Biển
Đông: Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực PCA và tác động đến Việt Nam
Thu
Hằng -
RFI
Đăng
ngày: 05/10/2020 - 15:42
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thay đổi lập
trường về những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông đề cao giá
trị phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực là « một phần
của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài mọi thỏa hiệp và ngoài tầm với của các
chính phủ ».
Tổng thống
Philippines Rodrigo Duterte (T) bắt tay thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc
ngày 29/09/2016. Hai bên đã thảo luận về việc phân định ranh giới biển ở Biển
Đông. © AP - Hoang Dinh Nam
Lời lẽ cứng rắn
trong bài phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
ngày 22/09/2020 của ông Duterte khác hẳn với thái độ nhún nhường trước Bắc Kinh kể từ khi nhậm chức
tổng thống. Phải chăng bốn năm « hảo hảo » với Trung Quốc mà không có kết
quả đã khiến ông Duterte vỡ mộng ? Hay do Hoa Kỳ dồn dập tăng sức ép với Trung Quốc trên mọi hồ sơ, đặc
biệt là việc thay đổi chính sách đối với các yêu sách hàng hải
ở Biển Đông, theo phát biểu ngày 13/07/2020 của ngoại trưởng Mike Pompeo ?
Philippines khẳng định
tuân thủ phán quyết của Tòa PCA và « kiên quyết phản đối những nỗ
lực chống lại phán quyết này », vẫn theo bài diễn văn của tổng thống
Duterte. Việt Nam là một trong những bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Vậy phán quyết về Biển Đông của
Tòa Trọng Tài Thường Trực trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc có liên quan và
có tác động như nào đến trường hợp của Việt Nam ?
Những hoạt động quân sự ngày càng rầm rộ với quy mô lớn
mà Trung Quốc thường xuyên tiến hành ở Biển Đông từ đầu năm 2020 khiến Việt
Nam, cũng như các nước trong khu vực, luôn trong thế phòng ngừa. Ngoài phản đối, lên án, liệu Hà Nội có tính đến phương án đưa vụ việc
ra PCA như Manila đã làm năm 2016 ? Nếu có, đâu là những điểm lợi và thiệt ?
RFI Tiếng Việt phỏng vấn nhà nghiên cứu
Laurent Gédéon, trường Sư Phạm Lyon, Pháp. Bài phỏng vấn được chia làm hai phần.
Tạp chí Việt Nam hôm nay,
05/10/2020, giới thiệu Phần 1: "Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển
Đông và tác động đến Việt Nam".
*****
RFI : Tháng 07/2016, Tòa Trọng Tài Thường
Trực La Haye đã ra phán quyết về vụ kiện Philippines-Trung Quốc liên quan đến vấn
đề Biển Đông. Xin ông nhắc lại một số ý chính trong phán quyết này !
Laurent Gédéon : Tòa Trọng Tài Thường Trực được
Philippines viện đến để đưa ra những điểm cụ thể liên quan đến Biển Đông, như
hiệu lực các quyền truyền thống, lịch sử, của Trung Quốc, « đường
chín đoạn », quy chế của các đảo và đá khác nhau, những ảnh hưởng đến môi
trường do việc bồi đắp một số đảo và cuối cùng là việc Trung Quốc vẫn tiếp tục
hoạt động sau khi Philippines đã nộp đơn kiện.
Về những quyền lịch sử và
« đường 9 đoạn » mà Trung Quốc tự vẽ, Tòa Trọng Tài Thường Trực đã
bác những yêu sách có lợi cho Trung Quốc về những « quyền lịch sử »
dù là ở vùng biển trong phạm vi « đường 9 đoạn », những yêu sách về
những nguồn tài nguyên sinh vật hoặc phi sinh vật trong khu vực đó, nói một
cách khác là trong gần như hầu hết Biển Đông. Tòa PCA cho rằng những yêu sách
chủ quyền của Bắc Kinh không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, dù Tòa không phủ nhận
rằng Trung Quốc có thể đã hoạt động trong toàn bộ khu vực này từ thời xa xưa và
có thể đã khai thác những nguồn tài nguyên, cũng như sử dụng nhiều hòn đảo ở
đó. Tuy nhiên, Tòa Trọng Tài Thường Trực đánh giá không có bất kỳ bằng chứng
nào cho thấy Trung Quốc đã độc quyền tiến hành và không bị gián đoạn.
Liên quan đến quy chế của
các đảo và đá, Tòa phán quyết rằng trong khu vực biển theo đơn kiện của
Philippines có những thực thể không thể được coi là « đảo » theo luật
pháp quốc tế mà chỉ được coi đơn thuần là « đá ». Những đánh giá pháp
lý này có những hệ quả quan trọng, bởi vì « đảo » có thể có những khu
vực biển như là lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa, trong khi
« đá » không cho phép hình thành những khu vực như trên.
Về điểm này, Tòa Trọng
Tài Thường Trực đã khẳng định rằng những « đá » ở Biển Đông phải được
nhìn nhận đúng với thực trạng tự nhiên ban đầu của chúng. Vì thế, dù nếu có chỉnh
trang, bồi đắp hay đưa dân cư đến sinh sống mà trước đó không hề có, để biến một
« đá » thành « đảo », thì luật pháp quốc tế không công nhận
đó là một hòn đảo, và như vậy sẽ không có những vùng lãnh hải như vùng đặc quyền
kinh tế hay thềm lục địa. Tóm lại, theo quan điểm của luật pháp quốc tế, tất cả
những công trình bồi đắp các thực thể mà chính quyền Bắc Kinh tiến hành đều vô
hiệu.
Tiếp theo, liên quan đến
tình trạng môi trường và môi trường biển, phán quyết của Tòa đã nêu rằng những
hoạt động của Trung Quốc về mặt đánh bắt hải sản và bồi đắp các đảo đã tác động
nghiêm trọng đến môi trường. Ngoài ra, Trung Quốc đã không thực hiện nghĩa vụ bảo
vệ và bảo tồn ở Biển Đông.
Cuối cùng, Tòa Trọng Tài
Thường Trực cho rằng Trung Quốc đã vi phạm những nghĩa vụ quốc tế của mình vì
trong tiến trình xét xử, Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hoạt động bị phản đối, lên
án.
.
RFI : Vậy phán quyết của Tòa Trọng Tài
Thường Trực tác động thế nào đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Việt Nam
và Philippines ?
Laurent Gédéon : Hiện tại, Việt Nam đang kiểm soát 26 đảo
và đá thuộc quần đảo Trường Sa. Nhưng khi nhìn kỹ bản đồ, người ta thấy là 4/5
số đảo và đá này nằm trong phần mà Philippines đòi chủ quyền ở quần đảo Trường
Sa. Đây chính là điểm trọng tâm tranh chấp tương lai giữa Việt Nam và
Philippines trong trường hợp hai nước đối đầu về vấn đề quần đảo Trường Sa.
Nếu căn cứ vào phán quyết
của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07/2016, cũng như việc áp dụng
phán quyết này đối với trường hợp Việt Nam, có thể thấy Việt Nam nhất trí với
Philippines chỉ ở một điểm và đối lập ở ba điểm.
Trước hết, Hà Nội và
Manila nhất trí ở yêu sách « đường 9 đoạn » của Bắc Kinh, có nghĩa là
hai nước cùng bác bỏ lập trường đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Ngược lại, đối
với những quyền lịch sử, người ta nhận thấy là lập trường của Việt Nam tương tự
với lập trường của Trung Quốc, bởi vì cả Hà Nội cũng như Bắc Kinh đều lập luận
theo « nguyên tắc lịch sử lâu đời », dựa vào các hoạt động thường
xuyên trong quá khứ ở những hòn đảo này và việc này được các thủy thủ, ngư dân
Việt Nam hay Trung Quốc ghi chép lại.
Nhưng chúng ta đã thấy là
lập luận này, nếu không có bằng chứng về « sự hiện diện thường trực »
và « độc quyền quản lý » các nguồn tài nguyên kinh tế, thì sẽ không
được chấp nhận về mặt pháp lý. Về điểm này, Việt Nam có lẽ phải thay đổi cách lập
luận nếu muốn nhận được sự hỗ trợ pháp lý của Tòa.
Tương tự, liên quan đến
quy chế các đảo - đá, Việt Nam, dù không làm mạnh như Trung Quốc, nhưng cũng tiến
hành bồi đắp, như trường hợp đảo Sơn Ca (Sand Cay) ở Trường Sa. Và như đã nói ở
trên, cách làm này là vô hiệu và không được công nhận. Ngoài ra, những hoạt động
bồi đắp này còn gây thiệt hại cho môi trường mà Việt Nam có thể bị Tòa Trọng
Tài Thường Trực lên án.
Tóm lại, về phương diện
pháp lý, chúng ta thấy là phán quyết của Tòa PCA có tác động thực sự đến tranh
chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Philippines. Nếu muốn đạt được tiến triển về mặt
pháp lý, Hà Nội cần phải xem lại các lập luận của mình.
.
RFI : Liệu Philippines có thể áp dụng
phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực vào trường hợp tranh chấp chủ quyền ở
Biển Đông với Việt Nam không ?
Laurent Gédéon : Trước hết phải nhắc đến một điểm lưu ý
quan trọng : Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực là phán quyết mang
tính bắt buộc về mặt pháp lý. Nói một cách khác, thủ tục trọng tài là tùy chọn,
các bên không bị bắt buộc phải kiện lên Tòa, nhưng việc thi hành phán quyết mà
Tòa Trọng Tài Thường Trực đưa ra là điều bắt buộc. Tuy nhiên, nếu một trong các
bên từ chối áp dụng phán quyết, Tòa PCA cũng không có phương tiện để bắt buộc
thực hiện phán quyết đó.
Liệu Philippines có thể
áp dụng phán quyết năm 2016 trong trường hợp tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở
Biển Đông hay không ? Tôi cho rằng câu trả lời cho câu hỏi này mang tính
chính trị. Phán quyết trọng tài đã trả lời cho những câu hỏi được Philippines đặt
ra và liên quan đến trường hợp Trung Quốc, chứ không liên quan đến Việt Nam. Để
Việt Nam cũng bị liên quan đến vấn đề này, phía Philippines phải viện đến Tòa
PCA một lần nữa về trường hợp của Việt Nam và Tòa phải ra phán quyết. Tuy
nhiên, nếu nhìn vào phán quyết liên quan đến Trung Quốc, có thể thấy rằng Việt
Nam sẽ phản đối những lập luận pháp lý của Tòa.
Vì vậy, cũng cần xem Việt
Nam có thể sẽ có lập trường như thế nào trong trường hợp Philippines viện đến
Tòa, vì phía Việt Nam có thể có hai khả năng : Công nhận thẩm quyền của
Tòa Trọng Tài Thường Trực và chấp nhận tiến trình trọng tài của Tòa hoặc như
trường hợp Trung Quốc, từ chối thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Cần nhắc
lại rằng Bắc Kinh đã từ chối thẩm quyền của Tòa Trọng Tài La Haye. Ngoài ra,
vào đúng vào ngày 12/07/2016 khi Tòa ra phán quyết, Trung Quốc đã ra tuyên bố,
thông qua bộ Ngoại Giao nước này, rằng phán quyết của Tòa là vô hiệu, không
mang tính ràng buộc đối với Trung Quốc và Bắc Kinh không công nhận, cũng như
không thừa nhận phán quyết của Tòa.
Lời từ chối này đẩy Bắc
Kinh vào thế khó vì Trung Quốc đã phê chuẩn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
(UNCLOS 1982) và phải theo toàn bộ công ước này. Việc từ chối tuân thủ luật
pháp quốc tế mang lại hình ảnh tiêu cực, cũng như ảnh hưởng đến uy tín của nước
này. Trường hợp này cũng có thể đến với Việt Nam.
Trở lại với Philippines,
về mặt pháp lý, lập trường của Manila được tăng cường nhờ việc phán quyết của
Tòa Trọng Tài Thường Trực không công nhận các yêu sách vùng đặc quyền kinh tế của
tất cả các bên tranh chấp, đối với các thực thể địa lý tại Biển Đông. Tuy
nhiên, có một điểm quan trọng, đó là Tòa đã không phán quyết về tình trạng của
các đảo và đảo nhỏ, đặc biệt là Tòa đã không giải quyết vấn đề quyền sở hữu đối
với các thực thể đó, tại vì Tòa Trọng Tài Thường Trực không có thẩm quyền ra
phán quyết về vấn đề chủ quyền.
Về tranh chấp chủ quyền với
Việt Nam ở Biển Đông, Philippines ở vào thế tế nhị bởi vì Manila không thể dựa
vào quyết định pháp lý theo luật quốc tế để khẳng định chủ quyền đối với những
hòn đảo mà Philippines đang kiểm soát. Trường hợp của Việt Nam cũng tương tự.
Vì thế, giải pháp còn lại đối với Philippines là mở đàm phán, kể cả với Việt
Nam. Nhưng điều này đòi hỏi nhiều điều kiện, mà trước mắt là Philippines và Việt
Nam phải tỏ thiện chí đạt được một giải pháp công bằng, tiếp theo cũng cần chấp
nhận điều kiện là trong quá trình đàm phán, có sự tham gia của một số quốc gia
khác quan tâm đến vấn đề các đảo ở Trường Sa.
.
RFI
Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường
Sư phạm Lyon, Pháp.
*****
Tạp chí Việt Nam (12/10/2020):
Phần 2 :
Nếu kiện, phán quyết của Tòa PCA tác động như nào đến đòi hỏi chủ quyền của
Việt Nam ?
Nhà nghiên cứu Pháp
Laurent Gédéon phân tích về những điểm lợi và thiệt đối với Việt Nam nếu Hà Nội
quyết định đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
Biển
Đông : Việt Nam có thể sắp kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
.
Đưa
vấn đề Biển Đông ra PCA: Việt Nam thận trọng cân nhắc thiệt, hơn
.
Tập
trận ở Hoàng Sa, Trung Quốc muốn ngăn Việt Nam kiện ra tòa quốc tế
No comments:
Post a Comment