RBG, người nhỏ bé vĩ đại (Phần 1)
1.10.2020
https://damau.org/65804/rbg-nguoi-nho-b-vi-dai-phan-1
.
https://damau.org/wp-content/uploads/2020/10/clip_image002_thumb.jpg
(hình của Sebastian Kim / August 2020 –The New
Yorker)
Nặng trên dưới 40 ký, cao
chưa tới 1,6 mét, ra đời năm 1933, giữa cuộc đại suy thoái về kinh tế, là phụ nữ
thuộc một gia đình bình thường, sống trong xã hội Mỹ vào giữa thế kỷ trước,
Ruth Bader Ginsburg (RBG) là một người nhỏ bé, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Nhưng khi nằm xuống vào ngày 18 tháng 9, 2020, di sản lịch sử của bà là của một
nhân vật vĩ đại.
Đầu ngành Tư Pháp, Chủ Tịch
Tối Cao Pháp Viện Mỹ John Roberts thông báo tin buồn: “Đất nước chúng ta đã mất
một thẩm phán có tầm vóc lịch sử. Chúng tôi ở Tối Cao Pháp Viện (TCPV) đã mất một
đồng nghiệp trân quý. Hôm nay chúng tôi để tang, nhưng với tin tưởng rằng những
thế hệ tương lai sẽ nhớ Ruth Bader Ginsburg như chúng tôi đã biết bà – một thẩm
phán không mệt mỏi và cương quyết vô địch.”
RBG sinh năm 1933, thọ 87
tuổi, suốt đời tranh đấu cho công lý và bình đẳng nam nữ, từ chức vụ thư ký Sở
An Ninh Xã hội, luật sư phụ tá, giáo sư, thẩm phán liên bang, và cuối cùng, phục
vụ với tư cách là thẩm phán phụ nữ thứ nhì của lịch sử TCPV trong 27 năm. Một
con người nhỏ bé, khiêm nhượng về hình thức, nhưng nhờ thông minh, cương trực,
chịu khó, và qua những kinh nghiệm bất công từ thực tế phũ phàng, bà đã tạo được
thành tích khổng lồ, không riêng cho cá nhân mình, mà ảnh hưởng tới mọi người.
Đầu ngành Hành Pháp, Tổng
Thống Trump, khi biết tin bà qua đời, đã thốt lên: “She led an amazing life.
What else can you say? She was an amazing woman, whether you agree or not. She
was an amazing woman who led an amazing life.”(Bà đã sống một cuộc đời đáng
kinh ngạc. Bạn có thể nói gì khác? Bà đã là một phụ nữ đáng kinh ngạc, dù bạn
có đồng ý hay không. Bà đã là một phụ nữ đáng kinh ngạc sống một cuộc đời đáng
kinh ngạc). Một người có thói quen khen mình hơn khen người, vốn liếng chữ
nghĩa thóa mạ của Tổng Thống Trump coi bộ phong phú hơn là lúc ông khen người
khác. Ông chỉ nhắc đi nhắc lại một tiếng “amazing” để nói về cuộc đời và sự
nghiệp của bà Ginsburg. Từ này, theo nghĩa thông thường là “kinh ngạc,” nhưng
muốn dịch sát nghĩa sang tiếng Việt, có hai chữ thông dụng và rất đáng yêu của
đất Thần Kinh Huế, là “dể sợ.” Nói “dễ sợ” là không đúng. Phải nói dể
sợ (dấu hỏi). Đẹp dể sợ, hay dể sợ, thành công dể sợ… kể cả ác dể sợ, ngu dể
sợ. Với ông Trump, tuyên bố về bà Ginsburg như vậy, coi như đã là ngoại lệ. Bởi
ông từng bị bà chỉ trích là faker (kẻ láo khoét) trước cuộc bầu cử năm
2016 và nói với báo New York Times rằng: “Tôi không thể tưởng tượng đất nước
này sẽ ra sao nếu Donald Trump là tổng thống của chúng ta.” (I can’t imagine
what the country would be with Donald Trump as our president). Thực tế bốn
năm qua chứng tỏ, nhận định và băn khoăn của bà không sai, nhưng sau đó, bà đã
vội vàng xin lỗi về phát biểu ngoài chuẩn mực của mình.
Các cựu tổng thống Mỹ còn
sống, Obama, Clinton, Carter thuộc đảng Dân Chủ, kể cả Bush thuộc đảng Cộng Hoà
– mặc dù bà chống lại phán quyết của TCPV cho ông đắc cử năm 2000–đều nhiệt liệt
ca ngợi sự nghiệp của bà.
Phía Lập Pháp, tình trạng
chia rẽ chẳng những tồn tại, còn tăng mạnh nhân cái chết của bà Ginsburg. Phía
Cộng Hòa chạy nước rút cố dành thêm một ghế bảo thủ tại TCPV. Phía Dân Chủ cố gắng
hết sức để ngăn lại. Thay vì “được an nghỉ trong thái bình,” dù tạm thời trong
thời gian để tang, sự ra đi của bà khiến cuộc xung đột bỗng nhiên sôi nổi. Ngay
cả ước nguyện cuối cùng của bà cũng gây lời qua tiếng lại ở cấp cao nhất.
Trước khi qua đời, bà đọc
cho cháu gái ghi lại ước vọng cuối cùng của mình: “my most fervent wish is
that I will not be replaced until a new president is installed,” (Mong ước nhiệt
thành nhất của tôi là tôi sẽ không bị thay thế cho đến khi tổng thống mới nhậm
chức).
Sau khi tuyên bố vào tối
Thứ Sáu 18 tháng 9, rằng bà Ginsburg là một phụ nữ dể sợ, đã sống một cuộc đời
dể sợ, và sau khi biết được ước vọng cuối cùng của bà, Tổng Thống Trump đã lên Fox
& Friends, cho nổ một trái bom gây hoang mang dư luận vào Thứ Hai 21
tháng 9, khi tang lễ chính thức chưa bắt đầu. Ông nói: “I don’t know that
she said that, or if that was written out by Adam Schiff, and Schumer and
Pelosi,” và rằng, “That came out of the wind. It sounds so beautiful,
but that sounds like a Schumer deal, or maybe Pelosi or Shifty Schiff,” (Tôi
không biết bà ấy nói thế, biết đâu lời đó đã được Adam Schiff, Schumer, và
Pelosi viết ra. Nó như trên trời rớt xuống. Nó là những lời lẽ coi bộ đẹp đẽ,
nhưng chắc là chuyện thương lượng của Schumer hay có thể của Pelosi hoặc tên
Schiff gian trá). Cả ba người này là các dân cử cao cấp thuộc đảng Dân Chủ ở
Quốc Hội; Schumer là trưởng khối thiểu số Thượng Viện, Pelosi là Chủ Tịch Hạ Viện,
Schiff là Chủ Tịch Uỷ Ban Tư Pháp Hạ Viện.
Theo bài báo của hai
phóng viên Glenn Thrush và Kevin Roose trên New York Times, sau trái bom
hoài nghi trên Fox, phe phò Trump đã rộn ràng tung tin vô căn cứ trên Twitter,
rằng bà Ginsburg đã đọc cho cháu gái 8 tuổi viết ước nguyện cuối cùng. Thật ra,
bà Nina Totenberg của Đài Phát Thanh National Public Radio (NPR) đã xác nhận với
chứng cớ: Người ghi lại di ước là cháu ngoại gái Clara Spera, luật sư, đã tốt
nghiệp trường Luật Harvard từ năm 2017. Khi viết có sự chứng kiến của bác sĩ và
những người khác.
Dân Biểu Schiff đã đáp lễ
Tổng Thống Trump trên Twitter: “Thưa Tổng Thống, đây là chuyện ‘chơi bẩn.’ Ngay
cả đối với ông.” (“Mr. President, this is low. Even for you”).
Mất mát đầu đời
Ngay từ thời niên thiếu,
Ruth đã trải qua những mất mát không thể bù đắp trong gia đình. Nhà có hai chị
em, nhưng em gái mất khi mới 6 tuổi. Không được học trường tư danh tiếng như
con nhà giầu, Ruth học trường công, rất xuất sắc trong việc học, cũng như trong
các sinh hoạt học đường; cô đóng vai baton twirler, là người múa gậy dẫn
đầu đội kèn nhà trường khi diễn hành. Rồi đến mẹ, Celia Bader, người được Ruth
coi là thông minh nhất mà cô được biết trong đời, cũng là lực đẩy của Ruth, đã
qua đời vì ung thư hôm trước ngày cô tốt nghiệp trung học, khiến cô không có mặt
trong ngày lễ ra trường đầu tiên.
Nhờ học giỏi, 17 tuổi
Ruth đã được học bổng toàn phần tại đại học danh tiếng Cornell. Theo nhà báo
Nina Totenberg của NPR–người bạn thân suốt nửa thế kỷ–khi Ruth bị sách nhiễu
tình dục tại Cornell, thay vì câm nín chịu đựng, cô sinh viên 19 tuổi đã nhìn
thẳng mặt vị giáo sư sàm sỡ tấn công mình, giận dữ: “How dare you, how dare
you!” (Sao dám làm vậy, sao dám làm vậy!) Tuy nhỏ bé, cô chẳng sợ ai.
Cũng tại Cornell, Ruth đã
gặp Martin (Marty) Ginsburg, cả hai cùng học giỏi. Chàng hơn nàng một tuổi. Họ
thành vợ chồng sau khi tốt nghiệp năm 1954. Quan niệm chung của nhiều thanh
niên ở thế kỷ trước là một phụ nữ đẹp thường kém thông minh. “Điều khiến Marty
vô cùng hấp dẫn, là anh ấy chú ý tới trí óc tôi.” (“What made Marty so
overwhelmingly attractive to me was that he cared that I had a brain“),
theo lời kể của Ruth.
Sau khi thành hôn, Ruth
theo chồng tới sống ở Fort Sill, Oklahoma, nơi Marty bị động viên và làm việc ở
đó. Chồng đi lính, vợ phải kiếm việc để tăng quỹ gia đình. Mặc dù đậu cao khi
ra trường, và đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển nhân viên của Sở An Sinh Xã Hội
mà đáng lẽ phải được mướn ở Ngạch 5, Ruth, vì đã cho sở biết là bà có thai, đã
bị đánh sụt điểm nhận việc xuống Ngạch 2, rồi chỉ được mướn qua chức thư ký
đánh máy “do công việc này tránh cho nhân viên mang bầu phải đi công tác xa gia
đình.”
https://damau.org/wp-content/uploads/2020/10/clip_image004_thumb.jpg
Cặp uyên ương: Ruth
và tân binh quân dịch Marty tại Fort Sill, Oklahoma
(Hình từ bộ sưu tập của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ)
Hai năm sau, Marty mãn hạn
quân dịch, cả hai trở lại miền Đông học luật ở Harvard, ngôi trường danh tiếng
nhất thế giới, nhưng vào giữa thế kỷ trước, phụ nữ vẫn bị coi thường ở đây. Trong
lớp hơn 500 sinh viên, chỉ có 9 phụ nữ, kể cả Ruth. Một hôm, vị khoa trưởng họp
cả chín cô lại, yêu cầu mỗi người trả lời câu hỏi: Cô chứng minh thế nào khi lấy
chỗ đáng lẽ dành cho phái nam? Ruth, mặc dù xuất sắc hơn chồng, đã khiêm tốn trả
lời theo đúng ngôn ngữ vợ hiền: Vì chồng tôi là luật sư, tôi học luật để giúp đỡ
và có sự hiểu biết về sự nghiệp của anh ấy.
Theo tờ báo Crimson của
Harvard ngày 23 tháng Bảy, 1993, trong cuộc điều trần trước Uỷ Ban Tư Pháp Thượng
Viện để được chuẩn thuận làm Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện, Ruth Bader Ginsburg
nói rằng cách đối xử bất bình đẳng mà trường Luật Harvard dành cho phụ nữ — như
nữ sinh viên không được vào thư viện Lamont, khách phụ nữ không được mời dự tiệc
của Harvard Law Review, và nữ sinh viên không được cấp nơi ở tại ký túc xá trường
Luật — thời bà theo học ở đó từ 1956 đến 1958, đã khiến bà dùng sự nghiệp của
mình đẩ phá vỡ rào cản trên đường tiến thân của phụ nữ trong xã hội.
Ba điều bất lợi
Tại Harvard, Marty học
trước vợ một lớp. Vào năm chót của Marty, cũng là năm thứ nhì của Ruth, cả hai
vợ chồng cùng bận học, thêm việc chăm con nhỏ, bỗng nhiên tai nạn ập tới. Thay
vì chuẩn bị tốt nghiệp, Marty phải đương đầu với bệnh ung thư dịch hoàn
(testicular cancer). Giải phẫu rồi chạy điện, Marty trở thành bệnh nhân tại
nhà. Ngoài việc săn sóc và nuôi chồng bệnh hoạn, Ruth còn phải lo cho đứa con
ba tuổi, tới lớp học của mình hàng ngày, và phụ trách công việc của Harvard Law
Review–một tập san bình phẩm pháp lý danh tiếng của trường Luật. Điều này không
do Ruth tự kể, mà do chính Marty nói với đài phát thanh NPR trong cuộc phỏng vấn
năm 1993.
https://damau.org/wp-content/uploads/2020/10/clip_image006_thumb.jpg
Cùng với việc học,
Ruth phải săn sóc chồng bệnh Marty và nuôi con gái Jane
(Hình tử bộ sưu tập của TCPV)
Theo lời Ruth viết năm
2016 về kinh nghiệm vừa nuôi con vừa tác vụ nghề nghiệp của mình, được báo
People ghi lại, và qua phỏng vấn với NPR năm 1993, người ta có thể biết được hoạt
động của Ruth trong một ngày: “Tôi đến lớp và làm việc chăm chỉ cho đến 4 giờ
chiều; những giờ kế tiếp là của bé Jane, ra công viên, làm trò hay hát hò vui
đùa với bé, xem sách họa hình hay đọc thơ A.A. Milne dành cho trẻ em, rồi tắm
và cho bé ăn.”
Thời gian chồng bị bệnh
này, theo lời Ruth, công việc quá nhiều, đến nỗi giấc ngủ chỉ là niềm mơ ước.
Sau khi được ăn trễ vào buổi tối, Marty đọc cho vợ viết lại bài vở năm chót từ
ghi chép nhờ các bạn lấy cho ở lớp. Khoảng 2 giờ sáng, Ruth bắt đầu cầm tới
sách học, sửa soạn cho bài vở của mình hôm sau.
Những cố gắng phi thường
này đã được đền bù, Marty khỏi bệnh, vẫn tốt nghiệp cùng khóa, không bị trễ, và
kiếm được việc ở New York. Ruth lại bồng con theo chồng, và học năm chót ở
Columbia. Dù đã học hai năm đầu với điểm cao, và chuyển trường có lý do chính
đáng, Ruth không được phép tốt nghiệp ở trường cũ với văn bằng Harvard. Sau đó
bà tốt nghiệp thủ khoa ở Columbia. Sau này, Harvard thay đổi, cho sinh viên
trong hoàn cảnh tương tự như Ruth được tốt nghiệp với văn bằng của Harvard. Dịp
này, Marty viết thư cho khoa trưởng Luật Harvard, kể rằng, anh đã hỏi vợ có muốn
đổi bằng của Columbia lấy bằng của Harvard không, nhưng Ruth chỉ cười. Khi đã nổi
tiếng, Ruth cũng vui vẻ nhận một Tiến Sĩ Danh Dự từ Harvard.
Mặc dù ra trường hàng đầu
từ một đại học danh tiếng, Ruth Ginsburg không thể kiếm được việc làm trong
ngành luật tại New York. Nộp đơn mong được tuyển làm luật sư phụ tá (Supreme
Court clerkship)[1]
cho Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Felix Frankfurter, tuy với giấy giới thiệu rất
tốt, Ruth không hề được gọi phỏng vấn. Người mẹ trẻ đủ thông minh nhận ra ba trở
ngại đầu đời: phụ nữ, làm mẹ, và gốc Do Thái.
Đường tới thành công
Theo lời kể cùa Nina
Totenberg, cuối cùng, giáo sư bảo trợ Gerald Gunther đã kiếm được cho Ruth
Ginsburg chức luật sư phụ tá với Thẩm Phán Edmund Palmieri ở New York, với lời
hứa nếu Ruth không làm được việc, ông sẽ thay thế bằng người khác. Theo Ruth
Ginsburg, đây chỉ là “củ cà rốt.” Còn “cây gậy” là lời đe dọa đi kèm, nếu ông
Toà Palmieri không chịu nhận Ruth, từ nay Giáo sư Gunther sẽ không bao giờ giới
thiệu ai nữa. Kết quả là chức vị phụ tá thường chỉ có nhiệm kỳ là một năm, Ruth
đã được giữ lại tới hai năm, từ 1959 đến 1961.
Chặng kế tiếp, Ruth
Ginsburg được nhận cộng tác với Anders Bruzelius, một học giả chuyên về luật
tranh tụng dân sự Thuỵ Điển (Swedish civil procedure) và cùng với ông này viết
một cuốn sách, qua dự án của trường Luật Columbia về Luật Tố Tụng Quôc Tế. Ruth
phải học tiếng Thuỵ Điển và sang nước này làm việc tại chỗ.
Trở về Mỹ, năm 1963, Ruth
Ginsburg kiếm được chỗ dậy tại Rutgers Law School. Do kinh nghiệm quá khứ bị nhận
việc xuống ngạch vì mang bầu, tại đây, cô giáo dậy luật 30 tuổi có lúc đã phải
mượn áo mẹ chồng mặc để che cái bầu mới, đợi sau khi khế ước được tái tục mới
cho lộ dạng. Bé trai ra đời sau chị Jane cả chục năm, trong thời gian này, bố bị
ung thư dịch hoàn, rồi mẹ phải làm việc ở nước ngoài. Đứa con thứ nhì ra đời
như một gói quà bất ngờ, và bác sĩ đã hỏi Ruth: Bà có thể cho biết cha đứa bé
là ai? (Nhà báo Totenberg cho biết, James giống hệt bố Marty). Năm 1969, James
bắt đầu học mẫu giáo, mẹ được thăng chức giáo sư chính thức tại Rudgers.
Từ đại học Rutgers, Ruth
Ginsburg bắt đầu cuộc hành trình vận động bình đẳng nam nữ, bằng cách tình nguyện
làm việc với A.C.L.U (Liên Đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ – American Civil Liberties
Union), và đồng sáng lập Dự Án Nữ Quyền (Woman’s Rights Project).
David nữ đấu Goliath nam
Trong một xã hội còn nặng
đầu óc kỳ thị nam nữ, một người nữ nhỏ bé đơn độc như Ruth Ginsburg, làm thế
nào để thắng đối phương là cả một tập thể nam giới khổng lồ? Nhất là trên lãnh
vực pháp luật, nơi tất cả các cứ điểm quan trọng đều nằm trong tay nam giới.
Văn kiện quan trọng nhất trong lãnh vực pháp luật là Hiến Pháp. Nhưng Hiến Pháp
chỉ là một mớ chữ nghĩa câm nín, nhiều chỗ quá vắn tắt, khó hiểu hoặc lỗi thời.
Hiến Pháp áp dụng thế nào, là do giải thích của Tối Cao Pháp Viện. Cho đến thập
niên 80 của thế kỷ 20, tất cả thành viên TCPV đều là nam giới, những người hầu
hết thuộc giới thượng lưu. Thành phần chọn lọc này trưởng thành trong môi trường
phụ nữ là người phục vụ. Từ người mẹ chiều con vì tình thương, vợ theo chồng vì
bổn phận, và đầy tớ phục vụ chủ vì đồng lương. Đối với những ông lớn đẻ bọc điều
này, họ không cảm thấy phụ nữ có nhu cầu bình đẳng. Khác biệt giữa vai trò nam
nữ được coi như sự phân công tự nhiên do Thượng Đế an bài.
Đó là thực tế, còn trên
lý thuyết, giáo sư sử học Harvard, Jill Lepore, viết trên tuần báo New Yorker,
thì theo lập luận của các bậc khai quốc–như Thomas Jefferson–phụ nữ bị loại khỏi
các vấn đề quốc sự từ đầu, chính là để bảo vệ họ, “for their own protection.” Để
tránh thương tổn về đạo lý và các vấn đề mơ hồ khác, không nên để họ pha trộn với
các phần tử tạp nhạp trong những cuộc tụ họp của đàn ông. Dù Tu Chính Hiến Pháp
14 đã được phê chuẩn từ năm 1868, vào năm 1873, qua vụ kiện Myra Bradwell
chống tiểu bang Illinois–do đã từ chối bà hành nghề luật–một Thẩm Phán
Tòa Tối Cao đã giải thích rằng, “Sự rụt rè và mảnh mai tự nhiên của nữ giới
chính là bằng chứng làm cho giới tính này bất khả với nhiều nghề nghiệp thuộc về
cuộc sống dân sự.” (The natural and proper timidity and delicacy which belongs
to the femal sex evidently unfits it for many of the occupations of civil
life). Bà Ginsburg ví chuyện này như cái cũi bị nịnh hỡm là tượng thờ
(a cage pretending to be a pedestal).
Hiến Pháp Mỹ nguyên thủy
không hề nói tới bình đẳng nam nữ, bình đẳng hôn nhân hay giới tính. Mãi đến năm
1868, Tu Chính Án 14 mới có thêm một câu cuối điều 1: “No state may deny any
person, under its government, equal protection of the law” (Không tiểu bang nào
có thể phủ nhận bất cứ ai, dưới chính quyền mình, được luật pháp bảo vệ bình
đẳng). Mấy chữ chót (do người viết tô đậm) quan trọng này, được gọi là
“Equal Protection Clause.” Trong đó, cũng không có chữ nào nói rõ bình đẳng nam
nữ. Khoản này, do ra đời sau Nội chiến Nam Bắc, nhiều người, tiêu biểu là Thẩm
Phán Tối Cao liên bang Hugo Black, đã nghĩ rằng chỉ áp dụng cho bình đẳng chủng
tộc. Phải đợi một trăm năm nữa, mới tới phiên Ruth tranh đấu để áp dụng cho
bình đẳng nam nữ.
Một thế hệ sau Thế Chiến
II, thế giới bùng lên cơn sốt vỡ da của giới trẻ vào năm 1968. Ở Mỹ, một phần
do ảnh hưởng từ chiến tranh Việt Nam, ở Âu Châu, chẳng dính gì tới cuộc chiến
này, cũng làm cho người hùng Charles de Gaulle phải từ chức tổng thống Pháp vào
năm 1969, sau những cuộc xuống đường liên tiếp của sinh viên và công nhân vào
năm 1968. Nhu cầu bình đẳng chủng tộc và bình đẳng giới tính cũng dâng lên, nhờ
làn sóng phản kháng này.
Trước trào lưu mới, năm
1971, Tổng Thống Nixon, một người không hề quan tâm tới nữ quyền, nếu không muốn
nói là nặng đầu óc kỳ thị nữ giới, nhưng với ý định kiếm phiếu trong kỳ tái cử
năm 1972, đã nghĩ đến chuyện đề cử một phụ nữ vào TCPV. Nhưng khi biết được ý định
này, Chủ Tịch TCPV Warren Burger đã đe dọa, nếu Nixon đề cử một phụ nữ, ông sẽ
từ chức. Khi Hugo Black quyết định về hưu vào tháng 9, 1971, sau 34 năm phục vụ,
Nixon đã đề cử người thay thế thuộc phái nam: Lewis Powell, ông được chuẩn thuận
ngày 7 tháng 12, 1971, và bắt đầu nhậm chức từ 7 tháng Giêng, 1972.
Trong khi ấy, Ruth
Ginsburg bắt đầu cuộc vận động bình đẳng nam nữ, qua hợp tác với ACLU. Ngày 22
tháng 11, 1971, trong khi cuộc điều trần về việc chuẩn thuận Lewis Powell còn
đang diễn ra tại Thượng Viên, Ruth Ginsburg đã đạt được kết quả chấn động qua vụ
kiện lịch sử, Reed v. Reed. Vụ này đã giúp Ruth Bader Ginsburg nổi tiếng,
qua luận trạng (brief) đầu tiên trước Tối Cao Pháp Viện.
Vụ án xét xử cuộc tranh tụng
giữa một cặp vợ chồng đã ly thân, chồng Cecil Reed và vợ Sally Reed. Cả hai
cùng nộp đơn tại Toà Án Di Sản Quận Ada (Probate Court of Ada County), thuộc tiểu
bang Idaho, đòi quyền được quản trị tài sản (ước tính vào khoảng 1000 đô la) của
con nuôi, Richard Reed 19 tuổi, khi còn nhỏ ở với mẹ, đến tuổi thiếu niên ở với
bố, đã đã tự tử bằng súng của bố, không để lại di chúc. Toà Di Sản căn cứ vào
luật Idaho, liệt kệ 11 hạng người được quyền quản trị tài sản người quá cố không
để lại di chúc. Ưu tiên 1 là vợ hay chồng còn sống. Ưu tiên 2 là con cái. Ưu
tiên 3 là cha hay mẹ. “Cha hay mẹ,” nghĩa là cha mẹ có quyền ngang nhau. Nhưng
luật còn quy định: “nam giới phải được hơn nữ giới” (“males must be preferred
to females”) trong việc chọn người quản trị di sản. Do đấy, toà đã cho Cecil
Reed được quyền này.
Sau nhiều lần xử và kháng
án, từ Toà Tối Cao Tiểu Bang, cuối cùng, lên tới Tối Cao Pháp Viện Liên Bang. Tại
đây, Ruth Bader Ginsburg và các cộng sự từ Liên Đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ (ACLU), đã
lập luận rằng, Equal Protection Clause bảo vệ quyền lợi của “mọi người,”
nghĩa là không phân biệt nam nữ. Luật Idaho quy định “phái nam phải được hơn
phái nữ,” rõ ràng đã vi phạm Tu chính 14. Tối Cao Pháp Viện chấp nhận quan điểm
này, ra phán quyết lần đầu tiên qua vụ Reed v. Reed, rằng Equal
Protection Clause của Tu Chính Hiến Pháp 14 cấm không được phân biệt đối xử dựa
trên phái tính. Đây là sự kiện lịch sử làm thay đổi hẳn phạm vi áp dụng Tu
Chính 14. Từ chỗ chỉ bảo vệ quyền bình đẳng dựa trên chủng tộc, từ đây, bao gồm
cả bình đẳng giới tính. Chính Chủ Tịch Burger đã dựa trên quan điểm trong luận
trạng của Ruth Ginsburg, khi viết phán quyết chính của TCPV, đại diện cho toàn
thể các thẩm phán khác. Theo Jill Lepore, vài năm sau, đối diện với Ruth Bader
Ginsburg trong một vụ kiện khác, Chủ Tịch Burger đã bối rối, không biết phải
xưng hô thế nào cho đúng: “Bà Bader, hay Bà Ginsburg?”
Từ năm 1972, không riêng
Idaho, các nơi khác đều đã phải sửa lại tất cả luật lệ hiển nhiên không phù hợp
với Tu Chính 14.
Vụ kế tiếp mang tên Charles
Moritz chống sở thuế (Charles Moritz v. Commissioner of IRS), diễn
ra vào năm 1972. Moritz xin được trừ thuế về khoản chi phí dành cho việc săn
sóc mẹ già 89 tuổi. IRS không chịu, vì theo luật, chỉ có phụ nữ, đàn ông goá vợ
hay đã ly dị, mới được hưởng khoản khấu trừ này. Vì Moritz còn độc thân, không
đủ điều kiện.
Đầu đuôi câu truyện khá
dài dòng để trình bầy đầy đủ trong khuôn khổ một bài báo. Vụ này, cả hai vợ chồng
Ginsburg cãi chung ở toà dưới, chồng phụ trách phần thuế vụ, vợ tranh cãi về
quyền bình đẳng theo hiến pháp. Có thể tóm tắt là, bà Ginsburg đã dựa vào Equal
Protection Clause đề biện luận rằng, luật thuế đã vi phạm Hiến Pháp khi trọng nữ
khinh nam. Bà không tranh đấu cho quyền lợi phụ nữ đưa đến thiệt hại cho phái
nam. Ngược lại, bà dựa vào Equal Protection Clause, để đòi cho phái nam được
bình đẳng quyền lợi với phái nữ. Bà đã thắng kiện, kết quả vụ án trở thành tiền
lệ, áp dụng Tu Chính 14 HP trong việc bảo vệ bình đẳng quyền lợi cho cả hai giới
nam và nữ. Nhờ vụ này, hàng trăm luật lệ thuế vụ đã phải sửa đổi để khỏi vi hiến.
Từ gần nửa thế kỷ nay, biết bao người được hưởng lợi mà không biết đến công lao
của Ginsburg.
Vụ án ưng ý nhất
Trên đây mới chỉ là vài
thắng lợi bước đầu. Tuy vậy cũng đã giúp Ruth Ginsburg nổi tiếng đủ để trở
thành nữ giáo sư chính thức đầu tiên tại trường Luật Columbia. Theo mô tả trong
cuốn sách nổi tiếng về cuộc đời của bà: Notorious R.B.G.: The Life and Times
of Ruth Bader Ginsburg, của Irin Carmon và Shana Knizhnik, xuất
bản năm 2015, và do vai chính trong vụ kiện là Stephen Wiesenfeld, kể lại trên
New York Post sau khi bà qua đời, vụ kiện bà ưng ý nhất là vụ bắt đầu từ năm
1972 ở New Jersey, đến năm 1975 kết thúc với thắng lớn ở TCPV.
Bà ưng ý nhất vụ này, vì
nó diễn ra từ đầu đến cuối hoàn toàn phù hợp với kế hoạch và tính toán của bà.
Nói cho dễ hiểu, đây là chiêu “gậy ông đập lưng ông.” Dùng quyền lợi của phái
nam, để thuyết phục phái nam chấp nhận bình đẳng nam nữ. Trong vụ này, không phải
thân chủ đi kiếm luật sư. Ngược lại, luật sư đi tìm thân chủ.
Tại New Jersey, tháng 12
năm 1972, Stephen Wiesenfeld viết cho một tờ báo địa phương, kể lể hoàn cảnh éo
le của mình: Nửa năm trước, Paula, vợ anh, qua đời khi sinh con. Mẹ chết, con sống.
Paula từng là cô giáo, mỗi kỳ lương đều đóng góp đầy đủ vào quỹ An Sinh Xã Hội,
như mọi người đi làm, không phân biệt nam nữ. Lâm cảnh gà trống nuôi con,
Stephen nạp đơn, xin hưởng khoản lợi tức An Sinh Xã Hội (Social Security
benefit) của vợ, lúc ấy là 206 đô la mỗi tháng (tương đương 1000 đô la bây giờ),
để có thể ở nhà nuôi bé Jason. Yêu cầu của Stephen bị bác, vì theo luật An Sinh
Xã Hội thời ấy, chỉ có vợ goá được hưởng phần lợi tức của chồng. Goá vợ không
được lãnh phần của vợ.
Đọc được thư ngỏ này trên
báo, RBG như trúng mối, liên lạc ngay với Stephen. Tháng Hai 1973, bà thay mặt
Stephen nộp đơn kiện tại toà liên bang ở Trenton, New Jersey, với dự tính, dù
bên nào thua, cũng sẽ kháng cáo lên Toà Tối Cao tiểu bang, và cuối cùng, lên
TCPV liên bang. Nếu thắng ở đấy, sẽ trở thành vụ án lịch sử, có ảnh hưởng đến mọi
người.
Đúng như tiên liệu, ba thẩm
phán Toà Tối Cao New Jersey đã xử cho Stephen thắng, và chính quyền liên bang
kháng án lên TCPV.
Phiên xử của TCPV vào
tháng Giêng 1975, chỉ có 8 Thẩm Phán Tối Cao hiện diện, William O. Douglas vắng
mặt vì ốm. Dù không bắt buộc sự có mặt của nguyên đơn, lần duy nhất trong các vụ
kiện tham dự tại TCPV, bà Ginsburg đã xếp đặt để Stephen ngồi trước mặt 8 thẩm
phán nam giới, để các vị này tự mình thấy rằng, bất bình đẳng nam nữ gây thiệt
hại cho cả phái nam là chuyện thật trước mắt, không phải chỉ trên lý thuyết.
Qua luận trạng (brief),
RBG nhấn mạnh, đại ý: Nội dung vụ kiện chứng tỏ luật lệ trong nước từ trước tới
nay phản ảnh quan niệm người phụ nữ phụ thuộc vào chồng, nên khi chồng chết, được
hưởng quyền lợi từ chồng. Chồng không phụ thuộc vợ, nên khi goá vợ, không được
hưởng quyền lợi từ vợ. Rồi từ đây, RBG lý luận rằng, sự bất bình đẳng nam nữ
trong luật, chẳng những riêng người chồng bị thiệt, cả đứa con cũng bị đối xử bất
công. Nếu bố chết, được hưởng quyền lợi từ bố qua mẹ. Nếu mẹ chết, không được bố
săn sóc nhờ quyền lợi từ mẹ. Cãi xong, về nhà đợi kết quả. TCPV không có lệ ra
phán quyết ngay.
https://damau.org/wp-content/uploads/2020/10/clip_image008_thumb.jpg
Stephen và Jason
năm 1975 (Hình của Stephen Wiesenfeld)
Ngày 19 tháng Ba, 1975, bốn
ngày sau sinh nhật thứ 43, trên xa lộ New Jersey tới Columbia, RBG sửng sốt qua
tin radio trên xe. Bà vội táp vào bên đường, tìm điện thoại công cộng, thời ấy
chưa có cell phone, gọi báo cho Stephen biết kết quả vụ kiện, thắng lớn không
ngờ, 8-0. Thời Warren Burger là Chủ Tịch, TCPV còn rất bảo thủ. Ngay cả Thẩm
Phán Rehnquist, người vẫn còn dè dặt với nữ quyền, đã cho biết ông bỏ phiếu đồng
thuận với đa số, để bãi bỏ luật làm thiệt hại tới trẻ em. Quá xúc động, trên đường
tiếp tục tới trường, RBG đã phải cố bình tĩnh, để tránh gây tai nạn. Khi tới
Columbia, Ruth chạy trên hành lang nhà trường, tìm ôm hôn báo tin mừng cho các
sinh viên đã cộng tác với mình.
Vụ kiện này, mang tên Weinberger v. Wiesenfeld, đã trở thành sự
kiện lịch sử. RBG nổi tiếng khắp nước, được nhiều người coi bà như tiêu biểu
trong lãnh vực giải phóng phụ nữ. Ruth Bader Ginsburg không chịu, nói rằng,
“Không phải là giải phóng phụ nữ, mà giải phóng cả nam và nữ.” (It is not
women’s liberation; it is women’s and men’s liberation).
(Xin xem tiếp phần
2)
[1] TS: Judicial law clerk (assistant
de justice), là chức vị của một luật sư đã tối nghiệp trường luật
và, trong đa số trường hợp, cũng đã đậu bằng hành nghề luật sư, được chọn làm
phụ tá cho một thẩm phán tòa án liên bang hoặc tiểu bang, giữ việc tra cứu luật
pháp, phác thảo hoặc biên tập các tài liệu liên hệ đến những phán quyết của vị
thẩm phán đã chọn họ. Đây là một chức vị chọn lọc vì người được nhận làm phụ tá
thẩm phán phải có kiến thức sâu rộng về luật pháp và khả năng lý luận sắc bén.
Nên tránh lầm lẫn law clerk với legal clerk. Legal
clerk là thư ký tòa án giữ công việc sắp xếp hồ sơ, thi hành các thủ tục giấy tờ,
làm việc đóng dấu, niêm yết v.v., nhưng không có kiến thức hoặc kinh nghiệm huấn
luyện của một luật sư.
***
RBG, người nhỏ bé vĩ đại (phần 2)
5.10.2020
https://damau.org/65870/rbg-nguoi-nho-b-vi-dai-phan-2
https://damau.org/wp-content/uploads/2020/10/clip_image002_thumb-2.jpg
Chủ Tịch TCPV
William Rehnquist, tay mặt, chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức của RBG, ngày 10-8,
1993 (Hình Kort Duce/AFP/Getty Images)
Từ luật sư thành thẩm phán
Trước tin RBG qua đời, cựu
Tổng Thống Jimmy Carter đã mô tả bà là “ánh sáng dẫn đường của công lý” (a
beacon of justice) và thực sự là một phụ nữ vĩ đại (a truly great woman). Chính
ông là người đã đưa cuộc đời bà tới khúc quanh quan trọng. Những thành công của
bà trong thập niên 70, thắng 5 trong 6 vụ cãi trước TCPV với danh tiếng lẫy lừng,
khiến ông đề cử bà vào chức thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang (US Court of
Appeals for the District of Columbia Circuit) vào năm 1980. Từ địa vị đứng
tranh cãi trước toà, bà đã trở thành người ngồi xử án.
Trong gần 13 năm tại toà
phúc thẩm Washington DC, với môi trường hoạt động trái ngược hẳn với thời gian
hai thập niên khởi nghiệp luật sư, bà không tranh đấu qua những vụ án điển hình
như trước. Bà đã dùng thời gian để học hỏi, thu góp kinh nghiệm, hơn là tạo tiếng
vang qua các vụ án tiêu biểu. Thời gian này, khuynh hướng quyết định của bà qua
các phán quyết phúc thẩm gần với bảo thủ hơn cấp tiến.
Suốt 26 năm, kể từ 1967,
khi Tổng Thống Johnson đề cử Thurgood Marshall, một luật sư nổi tiếng trước khi
làm thẩm phán toà phúc thẩm liên bang, phía Dân Chủ không có cơ hội cử người
nào vào TCPV. Thurgood
Marshall là thẩm phán Tối Cao da đen đầu tiên, cũng là một nhà vô địch nhân quyền
lọt được vào toà án cao nhất này. Sau hơn hai tháng tìm người, ngày 15
tháng 6, 1993, tân Tổng Thống Bill Clinton loan báo quyết định chọn Thẩm Phán
Ruth Ginsburg. Bà được Thượng Viện chuẩn thuận ngày 3 tháng 8.
RBG không ở đầu danh
sách, mà là lựa chọn cuối của Clinton. Sau vài lần thất bại trong việc chọn người
vào tân chính phủ, Clinton đã rất đắn đo trong việc đề cử người vào TCPV. Sau
cùng, nhờ hậu thuẫn của hai nghị sĩ, một Dân Chủ, một Cộng Hoà, ông đã quyết định
đề cử RBG. Đó là Nghị Sĩ Daniel Patrick Moynihan (Dân Chủ, New York), do công vận
động của Marty Ginsburg, chồng bà, và Nghị Sĩ Orrin Hatch (Cộng Hoà, Utah); một
nghị sĩ cực hữu đã giúp đưa Thẩm Phán Clarence Thomas vào TCPV hai năm trước,
thế chỗ Thurgood Marshall. Bà Ginsburg đã được chấp thuận với tỉ lệ 96-3, gần
tuyệt đối, vì được sự ủng hộ của cả hai đảng.
Được ủng hộ từ cả hai đảng,
vì lập trường của bà trung dung. Ví dụ tiêu biểu là vấn đề phá thai, bà cho rằng
quyền định đoạt về cơ thể của mình là một quyền của phụ nữ, thuộc phạm vi quyền
bình đẳng (equal protection), nhưng TCPV, qua phán quyết 1973 (Roe v. Wade),
cho phá thai dựa vào lý do quyền riêng tư (matter of privacy) của mỗi người, là
không đúng, khiến các tiểu bang bảo thủ cực lực chống lại, gây tình trạng chia
rẽ. Bà đã từ chối yêu cầu của ACLU cãi trong vụ án liên hệ tới bênh vực Roe
v. Wade. Thái độ không tích cực ủng hộ phá thai này khiến giới tranh đấu nữ
quyền lo ngại, không hiểu Ruth Ginsburg coi quyền lựa chọn (right to choose) là
một quyền căn bản, hay một quyền ít quan trọng hơn (a fundamental right or a
lesser right). Vì thế, theo Jill Lepore, khi được đề nghị chọn Ruth Ginsburg,
Clinton đã lo ngại: “Phụ nữ chống lại bà” (The women are against her). Nhưng
sau khi gặp và nói chuyện với bà một tiếng rưỡi tại Bạch Ốc ngày 13 tháng 6,
Clinton đã chính thức loan báo quyết định chọn bà ngày 15 tháng 6. Bill Clinton
nói: “Không thể gọi Ruth Bader Ginburg là cấp tiến hay bảo thủ; bà đã tự chứng
tỏ là người quá sâu sắc cho các nhãn hiệu đó.” (“Ruth Bader Ginsburg cannot be
called a liberal or a conservative; she had proved herself too thoughtful for
such labels.”)
Trong cuộc điều trần để
được chuẩn thuận, đáp câu hỏi của Nghị Sĩ Joe Biden, bây giờ là ứng cử viên tổng
thống, lúc ấy là Chủ Tịch Uỷ Ban Tư Pháp Thượng Viện, về lập trường của bà,
Ruth Ginsburg trả lời: “Cách tiếp cận của tôi, tôi tin là, không cấp tiến cũng
chẳng bảo thủ.” (“My approach, I believe, is neither liberal nor
conservative.”)
Cũng trong cuộc điều trần
này, khi được hỏi về vấn đề phá thai, bà trả lời: “Đây là trọng tâm về cuộc đời
của một phụ nữ, về nhân phẩm của nàng. Đó là quyết định nàng phải tự mình định
đoạt. Và khi chính quyền kiểm soát quyết định đó cho nàng, nàng bị đối xử dưới
mức một người trưởng thành có trách nhiệm về lựa chọn của chính mình.” (“This
is something central to a woman’s life, to her dignity. It’s a decision that
she must make for herself. And when Government controls that decision for her,
she’s being treated as less than a fully adult human responsible for her own
choices.”)
Nhưng về sau này, RBG đã
dần trở thành ngôi sao của phía cấp tiến, qua những ý kiến sắc bén, đi trước thời
đại, kể cả khi ở bên đa số, và nhiều hơn, trong các phản biện khi ở bên thiểu số.
Có thể nói, nếu Thurgood Marshall là nhà vô địch nhân quyền về phía sắc tộc,
Ruth Ginsburg là nhà vô địch nhân quyền về bình đẳng giới tính.
27 năm sau, trước tin RBG
từ trần, cựu Tổng Thống Clinton tuyên bố, bà đã “vượt quá những kỳ vọng cao nhất
của tôi khi chọn bà.” (exceeded even my highest expectations when I appointed
her.)
Những thành tích cụ thể
Vẫn trong tuyên bố trên,
Clinton đã kể ra một số thành tích của Ginsburg: “Những quan điểm nổi bật của bà đã thăng tiến bình
đẳng phái tính, bình đẳng hôn nhân, quyền cho người khuyết tật, quyền cho người
nhập cư, và rất nhiều thứ khác đã đưa chúng ta tới gần một cộng đồng hoàn hảo
hơn”
Trong phần mở đầu một bài
trên New Yorker vào 18 tháng 9, ngày RBG từ trần, giáo sư sử học Jill Lepore viết,
“Ginsburg đã là nhân chứng, biện luận cho, và giúp cho cuộc cách mạng hiến-pháp-hoá
cái quyền khó tranh đấu nhất và ít được biết đến nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ:
là quyền giải phóng phụ nữ”.
Đúng vậy, thành tích
trong di sản của Ginsburg khá nhiều, nó bàng bạc trong nhiều lãnh vực, nhiều
người được hưởng hàng ngày, mà cứ coi như chuyện tự nhiên, không cần biết nó đến
từ đâu, và từ bao giờ.
Sara M. Moniuszko, Maria Puente, và Veronica Bravo,
đã liệt kê trên USA TODAY, 8 thành tích cụ thể của RBG:
1– Trước Ginsburg, trường nhận trợ cấp từ công quỹ tiểu bang không bắt
buộc nhận phái nữ.
Qua phán quyết đại diện
đa số (7-1) trong vụ án nổi tiếng chống Quân Sự Học Viện Virginia (Virginia
Military Institute – VMI) năm 1996, Ginsburg viết: “Không có lý do để tin rằng
việc nhận những phụ nữ đủ khả năng về mọi điều kiện cho khoá sinh của VMI lại
phá hoại học viện này thay vì tăng cường khả năng phục vụ của học viện cho một
quốc gia hoàn hảo hơn.” (“There is no reason to believe that the admission of
women capable of all the activities required of [Virginia Military Institute]
cadets would destroy the institute rather than enhance its capacity to serve
the ‘more perfect union.’”)
2– Trước Ginsburg, phụ nữ không thể ký giấy vay tiền hay mở tài khoản
tại ngân hàng, nếu không có phái nam cùng ký.
Ginsburg đã mở đường cho
việc thông qua luật Equal Credit Opportunity Act năm 1974, cho phép phụ
nữ xin thẻ tín dụng (credit cards) và vay tiền không cần phái nam cùng ký tên.
Phụ nữ Việt sang Mỹ sau 1975, có thể tưởng tượng, nếu chỉ ở Mỹ trước đó vài
năm, họ đã không thể tự mình ký giấy mượn tiền mua xe, mua nhà, hay xin credit
card để đi shopping, cuộc đời dễ chán ra sao.
3– Ginsburg giúp phái nữ được bình đẳng với phái
nam về lương bổng.
Qua phản biện nổi tiếng
trong vụ kiện năm 2007, Ledbetter v. Goodyear Tire & Rubber Co. Vụ
này, với tỉ lệ 5 trên 4, TCPV đã giữ nguyên bản án phúc thẩm của tòa dưới, với
nội dung lật ngược phán quyết của tòa sơ thẩm đã cho nguyên đơn thắng trong vụ
kiện chủ nhân kỳ thị giới tính đối với nhân viên, khi một quản lý (manager)
phái nữ của hãng chế tạo vỏ xe Goodyear bị trả lương thấp hơn so với phái nam
tương đương nhiệm vụ. Lý do tòa phúc thẩm lật ngược bản án sơ thẩm, và được
TCPV giữ nguyên, là nguyên đơn đã để mất thời hiệu, nộp đơn kiện quá lâu sau
khi xảy ra sự việc.
Tuy ở phía thiểu số,
Ginsburg đã phản biện rất mạnh rằng, việc trả lương không bằng nhau giữa nam nữ,
thường trong vòng kín đáo, người bị thiệt không thể biết ngay mình bị thiệt để
khiếu nại. Do đấy, bà kêu gọi công luận và Quốc Hội cần có hành động để tăng
thêm bảo vệ cho quân bình lương bổng. Chỉ hai năm sau, Quốc Hội đã thông qua đạo
luật Lilly Ledbetter Fair Pay Act, được Tổng Thống Obama ký ban hành năm
2009.
4– Ginsburg giúp duy trì quyền chọn lựa của phụ nữ.
Mặc dù hoài nghi về quyết
định của TCPV khi cho phép phá thai qua vụ Roe v. Wade, Ginsburg tin rằng
đây là một quyền lựa chọn của phụ nữ, và vẫn cố duy trì nó. Nếu không, nó đã bị
phủ nhận.
5– Ginsburg đẩy mạnh việc bảo vệ phụ nữ mang thai.
Nửa thế kỷ trước, phụ nữ
thường bị mất việc nếu mang thai. Chính Ginsburg từng là nạn nhân. Vào năm
1972, Ginsburg đã tranh cãi việc sa thải một phụ nữ mang thai ra khỏi Không
Quân–như trong vụ án Struck v. Secretary of Defense mà Đại Uý y tá Không
Quân Susan Struck kiện Bộ Trưởng Quốc Phòng–là kỳ thị phái tính (sex
discrimination). Không Quân đã bỏ chính sách này năm 1972, và vụ kiện chấm dứt
trước khi xử.
6– Phụ nữ không nên bị loại khỏi vai trò phụ thẩm.
Cho đến năm 1979, nhiệm vụ
bồi thẩm (jury duty) vẫn được coi là một quyền tùy nghi lựa chọn của phụ nữ tại
Mỹ. Nhiều tiểu bang cho rằng, trọng tâm công việc của phụ nữ là trong phạm vi
gia đình, nên có thể miễn trừ nhiệm vụ bồi thẩm. Ginsburg đòi cho phụ nữ quyền
làm bồi thẩm giống như nam giới. Theo bà, “Phụ nữ thuộc về bất cứ nơi nào xảy
ra những quyết định quan trọng. Họ không phải là phần tử ngoại lệ.”
7– Ginsburg là lá phiếu quan trọng cho phép hôn
nhân đồng tính.
Năm 2015, qua vụ án Obergefell
v. Hodges, TCPV, với đa số 5-4, đã cho cộng đồng LGBTQ trên khắp 50 tiểu
bang, được kết hôn giữa những người đồng tính. Một trong 5 phiếu đa số này là của
Ginsburg. Không có phiếu của bà, kết quả có thể đã khác.
8- Ginsburg đem lại tin tưởng cho phái nữ.
Một phụ nữ tiên phong
trong lãnh vực dùng môi trường luật pháp để vận động bình đẳng nam nữ, với những
thành tựu to lớn trong nửa thế kỷ, đã đem lại phấn khởi và tự tin cho nữ giới,
nhất là những nhà lãnh đạo phái nữ muốn đi theo con đường của bà. Sự phấn khởi
cụ thể không chỉ xuất hiện khi bà qua đời, mà có thể nhận thấy, ngay từ khi bà
còn sống, trong các lãnh vực từ sách báo, phim ảnh, trang phục, bà đã trở thành
một thần tượng văn hóa (pop culture icon), với hình ảnh và tên bà trên các sản
phẩm trang sức của phụ nữ, hay y phục Halloween …
Nhà phản biện vĩ đại
https://damau.org/wp-content/uploads/2020/10/clip_image004_thumb-2.jpg
Hoa tưởng niệm Ruth
Ginsburg bên ngoài TCPV, Thứ Bảy 19-9, 2020
(Hình Samuel Corum/Getty Images)
Ruth Ginsburg được gọi là
“nhà phản biện vĩ đại,”The great dissenter, vì không những bà nổi tiếng
qua các phán quyết khi ở phía đa số, mà nổi tiếng nhiều hơn qua các phản biện ở
phía thiểu số. Vẫn trong tuyên bố sau khi bà từ trần, Bill Clinton nói rằng:
“Những phản biện mạnh mẽ của bà, nhất là tiếng nói bảo vệ quyền bầu cử và những
bảo đảm khác về bình đẳng, đã nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta đã rời khỏi hứa
hẹn trong Hiến Pháp với thiệt hại cho chúng ta. Bà đã làm tất cả các việc đó với
sự tử tế, khả ái, và bình tĩnh, cư xử với những đối thủ mạnh mẽ nhất của bà với
sự trân trọng.”
Tiêu biểu nhất cho phản
biện đem lại kết quả tốt, là vụ Ledbetter v. Goodyear Tire & Rubber Co. đã
nói trên. Vai chính trong vụ này, bà Ledbetter, đã bị hãng Goodyear trả lương
thấp hơn các đồng sự phái nam. Bà đi kiện từ năm 1998, được toà dưới xử thắng,
cho bà được bồi thường 3.3 triệu đô la. Toà phúc thẩm bác, với lý do nguyên đơn
không nạp đơn kiện trong vòng 180 ngày, kể từ khi biết được mình bị chủ đối xử
bất công. Nghĩa là từ khi nhận được pay check bất bình đẳng đầu tiên. Vụ kiện
lên TCPV, được xử vào năm 2007, với tỉ lệ 5-4, Toà Tối Cao chấp nhận phán quyết
của tòa phúc thẩm, hậu quả là bà Ledbetter không được nhận số tiền 3.3 triệu.
Qua phản biện đại diện 4 người thuộc phía thiểu số, bà Ginsburg lập luận rằng,
việc chủ trả lương sai biệt giữa người này với người khác không phải là chuyện
dễ biết. Hơn nữa, chuyện này có thể diễn ra trong một thời gian lâu, qua những
lần tăng lương. Trong bài phản biện công phu với đầy đủ tài liệu dẫn chứng, bà
Ginsburg còn nêu ra mấy vụ sai lầm tương tự trong quá khứ, đưa đến chỗ Quốc Hội
đã phải sửa luật. Cuối cùng, bà kết luận: “Một lần nữa, trái banh đang trong
sân Quốc Hội. Cơ quan Lập Pháp có thể hành động để sửa lại” (“Once again, the
ball is in Congress’s court. Legislative may act to correct it.”)
Hai năm sau, 2009, Quốc Hội
đã đáp ứng, bằng cách thông qua đạo luật Lilly Ledbetter Fair Pay Act, mang
tên người bị kỳ thị, từng thắng kiện ở bước đầu, nhưng thua ở hai cấp cao hơn.
Đạo luật này bảo đảm quyền bình đẳng về lương bổng với mọi công nhân, chống lại
mọi thứ kỳ thị dựa trên chủng tộc, tôn giáo, tuổi tác, phái tính, khuynh hướng
chính trị… Và người bị kỳ thị có thể nộp đơn kiện bất cứ lúc nào, trong vòng
180 ngày, kể từ khi biết được mình bị thiệt. Nghĩa là, không phải căn cứ vào
pay check đầu tiên, mà có thể là bất cứ pay check nào, từ đầu đến cái cuối
cùng.
RBG nổi tiếng về phản biện,
không do phản đối ồn ào lấy lệ, hay giận dữ khi quan điểm của mình không được
nhiều người đồng ý. Mặc dù biết dư luận thường chú ý tới quan điểm của bên đa số,
hơn bên thiểu số, bà vẫn làm công việc của mình một cách cẩn trọng, với hy vọng
quan điểm của mình sẽ có ngày được nhiều người chấp thuận. Theo hai tác giả
Irin Carmon và Shana Knizhnik mô tả trong tác phẩm Notorious RBG: The Life
and Times of Ruth Bader Ginsburg, trong cách xử thế, RBG nói rằng, “Giận dữ,
phẫn nộ, ghen tị. Những tình cảm này chỉ làm tiêu hao năng lực.” (“Anger,
resentment, envy. These are emotions that just sap your energy.”) Và sở dĩ
thành công trong cuộc vận động thực hiện mục tiêu của mình, thay vì chống đối,
bà đã tìm cách làm người khác theo quan điểm mình. (“in a way that will lead
others to join you.”)
Ví dụ, thành tích ngoạn mục
nhất của RBG, là vụ U.S. v. Virginia về Quân Sự Học Viện Virginia đã nói
trên, với tỉ lệ 7-1, diễn ra năm 1996, ba năm sau khi bà được nhận vào TCPV. Lần
này, bà viết phán quyết đại diện đa số. Trong số 6 người đồng ý với bà, có cả
Chủ Tịch TCPV William Rehnquist; người vốn không ưa phái nữ. Đường lối phản biện
hữu hiệu nhất, theo Ginsburg, là: “nêu ra những khác biệt không làm nguy hại
tinh thần tương giao hay sự kính trọng của công chúng và sự tín nhiệm dành cho
bộ tư pháp.” (The most effective dissent, spells out differences without
jeopardizing collegiality or public respect for and confidence in the
judiciary).
Hòa trong dị biệt
Quý vị đồng ý với chúng
tôi, hay quý vị chống lại chúng tôi; bạn theo tôi, hay bạn là kẻ thù của tôi,
đó là cách xử thế từ ngàn xưa, vẫn tồn tại đến nay. Cả các thánh nhân như
Matthew, Luke, trong Tân Ước, đến các nhà độc tài như Lenin, Mussolini, cũng có
thái độ này. Ngay đến Tổng Thống hoa Kỳ, lãnh đạo một nước dân chủ mẫu mực của
thế giới, cũng tuyên bố tương tự: “Tất cả mọi dân tộc, tại mọi vùng, bây giờ phải
có một quyết định. Hoặc quý vị đi với chúng tôi, hay quý vị theo bọn khủng bố.”
(“Every nation, in every region, now have a decision to make. Either you are
with us, or you are with terrorists”), George W. Bush, trong diễn văn ngày 20
tháng 9, 2001, trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ, sau vụ tấn công 11 tháng 9,
2001.
Ruth Bader Ginsburg hoàn
toàn ngược lại. Người bạn thân nhất của bà, từ thời gian cùng là Thẩm Phán tòa
phúc thẩm, đến khi cả hai cùng là Thẩm Phán Tối Cao, từ 1980 đến 2016, là Thẩm
Phán Antonin Scalia. Hai người thuộc hai cực đối nghịch: Ông, Mỹ gốc Ý. Bà, Mỹ
gốc Do Thái. Hai cái gốc này một thời là kẻ thù không đội trời chung. Ông, Công
Giáo, có con là linh mục (Paul Scalia). Bà, Do Thái giáo ngoan đạo, tôn giáo từng
bị coi là phía giết Chúa. Ông, Mỹ gốc Ý đầu tiên vào TCPV. Bà, phụ nữ Do Thái đầu
tiên vào TCPV. Ông, cực hữu, theo phái giải thích hiến pháp dựa trên văn bản
nguyên thủy (originalist và textualist), chấp nhận án tử hình, chống phá thai
và hôn nhân đồng tính. Bà cấp tiến, áp dụng hiến pháp phù hợp với thay đổi của
thời đại, không chấp nhận án tử hình, coi phá thai là một quyền của phụ nữ, chấp
nhận hôn nhân đồng tính. Ông theo Cộng Hòa, được đề cử bởi Tổng Thống Reagan.
Bà theo Dân Chủ, được đề cử bỏi hai Tổng thống Carter và Clinton.
Khác nhau hơn mặt trăng mặt
trời như thế, kể đã quá đủ. Nhưng hai người là bạn rất thân của nhau trong nhiều
thập niên, cả ngoài đời, lẫn trong công việc. Xin nêu vài thí dụ cụ thể chứng tỏ
hai người khác nhau về mọi phương diện, nhưng vẫn thân nhau.
Ông Scalia qua đời ngày
13 tháng 2, 2016, chỉ 4 tuần trước khi đủ 80 tuổi. Bà Ginsburg, hơn ông ba tuổi,
viết, “chúng tôi từng là bạn bè thân thiết.” (“We were best buddies.”)
https://damau.org/wp-content/uploads/2020/10/clip_image006_thumb-3.jpg
Các Thẩm Phán TCPV
Antonin Scalia và Ruth Bader Ginsburg cưỡi voi tại Rajasthan, Ấn Độ, năm
1994. (Hình từ TCPV/AP)
Trên phương diện khác
nhau qua quan điểm về luật pháp, Nina Totenberg của NPR, một bạn thân của
Ginsburg trong nửa thế kỷ, kể: “Họ thích tranh luận với nhau trên tinh thần tốt
– trong tinh thần thẳng thắn – không theo kiểu tranh cãi ngày nay trên TV.”
Ginsburg từng thú nhận,
những quan điểm khác biệt của Scalia đã giúp bà khá hơn. Không phải thú nhận với
bạn bè riêng tư, mà nói cho mọi người biết, vào dịp cả hai cùng có mặt trong một
cuộc phỏng vấn chung. Hôm ấy, Ginsburg kể, bà viết chưa xong một phán quyết đại
diện đa số trong một vụ quan trọng. Scalia cho bà xem trước phản biện của ông ở
phía thiểu số. Thấy lập luận của ông quá dở, bà dùng cả cuối tuần sửa lại luận
cứ của mình. Giúp nó hay hơn nhiều khi chính thức công bố. Nói rồi, cả hai cùng
cười vui vẻ.
Thắng lợi lớn nhất của
Ginsburg tại TCPV, là vụ US v. Virginia đã nói trên. Vụ này, Ginsburg đại
diện đa số viết phán quyết. Phiếu duy nhất phản đối là từ đồng nghiệp thân nhất,
Antonin Scalia. Một người không bỏ phiếu là Clarence Thomas.
Trong cuộc sống đời thường,
hai người còn thân nhau hơn. Cùng với người phối ngẫu, họ gặp nhau ăn nhậu,
nghe nhạc, coi opera, du lịch khắp nơi.
Một hôm, vẫn theo lời
Totenberg, trong cuộc gặp mặt bạn bè, Ginsburg giải thích tại sao báo chí nói
bà có vẻ buồn ngủ, trong khi nghe Tổng Thống Obama đọc diễn văn về tình trạng
liên bang tại lưỡng viện Quốc Hội. Bà kể, “trước khi đi nghe diễn văn, đã tự hứa
không uống rượu, chỉ uống nước trong bữa ăn tối hôm đó. Nhưng cuối cùng, món ăn
ngon quá, cần rượu đi kèm.” Scalia chen vào, “Đó mới chính là lần đầu mà bà biết
hành xử minh mẫn.” (Well that’s the first intelligent thing you’ve done.”)
Họ tranh cãi trong ôn hòa
về sự khác biệt quan điểm, thỉnh thoảng đem nhau ra làm trò cười, rồi vẫn là bạn
thân, mỗi người vẫn giữ vững lập trường của mình cả đời. Tình bạn không phải là
con đường một chiều. Bà Ginsburg tôn trọng ông Scalia, ông này cũng tôn trọng
bà tương tự, tình bạn mới tồn tại lâu dài. Trong lễ tưởng niệm sau khi ông
Scalia qua đời, bà nhắc lại lời ông: “Tôi tấn công tư tưởng. Tôi không tấn công
con người. Vài người rất tốt có vài tư tưởng rất bết.” (I attack ideas. I don’t
attack people. Some very good people have some very bad ideas). Mọi người cười ồ,
giữa khung cảnh lễ tưởng niệm trang nghiêm.
https://damau.org/wp-content/uploads/2020/10/clip_image008_thumb-2.jpg
Các Thẩm phán TCPV
Ginsburg (giữa, cầm quạt) và Scalia (bên trái bà) cùng với các diễn viên trong
vở “Ariadne auf Naxos” sau cuộc trình diễn tại Washington National Opera,
1994. (Hình Stephen R. Brown, AP)
Bên cạnh những khác biệt
mỗi người giữ cho mình cả đời, họ cũng có một điểm chung nổi bật: cả hai cùng
say mê opera. Năm 2013, một người tốt nghiệp trường luật ở Maryland đã đem quan
điểm khác biệt của họ vào âm nhạc. Vào dip Scalia từ trần, Ginsburg kể lại, ở
phần cuối của vở opera hài mang tên Scalia/Ginsburg, Scalia với giọng
tenor và Ginsburg soprano, họ đã song ca “We are different, we are one”
(Chúng ta dị biệt, chúng ta là một). Ginsburg nói: dị biệt trong cách giải
thích văn bản; nhưng là một trong sự tôn trọng dành cho Hiến Pháp và cơ chế
chúng ta phục vụ.
Thật ra, tinh thần của 6
chữ Anh ngữ trên đây, không phải là sáng kiến mới của bà Ginsburg và ông Scalia,
nó là khẩu hiệu đã được khắc trên quốc huy Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ từ ngày lập quốc,
bằng tiếng Latin: “E pluribus unum” (Từ số đông thành một–Out of many,
one). Điều đáng lưu ý là, trong khi hai người bạn gốc di dân, dù ở hai thái cực
đối nghịch về tư tưởng, đã áp dụng nó hoàn hảo, còn những người có đầu óc mong
muốn nước Mỹ vĩ đại lại quên mất điều này.
Một bài học quá rõ ràng
và ngắn gọn, dành cho mọi người. Từ cấp lãnh đạo tới toàn dân. Một bài học sống
còn chỉ gồm 6 chữ trong tiếng Anh, “We are different, we are one,” và 8
chữ dịch sang tiếng Việt. “Chúng ta dị biệt, chúng ta là một.” Chúng ta
dị biệt về nguồn gốc, tôn giáo, dòng dõi, chủng tộc, mầu da, giới tính, tuổi
tác, học thức, văn hoá, địa vị xã hội… nhưng chúng ta chỉ là một, cùng có một Hiến
Pháp đã thề bảo vệ, có một đất nước để sinh sống, và để lại cho con cháu.
Có người, nghĩ mình là
thiên tài xuất chúng, cho rằng, “một” đây không phải là một hiến pháp, hay một
đất nước, mà là một người. Voilà! Chính mình! Hậu quả là sinh hoạt mùa bầu cử
2020 cho thấy một hoạt cảnh đậm nét: Chúng ta dị biệt, mình tôi là nhất, bất đồng
là kẻ thù, không đội trời chung! Chỉ mình tôi có thể làm cho nước Mỹ vĩ đại, giải
quyết tất cả mọi rắc rối. Thiếu tôi, đất nước sẽ tiêu tùng!
Từ cuộc đời đến màn bạc
Cuộc cách mạng âm thầm và
đơn độc của một phụ nữ đã gây ấn tượng sâu đậm cho nhiều người.
Trong thập niên cuối cùng
của đời bà, cũng là thời gian đơn lẻ, sau khi Marty mất năm 2010, đã xuất hiện
nhiều phim ảnh, sách báo, trang phục, vật dụng lưu niệm… về cuộc đời và sự nghiệp
của RBG. Chỉ trong một năm, 2018, đã có hai phim về cuộc đời của Ruth Bader
Ginsburg được phát hành, một phim tài liệu “RBG,” còn phim kia là
On the Basis of Sex, dựa trên đời thật của Ruth Ginsburg.
Trong phim tài liệu RGB,
có sự hiện diện của người thật, là các thành viên trong gia đình, từ bà Ruth
Bader Ginsburg, đến hai con Jane và James, và cháu ngoại Clara Spera. Phim
dài 97 phút, đạt được nhiều thành quả tốt đẹp về uy tín và tài chánh. Nhận được
nhiều giải thưởng giá trị về phim tài liệu hay nhất, được đề nghị Giải Oscar kỳ
thứ 91. Về tài chánh, thâu được 14 triệu đô la cho lần phát hành đầu tiên. Phim
được chiếu lại sau khi RBG từ trần, tiền thu được, tặng quỹ của ACLU.
Nội dung phim tài liệu
này, ghi lại đầy đủ cuộc đời của Ruth Bader Ginsburg, từ khi ra đời ở Brooklyn,
NY, trong một gia đình di dân gốc Do Thái, đến khi thành đạt, tạo được những
thành tích lẫy lừng.
Nội dung phim còn cho biết
một khía cạnh đặc biệt khác: cuộc sống hoà hợp của hai người khác biệt trong phạm
vi gia đình. Thánh Phao Lồ (St. Paul), một người độc thân, thiếu kinh nghiệm
hôn nhân, dậy rằng: hai người nam nữ, sau khi thành hôn, trở thành một. Người nữ
phục tùng chồng mình, như Giáo Hội phục tùng Chúa. Nếu theo đúng tôn chỉ này,
Martin và Ruth Ginsburg không thể ở với nhau lâu dài. Tỉ lệ ly dị của những người
Thiên Chúa Giáo, (Công Giáo và Tin Lành), khoảng từ 40 đến 50 phần trăm. Martin
và Ruth khác nhau hoàn toàn, về bản tính tự nhiên, cũng như xu hướng tư tưởng,
nghề nghiệp. Marty hướng ngoại, ồn ào sống động, chuyên về thuế vụ, làm bếp giỏi,
thích đàn đúm bạn bè; Ruth hướng nội, dè dặt, nghĩ nhiều hơn nói, chuyên về
nhân quyền, không biết nấu ăn, tiết kiệm, đị mua sắm không bao giờ quên dùng
coupons. Họ không thể trở thành một, không ai sai khiến ai, không ai là chủ
nhân hay tôi tớ của ai; họ tôn trọng lẫn nhau, mỗi người làm phận vụ hợp với khả
năng của mình. Những công việc cả hai cùng làm được, phải thay đổi nhau mà làm.
Jane, con gái, kể: “My
mother strongly believes there won’t be true equality until men take full
participation in child care and other household tasks” (Mẹ tôi tin rằng, sẽ
không có bình đẳng thật sự, cho đến khi đàn ông tham dự vào việc chăm con và những
việc khác trong nhà). Có lần, sau khi phải thức trắng đêm làm việc, sáng sớm, bị
nhà trường gọi bảo phải đến họp, để nói về con phạm lỗi không trầm trọng. Bà trả
lời, thằng bé có cả cha lẫn mẹ, làm ơn gọi thay đổi, mỗi người một lần. Từ đấy,
bà ít bị gọi.
Trải qua bao khó khăn, bệnh
tật từ cả hai người, họ đã ở với nhau được 56 năm, liên tục, từ khi kết hôn năm
1954, đến khi một người ra đi năm 2010.
RBG phát hành tháng 5, nửa năm sau, On the Basis of Sex, phát hành
tháng 11, 2018. Phim trước trình bầy cuộc đời tư của Ruth Ginsburg, phim sau kể
lại tiến trình sự nghiệp của bà, từ lúc theo học năm đầu tại trường luật
Harvard, đến khi tốt nghiệp tại Columbia. Tiếp theo là những vụ án nổi tiếng,
bênh vực quyền bình đẳng của phụ nữ, làm thay đổi cả phạm vi áp dụng Tu Chính
14 của Hiến Pháp. Cuối cùng, trở thành phụ nữ gốc Do Thái đầu tiên làm Thẩm
Phán tối cao Pháp Viện. Phim do các tài tử thủ vai, chính bà Ginsburg cũng xuất
hiện chốc lát trong màn chót, bước lên những bậc dẫn vào TCPV.
Phim này, tuy là phim
truyện, nhưng do một người cháu bên chồng chủ trương, dựa trên sự thật, được bà
chấp nhận cốt truyện, và nhấn mạnh việc tìm các tài tử, nhất là người đóng chồng
bà, phải giống người thật – bà gặp cả các tài tử chính — nên có thể coi phim đã
phản ảnh sự thật ở mức độ cao. Ruth Ginsburg là người yêu sự chính xác. Đã có
người yêu mến bà, đưa nhận xét “can’t spell truth without Ruth”(không thể
đánh vần sự thật mà không có Ruth). Ngay cảnh đầu tiên của phim, bà đã phản đối,
vì người đóng vai bà đi giầy cao gót tới học ở Harvard, trong khi đời thật, bà
đã đi giầy thấp gót, vì phải đi bộ từ nhà tới trường. Nhà làm phim phải thuyết
phục mãi, bà mới chịu; coi đây là điều duy nhất bà nhượng bộ. Sau đây là vài
hình ảnh cho thấy tài tử chính khá giống người thật.
https://damau.org/wp-content/uploads/2020/10/clip_image010_thumb.jpg
Hình trên, cảnh
trong phim On the Basis of Sex: RBG tại trường Luật Harvard, do Felicity Jones
thủ vai.
Hình dưới, người thật,
Ruth, sinh viên năm cuối tại Cornell (Jonathan Wenk/Focus Features)
https://damau.org/wp-content/uploads/2020/10/clip_image012_thumb-1.jpg
Người định và Trời định
https://damau.org/wp-content/uploads/2020/10/clip_image014_thumb.jpg
Hoa nến và kỷ vật
thương nhớ đặt trước trụ sở TCPV tưởng niệm bà Ruth Ginsburg, ngày 19 tháng 9,
2020 (Hình Jose Luis Magana, AFP-Getty Images)
Vào thập niên chót của đời
mình, sau khi vất vả săn sóc Marty bị trọng bệnh trước khi ông qua đời vào năm
2010, và sau khi Ruth tưởng đã thoát bệnh ung thư ruột già (đã được phát hiện sớm
vào năm 1999), đến lượt bà cũng bị đủ thứ bệnh đáng sợ tấn công, như: ung thư
lá mía (pancreatic cancer) 2009; giải phẫu tim, 2012 và 2018; giải phẫu cắt mụn
độc ở phổi trái, 2018; chạy phóng xạ khi ung thư lá mía trở lại, 2019. Ngoài
ra, còn bị ngã, gẫy xương sườn. Nhưng bà vẫn cố gắng phi thường, it khi chịu vắng
mặt trong các khoá xử ở Toà.
Thấy sức khoẻ bà bị đe dọa
trầm trọng, nhiều người, từ Tổng Thống Obama đến các chính khách Dân Chủ, giáo
sư luật, và các nhà bình luận báo chí, hoặc âm thầm vận động riêng tư, hay công
khai đề nghị trên báo, muốn bà từ chức, để phía Dân Chủ có cơ hội đề cử người
khác vào thay bà ở TCPV, hầu khỏi mất một ghế quan trọng cho phía bảo thủ, một
khi Bạch Ốc hay Thượng Viện, hoặc cả hai, vào tay Cộng Hòa. Nhưng bà đã không
đáp ứng yêu cầu, chắc không phải vì “tham quyền cố vị,” mà chỉ vì tinh thần phục
vụ cao. Từ chức thời Obama, trước 2014 thì quá sớm, sau 2014 là thả mồi bắt
bóng, Thượng Viện đã trong tay Cộng Hoà rồi, người do Obama cử đã chắc gì trót
lọt. Theo nhà báo Totenberg, bà muốn đợi Hillary đắc cử, hy vọng nữ tổng thống
đầu tiên sẽ đề cử một phụ nữ thay bà. Hoặc, bà sẽ làm việc đến năm 90 tuổi rồi
sẽ nghỉ hưu.
Nhưng người định một
đàng, Trời định một nẻo. Bà có thể định việc từ chức hay không. Trời định mạng
sống của bà. Khi biết không thể làm khác mệnh Trời, bà đã để lại ước vọng cuối
cùng, mong chỗ của mình không bị thay thế, cho đến khi tổng thống nhiệm kỳ kế
tiếp nhậm chức.
Ước nguyện này đã bị phủ
nhận phũ phàng, cùng lúc Nghị Sĩ đầu khối đa số Thượng Viện nói về sự ra đi của
bà. McConnell tuyên bố: “Thượng Viện và cả nước để tang sự ra đi bất ngờ của Thẩm
Phán Tối Cao Ruth Bader Ginsburg và sự kết thúc cuộc đời ngoại hạng của một người
Mỹ. Người Tổng Thống Trump đề cử sẽ được toàn Thượng Viện biểu quyết.”
Quyết định của McConnell,
hay của Trump, cũng chỉ là do người định. Trời đã định về sự sống của bà. Hãy
chờ đợi, xem Trời định ra sao về hậu quả cái chết của bà. Cái chết của bà đã
tạo được dấu ấn lịch sử: Người phụ nữ Mỹ đầu tiên, sau 34 nam giới, được quàn
tang trên bệ Lincoln tại Quốc Hội. Biết đâu, nếu cái chết tưởng như không
đúng lúc của bà, có thể giúp người dân từ mọi phía, nhìn rõ sự việc giữa vòng
xoáy kinh hoàng của siêu bão lịch sử đang diễn ra, để có thể quyết định sáng suốt
hơn trong cuộc bầu cử gần kề, cái chết của bà sẽ đem lại kết quả vĩ đại, có khi
còn ngoạn mục hơn cả những gì bà đã tạo được khi còn sống.
No comments:
Post a Comment