Biển
Đông : Lợi - thiệt gì nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa PCA ?
Thu
Hằng -
RFI
Đăng ngày: 12/10/2020 - 09:45
Những đòi hỏi của
Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông ngày càng bị nhiều nước phương Tây lên án
vì trái với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Điều này cho thấy các nước
không chấp nhận việc Trung Quốc ngang nhiên khống chế, gia tăng quân sự hóa
vùng biển được coi là tuyến hàng hải quan trọng của thế giới.
Người dân Việt Nam tại
Hàn Quốc phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, gần đại sứ quán Trung Quốc
ở Seoul, ngày 24/07/2016. Ảnh minh họa. AP - Ahn Young-joon
Ngoài phản đối của những nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc, lần đầu
tiên Washington chính thức công bố “Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách tại Biển Đông” vào
ngày 13/07/2020. Tiếp theo, Úc vào ngày 23/07 và ba nước châu Âu, Pháp, Đức và Anh vào ngày 16/09, đã gửi công hàm lên
Liên Hiệp Quốc xác định những đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông của Bắc Kinh
là “không có cơ sở pháp lý” và “không có giá trị” theo
phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 chiểu theo Công Ước Liên Hiệp
Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Bối cảnh hiện nay có thuận lợi cho Việt Nam nếu tính đến việc kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng Tài Thường Trực
(PCA) ? Việt Nam sẽ được gì, mất gì nếu kiện ? Hà Nội có sẵn
sàng nhân nhượng để lập mặt trận chung với Philippines đối
phó Trung Quốc không ? Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, Trường Sư phạm Lyon,
Pháp, tiếp tục trả lời một số câu hỏi của RFI.
Tạp chí Việt Nam hôm nay, 12/10/2020, giới thiệu Phần 2 - "Biển Đông : Lợi - thiệt
gì nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa PCA ?".
*****
RFI : Chúng
ta đã đề cập phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 tác động như thế
nào đến đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Giả sử Việt Nam
kiện những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông ra trước Tòa Trọng Tài
Quốc Tế, Việt Nam có thể phản đối những điểm nào ?
Laurent
Gédéon : Cần phải nhắc lại
một điểm thú vị, đó là dù không trực tiếp cùng Philippines tham gia kiện Trung
Quốc lên Tòa Trọng Tài Thường Trực vào năm 2013, nhưng chỉ vài tháng sau, ngày
05/12/2014, Việt Nam đã đệ trình lên Tòa một bản tuyên bố quyền lợi. Trong văn
bản rất quan trọng này, Việt Nam yêu cầu Tòa PCA cân nhắc đến lập trường của
Việt Nam ở bốn điểm.
Thứ nhất là Hà Nội chấp nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực
trong thủ tục được tiến hành. Thứ hai, Việt Nam yêu cầu các lợi ích và quyền
lợi của mình được bảo tồn trong quá trình xét xử vụ kiện. Thứ ba, Việt Nam ghi
nhận rằng Philippines không yêu cầu Tòa PCA xem xét những vấn đề không thuộc
thẩm quyền phán xét của Tòa, trong đó có vấn đề chủ quyền. Thứ tư, Hà Nội tái
khẳng định bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong « đường 9
đoạn ».
Bản tuyên bố quyền lợi này cũng nêu rõ rằng Việt Nam tuyên bố không một
thực thể nào mà Philippines nêu trong đơn kiện có thể tạo các quyền hàng hải ở
ngoài phạm vi 12 hải lý, nói một cách khác là chỉ liên quan đến vùng lãnh hải
(12 hải lý) quanh mỗi thực thể. Cuối cùng, Việt Nam yêu cầu được nhận tất cả
mọi bản sao tài liệu được sử dụng trong tiến trình trọng tài.
Chúng ta thấy là năm 2014, Việt Nam đã tự can dự vào phạm vi tranh chấp
có thể sẽ được đệ trình bởi vì Hà Nội đã chấp nhận trước thẩm quyền của Tòa
Trọng Tài Thường Trực, tiếp theo là ngầm chấp nhận quyết định là không một thực
thể nào hình thành được vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và cho thấy là Tòa PCA
không thể ra phán quyết về chủ quyền. Đó là những điểm mà Hà Nội chấp nhận đối
với quần đảo Trường Sa, tương tự đối với Hoàng Sa.
Nếu Việt Nam kiện những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông ra
Tòa Trọng Tài Thường Trực, theo ý kiến của tôi, Hà Nội có thể kiện ở hai điểm.
Thứ nhất là những yêu sách lãnh hải của Trung Quốc nằm trong « đường 9
đoạn », cũng như khả năng yêu cầu Tòa PCA tái khẳng định tính chất bất hợp
pháp của « đường 9 đoạn » này. Thứ hai, Hà Nội có thể yêu cầu Tòa lên
án những hành động lấn chiếm của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam vì bản đồ « đường 9 đoạn » do Bắc Kinh tự vẽ chồng lấn rất
lớn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
.
