TRANH LUẬN CHÍNH SÁCH KHÁC TUYÊN TRUYỀN BẨN
Với bất kỳ chính sách nào, nhà làm chính sách
cũng đều phải suy nghĩ và trả lời ít nhất bốn vấn đề sau. Thứ nhất, vấn đề mà
chính sách này muốn giải quyết là gì. Thứ hai, giải pháp để giải quyết vấn đề
chính sách kể trên là gì. Thứ ba, chi phí gì cho việc thực thi chính sách đó.
Và cuối cùng, các biện pháp nào để loại trừ hoặc giảm thiểu các chi phí kể
trên. Tất nhiên sẽ có các câu hỏi khác như ai hưởng lợi, ai bị bỏ lại phía sau
v.v… nhưng nhìn chung các vấn đề chính sẽ là vậy.
Trả lời bốn vấn đề này thì lại đòi hỏi nhà làm
chính sách phải phân tích thấu đáo hơn chứ không phải chỉ tick vào là xong. Cụ
thể, khi nói về vấn đề chính sách, cần phải trả lời câu hỏi vì sao vấn đề trên
lại cấp bách và cần giải quyết (mà không phải các vấn đề khác), hoặc đơn giản
hơn đó là nó có phải là vấn đề không. Thực tế thì không một đề xuất chính sách
nào được đưa ra mà không đi kèm với một chính sách cấp thiết cả. Ngay cả trong
trường hợp tham nhũng chính sách, cũng không ai ghi rõ cho bạn rằng tôi đề xuất
đề án này lên chỉ là để trục lợi. Họ sẽ vẽ lên độ cấp thiết của chính sách đó
(ví dụ, phải gấp có ngay test kit để test toàn dân nếu không dịch bệnh sẽ tràn
làn, phải tổ chức chuyến bay giải cứu để hạn chế ca nhiễm nhập cảnh…). Người phản
biện phải thật sự tỉnh táo, tránh bị cuốn vào các ngụy biện có tính đạo đức ở
đây. Có khi vấn đề nghe thì rất kinh khủng, nhưng khả năng xảy ra thấp, và cần
ưu tiên các vấn đề khác hơn. Vậy thì lúc đó, vấn đề này không đáng cân nhắc đến.
Giải pháp cũng như vậy. Ngay cả khi vấn đề cực
kỳ cấp thiết thì không phải giải pháp nào cũng phải chấp thuận. Ví dụ như vụ việc
thay rừng bằng hồ chứa nước gần đây, không phải để cứu 100.000 người bị hạn hán
thì giải pháp thay rừng bằng hồ là giải pháp duy nhất đúng. Ông Nguyễn Phú Trọng
có câu nói khá nổi tiếng là “không thể ném chuột rồi lại vỡ bình hoa” cũng phần
nào mô tả ý này. Cứu 100.000 người là cần thiết, nhưng không phải nhân danh cứu
người mà làm gì cũng được. Vì chưa chắc giải pháp cứu được người. Bệnh nào thì
thuốc náy. Bài học COVID còn đó. Mấu chốt ở đây là sự tương xứng giữa giải pháp
và vấn đề. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam hiện nay cũng có quy định một tiêu chuẩn
khi làm chính sách rằng phải đề xuất ít nhất hai giải pháp cho một vấn đề,
trong đó một giải pháp phải là “giữ nguyên hiện trạng”. Đôi khi giữ nguyên hiện
trạng sẽ tốt hơn là làm nhưng sai. Tốt nhất là giải pháp đánh vào gốc rễ,
nguyên nhân vấn đề. Tuy nhiên có những vấn đề mà gốc rễ không thể giải quyết được,
hoặc phải giải quyết lâu. Đôi khi giải pháp tình thế cũng phải được chấp nhận.
Ví dụ như phá nhà để ngăn ngọn lửa, phát gạo để cứu đói v.v… Nhưng đã nói là giải
pháp tình thế thì chỉ nên làm một lần. Cứ lặp đi lặp lại giải pháp tình thế thì
không được. Phong tỏa zero COVID ngày xưa có thể coi là một giải pháp tình thế
kéo dài hơi lâu.
Đi song song với việc chọn giải pháp nào đó là
tính toán chi phí. Không một giải pháp nào hoàn hảo và miễn phí cả. Tất cả đều
tốn kém. Chi phí ở đây không chỉ là chi phí kế toán theo hóa đơn, như bao nhiêu
máy tính được sử dụng để làm CCCD cho người dân, hay bao nhiêu cán bộ công an
phải tăng ca… mà quan trọng nhất là chi phí xã hội. Thời gian toàn dân đứng chờ
để làm CCCD mới tức là toàn dân phải bỏ việc làm, thế thì chi phí xã hội là bao
nhiêu, phải tính. Đó là lý do mà ĐBQH Trương Trọng Nghĩa vào năm trước đã yêu cầu
từ nay về sau nhà làm chính sách khi trình đề án phải tính cho được chi phí xã
hội. Một lần nữa, không ai muốn ném chuột vỡ bình quý.
