Friday, September 29, 2023

QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN HOA KỲ - VIỆT NAM KHÔNG HẲN LÀ VÌ TRUNG QUỐC (Nguyễn Hùng Sơn / The Diplomat)

 


Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện Hoa Kỳ-Việt Nam Không Hẳn Là Vì Trung Quốc

Tác giả: Nguyễn Hùng Sơn | The Diplomat

Biên dịch: Trần Phạm Bình Minh | Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

September 21, 2023

https://dskbd.org/2023/09/21/quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-hoa-ky-viet-nam-khong-han-la-vi-trung-quoc/

 

Việc nâng cấp quan hệ phù hợp với mục tiêu lâu dài của Hà Nội là xây dựng mạng lưới quan hệ với khu vực và thế giới.

 

                                                         *

 

 

Khi bắt đầu xuất hiện những tin đồn về khả năng nâng cấp khuôn khổ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện,” và cuối cùng đã xảy ra trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào cuối tuần này, nhiều người ám chỉ rằng điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu của Việt Nam nhằm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là chủ nghĩa bành trướng hải quân của nước này ở Biển Đông.

 

Điều này hoàn toàn sai.

 

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính sách đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa. Học thuyết này đã được thực hiện một cách nhất quán và góp phần to lớn vào việc nâng cao vị thế quốc tế và thành công của đất nước. Vì vậy, không có lý do gì Việt Nam phải thay đổi những nguyên tắc đã được thử thách qua thời gian này.

 

Thứ hai, Việt Nam đã học được bài học đắt giá rằng liên kết với một siêu cường để đối trọng với một siêu cường khác không phải là cách tối ưu để bảo vệ lợi ích của mình. Ví dụ, việc liên kết với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh không đủ để bảo vệ các đảo nhỏ và bãi cát của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa khỏi bị Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1988. Do đó, chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ của Việt Nam không chỉ là một lời tuyên bố với thế giới, mà cũng là một lời nhắc nhở quan trọng không kém với chính Việt Nam.

 

Thứ ba, trong khi nhiều nhà phân tích phương Tây coi “đối tác chiến lược” là một thuật ngữ mang nặng tính quốc phòng và an ninh thì Việt Nam lại không coi như vậy. Trong từ vựng ngoại giao của Việt Nam, đối tác chiến lược hoặc chiến lược toàn diện là đối tác có mối quan hệ toàn diện, thực chất, tin cậy và lâu dài. Quan hệ quốc phòng và an ninh không nhất thiết phải là nội dung cốt lõi hay là động lực chính của mối quan hệ đó. Singapore, Malaysia, New Zealand và Tây Ban Nha là một số ví dụ về quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam, trong đó hợp tác quốc phòng và an ninh không phải là động lực chính của mối quan hệ.

 

Suy cho cùng, khuôn khổ “đối tác toàn diện” đã đủ để Việt Nam có thể làm được nhiều điều nếu Việt Nam thực sự tìm kiếm hợp tác với Hoa Kỳ để đối trọng với Trung Quốc. Việc cho rằng Trung Quốc là nguyên nhân của việc nâng cấp khuôn khổ quan hệ bởi vậy là một giả định quá mức.

 

Vậy tại sao Việt Nam lại nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ? Cần lưu ý rằng trong chính sách đối ngoại đa hướng của Việt Nam, mặc dù quan hệ Việt – Mỹ những năm qua đã có những bước phát triển nhanh, đáng kể và toàn diện nhưng Hoa Kỳ là thành viên thường trực duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà Việt Nam chưa có một quan hệ “đối tác chiến lược.”

 

So với phần còn lại của Đông Nam Á, Việt Nam có khởi đầu khá khó khăn và chậm chạp trong quan hệ với Hoa Kỳ, và về nhiều mặt, Việt Nam vẫn “tụt hậu” so với các đối tác Đông Nam Á trong mối quan hệ với siêu cường này. Như trong tài liệu do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN biên soạn đã cho thấy, số lượng công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam chỉ bằng một phần tư hoặc nhiều nhất là một nửa số công ty đã hoạt động ở các quốc gia thành viên sáng lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Số lượng các hoạt động hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tính trung bình chỉ bằng một phần ba số lượng các nước trong khu vực Đông Nam Á và chỉ ngang bằng với Campuchia và Brunei.