RFI : Giả
sử Tòa Trọng Tài Thường Trực đưa ra phán quyết, phán quyết này sẽ tác động như
thế nào đến những đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam ?
Laurent
Gédéon : Dựa vào những gì
chúng ta vừa đề cập, sẽ không có hệ quả trực tiếp do thông thường Tòa Trọng Tài
Thường Trực không có thẩm quyền phán quyết về chủ quyền, vì thế chủ đề này sẽ
vẫn tạm gác đó trong lúc chờ giải pháp chính trị.
.
RFI : Ngày
13/07/2020, lần đầu tiên Hoa Kỳ đề cập trực tiếp về những tranh chấp giữa các
bên ở Biển Đông. Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là một lợi thế cho
Việt Nam, hay ngược lại ?
Laurent Gédéon : Có thể là có lợi nhưng tôi muốn nhấn
mạnh đến tầm quan trọng của Mỹ vì người ta vẫn thấy tính trung lập ban đầu của
Mỹ về vấn đề quần đảo Trường Sa, cũng như Hoàng Sa, dần dần bị suy yếu. Cho đến
năm 2020, Hoa Kỳ vẫn nói là không tuyên bố về vấn đề chủ quyền mà chỉ tuyên bố
về nguyên tắc tự do lưu thông hàng hải.
Thế nhưng, vào ngày 13/07/2020, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố
rằng những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông,
cũng như chủ quyền đối với các quần đảo là bất hợp pháp. Ông Pompeo cũng kêu
gọi áp dụng phát quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Đây là lần đầu
tiên Hoa Kỳ phát biểu về vấn đề chủ quyền.
Nếu thêm những tuyên bố của Úc và Đức về vấn đề Biển Đông, có thể nói là
trong bối cảnh mới này, Việt Nam có thể có lợi khi tái kích hoạt khía cạnh pháp
lý và viện đến Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế về tranh chấp chủ quyền với
Trung Quốc ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Tuy nhiên, hiện tại, bối cảnh trở nên thuận lợi bởi vì có ít nhất hai lý
do, ngoài những yếu tố vừa nêu liên quan đến lập trường của Mỹ. Lý do thứ nhất
là hiện giờ vị thế của Bắc Kinh đang suy yếu, cả về kinh tế lẫn hình ảnh.
Về kinh tế, cuộc chiến thương mại gây thiệt hại rất nhiều cho Trung Quốc
và tổng sản phẩm quốc dân (GNP) bị tác động do những biện pháp trừng phạt của
Mỹ. Thêm vào đó, phải kể đến các biện pháp của Washington chống tập đoàn công
nghệ Hoa Vi (Huawei) : cấm thâm nhập thị trường Mỹ, đặc biệt là Hoa Vi bị
cấm tham gia thị trường 5G ở châu Âu, cũng như là nhiều yếu tố khác.
Hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới cũng bị xấu đi rõ rệt do các biện
pháp trấn áp người biểu tình Hồng Kông, rồi người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân
Cương. Thêm vào đó là những nghi ngờ về nguồn gốc của virus corona, cũng như
cách xử lý dịch của Trung Quốc bị chỉ trích gay gắt.
Yếu tố thứ hai là trên thế giới, vấn đề chủ quyền hàng hải ngày càng được
các nước liên quan chú ý, lấy ví dụ tranh chấp giữa Pháp và Madagascar về quần
đảo Eparses ở Ấn Độ Dương, hay tranh chấp giữa Pháp và đảo Maurice về đảo
Tromelin. Qua đó, chúng ta thấy là không gian biển và sự phân chia chủ quyền
giữa các nước hiện trở thành một mối bận tâm ngày càng lớn vì những thách thức
địa chiến lược cũng như lợi ích địa-kinh tế.
Trong bối cảnh chung đó, có lẽ Việt Nam sẽ quan tâm đến việc thể hiện
thẳng thắn về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là trước cơ chế tài phán liên chính phủ,
như Tòa Trọng Tài Thường Trực. Tuy nhiên, theo những điểm được nêu ở trên,
trước khi tiến hành, Việt Nam cần cân nhắc rất kỹ các câu hỏi muốn Tòa trả lời,
bởi vì chúng ta đã thấy là trong phán quyết năm 2016, Tòa PCA đã trả lời một
phần liên quan đến lập trường của Việt Nam khi bác những đòi hỏi chủ quyền của
Trung Quốc, tương tự với một vài điểm trong lập trường của chính Việt Nam.
.
RFI : Như
vậy, Trung Quốc sẽ phải chịu sức ép lớn hơn về mặt pháp lý nếu có thêm đơn kiện
của Việt Nam ?
