5/10/2020
https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/19053-chua-va-sung
Về tin Tổng thống Mỹ
Donald Trump bị lây nhiễm Covid-19, báo The Atlantic đặt một
câu hỏi khá ngộ nghĩnh : "Có phải bạn đã đánh thức ai đó để báo tin Trump
bị nhiễm Covid-19 không ?".
https://live.staticflickr.com/65535/50423806677_eef7447f20.jpg
Sự kiện Tổng thống
Trump bị nhiễm Covid-19 là điểm đến đương nhiên của con đường mà chính ông đã
chọn cho mình.
Báo The Atlantic kể
chuyện : giữa đêm khuya bà Mira Assaf Kafantaris bổng nhận được một cú điện thoại
của chồng, một giáo sư đại học đang sống tại Columbus, Tiểu bang Ohio. Thoạt
tiên, bà Mira nghĩ đến một tin không lành về cha mẹ của bà hiện đang sống tại
Liban. Nhưng ông chồng cho biết ông đang tắm và đọc được trên điện thoại
tin Tổng thống Trump và vợ ông bị nhiễm Covid-19. Ông quyết định gọi về
báo tin cho vợ ngay vì ông bảo không thể chờ đến sáng mai được (1).
Chắc chắn trên khắp thế
giới đã có vô số những cú điện thoại như thế khi tin về việc tổng thống Trump bị
nhiễm Covid-19 được công bố. Tối thứ Sáu (2 tháng Mười, giờ Úc Đại Lợi), một cú
gọi như thế cũng đã được chuyển đến cho tôi. Tôi đang ở bãi câu. Nhà tôi gọi đến
để cho biết một ông bạn già của tôi vừa nghe được tin Tổng thống Trump bị nhiễm
Covid-19. Sợ tôi đi ngủ sớm mà bỏ lỡ cơ hội để nghe được một tin sốt dẻo, cho
nên đã gọi điện thoại đến và nhờ nhà tôi chuyển gấp tin này đến cho tôi.
Tin Tổng thống Trump bị
nhiễm Covid-19 quả là tin sốt dẻo. Nhưng không hiểu sao tôi không ngạc nhiên lắm.
Tôi không ngạc nhiên là bởi lẽ đây là chuyện tất yếu phải đến mà thôi. Sự kiện Tổng thống Trump bị nhiễm
Covid-19 là điểm đến đương nhiên của con đường mà chính ông đã chọn cho mình.
Tôi không
ngạc nhiên là bởi lẽ những lời tuyên bố và cách ứng phó của ông với cơn đại dịch
cho bản thân ông cũng như cho nhân dân Mỹ là một chuỗi những hành động thách thức
đầy rủi ro, nếu không muốn nói là hoàn toàn thiếu khôn ngoan. Chính thái độ
thách thức của ông đã khiến cho đệ nhứt siêu cường là Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới về
số người bị nhiễm và chết vì đại dịch Covid-19.
Chuyện ông xem thường đại
dịch thì đã rõ như ban ngày. Như được tiết lộ trong cuốn sách "Rage"
(Cơn phẫn nộ) do ký giả Bob Woodward của báo The Washington Post thu
thập từ 18 cuộc nói chuyện với ông, mặc dù ngay từ đầu đã biết đại dịch là một
mối nguy hiểm "chết người", ông vẫn luôn miệng tung ra thuyết âm mưu
theo đó Covid-19 là một "cú lừa" của Trung Quốc và nhứt là của Đảng
Dân Chủ và bọn truyền thông "thổ tả".
Cho tới nay không những tại
Mỹ mà ngay cả tại Úc Đại Lợi của tôi, vẫn còn nhiều người tin lời của ông. Phủ
nhận và xem thường đại dịch cho nên Tổng thống Trump đã không ngừng tỏ thái dộ
ngạo mạn và thách thức đối với các chuyên gia y tế bằng cách không mang khẩu
trang nơi công cộng và chế nhạo những người mang khẩu trang. Điển hình nhứt là
trong cuộc tranh luận với ứng cử viên Joe Biden của Đảng Dân Chủ tại
Cleverland, Tiểu bang Ohio vào tối thứ Ba 29 tháng Chín vừa qua, ông đã chế giễu
ông Biden về chuyện đeo khẩu trang với những lời lẽ mỉa mai như sau "Tôi
không đeo khẩu trang giống như ông ta. Mỗi lần thấy ông ta là thấy đeo khẩu
trang. Ông ta đứng xa cả 200 feet mà còn đeo cái khẩu trang lớn nhứt mà tôi
chưa từng thấy".
https://live.staticflickr.com/65535/50423640796_3fe4821746_z.jpg
Tổng thống Trump
lúc nào cũng muốn tỏ ra mình là một con người hùng mạnh và thành đạt trong mọi
lãnh vực. Ảnh trích từ Twitter Donald Trump (@realDonaldTrump, 27/11/2019)
Tổng thống Trump không chỉ
có thái độ ngạo mạn và thách thức đối với các chuyên gia y tế và chính khoa học.
Với chủ trương không đeo khẩu trang và chế nhạo những người đeo khẩu trang, ông
thách thức chính con siêu vi Corona. Đàng sau khuôn mặt không đeo khẩu trang,
ông muốn nói với người Mỹ và cả thế giới rằng ông là nhà vô địch trong mọi mặt
trận và mọi phương diện. Ông là một thiên tài ổn định. Ông là người
thông minh nhứt. Ông là người thành công nhứt, trong kinh doanh cũng như trong
chính trường. Không biết có theo sách vở của mấy ông cộng sản Việt Nam không,
nhưng dường như ông thuộc lòng lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam :
"Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng", ngay cả kẻ
thù khủng khiếp nhứt hiện nay là Covid-19.
Có lẽ dòng máu "vô địch"
ấy đã được chính thân phụ ông là ông Fred Trump truyền lại cho ông. Một buổi
sáng dạo tháng Năm năm 1918, đang đi bách bộ với cha ông tại khu phố Queens,
ông nội ông bỗng than mệt. Ngày hôm sau, ông qua đời. Giấy khai tử ghi ông nội
ông bị sưng phổi. Theo Gwenda Blair, người viết tiểu sử của ông Fred Trump, ông
nội của Tổng thống Trump là một trong những nạn nhân đầu tiên của cơn đại dịch
thường được gọi là Cúm Tây Ban Nha.
Lúc bấy giờ, ông Fred
Trump chỉ mới lên 12 tuổi. Ông buồn vì thấy mẹ mình đau buồn chớ không phải vì
sự ra đi đột ngột của cha mình. Ông khẳng định với người viết tiểu sử của ông :
"Tôi không hề buồn". Nhắc lại câu chuyện này trong cuốn sách viết về
ông chú của mình là Tổng thống Trump, người mà bà gọi là "con người nguy
hiểm nhứt thế giới", bà Mary Trump nói về ông nội mình : "Ông không
muốn nhìn nhận hay cảm thấy thua thiệt mất mát". Theo bà Mary Trump, ông
Fred Trump đã dạy cho con cái của ông, nhứt là cậu con thứ Donald Trump rằng
"Yếu đuối là tội lớn nhứt trong các thứ tội" đối với dòng họ Trump. Tony Schwartz, "văn sĩ
ma" (ghost writer) đã chấp bút cho cuốn sách nổi tiếng của tổng thống
Trump "Nghệ thuật ngã giá" (The Art of the Deal) cũng biểu đồng tình
với bà Mary Trump khi ông nhận định : "Yếu đuối là nỗi lo sợ lớn nhứt của
ông Trump" (2).
Chính vì "yếu đuối
là nỗi lo sợ lớn nhứt" của mình, mà Tổng thống Trump lúc nào cũng muốn tỏ
ra mình là một con người hùng mạnh và thành đạt trong mọi lãnh vực. Vì sợ người
ta biết mình "yếu đuối" trong học vấn cho nên ông đã ra lệnh cho
người luật sư riêng là Michael Cohen phải tìm đủ mọi cách để sách nhiễu và
dọa nạt những ngôi trường nơi ông Trump đã theo học để họ không công bố thành
tích học hành không mấy sáng sủa của ông. Vì sợ lộ ra chân tướng của một
doanh nhân chuyên khai phá sản và trốn thuế cho nên ông không bao giờ chịu
cho công bố hồ sơ thuế của mình như các ửng cử viên vào các chức vụ công quyền
vẫn thường làm. Vì sợ người ta thấy sự yếu nhược của mình cho nên trong
cuộc tranh luận vừa qua với ông Joe Biden ông đã không ngừng ngắt lời, tấn công
một cách thô bạo đối thủ và ngay cả người điều hợp viên. Và dĩ nhiên, vì sợ
đánh mất bộ mặt giả tạo của một người hùng, ông đã không tuân thủ việc đeo
khẩu trang trong các cuộc vận động tranh cử. Mới đây khi đang điều trị tại quân
y viện Walter Reed, ông vẫn xé rào ra lệnh cho một đoàn xe đưa ông đi một vòng
các đường phố để vẫy tay chào đón những người ủng hộ ông, bất kể nguy hiểm có
thể xảy ra cho những người hộ tống ông... Một bác sĩ làm việc tại quân y
viện đã gọi đây là một hành động "điên rồ" (insanity). Nhưng với Tổng
thống Trump, đây lại là một cách để biểu lộ sự "hùng mạnh" vô địch của
ông.
"Yếu đuối
là nỗi lo sợ lớn nhứt" của
ông cho nên ông đã miệt thị các chiến sĩ trận vong và bất cứ binh sĩ nào đã
tham chiến khi gọi họ là những kẻ "thua cuộc" và "ngớ ngẩn".
"Anh hùng", "hùng mạnh" hay "khôn lỏi" như ông là
phải biết trốn lính và trốn thuế !
"Sức mạnh" vô địch
và sự thu hút của một người tuyên bố "đứng ở Đại lHộ số 5" ở
New York để bắn ai đó mà vẫn không bị những người ủng hộ bỏ rơi" dĩ nhiên
chỉ có thể có nguồn gốc "thần linh" mà thôi. 80 phần trăm các tín hữu tin lính
của Kitô giáor tin rằng tổng thống Trump là người được Thiên Chúa
"tuyển chọn" (The Chosen One) giống như một số nhân vật lịch sử của
Do Thái là Moise hay David. Chính
ông cũng nhìn nhận rằng mình là người được Thiên Chúa tuyển chọn để
"đánh" Trung Quốc (3).
https://live.staticflickr.com/65535/50422944143_d0fca0b593.jpg
Các tín hữu Kitô và người công giáo nói riêng phải
nghĩ gì khi biểu tượng của tình thương, sự cảm thông và tha thứ là Thập giá được
thay thế bằng súng đạn.
Gần đây, người được Thiên
Chúa "tuyển chọn" Donald Trump đã đảm nhận sứ mệnh bảo vệ
Kitô giáo khi tuyên bố rằng nếu ông Joe Biden mà đắc cử thì sẽ "không
còn tôn giáo, không còn Kinh Thánh, không còn Chúa, không còn dầu lửa, không
còn súng" (4).
Tôi không biết người cầm
quyển Kinh Thánh đứng chụp hình trước cửa nhà thờ St John ở Thủ đô Washington dạo
đầu tháng Sáu vừa qua có thường đọc Tân Ước trong Kinh Thánh không, nhưng khi
ông tuyên bố rằng câu Kinh Thánh ông ưa thích nhứt là câu "mắt đền mắt"
(5), tôi cảm thấy run sợ. Bởi lẽ Chúa Giêsu đã dạy : "Anh em đã nghe Luật
(xưa) dạy rằng "Mắt đền mắt, răng đền răng". Còn Thầy, Thầy
bảo anh em : đừng chống cự người xấu, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì
hãy giơ cả má bên trái ra nữa" (Mt 5, 38).
Lâu nay tôi chỉ thấy biểu
tượng trọng tâm của Kitô giáo là Thập Giá. Nay người được Thiên Chúa
"tuyển chọn" lại đặt Thiên Chúa bên cạnh khẩu súng. Mao Trạch Đông đã
để lộ chân tướng bạo tàn độc ác của ông khi ông tuyên bố rằng "quyền lực
chính trị phát xuất từ nòng súng". Nhưng các tín hữu Kitô và người công
giáo nói riêng phải nghĩ gì khi biểu tượng của tình thương, sự cảm thông và tha
thứ là Thập giá được thay thế bằng súng đạn.
Tôi không quen "cầu
nguyện" để xin phép lạ, nhứt là phép lạ được lành bệnh. Nhưng lương tâm
tôi không cho phép tôi mong ước điều xấu cho người gặp hoạn nạn. Tôi mong cho Tổng
thống Trump chóng lành bệnh để "đoạn trường ai có qua cầu mới hay",
cũng như Thủ tướng Boris Johnson của Anh Quốc, sau khi lành bệnh, ông cũng nhận
ra được bản chất mỏng dòn, yếu đuối và dễ tổn thương của con người hầu biết đồng
cảm và cảm thông hơn với người khác, nhứt là những ai đang hoặc sẽ phải chiến đấu
với đại dịch Covid-19. Đó là bài học mà tôi thường "ngộ" ra mỗi khi
nhìn lên Thập Giá, biểu tượng cốt lõi của Kitô giáo.
Chu Văn
(05/10/2020)
----------
Chú thích :
1. Did
You Wake Anyone Up to Tell Them Trump Has Covid-19 ?
2. "Weakness
was the Greatest Sin of All" : How a Lifelong Need to Seem Strong Made
Trump Vulnerable"
3. Donald
Trump says he is 'the chosen one' to take on China – video
4. Trump said
'there will be no God' if Biden is elected
5. Trump’s
favorite Bible verse : "eye for an eye"
No comments:
Post a Comment