Sunday, October 4, 2020

PHÂN TÍCH THÔNG BÁO CỦA CÔNG AN ĐẮK LẮK BẮT ÔNG PHẠM ĐÌNH QUÝ (Nguyễn Ngọc Già)

 


Phân tích thông báo của Công an Đắk Lắk bắt ông Phạm Đình Quý

Nguyễn Ngọc Già

Thứ Năm, 10/01/2020 - 05:50 — nguyenngocgia

https://www.rfavietnam.com/node/6508

 

Ông Phạm Đình Quý - một tiến sĩ đang giảng dạy tại trường đại học Tôn Đức Thắng - bị bắt mà theo thông báo mang số 9381/TB-CSHS ngày 27 tháng Chín năm 2020 của Công an tỉnh Đắk Lắk là "bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp"  với tội danh "Vu khống" theo điều 156 Bộ Luật Hình Sự (BLHS).

 

Xung đột về thuật ngữ luật theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS)

 

Theo thông báo thượng dẫn, Công an Đắk Lắk đã sử dụng thuật ngữ "bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp" căn cứ vào khoản 2 điều 109 BLTTHS đối với ông Quý. Trong khi đó,  điều 110 BLTTHS lại quy định "Giữ người trong trường hợp khẩn cấp".

 

Cách sử dụng tiếng Việt như vậy, đã gây ra xung đột trong việc làm rõ hai khái niệm nói trên. Nghĩa là,  chữ "bắt người bị giữ" và chữ "giữ người" rất tối nghĩa khi so sánh với nhau. Luật pháp không cho phép điều đó diễn ra. Đây là lỗ hổng rất lớn của những chuyên gia soạn thảo BLTTHS khi sử dụng tiếng Việt và là lỗi trầm trọng của đại biểu Quốc hội khi thông qua.

 

Sự tối nghĩa không dừng lại như trên, bởi khoảng thời gian từ tối 23 tháng Chín đến 26 tháng Chín, không có quyết định tạm giữ công dân Phạm Đình Quý như luật định. Tức là ông Quý biệt dạng trong suốt 3 ngày liền. Do đó, gia đình công dân Phạm Đình Quý gọi tên "bắt cóc" là có căn cứ xác đáng, kh kết hợp với lời tường thuật của vợ ông Quý cho biết, khi đang ăn tối thì bị nhiều người mặc thường phục bắt đi.

 

Phân tích trên cho thấy, đó chính là kẽ hở để diễn giải theo "luật miệng" với hậu quả, phía công an (tất nhiên) luôn luôn đúng mà lẽ ra chỉ có Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội - nơi duy nhất giữ quyền giải thích luật. Điều đó cũng lý giải tại sao những phản đối quyết liệt từ gia đình công dân Phạm Đình Quý cũng như dư luận rất rầm rộ.

 

Vậy, ông Phạm Đình Quý đang bị lâm vào tình trạng "bắt người" hay tình trạng "giữ người"? Đó là câu hỏi về thuật ngữ luật học mà Công an Đắk Lắk buộc phải trả lời trước gia đình ông Phạm Đình Quý và trước công luận.

 

Sai phạm về thủ tục và nội dung bắt người

 

Cũng theo thông báo thượng dẫn, phía Công an Đắk Lắk cho biết công dân Phạm Đình Quý "bị tạm giữ" tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk. Thông báo được gởi đến ông Phạm Đình Trang - cha ông Quý và Ủy Ban Nhân Dân phường Tân An thị xã Lagi tỉnh Bình Thuận.

 

Khi một người "bị tạm giữ" (trong trường hợp này chính là ông Quý) chưa chắc là tội phạm, đó là điều rõ ràng không thể chối cãi.

 

Thông báo nói trên không phải là và không thay cho quyết định khởi tố. Điều này có nghĩa, cho đến thời điểm hiện tại, ông Phạm Đình Quý vẫn là một công dân. Do đó, phía Công an Đắk Lắk không thể giải thích được sự vắng mặt của ông Quý trước gia đình ông ấy cũng như trước dư luận nói chung. Vì vậy, phía công an Đắk Lắk, trước khi công bố thông báo, cho thấy sự mờ ám khi cho báo giới biết là "mời" ông Quý làm việc (!).

 

Theo khoản 1 điều 8 Bộ Luật Hình Sự (BLHS) quy định "tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội".  Như vậy, để xác định hành vi nguy hiểm hay không nguy hiểm, phải căn cứ vào điều 15 BLTTHS. Trong khi đó, ông Phạm Đình Quý chưa hề bị khởi tố.

 

Theo khoản 2 điều 8 BLHS quy định "những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác".

 

Như vậy, Công an Đắk Lắk không được phép tùy tiện dùng chữ "hành vi" để gán tội danh "vu khống" cho ông Phạm Đình Quý trước khi "xác định sự thật của vụ án" theo điều 15 BLTTHS.

 

Thêm vào đó, trong thông báo số 9381, Công an Đắk Lắk cho rằng ông Quý "đã có hành vi phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", tức là thuộc mục a khoản 1 điều 156, với khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Trớ trêu thay! Khi trung tá Lê Hồng Hải ký thông báo này, mặc nhiên đã tự công nhận "kết tội trước" đối với ông Phạm Đình Quý.

 

Với phân tích trên, dư luận không khó để nhận ra, Công an Đắk Lắk đang làm một quy trình ngược đời trong một sự vụ có liên quan đến ông Bùi Văn Cường - đương kim Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk.

 

Mối quan hệ trái khoáy

 

Theo báo Nhân Dân [1], ngày 30 tháng Chín năm 2020, Cục trưởng Cục Báo chí  Nguyễn Thanh Lâm đã ký Quyết định số 190/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí Môi trường và Xã hội vì thông tin sai sự thật về Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk trong bài: “Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố “đạo” luận án, gian dối học thuật?”, đăng trong số đặc biệt 16-2020. Bài báo này cho biết nhân vật Phạm Đình Quý đã tố cáo ông Bùi Văn Cường. Địa điểm ông Quý ghi trong đơn tố cáo là Bình Thuận. 

 

Theo điều 163 khoản 4 BLTTHS quy định "Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình". Điều này có nghĩa, Công an Đắk Lắk đã vi phạm nghiêm trọng. Bởi thẩm quyền điều tra ông Quý (nếu có) phải thuộc về Công an Bình Thuận (nơi ông Quý gởi đến tố cáo) hoặc Công an Tp.HCM (nơi ông Quý đang dạy học và tạm trú theo quy định pháp luật). Ngay đây, tình tiết như BBC cho biết [2] "...hôm 23/9, tiến sĩ Phạm Đình Quý và vợ ông bất ngờ bị tám công an mặc thường phục vây bắt. Sau đó, công an yêu cầu ông Quý đưa về nhà riêng. Tiếp đó, ông Quý được đưa đến cơ quan Công an TP HCM để làm việc, rồi tiếp tục đưa lên Đắk Lắk..." gây cho người đọc cảm giác mờ ám trong sự "hợp đồng" bắt người trái pháp luật và vi phạm khoản 4 điều 163, giữa Công an Đắk Lắk và Công an Tp.HCM.

 

Mặt khác, giả sử ông Bùi Văn Cường bị ông Quý vu khống, tức là ông Cường phải có đơn tố giác tội phạm theo quy định.

 

Ngay đây, dư luận dễ nhận ra [3] "luận án tiến sĩ của Bí thư tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường đã bị xoá trang web của Viện Đào tạo sau Đại học - Trường ĐH Hàng hải Việt Nam" cốt nhằm mục đích gán tội "vu khống" cho đủ căn cứ đối với ông Quý nhưng họ quên quan hệ chủ thể - khách thể trong luật học.

 

Điều này có nghĩa, có bên "bị" (tức là ông Quý) nhưng liệu bên "nguyên" (tức ông Cường) có đủ can đảm ra trước tòa đối chất không? Và liệu bên "nguyên" có làm đơn tố giác bên "bị" để bảo đảm đủ yếu tố cấu thành tội phạm? Và nữa, liệu luận văn bị xóa trên web thì bằng cấp giấy trắng mực đen kia chẳng lẽ đem đi thiêu hủy? Lại còn chức danh vẫn sờ sờ ra đó cho kỳ đại hội đảng sắp tới sẽ xoay sở ra sao?

 

Cần phân biệt sự khác biệt giữa khái niệm "tố cáo" và "tố giác". Tố cáo được thực hiện theo Luật Tố Cáo, còn tố giác tuân theo BLHS đã được quy định tại điều 19 và điều 389, 390.

 

Kết

 

Với sự phân tích về pháp luật và pháp lý như trên, dư luận dễ nhận thấy hệ thống pháp luật và tư pháp của nhà nước CHXHCNVN còn quá yếu kém về chuyên môn và khoảng cách để đạt chuẩn chuyên nghiệp nhằm đuổi kịp thế giới vẫn mãi là "đường xa vạn dặm"!

 

Soạn thảo luật để sao cho mọi người, đặc biệt những người thi hành công vụ đều hiểu và hiểu đúng một kiểu, đó là những nhà soạn luật giỏi. Rất buồn để nói, điều giản dị đó còn quá xa vời đối với Việt Nam.

 

Trên hết, khi khoản 3 điều 2 của Hiến pháp 2013 còn xác định "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" thì vẫn còn nhiều vụ bắt bớ tùy tiện tiếp tục xảy ra.

 

_______________

 

[1] https://nhandan.com.vn/thoi-su-phap-luat/xu-phat-tap-chi-moi-truong-va-x...

 

[2] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54335906

 

[3] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54335906

 

nguyenngocgia's blog

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments: