ĐỪNG LÀM
THAY VIỆC CỦA THỊ TRƯỜNG
https://www.facebook.com/can.pham.1213/posts/1906607879500325
Dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp, bất thường,
đã làm phát sinh vô số vấn đề chưa có tiền lệ. Do đó việc đối phó gặp lúng
túng, phải thay đổi nhiều cũng là điều cần phải chấp nhận, thông cảm và chia sẻ
với chính quyền, từ trung ương đến cơ sở.
Có hai vấn đề lớn là dịch vụ y tế, nhất là
khám chữa bệnh và dịch vụ đảm bảo dân sinh. Dịch vụ y tế quá tải là điều tất
nhiên, buộc phải chấp nhận, để khắc phục dần. Bởi vì khi nhu cầu khám chữa bệnh
tăng lên hàng chục lần, mà cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực cố gắng lắm cũng
chỉ tăng cục bộ cho một địa phương nào đó lên gấp đôi, gấp ba thì cũng chưa đáp
ứng được. Có vẻ như về các dịch vụ y tế, ngành Y và chính quyền các cấp đã nhìn
thấu vấn đề và đang tháo gỡ dần một cách đúng hướng. Sự bất cập là do quá tải,
lực bất tòng tâm, chứ không phải vì sai đường, hoặc vòng vo, luẩn quẩn.
Trong lúc đó, việc đảm bảo các nhu cầu dân
sinh, nhất là về lương thực, thực phẩm, các nhu cầu thiết yếu thì rõ ràng đã bộc
lộ quá nhiều vấn đề, lúng túng, luẩn quẩn, hiệu quả kém. Nói thẳng đây là lỗi của
chính quyền các cấp. Trong dịch bệnh nhu cầu về dịch vụ y tế tăng, nhưng nhu cầu
về cuộc sống hàng ngày chắc chắn không tăng, thậm chí giảm. Vậy thì tại sao lại
không đáp ứng được?
Tại các giải pháp đưa ra không hợp lý. Giải
pháp không hợp lý vì nó dựa trên cách tiếp cận sai từ phương pháp luận. Lâu nay
việc đáp ứng nhu cầu dân sinh là do thị trường đảm nhiệm. Về lương thực, thực
phẩm, gas, xăng dầu… đã hình thành một hệ thống chợ, siêu thị và các cửa hàng.
Khi dịch bệnh phát sinh, thị trường đã tự điều chỉnh theo hướng tăng dần dịch vụ
online, vừa giảm đi lại, vừa giảm tiếp xúc trực tiếp. Các đội quân shipper,
grap, với sự trợ giúp của công nghệ đang dần trở thành lực lượng tinh nhuệ, thiết
yếu, nhất là ở các đô thị.
Lẽ ra, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần
giãn cách xã hội hoặc cách li, chính quyền phải tìm cách để cho hệ thống thị
trường đó hoạt động mà vẫn đảm bảo các yêu cầu phòng dịch, ví dụ như 5K. Thế
nhưng, nguyên tắc thị trường đã bị vi phạm. Các nguồn cung ứng không đến được
chợ, siêu thị. Đến lượt nó, chợ bị cấm còn siêu thị không được trực tiếp bán
cho dân, kể cả online. Các giải pháp công nghệ đã hình thành, giúp kết nối giữa
cửa hàng với khách hàng cũng không được trong dụng nữa.
Đội ngũ shipper chuyên nghiệp bị đặt ra ngoài
vòng chiến đấu. Dường như chính quyền muốn thay thị trường để cung cấp lương thực,
thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho dân. Chính quyền định thay thị trường bằng
cách nào? Phải chăng bằng khẩu hiệu “Cả hệ thống chính trị vào cuộc”?
Thế nên, thoạt đầu là cán bộ, công chức các
phường, xã đi chợ hộ cho dân. Sau đó thay bằng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Có người ví lúc này Chủ tịch MTTQ chẳng khác gì “trưởng ban quản lý chợ đầu mối”.
Sân Ủy ban phường chất đầy rau củ quả để phân phối về các khối xóm. Shipper
chuyên nghiệp được thay thế bằng “shipper áo xanh” và những đội quân tình nguyện
khác. Các ông bà tổ trưởng dân phố đa phần là người cao tuổi, sức khỏe yếu, kỹ
năng công nghệ kém được phương án của thành phố xác định là đầu mối chính để tiếp
nhận, tổng hợp và chuyển thông tin lên khối. Khối tôi ở có 15 tổ.
Nếu trước đây 2 cửa hàng Vinmart và Thực phẩm
sạch, với khoảng 4 shipper có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu của các gia đình, với
cách đặt hàng qua zalo, thanh toán qua điện thoại, không có tiếp xúc trực tiếp,
thì nay, nếu theo đúng phương án của thành phố, phải có 15 ông bà tổ trưởng và
nhiều shipper nghiệp dư mới đáp ứng được. Số người ra đường và số tiếp xúc
không những không giảm, mà ngược lại tăng ít nhất 5 lần.
Rõ ràng không những mục tiêu giảm số người ra
đường và giảm tiếp xúc trực tiếp của giãn cách xã hội không đạt được, thậm chí
ngược, mà chất lượng, hiệu quả, tốc độ của phương án dịch vụ này cũng không ổn.
Chỉ thấy trên TV, trên báo chí là rộn ràng với rất nhiều ảnh đẹp về chuyện đi
chợ hộ. Những bức ảnh đẹp như chính… thành tích của chúng ta vậy!
Một vài ngày nữa thôi, đợt giãn cách 16+ này
cũng sẽ hết, nhưng dịch thì chưa hết, và không ai dám nói sẽ không có đợt giãn
cách khác. Vậy nên, mấy ngày tới đây chính quyền hãy lắng nghe người dân, lắng
nghe các bà nội trợ, lắng nghe các bà tiểu thương, các chị siêu thị, các chú
shipper, để vận hành thị trường một cách tốt hơn, chứ không phải là cấm đoán
hay làm thay thị trường. Rút kinh nghiệm từ những lúng túng vừa qua, chính quyền
hãy nghe các doanh nhân hiến kế, để hàng hóa vẫn về đến cửa hàng, đến chợ.
Từ chợ, từ cửa hàng hàng vẫn đến được với dân
trong điều kiện có dịch hoặc giãn cách xã hội. Hãy đứng ngoài mà quan sát, mà
nhận xét để tổ chức thị trường tốt hơn trong điều kiện dịch bệnh. “Cả hệ thống
chính trị vào cuộc” không phải là đưa cán bộ công chức, bộ đội, hay hội viên phụ
nữ, đoàn viên thanh niên đi chợ hộ cho dân. Càng không phải biến chủ tịch MTTQ
thành “trưởng ban quản lý chợ đầu mối”.
Trong ngữ cảnh cụ thể này, đứng ngoài một cách
tỉnh táo và thông minh để tổ chức thị trường vận hành thông suốt, mới chính là…
vào cuộc!
No comments:
Post a Comment