Nhận
thức khác và nhận thức lại về cộng sản
Nguyễn Đình Cống
06/09/2023
https://baotiengdan.com/2023/09/06/nhan-thuc-khac-va-nhan-thuc-lai-ve-cong-san/
1.- Sơ lược về nhận thức
Nhận thức là khởi đầu của mọi hành vi và công
việc. Nhận thức đúng sẽ tạo ra hành động đúng, làm lợi cho bản thân và xã hội.
Nhận thức sai về tự nhiên có ảnh hưởng xấu đến khoa học mà ít ảnh hưởng đến xã
hội (Thí dụ Thái Dương hệ là Địa tâm hay Nhật tâm ảnh hưởng rất ít đến sản xuất
và đời sống). Ngược lại, nhận thức sai về xã hội và chính trị thường gây ra những
tác hại nghiêm trọng (thí dụ cho rằng cộng sản là tốt hay xấu để theo hay không
theo).
Quá trình nhận thức xảy ra suốt cuộc đời và đặc
biệt nhất là trong những năm đầu tiên, lúc trí khôn chưa phát triển (thường dưới
6 tuổi), khi mà mọi nhận thức của trẻ con chủ yếu do người lớn truyền dạy, được
ghi sâu vào tâm thức và rất khó thay đổi. Những điều tiếp nhận từ lúc bé thường
được khẳng định và ghi dấu rất sâu đậm, gần như biến thành tiềm thức.
Quan trọng của nhận thức là đánh giá được bản
chất của đối tượng, của sự vật, trả lời câu hỏi “như thế nào” và câu hỏi “tại
sao” hoặc giải thích nguyên nhân làm phát sinh.
Để đơn giản cách trình bày, tạm gọi A là trả lời
cho câu hỏi như thế nào (có hay không, đúng hay sai, tốt hay xấu, thiện hay ác,
dương hay âm v.v…) và gọi B là phản, hoặc khác A.
Nhận thức của loài người về các đối tượng thường
không thống nhất hoàn toàn ngay từ đầu, mà có quá trình thay đổi để tiếp cận
chân lý. Có nhận thức A của một số người về một đối tượng nào đó. Nhận thức
khác (B) là của người ngoài các người trên. Nó có thể xảy ra đồng thời hoặc
khác thời với nhận thức A. Nhận thức và nhận thức lại là của cùng một người.
Ban đầu nhận thức là A, sau vì một lý do nào đó mà nhận thức lại thành B. Quá
trình nhận thức lại thường được gọi là “giác ngộ”, hoặc “ngộ ra”. Sự giác ngộ này
có thể do người đó tự trải nghiệm và rút ra (tự giác ngộ) hoặc do tác động của
người khác (được giác ngộ).
Một đứa bé có nhận thức A là sai, nhưng vì nó
tiếp nhận bị động từ bé, đã in sâu vào tiềm thức nên khi lớn lên nó vẫn đinh
ninh A là đúng, rất khó để nhận thức lại, rất khó để người khác giác ngộ trừ
khi nó trở thành một người lớn có trí tuệ cao, có bản lĩnh lớn để tự giác ngộ.
Lý thuyết về nhận thức đã được một số nhà
nghiên cứu tâm lý tiến hành và có những công trình nổi tiếng. Riêng về nhận thức
khác và nhận thức lại còn tương đối có ít phân tích, lý giải.
Trong vòng gần hai thế kỷ vừa qua thì nhận thức,
nhận thức khác, nhận thức lại về chủ thuyết, phong trào và bản chất của cộng sản
gây ra quá nhiều sóng gió, quá nhiều xung đột.
2.- Về nhận thức khác
Cho rằng những người cộng sản có nhận thức A,
rằng chủ thuyết cộng sản là hoàn toàn đúng đắn và tất yếu, rằng đảng cộng sản
thông minh, sáng suốt, không thể sai lầm, là đảng cách mạng triệt để, lãnh tụ của
đảng là thiên tài, có đạo đức rất cao thượng, rằng chủ nghĩa cộng sản là trí tuệ
và lương tri của nhân loại, là chân lý của thời đại.
Cơ bản của nhận thức này do Mác nghĩ ra rồi
dùng ngụy biện để tuyên truyền, được một số người tin theo vì nó đáp ứng nhu cầu
và tâm lý một số người nghe.
