https://www.facebook.com/nguyendackien/posts/10219498055314378
Toàn TP.HCM có 25.418 tổ dân phố/tổ nhân dân
và 2.008 khu phố/ấp*.
Trong đó, số người hoạt động không chuyên ở
25.418 tổ dân phố/khu phố là 49.407 và ở 2.008 khu phố/ấp là 20.806.
Mỗi người hoạt động không chuyên ở tổ dân phố/khu
phố được khoán quỹ phụ cấp hàng tháng là 0,5 mức lương cơ sở và 200.000 đồng;
còn ở khu phố/ấp là 0,5 mức lương cơ sở và 2,5 triệu đồng.
Để dễ mường tượng hơn, ta thử nhìn vào dự thảo
đề án sắp xếp lại khu phố, tổ dân phố phường 9, quận Phú Nhuận (năm 2019) ở vài
con số như sau: Với 5 khu phố, 93 tổ dân phố và 186 chức danh làm ở tổ dân phố,
hàng tháng phường 9 phải chi 213,6 triệu đồng, tương đương 2,5 tỷ đồng/năm cho
đội ngũ này.
Hiện toàn thành phố có 312 phường/xã, nên nếu
tinh giản được đội ngũ này cũng sẽ giúp giảm bớt một nguồn chi ngân sách đáng kể.
Chưa hết, các chung cư, khu đô thị mới với
hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn hộ dân đều có ban quản trị, ban quản lý
hoàn toàn không cần thiết phải có tổ dân phố.
Ngoài ra, theo TS Võ Trí Hảo các quốc gia hiện
đại không có tổ dân phố. Việc duy trì số lượng lớn tổ dân phố, kéo theo đội ngũ
người làm ở tổ dân phố như hiện nay sẽ rất tốn kém ngân sách nhưng hiệu quả về
mặt hành chính không cao**.
Nhưng theo
tôi, không chỉ tiêu tốn ngân sách và kém hiệu quả cao, các thiết chế như tổ dân
phố, mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên, thậm chí còn đang là những thiết chế
làm cản bước đi lên hiện đại của tổ chức xã hội.
Trong rất nhiều nguyên nhân khiến cho việc tổ
chức, điều hành chống dịch lúng túng, nhất là ở TP.HCM thời gian qua tôi cho rằng,
có những nguyên nhân đi từ sự dằng dai chồng chéo quyền lợi, trách nhiệm của những
"khúc ruột thừa" này.
Như thế, bình thường các "khúc ruột thừa
này" chỉ tiêu tốn ngân sách thôi, nhưng trong những các khủng hoảng như đại
dịch lần này, nó có thể còn cản trở việc sắp xếp, tổ chức xã hội hiệu quả, và
như thế nó đã gián tiếp gây ra không biết bao nhiêu tai họa cho xã hội.
Bây giờ, nếu gạt bỏ đi những thiết chế lỗi thời
"tổ dân phố", "mặt trận", "đoàn thanh niên" như
hiện nay, xã hội hoàn toàn có thể tìm và dễ dàng tiếp cận được với các mô hình
quản trị mới, hiệu quả hơn và phù hợp hơn để giải quyết các với yêu cầu phức tạp
của cuộc sống hiện đại, cũng như yêu cầu khẩn cấp của khủng hoảng.
Cách đây vài năm, đã có những ý kiến từ quốc hội
về việc lập một bộ Thanh niên từ tổ chức đoàn. Giờ có lẽ là lúc thích hợp xem lại
đề xuất này. Với tổ chức mặt trận cũng vậy, thử xem có thể thành lập một bộ gọi
là bộ các vấn đề (hoặc dư luận) Xã hội không?
Làm thế cũng là chuyên nghiệp hóa, là chính
danh hóa cho các tổ chức này. Chứ thế kỷ 21 rồi, thời đại 4.0 rồi mà cứ để họ tồn
tại mãi vậy, coi sao được?
---------
(*) Hôm trước, VnExpress nói TP.HCM hiện có
25.000 tổ dân phố (nguồn: https://bit.ly/3sRSIkS). Thử đi kiểm tra lại con số này,
tôi thấy có vài số liệu, hơi cũ từ năm 2019, và có đôi chút khác nhau. Như báo
SGGP thì nói toàn TP.HCM có 2.088 ấp, khu phố và 25.823 tổ dân phố, tổ nhân dân
(nguồn: https://bit.ly/3jnJYQD). Tuy nhiên, ở trên tôi chọn dẫn số
liệu từ báo Tuổi Trẻ (nguồn: https://bit.ly/2WxtRa8) vì sự đầy đủ và khá toàn diện của
bài báo. Nhận định của TS Võ Trí Hảo ở trên cũng dẫn lại từ bài báo này.
No comments:
Post a Comment