Cuối cùng, khi tính ra chi phí thì phải có các
biện pháp để giảm thiểu chi phí đó.
Đưa bốn vấn đề trên vào vụ việc thay rừng bằng
hồ gần đây thì thấy rõ chính sách này cũng đi theo logic đó. Vấn đề là cứu hạn
hán cho vùng, cho 100.000 người. Giải pháp là xây thêm hồ thủy lợi. Chi phí xã
hội đó là một cánh rừng nhiều loại gỗ quý và môi trường. Biện pháp giảm thiểu
chi phí đó là trồng gấp ba lần diện tích rừng bị phá.
Vấn đề có cấp bách không? Có, vì 100.000 người
đang thiếu nước và nó kéo dài từ xưa đến nay. Nhưng chính vì việc kéo dài này
mà nó vừa khiến vấn đề cấp bách, vừa đòi hỏi giải pháp phải căn cơ. Chỉ trích
giải pháp trong trường hợp này không phải là yêu môi trường mù quáng mà là thảo
luận chính sách nghiêm túc. Không ai muốn 100.000 người thiếu nước, nhưng cũng
không ai muốn phí tài nguyên hạn hẹp vào một giải pháp không đúng. Đó là lý do
tranh luận chứ không phải bên trọng bên khinh. Giải pháp xây hồ thủy lợi với
chi phí là một cánh rừng là một giải pháp đáng phải thảo luận. Đây có phải là
giải pháp đúng không? Có phải là giải pháp tình thế không? Có người đã chỉ ra rằng
việc xây hồ thủy lợi không phải cho đến nay mới làm, mà đã làm từ 2016, nhưng vẫn
hạn hán. Vậy khả năng giải pháp hồ thủy lợi là không đủ, hoặc không đúng, trong
khi chi phí lại quá lớn. Nói rằng thay rừng bằng diện tích gấp ba lần là thỏa
đáng thì cũng không đúng vì phải mất rất nhiều năm, rừng được trồng mới đem lại
công năng như rừng bị đốn. Vấn đề không chỉ là đếm diện tích cây.
Vậy rốt cuộc giải pháp xây hồ thủy lợi có đúng
không? Mình không chắc, cũng không có chuyên môn để trả lời. Nhưng mình thấy mừng
rằng người ta đem chuyện này ra mổ xẻ, và yêu cầu giải trình. Nhiệm vụ của nhà
làm chính sách là phải trả lời thỏa đáng. Đây là việc làm rất đàng hoàng,
chuyên nghiệp, minh bạch. Mình cho rằng cần phải khuyến khích hoạt động này. Nếu
thỏa đáng thì dự án vẫn sẽ tiến hành cho dù vẫn có phản đối. Chuyện này đâu phải
lần đầu xảy ra. Điểm ăn tiền nhất của dự án này theo mình là việc nó đã được Quốc
hội phê duyệt. Thực tế thì ở nhiều nước, giới chính sách cũng cho rằng tranh luận
mãi thì cuối cùng cũng phải tin vào quyết định của người làm chính sách, vì họ
có đủ thông tin hơn. Đó là cái giá phải trả cho việc giao quyền cho chính quyền.
Cho nên nếu quy trình làm chính sách minh bạch, và phản biện thỏa đáng thì chắc
cũng phải chấp nhận dù có lấn cấn. Tuy nhiên, nếu người dân không tin mấy vào
quyết định của Nhà nước thì khả năng cao là niềm tin đang có vấn đề, và lý do
có thể là từ lịch sử tham nhũng chính sách của Nhà nước đó. Lý do khác như dân
trí thấp hay kích động đi nữa thì cũng phải giải quyết thực trạng mất niềm tin
đó thôi. Điều đáng tiếc nữa là cũng như nhiều lần khác, chính sách tới giai đoạn
này mới phản biện là trễ quá rồi. Mình cho rằng trách nhiệm ở báo chí đã không
thông tin kịp thời như họ đang làm vào thời điểm chính sách được thảo luận, đưa
ra.
Gì thì gì, hoạt động thảo luận hiện nay là
đáng hoan nghênh, và nó phải cởi mở, tránh gán trách nhiệm đạo đức lên nhau. Do
đó, mình thấy bất kỳ thông tin nào bênh vực một chiều các quyết định của Nhà nước
nó cũng tai hại không kém gì các thông tin đả kích. Bênh vực mà còn đả kích người
phản biện thì lại càng thiếu đàng hoàng hơn. Mình mong mọi người không tốn thời
gian sa đà vào việc đọc và tham gia cuộc cãi vã mang tính tuyên truyền, chụp mũ
như vậy.
.
No comments:
Post a Comment