Laurent Gédéon : Theo tôi, lợi ích của việc viện đến một
tòa án như vậy có lẽ là để tái khẳng định phán quyết lên án của Tòa PCA đối với
những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, như vậy gia tăng sức ép đối với Bắc
Kinh ở Biển Đông. Trong trường hợp này, Việt Nam cần tiếp tục đối thoại với
Philippines và tránh đối đầu với Manila, bởi vì điều này cho phép hình thành
một mặt trận ngoại giao, được củng cố hơn, thông qua các quyết định theo luật
pháp quốc tế, và làm suy yếu lập trường của Bắc Kinh.
Điều này có nghĩa, theo tôi, dường như rất khó tìm ra được một giải pháp
mà không phải đàm phán lâu dài trong bối cảnh Mỹ-Trung hiện rất căng thẳng.
Người ta có thể hình dung ra là tình hình này trở nên xấu đi, theo hướng dẫn
đến một cuộc xung đột công khai, ít nhiều giới hạn về quy mô, và có thể dẫn đến
giả thuyết là Bắc Kinh rút lui, mở đường tiến cho các nước đối lập với Trung
Quốc ở Biển Đông.
Dĩ nhiên trường hợp như vậy, được cho là mang lại kết quả tích cực, sẽ
buộc Bắc Kinh phải xem lại những yêu sách độc quyền và mở đường cho đối thoại
trực tiếp. Nhưng để đạt được điều này, các tác nhân khác cũng phải đánh giá sự
cạnh tranh giữa họ với nhau. Vì thế, căn cứ vào vấn đề những lợi ích đang bị đe
dọa, vào số lượng phản ứng liên quan, có lẽ là hợp lý khi nghĩ rằng chỉ có thể
tìm ra được các giải pháp trên cơ sở đàm phán đa phương và nhân nhượng - một
kiểu nhân nhượng có thể thực hiện được, cũng như tính đến việc phân chia các
vùng biển ở Biển Đông theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, có nghĩa là
những vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước liên quan. Trong trường hợp này, một
phần các đảo của nước này có thể sẽ nằm trong các vùng đặc quyền kinh tế của
nước khác và quy chế của một số vùng khác cần được đàm phán. Chúng ta cũng có
thể hình dung ra biện pháp đồng quản lý một số vùng biển và thực thể.
Nhưng trong mọi trường hợp, thì vẫn có khả năng tìm ra được một giải
pháp, dù là trong giả thuyết một cuộc xung đột vũ trang buộc một hoặc nhiều
nước phải rút lui, hoặc trong trường hợp tự nguyện thương lượng. Tuy nhiên, giả
thuyết thứ hai, về thương lượng, liên quan chặt chẽ đến việc Trung Quốc thay
đổi lập trường. Vấn đề đặt ra là Trung Quốc có sẵn sàng, hay có bị buộc phải
thay đổi lập trường về Biển Đông hay không.
.
RFI : Philippines
yêu cầu đưa phán quyết 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực vào đàm phán COC.
Điểm này tác động thế nào đến lập trường của Việt Nam ?
Laurent
Gédéon : Vấn đề Bộ Quy tắc
Ứng xử ở Biển Đông (COC) khá là tế nhị so với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở
Biên Đông (DOC năm 2002), Bộ Quy tắc Ứng xử sẽ mang tính ràng buộc đối
với tất cả các bên. Có lẽ vì lý do đó mà COC tiêu tốn rất nhiều thời gian đàm
phán ở cấp ASEAN và thực sự không có nhiều tiến triển về vấn đề này. Phía
Philippines hoàn toàn có lợi nếu phán quyết của Tòa PCA được đưa vào Bộ Quy tắc
Ứng xử nhưng hẳn Trung Quốc sẽ phản đối vì không có lợi cho Bắc Kinh.
Về phía Việt Nam, có lẽ Hà Nội sẽ ủng hộ Philippines. Có thể về mặt ngoại
giao, Việt Nam có lợi khi dựa nhiều hơn vào Philippines, tương tự như Manila
dựa vào Hà Nội để cùng tăng cường lập trường của nhau. Nhưng điều này cũng có
nghĩa là Việt Nam, đến lúc đó, có lẽ phải chấp nhận nguyên tắc nhân nhượng. Vì
có được một mặt trận chung với Philippines, cũng như nếu Hà Nội chấp nhận đưa
phán quyết của Tòa PCA vào đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, có nghĩa là
Việt Nam sẽ phải sẵn sàng thương lượng về quần đảo Trường Sa, trong khi lập
trường ban đầu của Việt Nam, hiện vẫn được Hà Nội khẳng định, là toàn bộ quần
đảo Trường Sa thuộc về Việt Nam. Qua tất cả những yếu tố trên, có thể cho rằng
sẽ có khả năng đàm phán và có thể là Việt Nam chấp nhận lùi một bước trong lập
trường của mình về vấn đề này.
RFI Tiếng Việt xin
chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm
Lyon, Pháp.
*****
Phần 1- Biển Đông: Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực PCA và tác
động đến Việt Nam
No comments:
Post a Comment