Hãy
Bầu Cho Nhân Quyền: Quan Điểm Của Một Cựu Thuyền Nhân Tị Nạn Việt Nam
12/10/2020
https://vietbao.com/a305285/hay-bau-cho-nhan-quyen-quan-diem-cua-mot-cuu-thuyen-nhan-ti-nan-viet-nam
Qua trải nghiệm trước hết của một người tị nạn, rồi sau đó của một luật
sư, tôi đã chứng kiến và sống trong một nước Mỹ thật sự “vĩ đại.” Nước Mỹ là
một quốc gia đã chào đón người tị nạn và trân quý nhân quyền. Tuy nhiên, các chính
sách nhập cư của Donald Trump đã biến đổi cái hồn của xứ sở này đến độ tôi
không còn nhận ra nữa.
Tôi chỉ mới là một đứa bé chập chững biết đi khi gia đình tôi trốn khỏi
Việt Nam vào ngày 5 tháng 5, 1979 trên một chiếc thuyền ọp ẹp với khoảng 300 người
từ cái làng ở Quảng Ngãi, không xa Mỹ Lai lắm, nơi đã xảy ra cuộc tàn sát.
Cha tôi, nay đã qua đời, là một người chống cộng hăng say và sẵn lòng hy sinh
mạng sống của mình, kể cả mạng sống của hai đứa con nhỏ, mẹ già, và mẹ tôi để
thoát khỏi áp bức, đói khát, tham nhũng và bạo lực. Sau năm đêm dài, khi chúng
tôi sắp đến được Hồng Kông thì thuyền hỏng máy. Tàu Hải quân Anh thấy chúng
tôi, nhưng bỏ mặc, có lẽ vì họ cho rằng mọi người trên thuyền đều đã chết.
Trong ba tuần, chúng tôi co ro, đói khát và ốm đau trên một chiếc thuyền đã bị
nước tràn vào. Cuối cùng khi thuyền được kéo vào bờ, chúng tôi chỉ nhẹ người
được trong giây lát vì đứa em sơ sinh của tôi bị người ta giằng mang đi, mà
không có một lời giải thích hay cảnh báo. Sữa của mẹ tôi đã cạn và em tôi đã
gần kề với cái chết rồi. Cha mẹ tôi thật sự không biết em còn sống hay đã chết,
nhưng chừng một tháng sau, người ta mang em trở lại với gia đình, tròn trịa và
như đã sống lại lần thứ hai. Cha tôi xin được hưởng quy chế tị nạn và sau 11
tháng, chúng tôi có được nơi nương náu. Chúng tôi không được chuyển sang Châu
Âu, mà là Hoa Kỳ.
Nước Mỹ đã chào đón gia đình tôi với sự hứa hẹn tự do và yên ổn. Từ năm
1975 cho đến khoảng giữa thập niên 1990, chính phủ Hoa Kỳ đã đón nhận hơn 1
triệu người tị nạn Việt Nam, kể cả những người đi theo diện Orderly Departure
Program – ODP đoàn tụ gia đình. Đặt chân lên đất nước của cơ hội và tự do,
người tị nạn đã phát triển các cộng đồng đầy sức sống khắp nơi trên nước Mỹ,
với những thương gia, chủ nhà hàng, chuyên gia, nghệ sĩ, giới khoa bảng và lãnh
đạo. Thức ăn Việt nay là phần không thể thiếu trên các thực đơn và trong khối
từ ngữ ẩm thực của nước Mỹ.
Tôi còn quá nhỏ để giữ được ký ức về chuyến vượt biên rất nguy hiểm,
nhưng là người tị nạn lớn lên trên xứ sở này, trải nghiệm đó trở thành nền tảng
trong công việc của tôi trong ngành luật nhân quyền và di trú. Là luật sư cho
Quỹ Hỗ Trợ Pháp Lý – Legal Aid Foundation của Los Angeles, được Liên Hiệp Quốc
và Văn phòng Tái Định cư Tị nạn Hoa Kỳ tài trợ, tôi đại diện cho những người tị
nạn và xin tị nạn đã từng bị chính phủ của họ đàn áp và tra tấn. Tôi làm việc
trong những trung tâm tạm giam và chứng kiến tận mắt cách họ bị nhốt và đối xử
như tù tội tuy họ không hề gây ra tội phạm gì. Họ phải ngủ trên những chiếc
giường ba tầng, hoặc ghế bố trên sàn nhà ở chỗ trống giữa các giường. Cá nhân
tôi đã chứng kiến họ phấn đấu để giữ nhân phẩm và duy trì sức sống sau nhiều
tháng giam giữ - nhiều khi là hàng năm – với hy vọng được đoàn tụ với gia đình.
Nhưng ít ra, những người này còn có cơ hội được xin tị nạn.
Với Donald Trump nắm quyền, Hoa Kỳ không còn là nơi trú ẩn coi trọng nhân
quyền nữa. Chỉ bảy ngày sau khi nhậm chức, Trump ban hành sắc lệnh khởi đầu một
thời đại khắt khe về di trú chưa từng thấy từ khi có luật Cấm Người Hoa –
Chinese Exclusion Act vào năm 1882. Sắc lệnh này của Trump cấm người từ bảy
quốc gia Hồi giáo được nhập cư, cũng như tất cả người tị nạn từ bất cứ nơi nào.
Đây cũng là thời điểm số người tị nạn trên toàn thế giới tăng vọt lên đến mức
chưa từng thấy. Các nhóm đấu tranh cho nhân quyền và quyền dân sự lập tức khởi
kiện sắc lệnh này là vi hiến và vi phạm luật liên bang. Vào năm 2018, Tối cao
Pháp viện đã đưa ra quyết định với 5 phiếu thuận, 4 chống, cho phép phiên bản
thứ ba của luật “cấm Hồi giáo” này được thi hành, và tình trạng này vẫn kéo dài
cho đến ngày nay. Thêm nữa, Tổng thống Trump cắt con số người tị nạn vào nước
Mỹ từ 85 ngàn trong năm 2016 xuống còn 18 ngàn trong năm 2020, và bây giờ chỉ
còn 15 ngàn trong năm 2021. Đây là mức thấp nhất từ khi chương trình tái định
cư tị nạn chính thức của Mỹ bắt đầu 40 năm trước khi Luật Tị Nạn được thông qua
vào năm 1980.
Có lẽ cao điểm của sự tàn ác của Trump là chính sách cách ly trẻ em từ bố
mẹ chúng vào năm 2018, một phần của chế độ rộng lớn hơn không dung thứ việc
vượt biên giới không hợp pháp từ Mexico vào Mỹ. Cần nhớ rằng người tị nạn Việt
Nam cũng đã từng trốn khỏi Việt Nam và nhập cư bất hợp pháp vào các quốc gia
khác. Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh trên màn ảnh của những người đàn ông,
đàn bà, trẻ em và em bé sơ sinh bị nhốt trong các chuồng sắt. Trẻ em khóc gọi
bố mẹ. Bố mẹ rống lên vì mất con. Các gian nhà bẩn thỉu và chật chội tựa như
chỗ nuôi súc vật. Các hình ảnh này rung động lương tâm của cả một quốc gia,
nhưng thật ra không tả hết được những việc rùng rợn xảy ra tại chỗ. Cảnh sát di
trú ICE tách hàng ngàn trẻ em ra và buộc chúng phải hầu tòa trước những chánh
án di trú để xin khỏi bị trục xuất. Hãy tưởng tượng một em bé 5 tuổi phải một
mình trình diện trước một chánh án di trú, không có bố mẹ đi cùng chứ đừng nói
gì đến luật sư. Cuộc khủng hoảng nhân đạo này vẫn tiếp tục cho đến bây
giờ.
Và hiện nay chính quyền Trump đang tìm cách thay đổi luật để làm tiêu
chuẩn tị nạn ở xứ sở này còn khó khăn hơn, mà từ trước tới nay việc này đã
không dễ dàng gì. Vào năm 2019, không đến một phần ba số người nộp đơn đã được
chấp thuận. Các thay đổi Trump đề nghị sẽ tạo thêm trở ngại cho người xin tị
nạn khi qua thủ tục được xét họ có lý do chính đáng để sợ hãi không và sau đó
mới được tiến hành xin tị nạn. Điều này cũng làm con số người được hưởng quy
chế tị nạn giảm sút đáng kể vì nó không còn đồng nhất với tiêu chuẩn của Thỏa
thuận Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc nữa. Mục đích của chính quyền Trump là
thu nhỏ định nghĩa những thành phần nào hội đủ tiêu chuẩn, để cuối cùng từ chối
không bảo vệ những nạn nhân đã bị tra tấn. Những hạn chế này được áp dụng cho
những cá nhân xin tị nạn ở Mỹ, kể cả người tị nạn Việt Nam còn tiếp tục trốn
thoát khỏi chế độ đàn áp của Việt Nam. Trump đã áp dụng một điều lệ mới, buộc những
người xin tị nạn phải chờ một năm trước khi có được giấy phép làm việc. Thời
gian chờ đợi trước kia chỉ là 5 tháng. Một số người xin tị nạn sẽ không bao giờ
được giấy phép làm việc, nếu họ đã nhập cư bất hợp pháp. Ngăn cản không cho
người xin tị nạn được làm việc hợp pháp tước đi nguồn sinh sống của họ trong
khi trường hợp của họ đang được hệ thống di trú Hoa Kỳ duyệt xét.
Luật sư và các nhà đấu tranh cho quyền lợi của họ ở tuyến đầu như tôi
không hiểu nổi các luật mới này vì chúng chỉ nhắm vào việc ngăn cản người tị
nạn ở biên giới, đi ngược với nguyên tắc nhân đạo của Hoa Kỳ như nơi trú ẩn cho
những ai chạy trốn bạo lực, chiến tranh, đàn áp và tra tấn. Khi chúng ta mở
biên giới và tấm lòng của mình, Hoa Kỳ trở thành một quốc gia hùng mạnh và giàu
có hơn. Nhưng hiện nay, các chính sách của Trump đã biến nước Mỹ thành một quốc
gia chủ động xua đuổi những người cần giúp đỡ và ở mức tệ hại nhất, kéo dài nỗi
kinh hòang mà họ đang chạy trốn khỏi. Tôi thương xót và mong có lại được cái
nước Mỹ đã đón nhận gia đình tôi và đã cho hơn một triệu người tị nạn Việt Nam
nơi trú ẩn an toàn. Để gìn giữ cái quốc gia chúng ta trân quý – quốc gia đã cho
chúng ta cơ hội để không những sống sót mà còn vươn lên, hãy đi bầu tháng 11
này.
Và hãy bầu cho NHÂN QUYỀN.
***
Kim Luu-Ng là một luật sư chuyên về di trú và bảo vệ
nhân quyền tại Los Angeles, đại diện cho những cá nhân và gia đình trên mọi
phương diện của luật di trú trước hệ thống luật di trú Hoa Kỳ. Bà là thành viên
của PIVOT – Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến và gửi bài từ Los Angeles,
California
*
Thắng Đỗ, thành viên Hội đồng Quản trị của PIVOT - Hội
Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến, chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh
No comments:
Post a Comment