Thursday, September 28, 2023

MỘT NỀN GIÁO DỤC PHI GIÁO DỤC (Kim Ngữ / Saigon Nhỏ)

 



Một nền giáo dục phi giáo dục

Kim Ngữ  -  Saigon Nhỏ

27 tháng 9, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/mot-nen-giao-duc-phi-giao-duc/

 

Dạo gần đây khi nói về tình trạng giáo dục, trên mạng xã hội kèm theo một câu nhận xét rất ngắn, nhưng lại đầy đủ đến bất ngờ: Ở Việt Nam có bốn thứ chỉ dùng một lần: vé số, bao cao su, băng vệ sinh và sách giáo khoa.

 

Sách giáo khoa bị xếp hạng ngang với ba thứ trước nó, vì cái sự thật không thể chối cãi: Mỗi năm, Bộ giáo dục yêu cầu thay đổi sách giáo khoa một lần và mỗi năm học bắt đầu bằng một loại sách giáo khoa mới, sách cũ phải bỏ đi như một chiếc bao cao su của đàn ông hay một mảnh băng vệ sinh của phụ nữ.

 

Sự so sánh ấy nghe có vẻ oái oăm nhưng nếu nhìn kỹ vào thực trạng nền giáo dục hiện nay thì e rằng chưa đủ diễn tả cái tình trạng mà Bộ giáo dục cưỡng bức phụ huynh, giáo viên, học sinh mỗi lần tiếng trống khai trường được gióng lên hàng năm.

 

Thật ra ngân sách mà Bộ giáo dục nhận từ chính phủ hàng năm chưa tới 17% và số tiền này dùng để trả cho giáo viên các cấp một cách dè sẻn và tằn tiện trong khi Bộ này lại đòi hỏi người đứng lớp phải chịu rất nhiều sức ép từ hiệu trưởng, tới phụ huynh học sinh và ngay cả miếng cơm manh áo trong gia đình.

 

Dụng cụ dùng trong giảng dạy đã không đủ thì tiền đâu in sách giáo khoa? Vì vậy giải pháp xã hội hóa đã được áp dụng và năm này sang năm khác, câu chuyện sách giáo khoa như một chiếc bình hoa không bao giờ thay nước, chỉ thay hoa và cắt tỉa chúng bất kể mùi hôi thối của cặn bã từ những năm trước tồn đọng của nước chứa trong bình.

 

Mỗi năm Bộ Giáo dục xuất bản hàng triệu cuốn sách giáo khoa được in ấn rất đẹp từ các “đầu nậu” tư nhân núp bóng dưới chiêu bài Bộ Giáo dục. Sách được sửa chữa sao cho có vẻ thật mới và thật khó để phụ huynh học sinh không nói là xào nấu cuốn sách năm rồi. Việc làm này chẳng những khiến giáo viên đau đầu vì phải soạn bài phù hợp, mà học sinh cảm thấy bất lực, vì sách giáo khoa năm trước không theo đúng nhịp của sách giáo khoa năm sau trong cùng một môn học. Còn về phần phụ huynh học sinh thì không cần phải nói, giàu nghèo gì cũng mặc, miễn là đóng đủ yêu cầu thì con em mới có cơ hội ngồi vào bàn học cùng chúng bạn.

 

Số tiền mua sách giáo khoa mà phụ huynh học sinh bỏ ra cho con em là một số tiền kếch sù, đủ chia chác cho hằng ngàn người trong hệ thống in sách giáo khoa. Từ biên tập, in ấn, phân phối, ký giấy phép cho tới vận động truyền thông, vận động hiệu trưởng, sở giáo dục các tỉnh thành… Món tiền phi nhân này được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận như một nguồn thu cho ngân sách. Nó gây đau đớn cho phụ huynh học sinh, nhưng góp phần “chữa lành” cho một số nhân viên dưới quyền, kể cả những kẻ vẫn ngày đêm kêu gào cải cách giáo dục.

 

Nền giáo dục này làm sao cải cách khi mà từ chóp bu cho tới anh lao công trông coi cổng trường đều hau háu nhìn vào đồng lương của mình trong tháng tới?

