Friday, September 29, 2023

THƯỢNG ĐỈNH KIM - PUTIN : HỢP TÁC SONG PHƯƠNG hay THỎA THUẬN NGẦM BA BÊN? (Minh Anh / RFI)

 



Thượng đỉnh Kim – Putin : Hợp tác song phương hay thỏa thuận ngầm ba bên ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 28/09/2023 - 15:06

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/202309....BA%A7m-ba-b%C3%AAn

 

Từ ngày 12-17/09/2023, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un có chuyến thăm Nga, gặp tổng thống Vladimir Putin, hội đàm với bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Shoigu. Trong chuyến thăm này, ông Kim Jong Un đã đến thăm các cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga, một dấu hiệu của sự tăng cường hợp tác quân sự Nga – Bắc Triều Tiên. Nhưng nhiều nhà phân tích còn nhìn thấy khả năng có một sự phối hợp « ngầm » giữa bộ ba Matxcơva – Bình Nhưỡng – Bắc Kinh.

 

https://s.rfi.fr/media/display/4dd3d59e-5df9-11ee-8125-005056a90284/w:980/p:16x9/AP23257038457539%20%281%29.webp

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại sân bay vũ trụ Vostochny, Viễn Đông Nga, ngày 13/09/2023. AP

 

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo Bắc Triều Tiên kể từ năm 2019. Sự kiện cho thấy quan hệ giữa Matxcơva và Bình Nhưỡng đã được tăng cường đáng kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraina. Chế độ Bình Nhưỡng luôn bày tỏ lập trường ủng hộ Nga trong « cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc » theo như tuyên bố của lãnh đạo Kim Jong Un trong cuộc gặp với tổng thống Nga Vladimir Putin

 

*

Tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân : Nỗi ám ảnh của Bình Nhưỡng

 

Takahashi Kosuke, phóng viên thường trú cho trang thông tin The Diplomat tại Tokyo, lưu ý ông Kim Jong Un đi Nga trong bối cảnh Bắc Triều Tiên đang trải qua một cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng tồi tệ. Tính đến khoảng sáu tháng đầu năm 2023, Nga đã xuất khẩu gần 4.000 tấn bột mỳ và hơn 2.800 tấn ngô sang Bắc Triều Tiên.

 

Ngoài ra, lượng dầu hỏa mà Nga cung ứng cho Bắc Triều Tiên trong tháng Bảy cũng tăng hơn gấp năm lần so với tháng trước, lên đến gần 11 ngàn thùng dầu, theo tin từ trang mạng của Ủy ban Trừng phạt thuộc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về Bắc Triều Tiên.

 

Tuy nhiên, theo hầu hết giới quan sát, lĩnh vực quân sự mới là điều Bình Nhưỡng muốn tìm kiếm. Nhà báo Takahashi Kosuke nhắc lại, trong lần Đại hội Đảng Lao Động Triều Tiên lần thứ 8, diễn ra hồi tháng Giêng năm 2021, Kim Jong Un đề ra chín mục tiêu phải đạt được, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn và tên lửa siêu thanh.

 

Theo các thông tin từ tờ JooAng Ilbo của Hàn Quốc được ông Kosuke dẫn lại, ít nhất có 7 lĩnh vực đang chuẩn bị đi vào sản xuất và triển khai hàng loạt, nhưng vẫn còn hai lĩnh vực bị tụt hậu là vệ tinh trinh sát và tầu ngầm hạt nhân, hai lĩnh vực mà Bình Nhưỡng muốn có được công nghệ từ Nga.

 

Việc ông Kim Jong Un đến thăm sân bay vũ trụ Vostotchny cùng nhiều cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân khác của Nga làm dấy lên nghi ngờ Matxcơva bán hay chuyển giao công nghệ tên lửa đạn đạo cho Bắc Triều Tiên.

 

Về điểm này, nhà địa lý học Emmanuel Veron, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, trên đài truyền hình France 24, tỏ ra cẩn trọng khi cho rằng hiện chưa có một thông tin nào được đưa ra về những công nghệ « có khả năng » được Nga bán hay chuyển giao.

 

Nhưng sự việc cho thấy rõ chế độ Bình Nhưỡng vẫn chú tâm đến chương trình tên lửa đạn đạo và phát triển hạt nhân. Đây là hai chương trình mà Bắc Triều Tiên luôn tìm kiếm các nguồn quỹ để tài trợ cho nghiên cứu, theo như đánh giá của bà Juliette Morillot, nhà báo và chuyên gia về bán đảo Triều Tiên.

 

Trên đài phát thanh France Culture ngày 14/09/2023, bà giải thích : « Tấm gương Ukraina, quốc gia đã từ bỏ vũ khí hạt nhân, chỉ làm cho Bắc Triều Tiên càng thêm tin rằng không có vũ khí hạt nhân, nước này chỉ có thể phó mặc cho kẻ mạnh nhất. Điều quan trọng nhất với Bắc Triều Tiên chính là sự sống còn của chế độ và vũ khí hạt nhân. »

 

*

Nga muốn gì ở Kim Jong Un ?

 

Về phía Nga, hầu hết giới quan sát ở Pháp đều nhấn mạnh rằng, nếu có một thỏa thuận giữa hai nước, thì đó sẽ chỉ là một thỏa thuận về vũ khí. Giới chức quân sự phương Tây ước tính trong năm 2022, Nga đã tiêu thụ từ 10-11 triệu đạn pháo. Dù Nga có tăng thêm hai triệu viên đạn mỗi năm trong vài năm tới thì cũng chưa đủ giải quyết được sự thiếu hụt này.

 

Tướng Dominique Trinquand, chuyên gia quân sự, nguyên là trưởng phái bộ quân sự Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốc, trên France 24 cho rằng việc có thêm nguồn cung đạn dược mà Nga cần cho các nòng đại bác 122 và 152 ly từ Bắc Triều Tiên sẽ cho phép Nga kéo dài thêm cuộc chiến tại Ukraina:

 

« Đơn giản là tổng thống Putin đang đặt cược nhiều vào một cuộc chiến kéo dài, nghĩa là cầm chân quân Ukraina ở tuyến phòng thủ hiện nay càng lâu càng tốt trong lúc chờ đợi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Chính vì điều đó mà Nga cần thêm đạn pháo. Ngay từ đầu cuộc chiến, mỗi ngày Nga bắn đi khoảng 60 ngàn quả pháo. Giờ thì họ chỉ bắn khoảng 20 ngàn quả/ngày do thiếu đạn.  Cho nên họ phải kiếm nguồn cung từ Iran rồi Bắc Triều Tiên. »

 

Theo thông tin từ New York Times (13/9), Nga đang mở rộng sản xuất vũ khí để tránh các lệnh trừng phạt do phương Tây ban hành. Tuy năng lực sản xuất pháo của Nga ước tính cao gấp bảy lần so với phương Tây, Matxcơva hiện cũng phải đối mặt với nạn khan hiếm nhân công.

 

Cũng theo tướng Trinquand, ngoài khả năng cung cấp đạn dược, Bình Nhưỡng rất có thể sẽ cung cấp thêm nguồn nhân lực mà Nga đang thiếu hụt nghiêm trọng :

 

« Một điểm khác có thể cũng rất thú vị là cung cấp nhân sự cho các nhà xưởng. Người Bắc Triều Tiên có thể làm việc 7 ngày/7, 24 giờ/24 mà không có vấn đề gì và có thể sẽ làm việc ở Nga. Nước Nga lúc này đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người làm việc trong các xưởng sản xuất, đơn giản chỉ vì, hoặc là người dân họ bỏ xứ ra đi ( khoảng một triệu người đã rời nước Nga ), hoặc là bị kêu lính. Phía đông của nước Nga có nhiều xưởng sản xuất vũ khí và chính ở đó mà họ đang thiếu nhân công. »

 

*

Trục « ma quỷ » Bắc Kinh – Matxcơva – Bình Nhưỡng ?

 

Dù vậy, mọi cặp mắt đều hướng đến một nước thứ ba : Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng việc ông Kim đi Nga để tiến hành cuộc « đổi chác » đưa vũ khí lấy lương thực trước hết đã phải có được « đèn xanh » từ Bắc Kinh. Và việc chính phủ Trung Quốc có phản ứng chừng mực về cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Bắc Triều Tiên đã làm dấy lên nỗi ngờ vực về sự hình thành một trục « ma quỷ » tay ba : Bắc Kinh – Matxcơva – Bình Nhưỡng.

 

Đây cũng là điểm gây ra nhiều tranh cãi. Nhà địa lý học Emmanuel Veron nói đến sự hình thành và củng cố một tam giác chiến lược. Quan điểm này đã bị ông Barthélémy Courmont, giám đốc nghiên cứu về châu Á – Thái Bình Dương, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS, trên đài France 24 bác bỏ mạnh mẽ:

 

« Tôi nghĩ rằng chúng ta đang chứng kiến có một sự đồng nhất về lợi ích, một đồng nhất về lịch trình (…) Phía Bắc Kinh có một cách tiếp cận gần với Matxcơva về việc tái định hình trật tự thế giới thông qua các thông cáo chung của hai nước, kêu gọi phi phương Tây hóa thế giới. Ở đây có một sự hội tụ về lợi ích giữa ba nước, do vậy không có gì đáng ngạc nhiên về phản ứng dè dặt của Bắc Kinh ».

 

Trong cuộc tranh luận này, tướng Dominique Trinquand đưa ra một cách giải thích khác. Trong cuộc gặp Putin – Kim này, Bình Nhưỡng « có thể » giữ một vai trò trung gian giữa Nga và Trung Quốc. Ông thừa nhận hiện không có bằng chứng nào để khẳng định, nhưng nhiều thành phần thứ cấp, các linh kiện lưỡng dụng như chip điện tử của Trung Quốc dường như đã được cung cấp cho Nga thông qua ngả Bắc Triều Tiên.

 

Cách làm này một mặt cho phép Bắc Kinh vẫn có thể giữ được vai trò trung gian hòa giải, kiến tạo hòa bình, nhưng mặt khác, Trung Quốc cũng được lợi khi hậu thuẫn ngầm cho một cuộc chiến dài hơi của Nga. Tướng Trinquand phân tích :

 

« Ngoài việc cung cấp các linh kiện để sản xuất vũ khí, Trung Quốc còn có lợi khi chiến tranh kéo dài, bởi vì chừng nào chiến tranh còn dai dẳng, Mỹ sẽ bị cầm chân ở Ukraina. Do vậy, Trung Quốc chỉ có lợi khi người Mỹ bị cầm chân lâu tại Ukraina. Điều lợi thứ hai, đó khi là chiến tranh kéo dài, Nga sẽ bị suy yếu và Trung Quốc mua dầu hỏa của Nga với giá rẻ từ 30-40%, bởi vì Nga mất nhiều khách hàng. »

 

Về phần mình, nhà báo người Nhật Takahashi Kosuke trên trang mạng The Diplomat nhận định, khi tránh bình luận về cuộc gặp thượng đỉnh Kim – Putin,  Bắc Kinh « dường như lo ngại về sự lan truyền nhận thức rằng Nga – Trung – Triều là một khối. Việc gộp Bắc Kinh với Bình Nhưỡng thành một "trục ma quỷ" mới sẽ có ảnh hưởng xấu đến chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, bao gồm cả đối với Mỹ ».

 

Trung Quốc luôn giữ một khoảng cách với Bắc Triều Tiên và tránh xa các tham vọng chính sách đối ngoại của nước này. Nhưng việc Hoa Kỳ tăng cường hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm kềm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng có nguy cơ dẫn đến việc bộ ba Bắc Kinh, Matxcơva và Bình Nhưỡng thắt chặt hơn mối quan hệ chiến lược.

 

Takahashi Kosuke cảnh báo : Theo quy luật hành động và phản ứng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Philippines, Việt Nam và Úc càng tăng cường quan hệ thì rủi ro đưa Trung Quốc đến gần phe Nga và Bắc Triều Tiên càng cao. Đây là một vấn đề nan giải cho an ninh !

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên rời Nga với món quà biểu tượng: 5 drone quân sự

 

Kim Jong Un tham quan căn cứ oanh tạc cơ hạt nhân chiến lược của Nga

 

Mỹ, Nhật quan ngại về hợp tác quân sự Bắc Triều Tiên-Nga

 

 


No comments: