 2.2 tỷ
cổ phiếu Vietnam Airlines (trị giá khoảng $1.3 tỷ) bị đưa vào diện hạn chế giao
dịch kể từ ngày 12 Tháng Bảy và vào diện cảnh báo từ ngày 11 Tháng Bảy.
Nguyên nhân do Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài
chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định và chưa tổ chức
đại hội cổ đông thường niên trong vòng sáu tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài
chính 2022.
No comments:
Post a Comment