Sunday, August 29, 2021

KHỦNG BỐ Ở KABUL và HẬU QUẢ (Hiếu Chân / Người Việt)

 


Khủng bố ở Kabul và hậu quả

Hiếu Chân/Người Việt

August 27, 2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/khung-bo-o-kabul-va-hau-qua/

 

Vụ tấn công khủng bố tại cổng phi trường Kabul hôm Thứ Năm, 26 Tháng Tám, làm thiệt mạng 13 binh sĩ và nhân viên quân sự Hoa Kỳ đã không làm gián đoạn cuộc di tản khổng lồ đang giai đoạn cuối cùng, nhưng có thể gây ra những xáo trộn lớn trong chính trường Mỹ và quốc tế trong những ngày tháng tới.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/08/A1-Hau-qua-khung-bo-Kabul-1068x726.jpg

Nạn nhân vụ đánh bom bên ngoài phi trường Kabul, Afghanistan, hôm 26 Tháng Tám đang được điều trị trong bệnh viện. (Hình minh họa: AP Photo/Mohammad Asif Khan)

 

Thương vong của binh lính Mỹ ở Afghanistan vào thời điểm cuộc chiến tranh coi như đã kết thúc khiến rất nhiều người tức giận và đặt nghi vấn về năng lực điều hành cuộc rút quân của chính quyền Biden.

 

Tại Washington, các giới chức cao cấp của chính phủ liên tục họp báo, cập nhật cho công chúng tình hình tại thực địa và những biện pháp, kế hoạch để hoàn thành cuộc di tản trong ngày 31 Tháng Tám, nghĩa là chỉ còn ba ngày nữa, trong lúc có cảnh báo bọn khủng bố có thể sẽ tổ chức tấn công lần nữa.

 

Tổng Thống Joe Biden trong ngày 26 Tháng Tám đã phải tạm hoãn cuộc tiếp và làm việc với ông Naftali Bennett, tân thủ tướng Israel, đình chỉ cuộc họp với các thống đốc để họp báo khẩn về tình hình Afghanistan.

 

Quan sát dư luận ở Mỹ, có thể nhận thấy cho đến nay, phần đông người Mỹ vẫn ủng hộ quyết định rút quân đội khỏi Afghanistan, nhưng đồng thời tỏ ra thất vọng sâu sắc với tình trạng hỗn loạn của cuộc di tản, đặc biệt là sau khi 13 lính Mỹ, hai lính Anh cùng hàng trăm thường dân Afghanistan thiệt mạng một cách oan uổng trong vụ khủng bố đẫm máu hôm Thứ Năm.

 

Khi Taliban chiếm được thủ đô Kabul hôm Chủ Nhật, 15 Tháng Tám, quân đội Hoa Kỳ vẫn giữ phi trường Hamid Karzai – cửa ngõ duy nhất ra vào Afghanistan bằng đường hàng không. Hoa Kỳ và các nước đồng minh có kế hoạch rút hết quân đội, công dân, những người Afghanistan từng cộng tác với phương Tây ra khỏi Afghanistan qua cửa ngõ duy nhất này trong một khung thời gian hạn hẹp, kết thúc vào ngày 31 Tháng Tám. Kết quả là hàng trăm ngàn người đổ dồn về phi trường Kabul, tạo nên một cảnh hỗn loạn chưa từng thấy.

 

Binh lính Hoa Kỳ và đồng minh đóng bên trong hàng rào phi trường, tập trung ở các cổng ra vào để xét giấy tờ và nhân thân của từng người trước khi cho họ vào phi trường và lên phi cơ quân sự để ra đi. Bên ngoài hàng rào, quân Taliban đóng chốt tuần tra, dùng roi, gậy và cả súng đạn để giữ trật tự và ngăn dòng người đang tìm cách tràn vào bên trong phi trường.

 

“Quang cảnh giống như ngày tận thế. Mọi người đang ngất xỉu và sắp chết. Trẻ em đang mất tích,” nhà báo Jane Ferguson của PBS NewsHour, một trong số ít phóng viên phương Tây vẫn còn ở Kabul, mô tả và cho biết thêm giữa vành đai an ninh của phi trường các chiến binh Taliban đứng chung với các lực lượng phương Tây giữa biển người di tản tạo ra một hình ảnh “giống như một giấc mơ rất kỳ lạ” – những chiến binh mới hôm nào còn ở hai bên chiến tuyến nay bỗng sát cánh bên nhau như chưa từng nã súng vào nhau. Và đám đông hỗn hợp đó chính là mục tiêu ưa thích của các tay khủng bố chuyên đánh bom cảm tử vào chỗ đông người mà vụ đánh bom do tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ISIS Khorasan thực hiện hôm 26 Tháng Tám đã xảy ra như vậy.

 

Sự hỗn loạn ở phi trường Kabul dường như không được tính tới trong kế hoạch của các giới chức Hoa Kỳ điều hành cuộc di tản. Trong hoàn cảnh cấp bách, các giới chức Hoa Kỳ thậm chí còn có một hành động gây tranh cãi dữ dội là cung cấp cho Taliban danh sách người Mỹ và cộng sự Afghanistan muốn ra đi khỏi đất nước – có người cho là đưa các công dân Mỹ và cộng sự Afghanistan ra trước họng súng Taliban, một tổ chức khét tiếng về hành vi trả thù tàn bạo những kẻ chống lại chúng.

 

Việc các giới chức Mỹ đưa cho Taliban danh sách những người cần di tản để yêu cầu Taliban cho phép những người này đi qua vòng đai an ninh được trang mạng Politico loan tin hôm Thứ Năm và làm cho ông Biden hết sức lúng túng trong cuộc họp báo chiều 26 Tháng Tám.

 

Dân Biểu Jake Ellzey (Cộng Hòa-Texas), một cựu phi công Hải Quân từng có ba đợt phục vụ tại Afghanistan, yêu cầu điều tra ai là người đứng sau Tổng Thống Biden để điều hành chiến dịch di tản và đòi các giới chức đứng sau hành động đưa danh sách đó phải từ chức. “Thật không có lời nào để diễn tả. Đó là chuyện lố bịch nhất  mà tôi từng nghe. Các người đưa cho Taliban họ tên người Mỹ và biết rõ nếu Taliban bắt được họ thì chúng sẽ làm gì. Những ai đưa ra quyết định đó cần phải từ chức hoặc bị cách chức,” ông Ellzey nói.

Thương vong của binh lính Mỹ tại phi trường Kabul càng làm nổi bật ấn tượng về một cuộc rút quân không có kế hoạch của Hoa Kỳ, quá vội vàng và dựa trên một sự đánh giá sai lầm hết sức tai hại về hoạt động của các lực lượng khủng bố và nỗi tuyệt vọng của người dân Afghanistan.

 

Các chính trị gia Cộng Hòa ở Washington đã nhanh chóng sử dụng vụ khủng bố ở phi trường Kabul để buộc Tổng Thống Biden phải chịu trách nhiệm, cùng với các giới chức cao cấp trong quân đội, Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao.

 

Trên các phương tiện truyền thông cánh hữu như Fox News, Newsmax, hàng chục chính trị gia Cộng Hòa ở cả Thượng Viện và Hạ Viện đã lên tiếng kêu gọi Tổng Thống Biden từ chức hoặc bị bãi miễn theo Tu Chính Án 25 của Hiến Pháp. Dân Biểu John Katko (Cộng Hòa-New York) nói về tình hình: “Đây là hậu quả trực tiếp của những quyết định sai lầm kinh khủng của Tổng Thống Biden. Chuyện này đòi hỏi một trách nhiệm đau đớn… Vị tổng tư lệnh của chúng ta đã mất tích khi thi hành nhiệm vụ (missing in action) và đã thất bại trong việc ứng phó với thời khắc chuyển biến này của lịch sử.”

 

Tuy nhiên hai nhà lãnh đạo của đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell và Dân Biểu Kevin McCarthy đều không ủng hộ lời kêu gọi từ chức hoặc bãi nhiệm Tổng Thống Biden dù cả hai đều phê phán cách hành xử của chính quyền trong vụ Afghanistan, theo bản tin của trang Washington Examiner.

 

Về phần mình, ông Biden nói rằng, với tư cách tổng thống, ông chịu trách nhiệm về tất cả những chuyện đã xảy ra, nhưng ông bác bỏ quan điểm rằng quyết định rút quân của ông khỏi Afghanistan trước ngày 11 Tháng Chín đã dẫn tới cuộc di tản hỗn loạn ở phi trường Kabul hoặc gây ra cái chết của các binh sĩ Mỹ trong vụ khủng bố.

 

Ông Biden cam kết sẽ hoàn tất sứ mệnh ở Afghanistan trong vài ngày nữa, đồng thời cam kết săn tìm và tiêu diệt những kẻ khủng bố ISIS-K đã gây ra cuộc tấn công hôm 26 Tháng Tám.

 

Trong 24 giờ qua kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố, quân đội Mỹ đã đưa thêm được 12,500 người ra khỏi Kabul, nâng tổng số người đã được di tản lên hơn 100,000 người, nhưng vẫn còn khoảng 1,000 người Mỹ cần được di tản, theo thông tin từ Bộ Ngoại Giao.

Thông tin từ Kabul cho biết, sau vụ khủng bố làm 170 người chết và 200 người bị thương, hàng ngàn người lại tiếp tục tập trung trước các cổng vào phi trường Hamid Karzai, bất chấp cảnh báo có thể lại xảy ra khủng bố đẫm máu.

 

Tại cuộc họp báo ở Washington, Tổng Thống Biden cảnh báo: “Với những kẻ thực hiện cuộc tấn công, cũng như bất cứ ai muốn làm hại người Mỹ, hãy biết rằng, chúng tôi sẽ không tha thứ.” Ông Biden đã dùng lại lời cảnh báo nghiêm khắc mà Tổng Thống George W. Bush đưa ra sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 Tháng Chín, 2001, nhưng tại thời điểm này chưa ai biết được liệu Washington có bắt đầu một cuộc chiến tranh mới, đổ quân trở lại để truy lùng tổ chức khủng bố ISIS-K ở Afghanistan để trả thù và đòi công lý cho các binh sĩ vừa tử trận một cách oan uổng hay không.

 

Những đề nghị đàn hặc, bãi nhiệm Tổng Thống Biden và kêu gọi ông từ chức đang rất ồn ào trên các phương tiện truyền thông cánh hữu, nhưng một số nhà phân tích chính trị nhận định nó sẽ không đi đến kết quả mà các dân cử Cộng Hòa mong đợi.

 

Có nhiều căn cứ để tin như vậy, và một lý do khiến các nhà lãnh đạo lão làng của đảng này như ông McConnell không ủng hộ việc đàn hặc, luận tội hoặc bãi nhiệm Tổng Thống Biden vì làm như vậy là mở đường cho Phó Tổng Thống Kamala Harris lên làm tổng thống trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ – một điều bị coi là “tệ hơn ông Biden cả chục lần,” như nhận xét của bà Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.

 

Dẫu vậy, cuộc di tản hỗn loạn đang xói mòn uy tín của Tổng Thống Biden và chính phủ của ông, nhất là các giới chức đứng đầu Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng chịu trách nhiệm điều hành chiến dịch ở Afghanistan; từ đó có ảnh hưởng xấu đến các chương trình đối nội và đối ngoại khác của ông. Chính trường Mỹ trong những ngày tới có thể sẽ nhiều xáo động và thật khó mà nói trước được. [qd]










 

 

 

 

 

 

 


No comments: