Russ
Buettner, Susanne Craig và Mike
McIntire - New York Times
Dịch Giả: T.Vấn
01/10/2020
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4
Phần 5 : Thủ Thuật 72.9 triệu đô la
Chương trình truyền hình “The Apprentice” có lẽ đã
ban cho Trump cú ngọam thuế lợi tức ngon lành nhất, lớn nhất trong cuộc đời của
mình. Trong thời kỳ Đại Suy Thoái (The Great Reccession), lợi dụng các biện
pháp cứu vãn kinh tế của chính phủ, Trump đã tìm cách đòi tiền đóng thuế lại.
Tháng 2 năm 2019, trong
buổi điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ của viên cựu luật sư riêng của Trump,
Michael Cohen, ông này đã nhắc đến việc Trump đưa cho mình xem tờ ngân phiếu có
số tiền khổng lồ từ Bộ Ngân Khố gởi cho Trump mấy năm trước, vẻ mặt vẫn còn ngạc
nhiên “rằng, ông ta không thể nào ngờ được chính phủ đã ngu ngốc đến độ trả
lại cho một người như ông ta số tiền lớn đến như vậy”.
Quả vậy, theo những tài
liệu riêng cho biết, bắt đầu từ năm 2010, Trump đã khai và nhận về tổng số tiền
bồi hoàn thuế (refund) là 72.9 triệu đô la – tức tổng số tiền thuế Trump đã
đóng cho chính phủ liên bang từ năm 2005 cho đến năm 2008, cộng thêm tiền lời
(phát sinh từ số tiền đã đóng).
Tính cách hợp pháp của số
tiền bồi hoàn 72.9 triệu đô la hiện là trọng tâm của các cuộc truy vấn (audits)
của sở thuế mà Trump đang phải đối phó, vốn ngoài tầm quan sát của công chúng.
Những dữ liệu mà New York
Times xem xét đã xác nhận nguyên nhân luận điệu mà Trump thường hay viện dẫn đến,
nhưng không hề đưa ra một lời giải thích thuyết phục, rằng những vụ audits của
sở thuế đã ngăn cản không cho ông ta bạch hóa hồ sơ khai thuế của mình. Mới đây
nhất, hồi tháng 7, trên đài truyền hình Fox News, Trump ám chỉ đến chúng khi trả
lời Sean Hannity: “Họ đối xử với tôi ghê khiếp lắm, bọn sở thuế ấy mà, ghê
khiếp lắm!”.
Và trong khi những dữ liệu
thuế không cho biết chi tiết về những vụ audits này, nhưng chúng phù hợp với bản
tuyên bố của các luật sư riêng của Trump trong lúc còn chiến dịch tranh cử 2016
rằng, các vụ audits hồ sơ thuế của Trump vẫn đang tiếp diễn và có liên quan đến
“những thương vụ hoặc các hoạt động kinh doanh đã khai trong hồ sơ thuế năm
2008 và trước đó”.
Trump may mắn thu về khoản
tiền bồi hoàn kếch xù ấy nhờ đã khai và khấu trừ những khoản lỗ kinh doanh cũng
kếch xù không kém – một tổng số là 1.8 tỉ đô la lỗ lã từ những
dịch vụ kinh doanh trực tiếp của Trump cho hai năm thuế 2008 và 2009 – mà những
năm thuế trước đây, luật thuế đã không cho phép ông ta khấu trừ.
Nhưng để biến một chuỗi
những lỗ lã doanh nghiệp nặng nề thành một tờ ngân phiếu bồi hoàn thuế khổng lồ,
ông ta đã phải nhờ cậy đến những phù thủy kế toán khéo chân khéo tay và một món
quà vô tình đến từ một nguồn gốc cũng vô tình không kém – ông Obama.
Các lỗ lã doanh nghiệp có
thể được dùng như những tấm phiếu thưởng (coupon) để giảm thuế:
một đồng lỗ từ doanh nghiệp này có thể được dùng để giảm đi một đồng
lời từ một doanh nghiệp khác. Loại và số lợi tức được áp dụng khấu trừ
mỗi năm mỗi khác, tùy thuộc vào tình trạng thuế của mỗi chủ doanh nghiệp. Một số
loại lỗ lã có thể được để dành và dùng đến sau này, hoặc thậm chí còn được dùng
để lấy lại tiền thuế lợi tức đã đóng từ năm thuế trước đó.
