TRÒ CHUYỆN VỚI
GIÁO SƯ CHU HẢO VỀ CẢI CÁCH GIÁO DỤC
https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/4027929663887913
Khi nghe tin Bộ Giáo dục
và Đào tạo đệ trình trước Quốc hội về cải cách giáo dục với dự án 90 ngàn tỷ,
GS. Chu Hảo (khi ấy còn đương nhiệm Giám đốc NXB Tri thức) điện thoại cho tôi.
Ông ngỏ ý muốn mời tôi ra Hà Nội tham gia cùng một số nhân sỹ trí thức trong cuộc
gặp ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm UBGD Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội
để phản đối.
Tôi bận nhiều việc, không
đi được, nên chỉ trao đổi qua điện thoại với ông. Ông hỏi quan điểm của tôi thế
nào? Tôi bảo, tôi ủng hộ. Vì một là, Nghị quyết Trung ương 8 đã xác định chuyển
dạy học truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, đó là một xu thế tất yếu
của giáo dục thế giới; hai là, dù tốn kém cũng phải làm nếu làm đúng tinh thần
dạy học phát triển năng lực chứ không phải lợi dụng làm dự án, tức làm tiền.
GS. Chu Hảo nói thẳng tuột
luôn là nên ngăn chặn ngay từ đầu. Bởi 90 ngàn tỷ mà chỉ dành cho việc thay
sách (hồi đó Bộ báo cáo là thay sách chứ không làm cả chương trình và sách như
hiện nay) thì tốn tiền xương máu của dân một cách không cần thiết. Theo ông, mọi
sự nên để yên như cũ, càng cải cách càng rối loạn, vì tất yếu sẽ bị lợi dụng để
tiêu tiền. Cốt yếu hiện nay là chống tiêu cực trong giáo dục đã. Khi nào giáo dục
sạch sẽ thì hãy tính đến thay đổi.
Tôi, người hăm hở với đổi
mới, có hình dung mọi sự nhưng không đồng ý lắm với GS. Chu Hảo. Và càng ngại
hơn đối với những cuộc gặp gỡ nhóm này nhóm kia, không chừng mang tiếng chống
phá.
Đến bây giờ khi sự thể diễn
ra trong cải cách: đa dạng hoá để nhồi nhét đủ loại kiến thức, đa dạng hoá để
chia thị phần làm sách và buôn sách giá cao, chương trình thêm quá tải và sự rối
loạn giáo dục càng nguy cơ rối loạn thêm, tôi mới thấy GS. Chu Hảo đúng.
Cảm phiền ông vì đưa
thông tin này công khai. Và cũng chân thành cáo lỗi ông vì không tin điều ông
nói mà quá tin vào cái ảo mộng về một sự cải cách.
Chu Mộng Long
No comments:
Post a Comment