Với vô sản cùng khổ, Mác đề cao việc đem quyền
lợi vật chất cho họ, đề cao việc chống bóc lột, rồi còn đẩy họ lên thành giai cấp
lãnh đạo cách mạng vô sản và xây dựng chế độ chuyên chính vô sản. Với trí thức,
Mác đưa ra hình ảnh xã hội công bằng, tự do, no ấm, bác ái, nhân đạo. Với tuổi
trẻ, Mác đưa ra lý tưởng cao đẹp để phấn đấu. Với một số người có mơ ước trở
thành lãnh tụ, họ nhận thấy ở đây, cách mạng vô sản là dịp để thi thố tài năng
và trèo lên đỉnh danh vọng. Với những kẻ cơ hội, họ lại thấy vô sản chuyên
chính là nơi có thể dễ dàng dùng thủ đoạn tạo thành giai cấp mới để tiếm quyền
và trục lợi.
Đến lượt Lênin, ông phát hiện ra nhu cầu được
giải phóng của các nước thuộc địa, nên còn đưa thêm vào luận cương sự ủng hộ
các nước này làm cách mạng giải phóng, giành độc lập.
Tuyên truyền ngụy biện chỉ thành công được ở một
số ít nước như Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba vì dân trí ở các nước ấy còn thấp,
dễ tin, còn rất nhiều nước chẳng ai theo. Ngay cả ở Việt Nam cũng chỉ có một số
nào đó thực tin, còn phần lớn là tình thế bắt buộc phải theo mà thôi.
Ngay từ khi cộng sản mới được truyền vào, nhiều
người đã phát hiện được những mầm mống độc hại và chống lại. Thế nhưng, cộng sản
đã nhanh chóng lợi dụng được lòng yêu nước của dân Việt mà lôi kéo được một số
người.
Tuyên ngôn cộng sản năm 1848 tuy được một số
người hưởng ứng và ca ngợi, nhưng số người có nhận thức khác, phản đối là nhiều
hơn. (Họ cho rằng cộng sản như một bóng ma bao trùm châu Âu và ra sức chống lại).
Tại sao lại như vậy? Tại vì ngay từ đầu đã có nhiều
người nhận ra rằng, chủ thuyết cộng sản đã phạm phải một số sai lầm từ gốc, đó
là triết học duy vật, đề lên quá cao vai trò của vật chất, là hiểu không đầy đủ
về con người, cho rằng bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội,
cho rằng đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của nhân loại, rằng tư bản
bóc lột vô sản bằng giá trị thặng dư, rằng sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và
lực lượng sản xuất là tất yếu (Tôi đã trình bày và phân tích những sai lầm này
trong loạt bài: “Chất
đất sét của đá tảng Macxit”. Ở đây xin không nhắc lại để tránh dài
dòng).
Ngoài ra, chủ trương vô gia đình, vô tổ quốc,
vô tôn giáo, chủ trương dùng bạo lực để đàn áp, tiêu diệt những người có ý kiến
khác với họ, chủ trương dựa vào giai cấp vô sản để làm chuyên chính, cách dùng
ngụy biện trong tuyên truyền không thể nào thuyết phục được nhiều người có
lương tri.
Mác còn nhầm, cho rằng nguyên nhân tạo ra vô sản
là vì họ không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động để sống. Đúng là có
chuyện đó, nhưng vì sao vô sản không có tư liệu sản xuất thì Mác đổ tội cho là
tư liệu đã bị tư bản chiếm hết. Mác không thấy được nguyên nhân cơ bản của vô sản
ngay từ đầu là thiếu trí tuệ, kém bản lĩnh và nghị lực. Dựa vào sư lãnh đạo cuả
những người như vậy để xây dựng xã hội là không đáng tin.
Những người tuyên truyền cho cộng sản dẫn ra rằng,
không những giai cấp vô sản đi theo họ làm cách mạng mà cộng sản còn thu hút được
một số tri thức, trong đó có người nổi tiếng, đã tự nguyện xa rời thành phần
giai cấp cũ của mình để phục vụ cho lý tưởng, để tạo nên liên minh công nông
cùng trí thức. Chuyện này là có thật, nhưng chỉ là một phần sự thật vì lúc còn
trẻ một số trí thức bị mê hoặc bởi hình tượng cái bánh vẽ của lý tưởng, nhưng
khi trưởng thành, đa số người trong họ đã nhận thức lại và từ bỏ cộng sản.
3.- Nhận thức lại
Từ nhận thức của một con người, rằng cộng sản
là tốt đẹp (A) đến nhận thức lại, rằng cộng sản là xấu xa (B), chỉ mang lại quyền
và lợi cho một số ít người và mang lại tai họa cho số rất đông những người còn
lại. Đó là một quá trình do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan.