Cho đến năm 2009, những
tấm phiếu thưởng (coupon) nói trên có thể dùng để giảm thuế cho 2 năm
thuế trước đó. Nhưng tháng 11 năm đó (2009), cánh cửa đã mở rộng gấp đôi nhờ
vào một điều khoản ít ai để ý tới trong một đạo luật về thuế tổng thống Obama
ban hành chủ yếu nhằm vào việc thúc đẩy nền kinh tế sớm hồi phục sau trận đại
suy thoái (the great recession). Với đạo luật mới này, chủ doanh nghiệp có thể
yêu cầu được bồi hoàn lại số tiền thuế đã đóng trong 4 năm thuế trước đó, cộng
thêm 50% số thuế đã đóng trong năm thứ 5.
Năm 2008, Trump không phải
đóng một đồng thuế lợi tức nào. Nhưng với đạo luật thuế thương nghiệp mới được
ban hành, khi khai hồ sơ thuế của năm 2009, ông ta có thể đòi lại không chỉ
13.3 triệu đô la tiền thuế trả trong năm 2007, mà còn đòi được thêm 56.9 triệu
đô la gộp lại cho hai năm 2005 và 2006, khi mà chương trình truyền hình “The
Apprentice” đã ban cho ông ta cú ngọam thuế lợi tức ngon lành nhất, lớn nhất
trong cuộc đời của mình.
Những dữ liệu mà New York
Times có được cho biết, chỉ vài tuần lễ sau khi luật thuế doanh nghiệp mới được
ban hành, Trump đã gởi đi bản khai thuế yêu cầu những đợt bồi hoàn thuế đầu
tiên, tức là vào tháng 1 năm 2010. Thời điểm này giới làm thuế chuyên nghiệp
cho là thời điểm sẽ nhận được tiền bồi hoàn (refund) sớm nhất (quickie refund),
sở thuế thường hoàn tất việc trả tiền trong vòng 90 ngày từ khi nhận được tờ
khai thuế, cùng với việc sở thuế bắt đầu chuẩn bị các thủ tục cần thiết cho một
vụ audit hồ sơ thuế của người khai.
Tổng số tiền bồi hoàn thuế
liên bang của Trump lên tới 70.1 triệu đô la, cộng thêm $2,733,184.00 tiền lời.
Ngoài ra, Trump cũng nhận được tiền bồi hoàn từ nguồn thuế tiểu bang (state
tax) và thuế địa phương (local tax) cộng chung là 21.2 triệu đô la; khoản bồi
hoàn từ 2 nơi này thường lệ thuộc vào hồ sơ khai thuế liên bang.
Dù vậy, liệu Trump có giữ
được trong túi khoản tiền kếch xù đó không, câu hỏi này hiện nay khó có thể trả
lời.
Những khoản bồi hoàn lớn
như thế thường đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của các viên chức phụ trách công việc
audits và ý kiến của một ủy ban hỗn hợp lưỡng đảng về thuế vụ của Quốc hội, có
nhiệm vụ xem xét những ảnh hưởng của các đạo luật về thuế. Luật thuế đòi hỏi ủy
ban phải thông qua các số tiền bồi hoàn thuế từ 2 triệu trở lên.
Các tài liệu lưu trữ cho
thấy, kết quả của các cuộc truy vấn (audits) về hồ sơ thuế của Trump đã được gởi
tới ủy ban hỗn hợp của Quốc hội Hoa Kỳ vào mùa xuân 2011. Một quyết định về kết
quả này đã được thỏa thuận vào cuối năm 2014, nhưng sau đó, các cuộc truy vấn lại
được mở ra. Lần này, nội dung truy vấn bao gồm cả các bản khai thuế từ năm 2010
cho đến 2013 của Trump. Mùa xuân năm 2016, khi Trump hầu như nắm chắc trong tay
chiếc vé đề cử của đảng Cộng Hòa, nội vụ thuế của Trump được gởi lại cho ủy ban
hỗn hợp. Cho đến nay, hồ sơ này vẫn còn nằm ở đó, chưa được giải quyết và thời
hạn phải kết thúc vụ việc (statue of limitations) cứ tiếp tục được nới rộng.
Lý do tại sao vụ việc bị
trì trệ tại Quốc hội chưa ai được biết rõ ràng. Nhưng các giới chức thạo việc
đoán rằng, khoảng cách về các ý kiến của hai bên vẫn còn khá rộng. Nếu những cuộc
điều đình bị lâm vào bế tắc, vụ việc có thể phải đưa ra tòa án liên bang giải
quyết, khi ấy công chúng sẽ có cơ hội được tỏ tường hơn.
Nội dung gây tranh cãi có
thể tập trung vào một đầu mối chính, phát xuất từ một trang trong hồ sơ khai
thuế năm 2009 của Trump: Lời khai về hơn 700 triệu đô la lỗ doanh nghiệp mà ông
ta không được phép khấu trừ từ những năm thuế trước đó. Tháo cũi sổ lồng
cho những tấm phiếu thưởng (coupon) nói trên sẽ cho phép Trump
chính thức nhận được một phần hoặc toàn bộ số tiền bồi hoàn thuế khổng lồ.
Những tài liệu mà New
York Times có được không liệt kê rõ ràng doanh nghiệp/ hay những doanh nghiệp
nào của Trump đã phát sinh số lỗ lã kếch xù nói trên. Nhưng lỗ lã doanh nghiệp
là một loại lỗ lã mà doanh nghiệp chỉ được phép khai (và sử dụng khấu trừ) khi
các đối tác từ bỏ quyền lợi của mình trong doanh nghiệp ấy. Và năm 2009, Donald
Trump cắt đứt mọi dính líu của mình với doanh nghiệp từ lâu đã gây nên những lỗ
lã khổng lồ của ông ta: Công ty sòng bài Atlantic City.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/0-5.jpg
Trump thông báo
trong năm 2009 rằng, ông ta đã từ bỏ mọi quyền lợi của mình ở sòng bài Atlantic
City. Nguồn: Mark Makela cho NYT
Sau khi các chủ nợ của
công ty khước từ đề nghị của Trump muốn mua lại doanh nghiệp, và giữa lúc lần
khai phá sản thứ ba đang dọn đường xảy ra, tháng 2 năm 2009, Trump tuyên bố rút
lui ra khỏi hội đồng quản trị của công ty.
Ông ta trả lời phỏng vấn
của hãng thông tấn AP: “Nếu tôi không quản lý được công ty, tôi không
muốn mình dính dáng gì đến nó. Tôi là một trong những chuyên viên kiến tạo
doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Tôi vẫn còn nhiều tiền và còn nhiều nơi khác để
bắt đầu lại”.
Cùng ngày, Trump thông
báo ủy ban hối đoái và chứng khóan (SEC – Securities and Exchange Commission) rằng,
ông ta đã nhận định “những quyền lợi trong tư cách cổ đông của mình ở công
ty đã trở nên không còn giá trị gì nữa và cũng không còn tiềm năng để có thể phục
hồi” và rằng “do đó từ bỏ” mọi quyền sở hữu của mình (trong công
ty).
Ở đây ngôn ngữ giữ vai
trò rất quan trọng. Trump sử dụng một cách chính xác từng chữ một từ quy định của
sở thuế (IRS), những quy định xác quyết các cách thức có lợi cho chủ doanh nghiệp
né tránh việc trả thuế khi không còn liên quan gì đến doanh nghiệp nữa.
Một đối tác bước ra khỏi
một doanh nghiệp mà mình là cổ đông với hai bàn tay trắng – luật thuế gọi đó là
sự từ bỏ (abandonment) – có thể khai lỗ doanh nghiệp mà trong những năm thuế
trước đây người ấy đã không thể khấu trừ. Nhưng vẫn có một số điểm lắc léo, bao
gồm: Từ bỏ (abandonment), về bản chất, là một lựa chọn tất cả hoặc
không có gì hết. Nếu sở thuế phát giác ra người chủ doanh nghiệp
có nhận lại bất cứ một thứ gì đó thì số lỗ lã được cho phép khấu
trừ chỉ còn $3,000.00 mỗi năm.
Và có vẻ như Donald
Trump đã có nhận lại một chút gì đó. Khi các thủ tục phá sản của
sòng bài Atlantic City hoàn tất, ông ta được 5% các cổ phần trong công ty mới.
Tài liệu thuế mà New York Times có được, không cho biết rõ ràng về có hay không
chi tiết hồ sơ thuế đòi lại tiền bồi hoàn thuế của Trump phản ánh lời tuyên bố
công khai từ bỏ mọi quyền lợi của mình ở công ty cũ (tức sòng bài Atlantic City
đã tuyên bố phá sản). Nếu quả thật có chi tiết này trong hồ sơ thuế đòi tiền bồi
hoàn (refund), thì khoản 5% Trump hưởng được từ công ty mới sẽ gây nhiều rắc rối
cho ông ta trong việc sở hữu hợp pháp khoản refund này.
Nếu các điều tra viên chịu
trách nhiệm công việc audit hồ sơ thuế của Trump cuối cùng đi đến kết luận,
Trump không đủ điều kiện để nhận lại khoản 72.9 triệu đô la refund từ chính phủ
liên bang, ông ta sẽ bị buộc phải trả lại số tiền đã nhận, cộng với tiền lời,
và rất có thể kèm theo đó là tiền phạt. Cộng chung lại, con số sẽ vượt quá 100
triệu đô la. Mặt khác, ông ta cũng sẽ bị buộc phải trả lại số tiền bồi hoàn từ
tiểu bang (state refund) và địa phương (local refund) có gốc rễ từ chung một hồ
sơ khai thuế với liên bang.
Để trả lời câu hỏi về trường
hợp hồ sơ thuế của Trump đang bị sở thuế truy vấn (audit), luật sư của tổ hợp
Trump, ông Garten cho rằng, những dữ liệu mà New York Times căn cứ vào đó để
đánh giá thực trạng thuế của Trump không xác thực, nhưng Garten không đưa ra một
chi tiết cụ thể nào. Tuy nhiên, ông ta viết rằng, thật là “phi lý”
(illogical) khi cho rằng ông Trump không đóng một đồng thuế nào trong 3 năm chỉ
vì sau đó số tiền thuế đã đóng được bồi hoàn lại (refunded).
Garten viết: “Trong
lúc các ông cho rằng tổng thống Trump không trả một đồng thuế nào trong 10 năm
của 15 năm thuế trước đây, các ông cũng khẳng định rằng tổng thống Trump đã
khai thuế để nhận lại tiền bồi hoàn hàng chục triệu cho số tiền thuế mà tổng thống
đã thật sự trả. Hai điều ấy hoàn toàn mâu thuẫn, và dù ở bất cứ bối cảnh nào,
không được căn cứ trên những dữ kiện chính xác”.
Các dân biểu của đảng Dân
Chủ, từ lâu theo đuổi mục đích cho kỳ được là có các hồ sơ thuế của Trump trong
tay, hẳn có thể không biết rằng, ít nhất một số hồ sơ thuế của Trump đang có mặt
trong tòa nhà trụ sở Quốc hội. George Yin, người trước đây từng là tham mưu trưởng
của ủy ban hỗn hợp lưỡng đảng Quốc hội, cho biết, bất cứ một tài liệu thuế nào
thuộc về người trả thuế đang được ủy ban xem xét, đều được quản lý chặt chẽ bởi
một số rất nhỏ các luật sư làm nhiệm vụ tham mưu cho ủy ban và cũng rất hiếm
khi họ bằng lòng chia sẻ các tài liệu này với các chính trị gia (tức dân biểu)
có trách nhiệm trong ủy ban.
Cũng rất có thể những
phán quyết về trường hợp hồ sơ thuế bị audit của Trump tạm đình trệ vì lý do
Trump là tổng thống đương nhiệm, đưa vấn đề ra vào lúc này sẽ ảnh hưởng khả
năng tái tranh cử của ông ta. Nếu câu trả lời mới đây của Trump trong cuộc phỏng
vấn của Sean Hannity trên đài Fox News (“Họ đối xử với tôi ghê khiếp lắm, bọn
sở thuế ấy mà, ghê khiếp lắm!”) là một dấu chỉ có ý nghĩa, thì rõ ràng
ông ta đang tỏ ra hết sức khó chịu mỗi khi vấn đề audit thuế này được nói đến.
Trump nói với Hannity: “Điều
xảy ra thật đáng hổ thẹn. Chúng tôi đã thỏa thuận rồi. Mà đúng vậy, tôi đã ký rồi.
Thế mà lúc tôi ra tranh cử, hoặc cả đến lúc tôi đắc cử, một chuyện xảy ra mãi
tít ở đâu đâu trong quá khứ, bỗng nhiên mọi thứ có vẻ như ‘này nhé, hãy bắt đầu
lại từ đầu nhé!’, Thật đáng xấu hổ”.
(Còn tiếp)
Kỳ tới: Giải pháp 20 phần trăm
No comments:
Post a Comment