Sunday, October 11, 2020

VIẾT CHO NGÀY LUẬT SƯ VIỆT NAM (Nguyễn Hồng Lâm)

 


Viết cho ngày luật sư Việt Nam    

Nghề Luật Sư

9/10/2020  lúc 00:16  

https://www.facebook.com/ngheluatsuvn/posts/1703616789813831/

 

TƯỞNG NHỚ LUẬT SƯ VŨ TRỌNG KHÁNH - NGƯỜI DÁM TRANH LUẬN VỚI ĐẢNG VỀ SỰ ĐỘC LẬP CỦA NỀN TƯ PHÁP

 

Ngày luật sư Việt Nam 10/10, báo chí tôn vinh các “luật sư cách mạng” như ông Phan Anh, Trịnh Đình Thảo hay Nguyễn Hữu Thọ ... mà không một lời nhắc đến vị luật sư “khai quốc công thần” của nền tư pháp Việt Nam là ông Vũ Trọng Khánh.

 

Vì sao thế ?

 

Nguyên nhân chính là do vào năm 1948, ông Khánh đã cả gan tranh luận công khai với báo Sự Thật của Đảng Cộng sản Việt Nam về việc nền tư pháp phải hoàn toàn độc lập và không phụ thuộc vào chính quyền (cách mạng). Từ đó, sự nghiệp vị Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của nước nhà dần đi xuống.

 

.

TỪ THỊ TRƯỞNG, BỘ TRƯỞNG ĐẾN TRƯỞNG TIỂU BAN

 

Luật sư Vũ Trọng Khánh sinh năm 1912, trở thành luật sư năm 1941 tại văn phòng luật sư Laubies (Pháp). Ông được bổ nhiệm làm Thị trưởng Hải Phòng năm 1945 khi mới 33 tuổi.

 

Vào ngày 26/8/1945, luật sư Khánh được Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà giao trọng trách Bộ trưởng Tư pháp. Ông là luật sư duy nhất có tên trong Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp 1946 (gồm 7 người, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu), bản Hiến pháp được xem là tiến bộ nhất trong lịch sử nước nhà từ khi những người cộng sản lên nắm quyền.

 

Ông lần lượt đảm nhận các chức vụ Giám đốc Tư pháp liên khu 10 suốt chín năm kháng chiến, Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng rồi Chủ tịch Hội Luật gia Hải Phòng. Chức vụ cuối cùng của ông trước khi nghỉ hưu là Trưởng tiểu ban Vận trù học của Ban khoa học và công nghệ thành phố Hải Phòng, một bước lùi ghê gớm đối với một nhà lập quốc. Luật sư Khánh qua đời trong lặng lẽ năm 1996.

 

.

KHAI QUỐC CÔNG THẦN CỦA TƯ PHÁP XÉT XỬ, NGƯỜI TÁI SINH NGHỀ LUẬT SƯ VÀ THẨM PHÁN

 

Bộ trưởng Tư pháp Vũ Trọng Khánh là cha đẻ của hai sắc lệnh trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành:

 

- Sắc lệnh số 46 ngày 10/10/1945 quy định nghề luật sư (do đó, ngày 10/10 trở thành ngày truyền thống nghề Luật sư);

 

- Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946 quy định về tổ chức toà án và chức danh thẩm phán (ngành Toà án vẫn chưa có quy định về ngày truyền thống nghề Thẩm phán ?)

 

Nói rằng luật sư Khánh là người tái sinh hai nghề luật sư và thẩm phán (đã có từ khi người Pháp sang đô hộ nước ta) quả không có gì sai.

 

.

CUỘC TRANH LUẬN ĐI VÀO LỊCH SỬ

 

Năm 1948, luật sư Khánh, Giám đốc tư pháp liên khu 10 (chính phủ kháng chiến) tranh luận công khai với biên tập viên Quang Đạm của báo Sự Thật, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam về chủ đề rất nóng: tư pháp có độc lập với hành pháp hay không ?

 

Hãy nghe ý kiến đại diện của Đảng: tư pháp phải phục tùng hành pháp và phải phục vụ mục tiêu đấu tranh giai cấp, tức là toà án phải “tuân lệnh” uỷ ban hành chính. Vì chính phủ là đại diện ưu tú nhất của nhân dân, ý muốn của chính phủ là ý của toàn dân nên tư pháp không thể làm khác ý của chính phủ, làm khác tức là đi ngược lại với ý nguyện của nhân dân.

 

Nghe có vẻ có lý nhưng có gì đó nguỵ biện (chú thích riêng của người viết).

 

Luật sư Khánh tranh luận lại (các cuộc bút chiến này được đăng tải công khai trên báo Sự thật, một sự tiến bộ mà ngày nay không có): luật pháp không chỉ là công cụ của giai cấp thống trị mà còn là công cụ bảo vệ kẻ yếu trước kẻ mạnh, tức là bảo vệ công lý. Một nền tư pháp độc lập, khoẻ mạnh sẽ kéo hành chính đi lên, tạo niềm tin cho người dân.

 

Luận điểm đáng chú ý nhất của luật sư Khánh trong hơn mười bài báo có nguyên văn như sau: “Khi một người nào muốn ra lệnh cho toà án phải xử thế này thế khác mà toà án không nghe theo thì chúng tôi cho rằng đấy là toà án giữ quyền độc lập. Nếu ông Quang Đạm cho như thế là thái độ đối lập thì tôi muốn hỏi khi các thẩm phán can thiệp vào hành chính hay chính trị, các uỷ ban sẽ cư xử như thế nào cho khỏi thành ra “đối lập ?”

 

Cuộc tranh luận vô tiền khoáng hậu này kéo dài trong hai năm 1948, 1949 và chỉ tạm kết thúc khi phe “tư pháp vị hành pháp” hết bài, phải viện dẫn ... lý luận Mác Lênin ra tranh luận. Nhận thấy không nên động chạm đến kim chỉ nam của thể chế nên luật sư Khánh chủ động chấm dứt tranh luận với lý do “công cuộc kháng chiến còn nhiều việc khác đáng bàn bạc hơn”.

 

Vậy là cuộc tranh luận kết thúc mà không có kẻ thắng người thua, chỉ biết nền tư pháp sau này đã chọn con đường lệ thuộc vào hành pháp mà đánh mất đi sự độc lập bắt buộc phải có. Ví dụ dễ thấy nhất là trong 21 năm tồn tại của thể chế Việt Nam Dân chủ cộng hoà tại miền Bắc, nghề luật sư xem như bị xoá sổ.

 

Sự thật nào trái tai lãnh đạo cũng phải trả giá. Sau khi kháng chiến thành công 1954, từ một khai quốc công thần của Chính phủ 1945, luật sư Vũ Trọng Khánh lui dần về các chức vụ nhỏ không tương xứng với tài năng và nhân cách của mình. Cái tên Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam đầu tiên Vũ Trọng Khánh bị lãng quên dần trong lịch sử tư pháp. Cuộc tranh luận đặt nền móng cho hoạt động tư pháp nước nhà cũng không hề được nhắc đến trong bất kỳ tài liệu chính thống nào, kể cả giáo trình cho sinh viên luật (để có tư liệu viết bài này, người viết phải lục tung các tập báo Cứu Quốc in năm 1948 phủ bụi thời gian tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 2).

 

.

VĨ THANH

 

Đúng 40 năm sau cuộc tranh luận, kết quả dường như ngã ngũ: nhà báo Quang Đạm (tên thật Tạ Quang Đệ) cay đắng thừa nhận trên báo “Độc Lập” ngày 17/8/1988: “từ 1948 đến nay, cả nền tư pháp đã bị cầm tù bởi một siêu quyền lực quyết định tất cả, đó là cấp uỷ lãnh đạo”. Nhìn lại vài vụ án nổi cộm gần đây, những lời sám hối của nhà báo “tư pháp vị hành pháp” Quang Đạm dường như không phải không có cơ sở.

 

Thời gian trôi qua, sau hơn 70 năm, những quan điểm “tư pháp vị công lý” của luật sư Vũ Trọng Khánh vẫn còn giữ nguyên giá trị thời sự.

 

Giờ đây, khi một bí thư tỉnh ngang nhiên dùng quyền lực tư pháp để bắt giam người tố cáo mình thì người viết không khỏi ngậm ngùi nhớ lại lời kết của luật sư vĩ đại Vũ Trọng Khánh trong bài tranh luận cuối cùng: “Quyền lực của giới cầm quyền cần bị nhốt lại trong một chiếc lồng, và chiếc lồng ấy phải mang tên Tư Pháp”.

 

Sài Gòn, ngày truyền thống luật sư

 

NGUYỄN HỒNG LÂM

https://scontent-iad3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/120896847_1703616739813836_5529823014285977488_n.jpg?_nc_cat=104&_nc_sid=8bfeb9&_nc_ohc=RdDAt6lEDZkAX_0vjJv&_nc_ht=scontent-iad3-1.xx&oh=80d7683f10764af8cd5ec802ce1622e5&oe=5FA7A465

 Luật sư Vũ Trọng Khánh

 

                                                          ***

100 BÌNH LUẬN

Mạc Van Trang

Những người có tài và tốt thực sự, muốn đất nước văn minh, tiến bộ, đều vứt bỏ!

 

Phạm Cường

Chính là do đảng lãnh đạo toàn diện triệt để nên nền tư pháp bị lệ thuộc, không tự do độc lập, bị chỉ đạo chi phối khi hoạt động vì công lý.

 

Trần Tài

Không biết nịnh hót ở chế độ này thì không thể có một chỗ đứng, dù là một kẻ quét dọn nơi công sở

 

Ban Nguyen

Một bài viết mang tính lịch sử đáng trân trọng mà từ lâu hàng triệu con người ko được biết đến.

Một tư liệu rất quý!

Cảm ơn tác giả. Mong tác giả được khỏe mạnh!

 

Phan Lữ

Công sản không dùng người hiền tài mà chỉ dùng người xu nình

 

 

 

 

 

 

 


No comments: