https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1058241014985086&id=100023975920044
“Người
giao gas bị xử phạt trong khi dân hối mua gas”. Đây chỉ là một ví dụ tương tự
như cái ví dụ “bánh mỳ không phải thực phẩm” giữa hằng hà sa số những thứ tương
tự đã trở thành mẫu mực vĩnh viễn đi vào lịch sử như một kinh điển cho con người
và não trạng điều hành quốc gia của không ít những người từ to tới nhỏ trong hệ
thống này. Nó có thể hiểu, nhưng không bao giờ có thể sửa chữa được.
Tại sao nó không thể sửa chữa? Vì cơ bản, nhiều
những hoạt động của nó không y cứ trên con người, không phải vì con người,
không có con người trong những cái quyết sách và thừa hành.
Ở Mỹ, một người lái xe trong khi đã uống rượu
sẽ bị phạt rất nặng, bị tước thẻ xanh đuổi về nước, thậm chí có thể đi tù nhưng
những việc ấy lại không bao giờ được thực hiện cứng nhắc. Nhân viên công lực
không chỉ “đo nồng độ cồn” rồi như một cái máy nhai tiền liền lôi biên bản ra
viết; anh ta sẽ mời lái xe xuống và đi vài bước theo yêu cầu hoặc làm một số động
tác trước mặt tài xế cùng những câu hỏi. Mục đích của những điều này là để biết
xem người đã uống rượu vượt mức cho phép kia có còn tỉnh táo không. Nếu thấy
tài xế vẫn trong tình trạng làm chủ được hành vi và không có khả năng gây tai nạn
bởi lượng rượu dư thừa trong người thì chỉ có lời nhắc nhở.
Một con người làm việc thì khác với một cỗ
máy. Và tất nhiên chúng ta phải nhớ rằng, hàng vạn “cái máy” ấy ở Việt Nam lại
do một cỗ máy cái đẻ ra. Chống dịch để cứu người chứ không phải chống dịch để lấy
thành tích, ngăn chặn lây lan để bảo vệ tính mạng cho dân chứ không phải để lùa
họ vào các khu cách ly tồi tệ và phủi tay, coi như xong việc, sống chết mặc
bay. Cái ý niệm về MỤC ĐÍCH công vụ gần như đã biến mất trong những cái não
đang thi hành kia.
Một hệ thống sau khi đã rơi vào tình trạng
quan liêu thì không thể điều hành được xã hội ở tình trạng bình thường nữa, vì
không chỉ nạn con ông cháu cha, nạn mua quan bán tước, chạy chức chạy quyền đã
“tuyển” nên một tập hợp những kẻ dốt nát, gian manh, vô cảm mà còn vì, song
song với thói cửa quyền của bọn người mang căn tính nô lệ là nỗi sợ. Những con
người trong cái hệ thống ấy luôn luôn làm việc trong sự sợ hãi. Họ sợ trách nhiệm,
sợ bị “trảm”. Trong khi “thi hành công vụ” họ không quan tâm tới mục đích công
việc của mình mà chỉ ngó sắc mặt của cấp trên, rồi cấp trên của họ lại ngó cấp
trên nữa, cứ thế nó tạo thành một guồng máy vừa cũ kỹ rỉ sét vừa luôn gây tai họa.
Đêm qua, bác sĩ Võ Xuân Sơn tuyên bố sẽ đóng
tài khoản hỗ trợ chương trình OXY CHO SỰ SỐNG vì “quá mệt mỏi do luôn phải tìm
cách đối phó với những chính sách và quyết định thay đổi như chong chóng”… Khi
cơ hội làm người tốt trong một xã hội ngày càng khan hiếm thì cái xã hội ấy chỉ
có một đường thôi là đi xuống vực chứ chẳng có mặt trời nào tỏa sáng nào cả.
Trước một cỗ máy vô hồn nhưng mang sức mạnh của
“kẻ hủy diệt” thì người dân sẽ tìm cách đối phó. Trí tuệ mất dần đi để thay bằng
trí trá, hồn nhiên thay bằng gian dối, thật thà thay bằng luồn lách, ngay thẳng
thay bằng hèn hạ… Cứ thế, một xã hội bị hủy hoại, bị mọt ruỗng từ bên trong,
rút kiệt tất cả những gì tốt đẹp và để lại cùng tạo ra những gớm ghiếc cả trong
hồn người lẫn cơ thể xã hội.
Chừng nào bộ máy quan liêu chuyên chế chưa được
phá bỏ thì mọi sự chắp vá đều chỉ làm cho nó rối rắm và quái dị hơn. Khốn khổ
là càng ngày càng ít người có cái nhu cầu phá bỏ nó, vì họ đã thu đời sống của
mình lại chỉ giới hạn từ cánh cổng nhà mình trở vào đến gian bếp. Một vòng tròn
bi kịch.
Thái Hạo
No comments:
Post a Comment