Liệu Việt Nam sẽ thúc đẩy tầm nhìn FOIP?
TS.
Đinh Hoàng Thắng
2020-10-07
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/will-vietnam-promote-foip-view-10072020142433.html
Câu hỏi trên đây thật sự đẩy Việt Nam vào thế
“lưỡng phân”. Về chiều kích kinh tế của chiến lược Indo-Pacific, câu trả lời có
thể là “yes”. Tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp lần 3 là một minh chứng. Về trụ cột
an ninh, nhất là trong chiều kích “ngăn chặn” Trung Quốc, câu trả lời nhiều khả
năng sẽ là “no”.
Hình minh hoạ. Bộ
trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross (thứ 2 bên phải), Cố vấn đặc biệt Bộ Kinh tế,
Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Tatsuo Terzawa (thứ 2 bên trái) và thứ trưởng
phụ trách phát triển kinh tế, năng lượng và môi trưởng Mỹ Keith Krach (phải) bắt
tay tại Diễn đàn Doanh nghiệp Indo Pacific ở Bangkok hôm 4/11/2019
Tháng 10 này có hai sự kiện
ngoại giao nổi bật ở Đông Á và Đông Nam Á. Ngày 6/10 vừa qua, một cuộc họp cấp
ngoại trưởng của nhóm “Bộ Tứ” đã diễn ra tại tại Tokyo. Ngày 28 và 29/10 sắp tới,
“Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Thái Dương” thường niên lần thứ 3 (IPBF-3) sẽ diễn ra
tại Hà Nội, với sự đồng tổ chức của hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam.
Trong bối cảnh ấy, đặc biệt
là vào ngày 3/10 vừa qua, nguồn tin từ Nhật Bản xác nhận rằng, chính phủ
Trung Quốc đã hỗ trợ một dự án mở rộng cảng và phát triển một cơ sở sửa chữa
tàu tại căn cứ Ream, Campuchia bên Vịnh Thái Lan. Mối hoài nghi lâu nay của giới
chuyên gia, cho rằng Campuchia đang tiếp tay cho Trung Quốc để bao vây Việt
Nam dường như đã trở thành hiện thực.
Để thoát khỏi tình thế “tứ
bề thọ địch” này, liệu Việt Nam có thúc đẩy sáng kiến xây dựng một cấu trúc an
ninh tập thể trong khu vực, mà “Tầm nhìn Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP)
là một mô thức được bàn thảo nhiều nhất trong những năm gần đây?
.
Để đối phó với
Trung Quốc
Cuộc họp đầu tiên cấp ngoại
trưởng của nhóm “Bộ Tứ” được tổ chức tại New York, Mỹ vào tháng 9/2019. Lý do
lúc bấy giờ được viện dẫn cho sự ra đời của cơ chế này sau khi chiến lược Ấn
Thái Dương (Indo-Pacific) được công bố tại Đà Nẵng, Việt Nam (tháng 11/2018) là
nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, thông qua việc kiềm
chế chính sách đối ngoại và các hoạt động quân sự của Bắc Kinh trong khu vực.
Những tuần, những tháng gần
đây, giới nghiên cứu không nói nhiều về “cuộc chiến tranh Lạnh mới” hoặc “hậu-chiến
tranh Lạnh” nữa, bởi vì nguy cơ một cuộc “chiến tranh nóng” trong khu vực ngày
càng hiện hữu. Đài Loan và Biển Đông là hai địa danh được nhắc đến nhiều nhất.
Những gì diễn ra từ nay đến
cuối năm giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ với các nước trong không gian Ấn Thái Dương,
được giới quan sát cho là sẽ ảnh hưởng đến “Trật tự Thế giới” trong vòng nhiều
thập kỷ tới. Phải chăng vì thế mà Việt Nam, sau thời gian dài thận trọng xem
xét, nay đang có các biểu hiện cụ thể hơn để hưởng ứng đối với hai trong số các
trụ cột của chiến lược “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) – trụ cột an
ninh và trụ cột kinh tế.
Cuộc họp “Bộ Tứ” lần này
là vòng đàm phán thứ hai của Mỹ, Úc, Nhật và Ấn, diễn ra trong bối cảnh cả bốn
nước đang tìm cách tạo lập mặt trận thống nhất để đối phó với một Trung Quốc
ngày càng lấn lướt. Trước khi rời Hoa Kỳ, ông Pompeo đã không úp mở tuyên bố rằng,
cuộc gặp là “điều mà chúng tôi đã lên lịch để thực hiện bấy lâu nay”. Quan hệ
song phương Mỹ – Trung trong những tháng gần đây đã xuống mức thấp nhất trong
nhiều thập niên. Điều này khiến Washington đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh
trong khu vực.
Nhóm “Bộ Tứ” gồm đại diện
bởi các ngoại trưởng Motegi Toshimitsu của Nhật Bản, Marise Payne của Úc và
Subrahmanyam Jaishankar của Ấn Độ, được cho là đã thảo luận về các vấn đề bao gồm
đại dịch Covid-19 và an ninh mạng. “Hy vọng sẽ thảo luận về việc tăng cường
hợp tác để thúc đẩy tầm nhìn chung của chúng ta về một ‘Ấn Thái Dương tự do và
rông mở’ (FOIP), bao gồm các quốc gia độc lập, mạnh và thịnh vượng”, ông
Pompeo viết trên Twitter khi rời Hoa Kỳ.
Hình minh hoạ. Ngoại
trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Úc Marise Payne, Ngoại trưởng Ấn Độ
Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi tại Tokyo trong
cuộc họp Bộ Tứ hôm 6/10/2020 Reuters
Tuy nhiên, khi Bắc Kinh
phản đối chính thức về “Bộ Tứ”, thì các thành viên lại cho biết, các “quan hệ đối
tác chiến lược” của họ chỉ nhằm duy trì an ninh khu vực và không nhắm vào bất kỳ
quốc gia cụ thể nào. “Bộ Tứ” sau năm đầu bị mất đà và chỉ được tái nhóm trở lại
gần đây. Tại sao “Bộ Tứ” tái ngộ vào lúc này?
Cuộc gặp lần thứ hai này
diễn ra vào thời điểm Mỹ, Ấn và Úc đều nhận thấy căng thẳng gia tăng trong quan
hệ của họ với Trung Quốc. Kể từ năm 2018, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có một cuộc
chiến thương mại gay gắt và trong những tháng gần đây, họ đã xung đột về nhiều
vấn đề bao gồm bắt giữ gián điệp, đại dịch Covid-19 và bác thị thực du học sinh
Trung Quốc.
Mối quan hệ của Úc với
Trung Quốc cũng đang xấu đi. Vào tháng 9, hai phóng viên cuối cùng làm việc tại
Trung Quốc cho truyền thông Úc đã phải sơ tán sau 5 ngày căng thẳng ngoại giao.
Căng thẳng Trung – Ấn xảy
ra sau các đụng độ biên giới gần đây. Alexander Neill, một phân tích gia an
ninh châu Á – Thái Bình Dương có trụ sở tại Singapore cho rằng, mấu chốt thật sự
cho động lực mới của “Bộ Tứ” lần này chính là việc Ấn Độ đồng ý tích cực tham
gia.
.
“Diễn đàn doanh
nghiệp” lần thứ 3
Một tháng trước đây, ngày
6/9/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo: “Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Thái Dương”
thường niên lần thứ 3 (IPBF-3) sẽ diễn ra tại Hà Nội vào các ngày 28 và 29/10 tới
đây, dưới sự phối hợp tổ chức của chính phủ Mỹ, chính phủ Việt Nam, Phòng
Thương mại Mỹ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh
Mỹ-ASEAN.
Theo thông báo từ
Washington, Diễn đàn sẽ thúc đẩy tầm nhìn cho không gian Ấn Thái Dương như là một
khu vực tự do và rộng mở đối với các quốc gia độc lập, mạnh mẽ và thịnh vượng.
Diễn đàn được cho sẽ tiếp tục thúc đẩy các giá trị của đầu tư tiêu chuẩn cao,
minh bạch, thượng tôn pháp luật và phát triển kinh tế dựa vào khu vực tư nhân.
Tại diễn đàn thường niên
lần thứ hai, IPBF-2 hồi 4/11/2019 ở Bangkok, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur
Ross dẫn đầu đoàn doanh nghiệp của Hoa Kỳ tham dự với nhiệm vụ ủng hộ các mục
tiêu của Tổng thống Trump trong việc đẩy mạnh hoạt động thương mại của Mỹ trong
khu vực, thúc đẩy các cơ hội xuất khẩu, tạo việc làm cho các công ty Mỹ và đáp ứng
các nhu cầu về phát triển kinh tế.
Còn IPBF-1 diễn ra ở
Washington, DC ngày 30/7/2018, được xem là trụ cột kinh tế trong chiến lược của
chính quyền Trump đối với khu vực đại diện hơn một nửa dân số thế giới và một nửa
kinh tế toàn cầu, đồng thời là công cụ để mở rộng vai trò của Mỹ đối với khu vực
này thông qua đầu tư và tăng cường xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của các công
ty Mỹ.
Tại IPBF-3 tới đây, Hoa Kỳ
sẽ công bố các sáng kiến và khoản đầu tư mới tại Ấn Thái Dương, tại diễn đàn
doanh nghiệp khu vực do Chính phủ Mỹ cùng hợp tác với Chính phủ Việt Nam, tổ chức
vào cuối tháng tới tại Hà Nội. Lãnh đạo chính phủ và các doanh nghiệp của Mỹ,
Việt Nam và trên toàn khu vực Ấn Thái Dương sẽ thảo luận các vấn đề như năng lượng
và cơ sở hạ tầng, kinh tế kỹ thuật số, kết nối thị trường, y tế và phục hồi
kinh tế sau đại dịch COVID-19, cũng như cơ hội xây dựng quan hệ đối tác và
thương mại giữa Mỹ với khu vực Ấn Thái Dương, qua hình thức trực tuyến.
Diễn đàn sẽ giới thiệu
các khoản đầu tư có ảnh hưởng lớn của khu vực tư nhân và các nỗ lực của chính
phủ nhằm hỗ trợ cạnh tranh thị trường, tăng trưởng việc làm và phát triển tiêu
chuẩn cao vì sự thịnh vượng hơn nữa ở Ấn Thái Dương. Theo giới chuyên gia, “Diễn
đàn Doanh nghiệp Ấn Thái Dương” do Mỹ khởi xướng nhằm để đối trọng với “Sáng kiến
Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc, một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng
kết nối ba châu lục – gồm châu Á, châu Âu và châu Phi – với quy mô khổng lồ.
.
Thế “gân gà” của
Việt Nam
Theo Jeff Kingston, Giám
đốc Nhóm Nghiên cứu về châu Á từ Đại học Temple, Nhật Bản, sẽ có một số thách
thức đối với “Bộ Tứ” cũng như sáng kiến liên quan đến IPFB. Đối phó với các mối
đe doạ của Trung Quốc không đồng nghĩa với việc các nước có chung quan điểm về
những gì cần phải làm để có thể xây dựng “Bố Tứ” thành một cơ cấu như Tổ chức
Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy Mỹ và Úc chắc chắn ủng
hộ ý tưởng này, nhưng Nhật Bản và Ấn Độ đang có một số bảo lưu. Riêng các nước
ASEAN, trong đó có Việt nam, việc biến “Bố Tứ” thành một tổ chức an ninh tập thể
để đối phó với Trung Quốc sẽ buộc các chính phủ phải chọn bên. Mà “chọn bên” là
điều bất khả hiện nay, không chỉ đối với Việt Nam. Về phần mình, Trung Quốc đã
chỉ trích “Bố Tứ” là một nỗ lực được che đậy nhằm kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy.
Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui gọi nhóm này là một NATO
thu nhỏ (mini NATO).
Hình minh hoạ. Bộ
trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu tại một hội nghị do Phòng Thương mại
Mỹ tổ chức ở Hà Nội hôm 8/11/2019 AFP
Vì những lẽ trên, các nhà
quan sát dường như có phần bất ngờ khi Thiếu tướng Công an Đỗ Lê Chi – Cục trưởng
Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, thuộc Tổng cục Tình báo – đã trả lời
công khai trên báo chí trong nước về khả năng hình thành một liên minh quân sự
“NATO ở Đông Nam Á” và vai trò của Việt Nam trong liên minh khu vực ấy.
Theo TS. Đỗ Lê Chi, vấn đề
không phải là có nên tham gia hay là không, mà vấn đề là Việt Nam cần chủ động
thúc đẩy việc hình thành một tổ chức an ninh đa phương, ràng buộc tại khu vực,
vì lợi ích của tất cả các bên. Chúng ta lâu nay vẫn luôn có chủ trương chủ động
hội nhập, nhưng có những lúc ta còn bị động. Các nước lớn triển khai chính sách
mà mình cứ phải cân đong đo đếm là có tham gia hay là không. Điều đó cho thấy
vai trò chủ động của chúng ta chưa phải là cao.
Theo ông Cục trưởng, việc
hình thành các hiệp ước, khối an ninh hay thỏa thuận quân sự có tính đa phương
và ràng buộc xuất phát từ nhu cầu bảo đảm lợi ích kinh tế, chính trị của các quốc
gia. Nếu nhìn vào lịch sử thì sự ra đời của NATO hay một số tổ chức an ninh,
quân sự đa phương đều có những lý do để kiểm soát tình hình ở những điểm nóng.
Vì vậy, tướng Đỗ Lê Chi
cho rằng, trước sau gì thì một tổ chức an ninh đa phương của khu vực, có tính
ràng buộc sẽ phải ra đời và đó chính là lợi ích quốc gia của Việt Nam, của
ASEAN và chúng ta cần phải sớm tính toán cách thức phù hợp để thúc đẩy nó.
Nhưng liệu chính sách của
chính phủ Việt Nam có thực sự thúc đẩy tầm nhìn FOIP? Về trụ cột kinh tế, câu
trả lời có thể là “yes”. Diễn đàn IPFB lần 3 là minh chứng rõ ràng. Nhưng về trụ
cột an ninh, nhất là trong chiều kích “ngăn chặn” (containtment) Trung Quốc,
câu trả lời nhiều khả năng sẽ là “no” hoặc “not yet”.
Trong khi đó “Bộ Tứ” khuyến
khích Việt Nam trở thành thành viên “theo sát” của FOIP (shadow member). Hơn nữa,
giữa các trụ cột của FOIP, ranh giới không phải lúc nào cũng rạch ròi. Mùa hè vừa
qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tuyên bố Mỹ đang thúc đẩy xây dựng một “Mạng
lưới thịnh vượng kinh tế”, với sự tham gia của Việt Nam. Mạng lưới này được
hình thành trên nền tảng “Bộ Tứ”, được Washington xem như điểm nhấn quan trọng
trong chính sách thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu thời hậu
Covid-19.
Vậy làm thế nào để hoá giải
thế “gân gà” của Việt Nam? Câu trả lời đành mượn từ “Tam quốc diễn nghĩa”: Xem
hồi sau sẽ rõ.
------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự
Do
No comments:
Post a Comment