Chính
phủ Mỹ sẽ đóng cửa hay không?
28/09/2023
https://www.voatiengviet.com/a/chinh-phu-my-se-dong-cua-hay-khong-/7288679.html
Qua
kinh nghiệm quá khứ, không thể đoán trước được hậu quả sẽ ra sao nếu ông
McCarthy không thuyết phục được tất cả các dân biểu Cộng Hòa, khiến chính phủ
phải đóng cửa năm nay.
https://gdb.voanews.com/55d1a46b-04df-41c1-b799-c0cc338c5b86_cx0_cy1_cw0_w650_r1_s.jpg
Chính phủ Mỹ có thể “đóng cửa” lúc 12 giờ 1 phút AM,
giờ miền Đông Hoa Kỳ, ngày Chủ Nhật này, nếu quốc hội chưa thông qua dự luật
ngân sách mới để ông tổng thống ký.
Chính phủ Mỹ có thể “đóng cửa” lúc 12 giờ 1 phút AM,
giờ miền Đông Hoa Kỳ, ngày Chủ Nhật này, nếu quốc hội chưa thông qua dự luật
ngân sách mới để ông tổng thống ký. Mỗi năm quốc hội quyết định 12 bản ngân
sách chi tiêu cho 438 cơ quan nhà nước. Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân
Chủ, đang chiếm đa số ở Thượng viện. Đảng Cộng Hòa kiểm soát Hạ viện, một số
dân biểu đòi cắt bớt nhiều khoản chi phí lớn, nếu không sẽ không biểu quyết
ngân sách mới.
Một giải pháp có thể giúp chính phủ Mỹ vẫn có tiền
tiêu, là thông qua một ngân sách tạm kéo dài một tháng, đủ thời giờ cho hai bên
tìm cách thỏa hiệp với nhau. Thượng viện đã chấp thuận một ngân sách tạm, gọi
là “Nghị Quyết Tiếp tục” (CR, continuing resolution) và đã chuyển qua Hạ viện.
Các dân biểu Dân Chủ và 28 dân biểu Cộng Hòa tỏ ý ủng hộ Nghị Quyết này.
Các nghị sĩ thuộc cả hai đảng trên Thượng viện đã
kêu gọi ông McCarthy đừng để chính phủ phải đóng cửa. Nhưng ông cũng không thể
thông qua Nghị Quyết này nếu thiếu 5 phiếu ủng hộ. Nhiều người trong số khoảng
20 đại biểu “cứng rắn” không lo chuyện chính phủ đóng cửa, miễn sao có thể cắt
bỏ nhiều món chi tiêu, trong đó có $6.2 tỷ đô la viện trợ khẩn cấp cho Ukraine.
Ông McCarthy cũng không thể mời các đại biểu Dân Chủ
giúp một tay, bỏ phiếu thuận cho đủ đa số. Vì họ sẽ đòi sửa đổi, thêm một số
chi tiêu khác, trái với chủ trương của Cộng Hòa. Hơn nữa, nhiều dân biểu Cộng
Hòa đã báo trước, nếu McCarthy bắt tay với đảng Dân Chủ họ sẽ lật đổ chức chủ
tịch của ông. Khi vận động để lên chức vụ này, sau 15 lần bỏ phiếu vì bị các
đại biểu cứng rắn chống, ông đã nhượng bộ, sửa điều lệ: Chỉ cần một dân biểu
cũng có thể yêu cầu biểu quyết truất phế chủ tịch.
Cho nên, nhiều người lo cuối tuần này nhà nước vẫn
chưa có ngân sách để chi dùng. Kể từ năm 1981 đến nay, chính phủ Mỹ phải đóng
cửa 14 lần. Tổng thống Ronald Reagan chiếm kỷ lục trong hai nhiệm kỳ, tám lần
chính phủ đóng cửa, lâu nhất là ba ngày. Có lần đã đóng cửa một ngày, chỉ vì
ông tổng thống mời các đại biểu quốc hội đến Tòa Bạch Ốc ăn tiệc khuya quá,
không đủ người trở lại quốc hội họp để biểu quyết ngân sách.
Chính phủ Mỹ thường chỉ đóng cửa mấy ngày, trừ hai
năm 2013 và 2019. Năm 2013, tình trạng cũng chia rẽ giống năm nay. Đảng Dân Chủ
nắm Tòa Bạch Ốc và kiểm soát Thượng viện. Ngân sách được Thượng Viện thông qua
nhưng đảng Cộng Hòa chiếm đa số ở Hạ viện không đồng ý; vì họ muốn cắt bỏ một
số tiền chi cho đạo luật y tế của Tổng thống Barak Obama, thường gọi là
“Obamacare.” Hai viện trao qua trao lại nhiều lần, không bên nào nhường. Nhà
nước đóng cửa 16 ngày; nhưng trong thời gian đó Obamacare bắt đầu có hiệu lực
và vẫn hoạt động.
Gần đây nhất, chính phủ Mỹ đóng cửa 34 ngày, bắt đầu
20 tháng 12 năm 2018. Năm đó, hai viện quốc hội đã thông qua ngân sách nhưng
Tổng thống Donald Trump không ký. Vì ông muốn phải sửa lại, ghi thêm $5.7 tỷ mỹ
kim để ông xây bức tường ngăn chặn biên giới với Mexico. Cuối cùng, ông Trump
đã chịu ký, khi thấy 58% dân chúng coi ông là người chịu trách nhiệm gây rắc
rối.