Nguyên nhân chủ quan là tự người đó suy nghĩ,
chiêm nghiệm, đối chiếu với thực tế, phát hiện ra mâu thuẫn lớn khi thấy rõ có
sự khác nhau xa giữa việc làm thực tế và lời tuyên truyền. Nguyên nhân khách
quan là khi tự thấy có gì đó nghi ngờ về sự không đúng đắn của cộng sản và được
người khác giải thích cho rõ. Với người có trí tuệ cao thì nguyên nhân chủ quan
là chính, với người bình thường thì nguyên nhân khách quan là chính.
Nếu vì một lý do nào đó mà người nhận thức
không có chút nghi ngờ về việc làm của cộng sản, một lòng tuyệt đối tin tưởng
thì hầu như không thể có ai làm cho người đó giác ngộ được, họ là loại người cuồng
tín, trừ phi có một biến cố rất xấu do niềm tin của họ gây ra.
Nguyên nhân của cuồng tín có hai. Một là vì cộng
sản đem cho họ quyền lợi, thứ đã làm mờ mắt, điếc tai những kẻ quá tôn thờ vật
chất mà coi thường đạo lý. Hai là họ bị nhồi sọ từ thuở ấu thơ, lớn lên không
có đủ trí tuệ để phát hiện, lại không gặp được hoặc cố tình từ chối người giúp
giác ngộ. Thật bi thảm cho loại người trước vì họ rồi sẽ phải trả những nghiệp chướng
nặng nề vì đã gây ra tội ác khi kiếm tiền bất chính. Thật bất hạnh cho loại người
sau, bị chìm đắm trong vũng bùn mà tự hào là được tắm trong dòng suối tươi mát.
Nhận thức lại nổi tiếng trong lịch sử nhân loại
là việc bác bỏ Thuyết Địa Tâm để thay bằng Thuyết Nhật Tâm. Đây là một sự nhận
thức lại trái với câu “tai nghe không bằng mắt thấy”. Nhận thức lại này phải trả
giá bằng mạng sống của nhà bác hoc Brunô và sự tù đày của Galilê.
Người có nhận thức lại về cộng sản đầu tiên
trên thế giới có lẽ là Milovan Djilas (1911-1995), người nước Nam Tư cũ. Ông là
một trí thức, vào đảng cộng sản từ năm 21 tuổi, trở thành bạn chiến đấu thân
thiết của lãnh tụ Ti Tô. Djilas là nhân vật số hai của cộng sản Nam Tư. Nhưng rồi
ông đã nhận thức lại về cộng sản, bị Ti Tô khai trừ và bắt giam. Trong tù, ông
đã viết sách “Giai cấp mới”, vạch ra sự hình thành và đặc quyền đặc lợi của một
tầng lớp đảng viên cộng sản có quyền cao chức trọng, trở thành tầng lớp áp bức,
bóc lột nhân dân theo cách mới, thao túng xã hội về mọi mặt.
Người nổi tiếng có nhận thức lại về cộng sản
là nhà khoa học người Anh Bectơrăng Rutxen (1872-1970), người đã nhận được thư
cảm ơn của chủ tịch Hồ Chí Minh vì đã hết lòng ủng hộ nhân dân Việt Nam trong
chiến tranh chống Mỹ. Ông Rutxen đã ca ngợi cộng sản trong thời trai trẻ, lúc về
già đã nhận thức lại và tích cực chống đối.
Nhận thức lại của Milovan và Rutxen đã dựa vào
sự tồn tại của cộng sản ở Liên Xô trước khi sụp đổ và các nước cộng sản khác để
chỉ ra rằng sự độc quyền đảng trị là tàn bạo, chưa từng xảy ra trong lịch sử
nhân loại, rằng sự sùng bái cá nhân lãnh tụ là biện pháp làm ngu dân, rằng giai
cấp mới do cộng sản tạo ra là thế lực bóc lột và đàn áp tàn bạo kiểu mới, tước
bỏ hết quyền tự do tư tưởng của nhân dân, tiêu diệt hết mọi nguồn phản biện, rằng
cộng sản và chế độ phát xít là giống nhau về bản chất mà nhân loại cần trừ bỏ.
Nhận thức lại của Gocbachôp, nguyên tổng bí
thư đảng cộng sản Liên Xô dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ
nghĩa (vào năm 1991).
Ở Việt Nam, có khá nhiều người nhận thức lại về
cộng sản, trong đó có những người từng là cán bộ cao cấp của Đảng, như tướng Trần
Độ, tướng Đặng Kim Giang, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, các ông Trần Xuân Bách, Nguyễn
Kiến Giang, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Tống Văn Công, Ung Văn Khiêm, Nguyễn
Đình Bin, Chu Hảo, các trí thức như Nguyên Ngọc, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang,
Vũ Thư Hiên, Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, Mạc Văn Trang, Tương Lai và rất nhiều,
rất nhiều người khác.
Trong số những người nhận thức lại thì một số
đã tuyên bố từ bỏ Đảng, những người khác, tuy không công khai từ bỏ Đảng, nhưng
bỏ sinh hoạt.
Hầu hết những người nhận thức lại về cộng sản ở
Việt Nam đều bắt đầu bằng phát hiện ra một số việc làm của Đảng trái với lý
thuyết được học, trái với tuyên truyền của Đảng, các việc đó xâm phạm đến mong
ước của nhân dân, phạm vào những đạo lý thông thường, ví như trong cải cách ruộng
đất, trong phong trào hợp tác xã nông nghiệp, trong công cuộc cải tạo công
thương, trong những hành động dân chủ giả hiệu, trong việc chính trị hóa giáo dục
đã làm cho đạo đức và giáo dục xuống cấp nghiêm trọng, trong việc đàn áp biểu
tình, đối xử thô bạo với người bất đồng chính kiến, trong việc tao ra vô số oan
sai cho người dân và dẫm đạp lên công lý khi xử những bản án bỏ túi v.v… Những
việc đó làm tổn hại uy tín của Đảng, làm mất lòng tin của dân.
Để bảo vệ uy tín của Đảng, của Học thuyết, của
lãnh tụ, tuyên truyền của cộng sản cho rằng, những sai lầm, tai họa giáng xuống
đầu dân là lỗi của cán bộ thừa hành, chứ Đảng không bao giờ sai, học thuyết
luôn luôn đúng, lãnh tụ hoàn toàn sáng suốt. Thực ra, đây là một kiểu ngụy biện
để che đậy bản chất.
Những người nhận thức lại rất muốn phản biện,
góp ý với lãnh đạo để tìm cách sửa chữa sai lầm, làm cho Đảng trong sạch, vững
mạnh, bằng những lời phản biện đầy tính xây dựng. Nhưng rồi vì những giáo điều
trói buộc mà lãnh đạo, tuy cũng rất muốn làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh
(theo cách của họ) mà không thể nào làm được.
Tình hình càng ngày càng xấu hơn, làm cho những
người phản biện phát hiện thêm những độc hại chứa đựng trong bản chất lý thuyết
cộng sản, là bản chất của cộng sản nhưng được che kín bằng mặt nạ cho đến khi họ
nắm được chắc quyền lực thì mới lộ ra. Đó là những độc hại do chủ trương toàn
trị, do độc quyền về tư tưởng sinh ra. Mà để giữ được toàn trị thì Đảng phải
dùng bạo lực của công an để trấn áp người phản biện và dùng tuyên truyền (che bớt
đi một số sự thật) để mong lấy lại lòng tin.
Những người phản biện lại thường được gọi là
các nhà hoạt động dân chủ. Họ hoạt động để nâng cao dân trí về chính trị, đó là
cơ sở để “dân chủ hóa” xã hội. Họ thực sự là những người yêu nước thương dân. Họ
giống như những người truyền đạo.
Sau khi nhận thức lại và trải qua nhiều trăn
trở thì một số người nhận thức lại mới dám vượt qua nỗi sợ hãi bình thường đế
nói ra quan điểm của mình. Họ, cũng giống như nhiều chiến sĩ cộng sản thời còn
bí mật, không sợ sự đàn áp, tù đày dành cho mình, mà sợ cộng sản trả thù đến
con cháu nhiều đời sau. Nhưng họ đã vượt qua nỗi sợ đó.
Sự đàn áp hình như có tác dụng phần nào vì những
tiếng nói của những người hoạt động dân chủ gần đây có dấu hiệu giảm xuống.
Nhưng thật ra không phải thế. Đó chỉ là sự giảm tạm thời để tích lũy năng lượng
cho một cải cách dân chủ trong tương lai.
Mọi sự độc tài, dù ngắn hay dài thì cũng chỉ
là tạm thời và những kẻ độc tài tàn bạo, tuy có được quyền lực cao trong lúc
còn tại vị, song sẽ bị phỉ nhổ nhiều đời trong lịch sử, bị mang nghiệp báo nặng
nề. Còn những kẻ ủng hộ, ca ngợi độc tài, không sớm thì muộn sẽ bị quả báo
tương xứng. Mọi sự độc tài sẽ bị lich sử loại bỏ.
Theo nhận xét của Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng
thì cộng sản là chế độ “đại độc tài”, được sinh ra trong nghèo khó và dốt nát,
trưởng thành bằng bạo lực và dối trá, sẽ bị hủy diệt trong sự khinh bỉ và hân
hoan của nhân loại.
No comments:
Post a Comment