The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch
01/10/2020
http://nghiencuuquocte.org/2020/10/01/the-gioi-hom-nay-01-10-2020/
Tòa thánh Vatican cho biết họ đã từ chối yêu cầu diện kiến Giáo hoàng Francis của Mike
Pompeo, ngoại trưởng Mỹ, cáo buộc ông tìm cách lôi kéo Giáo hội Công giáo
vào cuộc bầu cử tổng thống bằng cách chỉ trích mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Ông Pompeo khi đến thăm Vatican đã kêu gọi Tòa thánh cứng rắn hơn với Trung Quốc
vì cho rằng Đảng Cộng sản nước này bóp nghẹt các quyền tự do tôn giáo. Ông
Pompeo phản đối một thỏa thuận mà Vatican ký với Trung Quốc cách đây hai năm
xoay quanh quy trình bổ nhiệm giám mục Công giáo.
Một tòa án Ấn Độ đã
tuyên trắng án cho tất cả 32 người bị buộc tội liên quan đến việc phá dỡ Babri
Masjid, một nhà thờ Hồi giáo có từ thế kỷ 16 ở thành phố Ayodhya. Vụ phá dỡ năm
1992 đã gây nên làn sóng bạo lực giữa đạo Hindu và đạo Hồi khiến 2.000 người
thiệt mạng. Một phán quyết vào năm ngoái của Tòa Tối cao của Ấn Độ đã mở đường
cho một ngôi đền Hindu được xây dựng trên địa điểm cũ của nhà thờ Hồi giáo.
Tổng thống Donald
Trump và Joe Biden gặp nhau trong một cuộc tranh luận
hỗn loạn ở Ohio. Tổng thống liên tục chen ngang và ngắt lời, khiến đối thủ lắc
đầu ngao ngán hoặc đơn giản là quay sang nói trực tiếp với khán giả. Không có
cú nốc ao nào, nhưng ông Trump đã dành những đòn tấn công hiểm hóc nhất của
mình nhắm vào quá trình bỏ phiếu. Cuộc tranh luận tiếp theo của họ sẽ được tổ
chức tại Miami sau hai tuần nữa.
Các hoạt động của
hãng hàng không quốc gia South African Airways đã bị đình chỉ
sau khi hãng này hết tiền và một khoản cứu trợ tiềm năng của chính phủ bị trì
hoãn. Trong khi đó, AirAsia đóng cửa liên doanh tại Nhật Bản vì nhu cầu thấp. Một
báo cáo mới của Tổ chức Hành động Vận tải Hàng không, một cơ quan thương mại,
cho biết 46 triệu trong số 88 triệu việc làm được tạo ra bởi ngành hàng không
toàn cầu có thể mất đi vì đại dịch.
Hơn 100 cuộc biểu tình đã
nổ ra trên khắp Venezuela từ Chủ nhật, chỉ trích tình trạng
thiếu nước, điện và nhiên liệu. Mặc dù tình trạng thiếu hụt như vậy là phổ biến,
nhưng chúng đã trở nên trầm trọng hơn do phong tỏa covid-19 và sự sụp đổ của
ngành dầu mỏ Venezuela. Chính phủ chưa đưa ra bình luận chính thức, nhưng các lực
lượng an ninh được cho là đã bắn đạn cao su và xịt hơi cay vào đám đông.
Kinh tế Anh suy thoái ít hơn dự kiến trong quý 2 năm nay. Ở mức 19,8%, đây vẫn là con số giảm theo quý lớn nhất từng được
ghi nhận và nghiêm trọng hơn so với các nền kinh tế lớn khác. Với ít cơ hội chi
tiêu hơn, tỷ lệ thu nhập khả dụng mà các hộ gia đình phải tiết kiệm đã tăng lên
29,1%, từ mức 9,6% ba tháng trước.
Royal Dutch Shell công bố kế hoạch cắt giảm từ 7.000 đến 9.000 việc làm, 1.500
trong đó là tự nguyện nghỉ việc vì dư người. Gã khổng lồ năng lượng đang cố gắng
cắt giảm chi phí để đối phó với áp lực do đại dịch gây ra và quá trình chuyển đổi
sang năng lượng sạch hơn. Họ hy vọng việc tái cấu trúc sẽ giúp tiết kiệm 2,5 tỷ
đô la mỗi năm cho tới 2022.
TIÊU
ĐIỂM
Người Trung Quốc nghỉ lễ một
tuần
Hôm nay Trung Quốc kỷ niệm
71 năm Đảng Cộng sản bắt đầu nắm quyền — và Tết Trung thu, dịp lễ mà các vị
hoàng đế ngày xưa từng làm lễ thờ mặt trăng. Đối với người dân Trung Quốc, ngày
lễ kép này có nghĩa là một kỳ nghỉ “Tuần lễ vàng” kéo dài 8 ngày: lần đầu tiên
kể từ đại dịch covid-19 khi nhiều người có thể thực sự thư giãn. Trung Quốc đã
không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng nào trong nhiều tuần. Các chuyến bay và chuyến
tàu trên các tuyến nội địa phổ biến đã bán hết vé do nhu cầu du lịch nước ngoài
thấp (7 triệu người đi nước ngoài vào năm ngoái).
Hơn 15 triệu người sẽ bay
khắp Trung Quốc trong kỳ nghỉ này — nhiều hơn 10% so với năm ngoái, theo báo
cáo của Qunar, một công ty du lịch trực tuyến. Tổng cộng sẽ có khoảng 600 triệu
du khách. Con số này đã giảm gần một phần tư so với kỳ nghỉ năm ngoái. Nhưng để
ngăn bùng dịch, các điểm du lịch đã giảm sức chứa. Hàng triệu người ở Trung Quốc
sẵn sàng xếp hàng: nếu “chi tiêu trả thù” — chi lớn ngay sau khi các cửa hàng mở
cửa trở lại — là xu hướng của mùa xuân, thì mùa thu này là “đi du lịch trả
thù”.
Xung đột giữa Armenia và
Azerbaijan leo thang
Xung đột ở
Nagorno-Karabakh lại bùng phát thành bạo lực, đe dọa đẩy Armenia và Azerbaijan
vào chiến tranh toàn diện. Hơn 100 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ
giữa hai bên, bắt đầu từ 27 tháng 9, làm sống lại ký ức về cuộc chiến tàn phá
khu vực này nhiều thập niên trước đó. EU, Mỹ và Nga đều đã kêu gọi ngừng bắn.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ cuộc tấn công của Azerbaijan nhằm chiếm
lại tỉnh ly khai. (Nagorno-Karabakh có đa số dân tộc Armenia, và do lực lượng
Armenia kiểm soát, nhưng được công nhận về mặt pháp lý là một phần của
Azerbaijan. Người Armenia cũng chiếm lãnh thổ xung quanh của Azerbaijan).
Thổ Nhĩ Kỳ cũng hỗ trợ đồng
minh của mình với máy bay không người lái, hiện đang được dùng trong giao
tranh, và được cho là đã triển khai lính đánh thuê Syria tới Baku, thủ đô của
Azerbaijan. Nếu chiến sự leo thang hơn nữa, hoặc lan từ Nagorno-Karabakh đến
Armenia, nó có thể buộc Nga phải can thiệp. Một cuộc xung đột bị lãng quên giờ
đây có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột khu vực.
EU có thể sẽ né xung đột với
Thổ Nhĩ Kỳ
Thái độ hung hăng trong
khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi các lãnh đạo EU
hôm nay nhóm họp để thảo luận về sự can dự của họ trong một tranh chấp khác. Khối
đang xem xét các biện pháp trừng phạt vì các hành động của quốc gia này ở đông
Địa Trung Hải. Cyprus và Hy Lạp, cùng các nước khác, đã kêu gọi EU trừng phạt
Thổ Nhĩ Kỳ vì những gì họ gọi là vi phạm chủ quyền biển liên tục bởi các tàu
khoan và hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Để đạt được mục tiêu của
mình, Cyprus đã chặn các lệnh trừng phạt của EU đối với các quan chức Belarus
chịu trách nhiệm về cuộc bầu cử tổng thống gian lận của nước này và việc đàn áp
người biểu tình. Dù vậy trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ dường như khó xảy ra vì nước này
đã đồng ý nối lại với Hy Lạp các cuộc đàm phán bị ngừng từ 2016. Nhiều chính phủ
châu Âu, vì muốn tránh căng thẳng mới với nước láng giềng rắc rối của mình,
đang lặng lẽ thở phào nhẹ nhõm. Đối với cuộc họp hôm nay, EU xem ra sẽ làm điều
tốt nhất khi đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ là lảng tránh.
Ford bổ nhiệm giám đốc điều
hành mới
Người ta cho rằng Ford đã
nhìn vào gương chiếu hậu khi chọn bổ nhiệm Jim Farley, một “anh chàng xe hơi”
thích xe thể thao của những năm 1960, làm giám đốc điều hành. Hôm nay, ông sẽ kế
nhiệm Jim Hackett, người có phong cách chậm rãi, trầm ngâm và có kinh nghiệm
trong ngành nội thất văn phòng, một điều dường như không phù hợp để dẫn dắt
công ty Mỹ bước vào tương lai của ngành sản xuất ô tô.
Trên thực tế, Farley hoàn
toàn năng động hơn và có bằng cấp công nghệ cao, điều rất quan trọng khi ngành
chuyển từ xăng sang pin, cùng với việc bán các dịch vụ, chẳng hạn như chia sẻ
xe và cuối cùng là xe tự động. Ông không chỉ lãnh đạo bộ phận công nghệ và chiến
lược của Ford mà còn đưa hoạt động kinh doanh ở châu Âu trở lại trạng thái tốt,
điều sẽ giúp ích cho ông trong việc khắc phục những thất bại hiện nay của Ford
– lợi nhuận tụt và biên lợi nhuận giảm trong những năm gần đây. Ngoài việc thay
cơ đổi vận hiện tại của công ty, ông Farley còn phải chứng minh hãng có tầm
nhìn rõ ràng về con đường phía trước.
Mỹ ngày càng giảm nhận người tị
nạn
Hàng năm, tổng thống có
cơ hội quyết định xem liệu Tượng Nữ thần Tự do có xứng đáng với danh hiệu “người
mẹ của những người lưu vong” hay không. Hôm nay, vào ngày đầu tiên của năm tài
khóa, Donald Trump sẽ đặt mức trần giới hạn về số lượng người tị nạn được vào Mỹ,
với sự tham vấn của Quốc hội (mặc dù quyết định thường đến muộn). Trong năm đầu
tiên tại vị, ông Trump đã đặt mức trần thấp kỷ lục là 50.000, và tiếp tục giảm
hơn nữa.
Năm ngoái, mức giới hạn
là 18.000, và việc tạm dừng tái định cư do covid-19 đồng nghĩa với số người tị
nạn được thực nhận chỉ bằng một nửa con số đó. Mặc dù quota đang chạm
ngưỡng thấp mới dưới thời tổng thống hiện tại, nhưng nó đã giảm trong nhiều thập
niên (ngoài khoảng thời gian 10 năm kể từ giữa những năm 1980). Bốn mươi năm
trước, mức trần là hơn 230.000 người. Cánh cửa vàng của nước Mỹ đang đóng lại.
No comments:
Post a Comment