 

Bắt đầu từ ông hiệu trưởng: bất cứ cái gì cũng có thể làm ra tiền cho mái trường mà ông ta đứng ra trông nom. Từ bộ đồng phục học sinh cho tới bữa ăn trưa cho trẻ mẫu giáo. Từ vài mảnh học cụ cho tới bàn ghế học sinh, những vật thể ấy nếu không còn kiếm tiền được vì đã báo cáo, thì có ngay các “phi vật thể” được bao biện bằng những thứ rất xa lạ trong môi trường giáo dục. Chẳng hạn như dạy “liên kết” học các môn tăng cường từ lớp Một, nào Tiếng Anh, Kỹ năng sống, Trải nghiệm… Những tiết này đưa vào Thời khoá biểu chính khoá,  học sinh buộc phải học và phải đóng tiền!

 

Hiệu trưởng nào cũng có một “Kim bài làm tiền” được Bộ giáo dục trao tặng: “Thu nhận giáo viên mới”. Không phải cứ học sư phạm xong ra trường là được chính thức đứng lớp đâu! Muốn vào giảng dạy thì phải “chạy” mà kẻ cuối cùng nhận bạn vào làm việc theo biên chế thì chẳng ai khác ngoài hiệu trưởng cái trường mà bạn muốn vào đứng lớp!

 

Hiệu trưởng bắt tay với cấp dưới tạo ra những khoản tiền ất ơ nghe như trò đùa được gửi trực tiếp cho cha mẹ học sinh và không ai dám cự cãi khi nhận được tờ sớ táo quân liệt kê ra hàng chục thứ mà chỉ có Việt Nam mới nghĩ ra được mà thôi!

 

Giáo viên dạy cật lực cách mấy cũng không đủ sống vì đồng lương bị Bộ Giáo dục đóng vào cái khung cực kỳ “phản động”. Lương tháng của họ chỉ đủ để đong gạo cùng vài thực phẩm rẻ tiền và muốn sống cho ra sống, họ phải nghĩ cách dạy thêm cho chính học sinh mình đứng lớp.

 

Cái vòng tròn kiếm sống vừa chua chát vừa bi thảm ấy kéo dài hàng mấy chục năm qua không làm cho chính phủ này một lần e ngại. Ngân sách cho Giáo dục đứng sau Bộ Công an, Quốc phòng, không làm cho bất cứ bộ phận nào trong dân chúng giãy nảy lên chống đối. Cái tư duy ù lì ấy đã giúp cho những cái đầu hoạch định ngân sách quốc gia yên ổn và thậm chí tự hào.

 

Tệ nạn đồng lương ít nhưng số lượng công việc lại nhiều khiến tình trạng bỏ dạy kiếm một nghề khác trong cộng đồng thầy cô giáo cứ tăng theo hàng năm. Trong vòng ba năm học, kể từ Tháng Tám 2020 đến Tháng Tám 2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc trong cả nước lên đến hơn 40,000 người. Trong đó, hai năm học có số lượng giáo viên bỏ việc nhiều nhất là 2021 – 2022 với khoảng 16,000 và năm học 2022 – 2023 với hơn 13,000.

 

Năm ngoái, hơn 3,000 thầy cô giáo sang Hàn Quốc làm công nhân vì thu nhập gấp 12 lần làm giáo viên, đã khiến cho cộng đồng mạng bức xúc. Thầy cô giáo vốn được những xứ sở hấp thụ Nho giáo xem trọng nay trở thành một bức tranh vân cẩu không hơn không kém.

 

Cách làm từ Bộ Giáo dục trở xuống tới từng mái trường không thể xem là giáo dục vì căn bản nó không được thực hiện với mục tiêu giáo dục mà là mục tiêu khác hoàn toàn khác với những gì mà người dân cần đến: tiền trao cháo múc! Nhưng hỡi ơi, thứ cháo mà học sinh, giáo viên, phụ huynh múc được chỉ là nước lã pha gạo lõng bõng không đáng để gọi là cháo, nó chỉ có tác dụng duy nhất là làm cho người dân nghĩ rằng họ được thụ hưởng một nền giáo dục bình đẳng như mọi nước khác.

 

Nói cho dễ hiểu hơn, người dân bỏ tiền ra mua thứ giáo dục rất phản giáo dục tại đất nước này.





No comments: