Friday, October 9, 2020

NHÌN LẠI GIÁ TRỊ NHÂN BẢN, DÂN TỘC, KHAI PHÓNG (Nguyễn Văn Tuấn)

 


NHÌN LẠI GIÁ TRỊ NHÂN BẢN, DÂN TỘC, KHAI PHÓNG

Nguyễn Văn Tuấn

19:43  08/10/2020   

https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1089648031482513

 

Mấy hôm nay, báo chí ồn ào chung quanh cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt dành cho lớp 1. Có người cho rằng đây là một cuốn sách thảm hoạ, và tôi cũng đồng ý. Bây giờ đọc lại những cuốn sách giáo khoa thời xa xưa (1960, 1970) sao mà thấy tiếc cho một nền giáo dục nhân bản, dân tộc, và khai phóng.

 

Trước hết là cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt, đọc qua những gì báo chí trích dẫn thì thấy khó chấp nhận được. Sách giáo khoa gì mà dùng ngôn ngữ thô tục, quê mùa ở miền Bắc làm chuẩn cho cả nước? Ngạo mạn ghê! Lại còn dạy (gián tiếp) gieo vào học trò tánh gian dối và lười biếng. Sách giáo khoa học tiếng Việt thì hà cớ gì trích dẫn mấy ông Nga? Thiệt là không thể hiểu nổi. Sau gần nửa thế kỉ thống nhứt đất nước mà nền giáo dục tệ như thế này! Có lẽ đây là tín hiệu rõ nhứt về một nền giáo dục loạng quạng, mất dân tộc tính.

 

Chúng ta thử so sánh với sách giáo khoa thời VNCH. Đây là cuốn "Em Học Vần" lớp 1 năm 1971. Qua các trang tôi trích lại, chúng ta thấy gì? Theo tôi, chúng ta có thể thấy rõ đó là một cuốn sách đầy ắp tinh thần và đạo lí dân tộc. Tất cả các câu chuyện trong sách đều lấy từ thực tế Việt Nam, đặc biệt là nông thôn, rất gần gũi với học trò. Từ con cá đến trái bí (không có trái táo nhé) mà học trò đều thấy và dễ nhớ. Các soạn giả lấy đời sống thường nhựt ra làm câu chuyện (chớ chẳng có con lừa hay ngựa xa xôi đâu bên Nga). Họ nêu cao vẻ đẹp của đất nước Việt Nam bằng những bức hoạ cảnh quang đẹp và thơ mộng, rất gần với đời thường. Họ cố ý duy trì đạo lí cổ truyền của dân tộc, kính trên nhường dưới. Họ còn lấy quốc sử để rèn luyện tinh thần dân tộc - quốc gia. Họ dạy học trò tinh thần sống hoà đồng với thiên nhiên và gia cầm (như câu chuyện con chó lượm trái banh). Nói chung, đó là một cuốn sách gần như hoàn hảo.

 

Nhưng nếu chịu khó đọc lại các sách giáo khoa khác thời đó, chúng ta dễ thấy tất cả đều được soạn theo các đặc điểm trên. Thật ra, đằng sau đó là chỉ thị của Chánh phủ Phan Huy Quát. Trong chỉ thị, ông Quát nói rõ sách bậc tiểu học phải "Nêu cao tinh thần quốc gia để khích lệ lòng ái quốc và chấn khởi dân khí. Tinh thần quốc gia Việt Nam ngày nay là tinh thần của một dân tộc biết tự cường, tự lập, biết phấn đấu để giành độc lập, biết kiên quyết để giữ giang sơn Tổ quốc, biết nỗ lực để ganh đua với người ngoài trên con đường tiến hóa của nhân loại." Ở một đoạn khác trong chỉ thị, ngoài phần trí dục, ông Quát còn đề ra khía cạnh đức dục và thể dục cho học trò tiểu học. Bất cứ sách giáo khoa nào thời đó cũng đều đặt nặng phần đức dục (rèn luyện đạo đức).

 

Tại sao sách giáo khoa ngày xưa có ý nghĩa đến như vậy? Lí do là vì đó là một nền giáo dục xây dựng trên nền tảng của 3 nguyên lí: nhân bản, dân tộc, và khai phóng.

 

• Dân tộc có nghĩa là đề cập đến việc tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.

 

• Khai phóng có nghĩa là cởi mở và cấp tiến, không phải đóng cửa và bảo thủ. Sẵn sàng tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.

 

• Nhân bản có nghĩa là lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Với triết lí nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.

 

Có một chủ trương thời đó mà quí vị sư sĩ thời nay nên học. Đó là chương trình tiểu học cần rút nhẹ để: (a) Sát với tuổi sinh lí và tâm lí của trẻ, thích ứng với nhu cầu thực tế; (b) tránh lối học nhồi sọ; và (c) gắn liền học với hành, hòa đời sống của học sinh vào đời sống của nhân dân, khiến chúng có nhiều cơ hội học hỏi nhân dân đồng thời giúp đỡ nhân dân. Ở VN, giáo dục thời nay nhồi sọ và có phần tẩy não -- điều đại kị.

 

Người ta cứ bàn mãi về chương trình sách giáo khoa, nhưng càng làm thì càng sai. Sai quá nhiều đến nổi không ai dám tin sẽ đúng nữa. Tôi nghĩ đơn giản thế này: (a) cứ lấy 3 nguyên lí giáo dục (nhân bản, dân tộc và khai phóng) thời trước làm nền tảng; (b) lấy sách giáo khoa thời VNCH làm cơ sở, rồi soạn theo và bổ sung cho phù hợp với thế kỉ 21. Đơn giản quá. Không cần đến 'tiến sĩ', 'giáo sư', chỉ cần những người thực tài. Nhớ chánh phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại không đầy 6 tháng mà đặt nền móng cho cả một nền giáo dục. Sở dĩ họ làm được như vậy là vì các bộ trưởng trong nội các đó có thực tài (chớ không phải bằng cấp).

 

Ông Nelson Mandela từng nói một câu bất hủ về giáo dục (được dán ngay tại cổng chánh của Đại học South Africa):

 

"Để huỷ diệt bất cứ quốc gia nào, không cần đến bom nguyên tử hay hoả tiễn tầm xa; chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép học trò gian lận trong thi cử. Bệnh nhân chết dưới tay của các bác sĩ. Toà nhà bị sập dưới tay của các kĩ sư. Tiền bạc bị mất trong tay của các chuyên gia kinh tế tài chánh. Các giá trị nhân văn bị mất trong tay của các học giả tôn giáo. Công lí bị mất trong tay của các quan toà. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia."

 

Câu nói của ông Mandela là một lời cảnh báo muộn màng cho Việt Nam vậy.

 

___

 

Các bạn có thể đọc các sách giáo khoa thời VNCH ở đây:

http://thuongmaitruongxua.vn/.../em-hoc-van-lop-mot-1971...

 

Các bạn cũng có thể tài bản pdf của một số sách thời đó ở đây:

http://lanvy.me/2017/03/31/link-tai-sach-sach-cu-truoc-1975

 

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments: