Thử
trắc nghiệm khả năng phân biệt thật giả
01/09/2023
https://www.voatiengviet.com/a/thu-trac-nghiem-kha-nang-phan-biet-that-gia/7250692.html
Tại sao tin giả có sức thu hút, lôi cuốn đối với bộ
óc con người? Đây là một đề tài mà giới nghiên cứu xã hội, tâm lý và nhất là
khoa học thần kinh đã đào sâu trong thời gian qua.
https://gdb.voanews.com/9EBA1394-47D4-4DF8-B512-ECCC76FFC626_w650_r1_s.jpg
Hình minh họa một người xem tin tức từ những nguồn khác nhau, trong đó một
số là thực, một số là tin giả. Internet Freedom Project: promo image (fake
news)
Một người tiếp thu nhiều thông tin có tỷ lệ
thuận với kiến thức hay nhận định đúng đắn không? Dành nhiều thời gian trên mạng
xã hội có giúp tăng kiến thức và nhận định không? Tiếp cận thông tin nhiều hơn,
như thế hệ trẻ hôm nay, có đồng nghĩa là họ hiểu biết hơn và có khả năng nhận định
xác thực hơn thế hệ trước không? V.v…
Đây là một số câu hỏi chúng ta thường gặp phải,
hay chính chúng ta từng suy nghĩ, nhưng chưa rõ câu trả lời.
Tháng 6 năm 2023, trường Đại học Cambridge đã
phổ biến một cuộc nghiên cứu rất thú vị về Trắc nghiệm Mức độ Nhạy cảm với
Thông tin Sai lệch (The
Misinformation Susceptibility Test/MIST). Bài nghiên cứu nhận định rằng tuy
sự quan tâm đến tâm lý về thông tin sai lệch đã bùng nổ trong những năm gần
đây, từ đó đưa đến nhiều nghiên cứu phong phú, nhưng cho đến nay vẫn chưa có
khuôn khổ xác thực nào để đo lường khả năng dễ bị ảnh hưởng, hay có thể nói là
tính nhạy cảm (susceptibility), đối với thông tin sai lệch (misinformation).
Được biết các nhà tâm lý học của Đại học
Cambridge đã thực hiện “bài trắc nghiệm mức độ nhạy cảm với thông tin sai lệch”
được ghi nhận đầu tiên. Cambridge nhận định rằng
“Trắc nghiệm đã được chứng minh là có hiệu quả thông qua một loạt thử nghiệm với
hơn 8.000 người tham gia diễn ra trong hai năm, đã được tổ chức thăm dò YouGov
triển khai để xác định mức độ nhạy cảm của người Mỹ với các tiêu đề giả mạo.”
Một cách tóm tắt, đây là bài trắc nghiệm gồm
20 tiêu đề (headlines), trong đó có 10 tiêu đề thật và 10 tiêu đề giả. Nó được
sắp xếp trộn lẫn nhau. Người làm trắc nghiệm đánh giá 20 tiêu đề này, chọn thật
hay giả, và trung bình chỉ tốn khoảng 2 đến 3 phút là thực hiện xong.
10 tiêu đề giả thì do các nhà nghiên cứu của
Cambridge dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để trợ giúp. GPT-2 tạo ra hàng ngàn tiêu đề
giả và các nhà nghiên cứu chọn lọc lại còn 300, rồi 100, và rút lại còn 10 sau
cùng.
10 tiêu đề thật thì các nhà nghiên cứu đã sử dụng
cơ sở dữ liệu Media Bias/Fact Check (MBFC; https://mediabiasfactcheck.com/) để
chọn các nguồn tin tức được đánh dấu là ít sai lệch nhất và đạt điểm rất cao
trong báo cáo thực tế.
Phương pháp thực hiện, cũng như quy trình, và
lý do chọn lọc, đã được trình bày rõ ràng và minh bạch trong bài nghiên cứu
này. Chẳng hạn, khi chọn tin thật thì họ dựa trên ba tiêu chí: a) tin thực tế xảy
ra; b) nguồn tin khả tín về mặt chính xác; c) ít thiên vị nhất. Họ chọn lọc còn
413 tiêu đề, rồi 100 tiêu đề, và sau cùng là 10.
Dựa theo cuộc nghiên cứu này, kết quả khảo sát
cho biết một cách tổng quát thì người Mỹ đã đánh giá đúng hai phần ba tiêu đề,
tức nhận định đúng 13 trên 20 tiêu đề giả hay thật; một phần ba còn lại là đánh
giá sai, tức 7 trên 20.
Một cuộc khảo sát cũng sử dụng MIST trên
YouGov với 1,516 người lớn tuổi ở Mỹ vào tháng 4 năm 2023 đã cho ra một vài nhận
định khá thú vị như sau.
Một, người lớn tuổi đạt điểm cao hơn người trẻ.
Chỉ 11% người từ 18-29 tuổi đạt điểm cao (tức đúng trên 16 tiêu đề), trong khi
36% đạt điểm thấp (đúng 10 tiêu đề hoặc dưới). Ngược lại, 36% nhng người từ 65
tuổi trở lên đạt điểm cao, trong khi chỉ 9% người lớn tuổi đạt điểm thấp.
Hai, càng dành thời gian nhiều trên mạng thì
càng có điểm thấp. Theo kết quả từ MIST, ai đó dành thời gian trực tuyến để giải
trí mỗi ngày càng lâu thì họ càng dễ bị thông tin sai lệch. Khoảng 30% những
người dành 0-2 giờ giải trí trực tuyến mỗi ngày đạt điểm cao, so với chỉ 15% những
người dành 9 giờ trực tuyến trở lên.
Ba, mạng truyền thông xã hội có đối tượng theo
dõi tin tức dễ bị thông tin sai lệch ảnh hưởng nhất. Khoảng 53% những người nhận
được tin tức từ Snapchat nhận được điểm thấp, chỉ 4% nhận được điểm cao. Truth
Social đứng thứ hai, tiếp theo là WhatsApp, TikTok và Instagram.
Tiến sĩ Rakoen
Maertens, một trong những nhà nghiên cứu, biện luận rằng: “Giới trẻ ngày
càng sử dụng mạng xã hội để tìm hiểu về thế giới, nhưng những kênh này tràn ngập
thông tin sai lệch.”
Có thể nói đây là trường hợp chung trên toàn cầu,
với thế hệ trẻ mà còn gọi là Gen Z, chứ không riêng gì tại Mỹ.
Tin giả không phải là hiện tượng mới lạ. Theo
các nhà học giả Andrea
Grignolio, Micaela Morelli và Marco Tamietto thì “một sắc lệnh vương
quyền do hoàng đế Constantine thế kỷ thứ 4 ban hành nhằm mục đích chuyển giao
quyền kiểm soát Đế quốc La Mã phương Tây cho Giáo hoàng, đã bị vạch trần một
cách dứt khoát là giả mạo vào thế kỷ 15.” Tin giả được ghi nhận lần đầu vào những
năm 1890, và phát triển vào cuối thế kỷ 19 khi các tờ báo bắt đầu phổ biến các
bài viết sai sự thật và xuyên tạc tập trung vào tính cách giật gân. Ngay cả thời
đầu lập quốc của Hoa Kỳ, tin giả cũng đã lan tràn. John Adams, vị Tổng thống thứ
hai của Mỹ, từng tuyên
bố rằng “Sai sót mới được truyền đi bởi báo chí trong mười năm qua nhiều
hơn so với một trăm năm trước năm 1798.” (There has been more new error
propagated by the press in the last ten years than in a hundred years before
1798.)
Tại sao tin giả có sức thu hút, lôi cuốn đối với
bộ óc con người? Đây là một đề tài mà giới nghiên cứu xã hội, tâm lý và nhất là
khoa học thần kinh đã đào sâu trong thời gian qua. Nhưng đây là một đề tài cho
bài khác.
Riêng tôi, cũng đã thử làm bài trắc nghiệm
MIST nói trên và có yêu cầu một vài người bạn khác cùng làm. Kết quả khá thú vị.
Những người có kiến thức và tư duy phản biện cao thường lấy điểm cao. Hiếm có
ai lấy được 20/20. Boss tôi, người có bằng tiến sĩ và đã chịu trách nhiệm cao cấp
trong lĩnh vực chuyên môn về chính sách, cũng chỉ được 18/20. Tôi cũng bị lầm 3
tiêu đề, được 17/20. Một đồng nghiệp của tôi lại được 20/20.
Đọc xong bài này, quý bạn nào có chút thời
gian làm thử làm bài trắc nghiệm để
xem mình có dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch không. Nếu có thông tin
chính xác, trong một số tình huống, cũng chưa phải là điều kiện đủ để lấy quyết
định đúng đắn. Còn nếu không có được thông tin chính xác thì làm sao có thể?
Trong thời đại này, thông tin trung thực đúng
đắn về y tế/sức khoẻ, nhất là về đại dịch/tiêm chủng, hay về biến đổi khí hậu,
và nhất là về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội, là vô cùng quan trọng
trong mọi mặt đời sống chúng ta. Cho việc duy trì nền dân chủ mà chúng ta trân
quý. Thông tin thật và giả luôn ở hiện diện trước mặt chúng ta. Chúng ta có thấy
nó, hay có khả năng nhận diện ra nó, mới là yếu tố cần bàn ở đây.
------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. University of Cambridge, “Misinformation Susceptibility Test”,
Accessed 1 September 2023. Có thể bấm vào đây để làm thử nghiệm.
2. Maertens, R., Götz, F.M., Golino,
H.F. et al. The
Misinformation Susceptibility Test (MIST): A psychometrically validated measure
of news veracity discernment. Behav Res (2023).
https://doi.org/10.3758/s13428-023-02124-2.
3. University of Cambridge, “The
Misinformation Susceptibility Test - ‘Very online’ Gen Z and
millennials are most vulnerable to fake news”, 29 June
2023.
4. Andrea Grignolio, Micaela Morelli, Marco
Tamietto, “Why
is fake news so fascinating to the brain?”, European Journal of
Neuroscience, 18 October 2022.
5. Jackie Mansky, “The
Age-Old Problem of “Fake News””, 7 May 2018, Smithsonian magazine.
No comments:
Post a Comment