Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, những người bình
dân ạ
NGUYÊN
SA -
LUẬT KHOA
31/08/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/08/chinh-tri-anh-huong-den-tat-ca-chung-ta-nhung-nguoi-binh-dan-a/
Nếu thờ ơ, bạn đang
để yên cho các chính trị gia muốn làm gì cuộc đời bạn thì làm.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/DS-1024x536.jpg
Minh họa: Nerial/ Wired
*
Tôi nghĩ không có lúc nào thích hợp hơn để nhắc
lại điều này: Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.
Nếu nhìn lại chỉ vài tháng trước đây, khi
COVID-19 cùng biến chủng mới Delta vẫn chưa hoành hành ở Việt Nam, có lẽ nhiều
người trong chúng ta vẫn đang ngồi ngoài quán café, lướt Facebook và bĩu môi
chê một người nào đấy hay viết bài chất vấn chính quyền là “chính trị quá”.
Bây giờ đã khác. Những ngày qua, chúng ta phải
miệt mài google để hiểu Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 10, 12, 19 khác nhau
như thế nào. Chúng ta ngơ ngác hỏi nhau không biết từ chối tiêm vaccine thì có
bị phạt không, từ chối xét nghiệm thì có bị phạt không, muốn nhận hỗ trợ vì mất
việc làm thì phải liên hệ với phòng ban nào, theo văn bản nào.
Nếu từ chối quan tâm đến chính trị như trước
kia, e là khó sống.
Nếu bạn sống ở những địa phương đang bùng phát
dịch nghiêm trọng như TP. Hồ Chí Minh, những ngày này, quan hệ với chính trị lại
còn căng thẳng gấp bội.
Chính trị quyết định ngày mai bạn có được tự
đi chợ không hay phải nhờ bộ đội. Chính trị quyết định bạn có được đi làm
không. Chính trị quyết định bạn có được gọi shipper không, trong quận hay liên
quận. Nó quyết định bạn có được đi thăm gia đình không, có được đi tập thể dục
không, có được đi nhận thùng rau mà gia đình gửi không, có thể mua sách giáo
khoa cho con bạn không – chính trị quy định cái gì là thiết yếu trong đời bạn.
Chưa bao giờ những quá trình chính trị làm nên chính sách công của trung ương
và địa phương lại ảnh hưởng đến từng miếng ăn của bạn – theo đúng nghĩa đen –
như vậy.
Giai đoạn này nên được ghi lại trong lịch sử
hiện đại của Việt Nam không chỉ với từ khóa đại dịch COVID-19, mà còn như một
trong những thời điểm mà chính trị trở nên sát sườn nhất với từng người dân.
Chính trị là gì?
“Chính trị quá”, ở Việt Nam, đã luôn là một nhận
xét tiêu cực. Thái độ tiêu cực này đến từ hai quan điểm phổ biến. Một là chính
trị là nơi người ta tranh giành quyền lực với nhiều thủ đoạn đê hèn (có lẽ là từ
phim ảnh mà ra), và hai là người ta có thể (và nên) chọn sống một cuộc đời vô
tư không cần quan tâm đến chính trị (một phần do giáo dục trong chế độ độc
tài).
Chính trị chính em làm gì cho mệt, đã có Đảng và Nhà
nước lo! Minh họa: Luật Khoa.
Tính sơ sơ theo tìm hiểu của tác giả Phạm Đoan
Trang trong cuốn “Chính trị bình dân” (2017), [1] có ít nhất bốn cách hiểu khác
nhau về chính trị. [2]
1. Chính trị là quá trình ra các chính sách công (tức
là chính sách của chính quyền).
2. Chính trị là việc giành, giữ và thực thi quyền lực
nhà nước, do các đảng phái tổ chức chính trị và các cá nhân là chính trị gia thực
hiện.
Hai cách hiểu hẹp này có hàm ý chính trị là những
chuyện chỉ xảy ra trên chính trường và do một thiểu số người thực hiện. Nói nôm
na, nó không phải việc của bạn, tất cả đã có Đảng và Nhà nước lo.
Nhưng đó mới chỉ là phân nửa câu chuyện. Vẫn
còn hai cách hiểu về chính trị khác.
3. Chính trị là những gì diễn ra trong lĩnh vực
công, tức những gì thuộc không gian chung, của cộng đồng. Những gì diễn ra
trong khu vực tư thì không phải là chính trị.
Như vậy, ngoài những gì diễn ra trong gia
đình, câu lạc bộ, công ty của bạn – tức khu vực tư – những không gian bên ngoài
đều là địa bàn của chính trị.
Sân chơi rộng hơn rồi nhỉ. Vẫn còn một định
nghĩa khác nữa:
4. Chính trị là việc gây ảnh hưởng đến người khác,
chẳng hạn và rõ rệt nhất là tác động lên chính sách.
Với định nghĩa này thì chính trị là thứ có mặt
trong mọi hoạt động, tương tác xã hội. Khi bạn muốn tác động đến một ai đó để
thay đổi tình huống theo cách bạn muốn, bản chất của việc đó đã là làm chính trị
rồi.
Nếu hiểu theo nghĩa này, có lẽ chúng ta đang
làm chính trị mỗi ngày.
Giả sử một tình huống quen thuộc: Có lệnh cấm
người dân tự đi chợ, thay vào đó phải đăng ký qua tổ dân phố để nhờ đi chợ hộ.
Tổ trưởng tổ dân phố của bạn lại không nhiệt tình lắm. Bạn sẽ phải nghĩ, bạn cần
liên hệ với ai, gây tác động thế nào, trao đổi trên nền tảng nào, cơ chế đặt
hàng sao cho hợp lý. Bạn đi đến quyết định là rủ mọi người trong xóm thành lập
một nhóm Zalo và mời cô tổ trưởng, hội trưởng hội phụ nữ và công an khu vực
cùng tham gia. Quá trình xây dựng nhóm Zalo đó không gì khác hơn chính là tham
gia chính trị – gọi tắt là tham chính.
Tác động để tạo ra
thay đổi – có phải là chuyện viển vông?
Nếu không phải bị đặt vào tình huống rủi ro
thiếu lương thực trong đại dịch này, có lẽ bạn cũng giống tôi, chẳng cần biết tổ
trưởng tổ dân phố nơi mình sống là ai.
Thờ ơ với chính trị và những gì thuộc về nhà
nước từ lâu đã là một lối sống được cổ xúy. Chính quyền độc tài thích việc này,
vì họ sẽ chẳng bị ai giám sát, phàn nàn hay đòi hỏi gì cả, muốn làm gì tùy ý.
Như một hệ lụy, những module giáo dục pháp luật trong trường học hướng đến mục
tiêu dạy nên những công dân biết tuân thủ chứ không biết phản biện; ở cấp đại học,
người ta không tìm ra một trường nào có ngành khoa học chính trị đường hoàng;
sách viết về chính trị cho người bình dân hầu như không có.
Những nhà hoạt động xã hội không thích chuyện
đó. Họ miệt mài kêu gọi để người dân quan tâm đến chính trị hơn và tích cực
tham chính – tham gia vào chính trị để biết và gây tác động đến những quyết định
hệ trọng với cuộc sống của chính họ.
Có những người như Phạm Đoan Trang, cô viết miệt
mài để cung cấp những kiến thức bị giấu giếm cho người bình dân, dù thêm một cuốn
sách ra đời là cô tiến một bước gần hơn đến cánh cửa nhà tù.
“Chính trị bình dân” là cuốn sách hiếm hoi bằng
tiếng Việt cung cấp cho một người bình dân nhất những chỉ dẫn mà họ cần để sinh
tồn trong nền chính trị này. Trong đó, có những cách để tạo ra thay đổi mà họ
muốn thấy (Chương II – Hoạt động chính trị).
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra công tác chống
dịch tại Bình Dương ngày 27/8. Bạn nhìn kỹ một chút sẽ thấy ông ấy đeo ngược khẩu
trang (chữ 3M ngược). Ảnh đăng trên trang chinhphu.vn sau đó đã được sửa lại
cho… xuôi. Bạn có nghĩ rằng các chính trị gia này lúc nào cũng ra quyết định
đúng đắn?
Hai lời khuyên sát sườn nhất vào lúc này có lẽ
là biểu tình và làm truyền thông.
Chắc bạn chưa quên vụ bánh mì không phải thực
phẩm ở Nha Trang. Sau khi báo chí và cộng đồng mạng lên tiếng thì vị phó chủ tịch
phường thô bạo đã phải xin lỗi và chịu kiểm điểm, thành phố Nha Trang đã phải ra văn bản làm
rõ những mặt hàng thiết yếu. [3]
Ở Hà Nội, khi mới giãn cách, chính quyền ra
yêu cầu người dân ngoài giấy đi đường còn phải trình lịch làm việc thì mới được
lưu thông. Quy định này bị bãi bỏ chỉ sau một ngày bị phản đối. [4]
Ngày 27/8, hàng trăm người dân ở quận 9 đã kéo
nhau xuống đường phản ứng vì sau hai tháng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của
nhà nước. Ngay sau đó một ngày, chính quyền địa phương mang tiền xuống phát cho họ. [5]
Mới đây nhất, sau một tuần thử nghiệm mô hình
đi chợ hộ đầy những điểm vô lý, chính quyền đã từ bỏ ý định thay một hệ thống
phân phối chuyên nghiệp bằng một lực lượng tình nguyện chạy bằng cơm và cho shipper trở lại hoạt động. [6]
Những sự thay đổi kể trên không thể xảy ra nếu
như không có những đoạn phim người dân tự quay đăng lên Facebook rồi trở thành
viral – được nhiều người biết đến. Đó chính là làm truyền thông. Chính quyền
cũng sẽ không đời nào thay đổi nếu như người dân không biểu đạt tình cảm
của mình, dưới đường phố hay trên mạng. Nghĩa đơn sơ của biểu tình chỉ là như
thế: làm cho chính mình được nhìn thấy, được lắng nghe. Đòi quyền của mình –
nghĩa đơn sơ nhất của việc người dân tham gia vào chính trị chỉ là như thế.
***
Tôi nghĩ không có lúc nào thích hợp hơn để bạn
cùng ghé mắt vào những trang sách tâm huyết mà Phạm Đoan Trang viết ra, để hiểu
hơn về chính quyền mà chúng ta đang có – một chính quyền bỏ tù những nhà báo tự
do.
Trong mùa dịch này, nếu bạn có từng một lần bất
bình vì hệ thống truyền thông một chiều liên tục giấu giếm thông tin, ca ngợi
chính quyền và lên án người dân, bạn hãy hiểu rằng đó là hệ quả của một nhà nước
không ngừng siết chặt tự do báo chí. Ngày hôm nay, nếu như bạn vẫn còn thấy những
tiếng nói trái chiều được cất lên, hãy hiểu rằng những cá nhân đó đang một mình
chống lại cả một hệ thống đàn áp khổng lồ được vận hành bằng tiền thuế của
chính bạn.
Trước đây, khi Đoan Trang và những nhà bất đồng
chính kiến như cô bị bắt vì tội chống nhà nước, bạn có thể quay mặt đi nói rằng
“ôi phản động thế thì bị bắt phải rồi”. Hôm nay, người bị bắt ấy hoàn toàn có
thể là người vừa chở bình oxy đến giúp một người bệnh đang hụt hơi, một nhà báo
chiều nào cũng đạp xe đến giúp những người vô gia cư ở những khu phố bần cùng,
một bác sĩ dốc lòng cứu chữa và tư vấn miễn phí cho những bệnh nhân nguy kịch,
một người dân đói không được cứu trợ lao vào ẩu đả với dân phòng, hay một người
mà bạn quen, vì bất bình mà phản biện. Tất cả họ đều có thể bị chụp mũ phản động,
chống phá, bị kết án. Mà bạn thấy không, thời này, trừ những người giàu sụ và
thờ ơ ra, ai mà chẳng bất bình?
Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Dù bạn
ghét hai từ chính trị đến mức nào, vài tháng quay cuồng trong những chính sách
chống dịch tồi tệ vừa qua có lẽ cũng khiến bạn, như tôi, phải nghĩ ngợi.
Tại sao mình lại phải sống trong một đất nước
quản trị tệ đến thế nhỉ?
Mình muốn sống trong một tập thể/ cộng đồng/ đất
nước như thế nào?
Mình làm sao để góp phần tạo ra cộng đồng đó?
Bạn có thể tải cuốn sách Chính trị bình dân qua đường
link: https://doantrang.liv.ngo/book-chinh-tri-binh-dan/
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang,
đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang,
rất mong chờ bài viết của bạn.
------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú thích :
1. Phạm Đoan Trang (2017) Chính
trị bình dân.
https://doantrang.liv.ngo/book-chinh-tri-binh-dan/
2. Tham khảo: Heywood, A. (1994). Politics (3rd
Revised ed.). Palgrave Foundations
3. Bình A. (2021, July 22). Kiểm
điểm phó chủ tịch phường giam xe người đi mua bánh mì. ZingNews.vn.
4. VnExpress. (2021, August 10). Hà
Nội bỏ yêu cầu người đi đường phải có “lịch trực, lịch làm việc.” vnexpress.net.
https://vnexpress.net/ha-noi-bo-yeu-cau-nguoi-di-duong-phai-co-lich-truc-lich-lam-viec-4338188.html
5. Tuổi Trẻ Online. (2021, August
29). Người dân phường Phú Hữu “chưa nhận được tiền hỗ trợ” đã được hỗ
trợ. TUOI TRE ONLINE.
6. VnExpress. (2021, August 29). Shipper
được hoạt động ở 8 quận huyện “vùng đỏ” TP HCM. vnexpress.net.
https://vnexpress.net/shipper-duoc-hoat-dong-o-8-quan-huyen-vung-do-tp-hcm-4347844.html
No comments:
Post a Comment