 

Quan hệ với cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới – Hoa Kỳ – là trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Là nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam mong muốn trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh để đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Đối với Việt Nam, kinh tế cũng là một hình thức an ninh. “Một nền kinh tế mạnh, chính sách đối ngoại rộng mở và nền quốc phòng vừa đủ mạnh” là triết lý an ninh của Việt Nam. Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác không thể thiếu trong các nỗ lực phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở và an ninh.

 

Hoa Kỳ không chỉ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; Hợp tác với Hoa Kỳ cũng rất quan trọng để thu hút đầu tư và công nghệ chất lượng cao mà Việt Nam cần phải có để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trước mắt. Đạt được năng lực kỹ thuật quan trọng thông qua giáo dục cũng là một trong những mục tiêu khác của Việt Nam. Hiện tại, Hoa Kỳ là điểm đến lớn nhất của sinh viên Việt Nam đi du học, với khoảng 25.000 sinh viên đang theo học tại các trường đại học Hoa Kỳ, là nhóm sinh viên nước ngoài lớn thứ năm ở nước này.

 

Mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ, kẻ thù cũ và siêu cường có hệ thống chính trị khác biệt, cũng là chìa khóa để Việt Nam hội nhập vào một hệ thống quốc tế mà Hoa Kỳ về nhiều mặt vẫn đóng vai trò chủ chốt.

 

Tầm nhìn rộng lớn của Washington về một hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc phải được tôn trọng, phù hợp với Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Do đó, Hà Nội không phản đối vai trò của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương miễn là những vai trò đó phù hợp với AOIP và nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

 

Việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ cũng phù hợp với dự báo của Hà Nội về một cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm đang định hình, nơi Việt Nam sẽ tìm cách ổn định và làm sâu sắc hơn mối quan hệ của mình với tất cả các “cực” đó. Chỉ trong vài tháng gần đây, Việt Nam đã tuyên bố nâng cấp mối quan hệ với Hàn Quốc, Úc và Singapore. Hoa Kỳ không phải là nước đầu tiên và sẽ không phải là nước cuối cùng trong chuỗi nâng cấp quan hệ đối tác ngoại giao của Việt Nam.

 

Cuối cùng, sau khi mối quan hệ Hoa Kỳ-ASEAN đã được nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022 tại Phnom Penh, việc thúc đẩy mối quan hệ song phương Việt – Mỹ lên cùng cấp độ với khu vực là hoàn toàn phù hợp, cả về thời điểm lẫn về nội dung.

 

Tóm lại, mục tiêu cuối cùng của Việt Nam trong việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với các đối tác, bao gồm cả với Hoa Kỳ, trên mọi lĩnh vực, là củng cố mạng lưới các mối quan hệ và tăng cường năng lực chống chịu cũng như sức mạnh của Việt Nam trong một thế giới ngày càng bất ổn. Nhu cầu tự cường đó không phải để ứng phó với bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào, bất kỳ nguồn cụ thể nào hoặc bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

 

-----------------------

TS. Nguyễn Hùng Sơn là Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam phụ trách nghiên cứu. Ông giám sát hai viện nghiên cứu của học viện là Viện Nghiên cứu Chiến lược và Viện Biển Đông. Nghiên cứu của Nguyễn Hùng Sơn tập trung vào quan hệ các nước lớn, các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có an ninh hàng hải và chính sách đối ngoại của Việt Nam. Các quan điểm trong bài viết này là của riêng tác giả. Bài viết được đăng lần đầu tại https://thediplomat.com/2023/09/the-u-s-vietnam-comprehensive-strategic-partnership-is-not-all-about-china/.

 

 




No comments: