https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3905625206118488
Mấy ngày hôm nay tôi cảm giác được độ mạnh của một cơn bão, mạnh không
kém cơn bão miền Trung đang hoành hành làm hơn chục người chết và chục ngàn
người sơ tán… đó là cơn bão về “giáo
dục”, một cơn bão mà có thể quét sạch cả dân tộc Việt Nam nếu chúng ta đánh giá
thấp chúng. Tôi đã đọc đâu đó một câu nói “Nếu bạn muốn tiêu diệt một quốc
gia, chỉ cần hủy hoại nền giáo dục của nó” (If you want to destroy a nation,
just spoil its education system)…
Tôi chắc rằng những ngày qua không ít phụ huynh đã có những suy nghĩ
trong đầu về cụm từ “tị nạn giáo dục”! Cụm từ này đã âm thầm xuất hiện trong xã
hội Việt Nam từ vài chục năm nay và nó từ từ lớn dần lên và trở nên khá quen
thuộc với chúng ta. Chắc các bạn sẽ không khỏi bất ngờ khi Việt Nam là một đất
nước có chỉ số thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita) khá thấp, chỉ
khoản 2700 đô la Mỹ/một người/một năm, đứng hàng thứ 130 trong tổng số gần 200
nước trên thế giới nhưng là quốc gia thường xuất hiện trong top 10, top 5 các
nước có du học sinh ở những nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật, Hàn,
Đức, v.v….
Theo “Thống kê của Viện Giáo dục quốc tế cho thấy năm 2017, du học sinh
Việt Nam đóng góp hơn 880 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ. Còn thống kê chung do
Bộ GD-ĐT tính toán và ước lượng thì mỗi năm người Việt chi 3-4 tỉ USD cho du
học”. Đó là chưa kể đến các trường hợp “tị nạn giáo dục” tại chỗ bằng cách cho
con học ở những trường quốc tế trong nước!
Nếu nhìn vào các số liệu trên chúng ta sẽ thấy đó là những khoản chi
không nhỏ tí nào cho giáo dục. Với thu nhập đầu người của Việt Nam khoảng 2.700
đô la Mỹ/một người/một năm, để đóng những khoản tiền học từ vài chục ngàn đến
vài trăm ngàn đô la Mỹ một năm là ngoài tầm tay của đại đa số người Việt hiện
nay. Để tìm ra được câu trả lời làm thế nào các quan chức ở Việt Nam với thu
nhập “lý thuyết” thấp hơn hoặc loanh quanh cái con số “2.700 đô la Mỹ/một
người/một năm” nhưng lại có thể tạo điều kiện cho con, cháu của họ du học tự
túc từ rất sớm ở những bậc dưới đại học phải trả những khoản tiền khổng lồ như
trên, là một việc như hái sao trên trời!
Không biết những người lãnh đạo trong ngành giáo dục khi nhìn vào những
số liệu trên có bao giờ tự hỏi là tại sao “người dân” đang chấp nhận những
khoản “phung phí” như thế để “tránh né” nền giáo dục nước nhà? Tôi nghĩ ngành
giáo dục cần phải nghiêm túc trong suy nghĩ hơn để bớt đi những cơn bão “giáo
dục” không đáng có như cuốn sách giáo khoa lớp 1 của nhóm “Cánh Diều” gần đây,
bớt đi những công trình cải cách giáo dục như kiểu chương trình Giáo dục công
nghệ gây tranh cãi của ông Hồ Ngọc Đại mấy năm trước, hoặc bớt đi những kiểu
cải cách tiếng Việt không đáng có như của ông Bùi Hiền viết lại “Luật Giáo Dục”
thành “Luật Záo Zụk”.
Có như vậy thì sẽ giúp phụ huynh Việt Nam bớt lo lắng hơn về vấn đề “tị
nạn giáo dục”! Còn nếu không làm được như thế thì nên giúp bà con tìm ra câu
trả lời những quan chức đã làm thêm bằng cách “chạy xe ôm, buôn chổi đót” như
thế nào để có đủ tiền cho con cháu đi học tự túc ở nước ngoài?!
_____
Tài liệu
tham khảo:
– Du học tăng nói lên điều gì? (TT)
– List of countries by GDP (nominal) per capita (Wikipedia)
– Trends in Vietnamese Academic Mobility (Wenr)
– PGS Bùi Hiền viết lại ‘Truyện Kiều’ bằng chữ cải tiến
— Phụ huynh than nhiều truyện trong Tiếng Việt 1 không rõ tính
giáo dục (Zing)
– Sách Tiếng Việt lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại có nội dung thế
nào? (VTC)
No comments:
Post a Comment