Khi chính phủ đóng cửa, tất cả các công chức liên
bang không được trả lương, dù vẫn phải đi làm nếu họ được coi là “rất cần
thiết.” Mỗi cơ quan sẽ quyết định công việc nào là cần thiết. Sau khi mở cửa
lại, mọi người sẽ được truy lãnh. Những năm 2013 và 2019, chỉ có khoảng 800 đến
850 ngàn trong số hơn 2 triệu nhân viên phải nghỉ việc.
Quân đội và các lực lượng an ninh đều tiếp tục làm
việc, Sở Thuế IRS, Bưu Điện và các phi trường cũng vậy. Nhưng 429 ngàn nhân
viên dân sự bộ Quốc phòng có thể cho nghỉ. Bộ Nội an có thể cho nghỉ 10% trong
số 253 ngàn nhân viên. Bộ Tư pháp tổng cộng 116 ngàn nhân viên, có thể cho nghỉ
85%, trừ các biện lý và những người canh gác nhà tù. Các vụ kiện hình sự vẫn
được tiếp tục xử, các vụ kiện lừa đảo, ly dị, tranh gia tài, vân vân, thì
ngưng. Một điểm đáng chú ý là khi chính phủ đóng cửa, nếu các công chức cứ tiếp
tục đi làm dù đã được cho nghỉ, họ có thể bị phạt, hoặc bị tù, theo luật lệ Mỹ
(Antideficiency Act).
Những chương trình An sinh Xã hội (Social Security),
Y tế liên bang (Medicare) và quyền lợi của các cựu chiến bình không bị ảnh
hưởng; vì ngân sách đã được ấn định riêng biệt, không cần mỗi năm bàn lại. Các
chương trình trợ cấp thực phẩm, như “food stamps” vẫn tiếp tục, chỉ có thể giảm
bớt nếu đóng cửa quá lâu.
Nếu chính phủ chỉ đóng cửa một hai ngày thì người
dân không thấy ảnh hưởng đến mình bao nhiêu; nhưng kéo dài hàng tuần lễ thì kinh
tế sẽ thiệt hại chút đỉnh. Năm 2013, Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) nước Mỹ mất
$24 tỷ đô la sau 16 ngày, trong đó chính phủ mất $500 triệu vì các công viên
quốc gia đóng cửa. Rút kinh nghiệm trên, năm 2019 Tổng thống Trump cho các công
viên mở cửa, nhưng sau 34 ngày cả nền kinh tế vẫn mất hơn $3 tỷ. Con số mất này
rất nhỏ, vì sau khi công việc bị ngưng trệ mọi người trở lại sẽ “làm bù.”
Tuy nhiên, các nhà chính trị đều lo lắng đến ảnh
hưởng trên lá phiếu của người dân trong các cuộc bầu cử sau đó. Nghị sĩ Mitt
McCornell (Cộng Hòa) mới khuyến cáo các dân biểu không nên bắt chính phủ đóng
cửa, vì có thể khiến cho đảng mất phiếu trong cuộc bầu cử sang năm 2024. Nhưng
hậu quả các lần đóng cửa không phải bao giờ cũng giống nhau.
Thời Tổng thống Obama năm 2013, tỷ lệ tín nhiệm dành
cho đảng Cộng Hòa đang 38% đã tụt xuống chỉ còn 28% khi chính phủ bị đóng cửa.
Cuộc nghiên cứu dư luận của đài ABC cho biết 81% dân chúng bất mãn, 86% nghĩ
rằng uy tín của nước Mỹ bị sa sút, 53% coi đảng Cộng Hòa chịu trách nhiệm. Nhưng
qua năm 2014, trên toàn quốc, Cộng Hòa chiếm thêm 13 ghế dân biểu và 9 ghế nghị
sĩ. Riêng trong cuộc bầu cử ở Virginia năm 2013, đảng Cộng Hòa vẫn giữ nguyên
67 ghế trong số 100 đại biểu Hạ viện tiểu bang. Virginia là nơi có rất nhiều
công chức cư ngụ, họ không được lãnh lương trong nửa tháng nhưng có vẻ không
thay đổi lá phiếu bầu.
Năm 1995 thì khác. Năm đó, đảng Cộng Hòa, kiểm soát
cả hai viện quốc hội, đã thông qua ngân sách nhưng bị Tổng thống Bill Clinton
(Dân Chủ) phủ quyết. Không có ngân sách mới, đóng cửa, 800 ngàn công chức được
nghỉ. Sau năm ngày, đảng Cộng Hòa đã nhượng bộ, thông qua một ngân sách tạm
thời, CR. Sau một tháng, ông Clinton vẫn giữ nguyên lập trường, chính phủ đóng
cửa 21 ngày nữa, cho 284,000 người nghỉ. Cuối cùng hai nhà lãnh đạo Cộng Hòa,
Nghị sĩ Bob Dole và Dân biểu Newt Gingrich chịu thua, phải chấp nhận ngân sách
của ông Clinton. Nhưng dân Mỹ coi họ là những người gây nên cuộc khủng hoảng.
Năm 1996, ông Clinton được tái cử, và đảng Cộng Hòa đã mất hai ghế nghị sĩ
trong cuộc bầu cử quốc hội.
Qua kinh nghiệm quá khứ, không thể đoán trước được
hậu quả sẽ ra sao nếu ông McCarthy không thuyết phục được tất cả các dân biểu
Cộng Hòa, khiến chính phủ phải đóng cửa năm nay. Nhiều cử tri có thể bất mãn
nhưng không chắc họ sẽ thay đổi lá phiếu. Nhất là khi dân Mỹ đang chia rẽ,
những người ủng hộ một đảng nào sẽ kiên trì bỏ phiếu cho đảng đó.
Như thường lệ, các cử tri độc lập, không nhất thiết
theo đảng nào, sẽ quyết định ai thắng ai vào cuối năm 2024.
No comments:
Post a Comment