7
điều rút ra từ việc Tổng thống Trump dính COVID-19
Y Chan - Luật
Khoa
06/10/2020
https://www.luatkhoa.org/2020/10/7-dieu-rut-ra-tu-viec-tong-thong-trump-dinh-covid-19/
Trong các kỳ bầu cử tổng
thống tại Mỹ, tháng Mười là tháng được trông đợi nhiều nhất. Những tuần cuối
cùng trước ngày bỏ phiếu này là lúc, vô tình hay hữu ý, các thông tin “bom tấn”
được phát lộ có thể nâng hoặc hạ một ứng viên nào đó, thậm chí khiến gió đảo
chiều. Người ta còn chế ra cả thuật ngữ “October surprise” (Điều không ngờ của
tháng Mười) để chỉ khoảng thời gian dậy sóng này.
Trong cuộc bầu cử năm
nay, biến cố của tháng Mười xuất hiện sớm hơn bình thường. Ngay ngày đầu tiên của
tháng, Tổng thống Donald Trump đã bị xác nhận nhiễm COVID-19. Nhưng xét cho
cùng, đó là một sự ngạc nhiên không hề bất ngờ.
1. Giới hạn của đức tin
“Đức tin” là một sáng tạo
đặc biệt của nhân loại. Chưa có bằng chứng cho thấy các động vật khác cũng có
hay cần đến thứ này. Sức mạnh của nó trong rất nhiều trường hợp giúp con người
vượt qua các rào cản để đạt được những thành tựu to lớn. Nhưng chính vì điều
này mà rất nhiều người lầm lẫn giữa niềm tin của bản thân với những gì diễn ra
trên thực tế. Họ nghĩ đức tin có sức mạnh vô hạn, có thể giải quyết mọi vấn đề
trên đời.
Khi các con virus corona
lây lan khắp thế giới, có rất nhiều người nghĩ rằng đức tin có thể bảo vệ mình,
thay vì tuân thủ các biện pháp khoa học. Nhiều mục sư tại Mỹ tuyên
bố “đức tin vào Chúa” sẽ đánh bại con virus. Nhiều người dân Mỹ chống lại các yêu cầu
bắt buộc đeo khẩu trang của chính quyền sở tại, cho rằng nó “trái với ý Chúa”,
thậm chí còn đe dọa trừng phạt ngược lại những ai dám buộc họ đeo khẩu trang và
giữ khoảng cách an toàn.
Donald Trump, tuy không trực tiếp nhắc đến thánh thần, cũng chia sẻ
niềm tin phi thực tế này, khi ông không tuân thủ các biện pháp phòng dịch
và liên tục nhắc đi nhắc lại rằng đại dịch sẽ biến mất “như một phép màu”. Theo
thống kê của tờ Washington Post, Trump đã có đến 34 lần nói rằng con
virus corona sẽ “biến mất” (go away). Lần gần đây nhất là ngày 15/9/2020, chỉ
hai tuần trước khi ông được xác nhận nhiễm bệnh.
Hiện thực
luôn có cách riêng để nhắc nhở cho mỗi người về giới hạn đức tin của mình.
.
2. Vai trò của “chợ tin”
“Chợ tin” ở đây là chỉ
các mạng xã hội, trong đó có Facebook, nơi mà rất nhiều người Việt Nam đang sử
dụng như một kênh chính để thu thập thông tin hàng ngày.
Ngay khi tin tức về việc
Trump nhiễm bệnh xuất hiện, mạng xã hội ngập tràn các thuyết âm mưu đủ loại. Những
người ghét Trump nghi ngờ đây là một chiêu trò tự tạo. Những người thần tượng
Trump hừng hực dựng chuyện cho đây là màn ám hại của “cánh tả” hay “Trung cộng”.
Rất ít người chịu im lặng điềm tĩnh chờ thông tin xác nhận từ những tờ báo uy
tín, thay vào đó, họ đều hăm hở thêm mắm dặm muối để rao cho “gánh tin” của
mình. Và cái thứ chợ tin
bát nháo này là nguồn cung tin cậy cho hàng triệu người Việt.
Tất nhiên không chỉ có
người Việt Nam mới phụ thuộc vào chợ tin trên mạng xã hội. Hàng tỷ người trên
thế giới đều có lựa chọn tương tự.
Nhưng trong khi ở những
nơi khác, đó chỉ là một trong rất nhiều lựa chọn, thì với nhiều người
Việt, đó là lựa chọn duy nhất khả dĩ. Họ không có báo chí độc lập để theo dõi,
tất cả đều bị nhà nước độc tài bóp nghẹt. Họ cũng không đủ khả năng ngoại ngữ lẫn
thói quen, thời gian, nguồn lực, kỹ năng và sự kiên nhẫn để theo dõi trực tiếp
tin tức trên báo chí nước ngoài.
Trong số những người có
khả năng đọc hiểu ngoại ngữ, không ít người lại còn hăm hở hùa theo lời thánh
phán của Donald Trump, chụp mũ tất cả những tờ báo đưa tin bất lợi cho ông là
“fake news” (tin vịt). Những người này không hiểu được bản chất khác biệt giữa
các gánh tin trên mạng xã hội và những sản phẩm tin tức từ những tờ báo chuyên
nghiệp. Một bên “có sai cũng chẳng chết thằng Tây nào!”, còn một bên phải chịu
trách nhiệm cho từng câu từng chữ của mình nếu không muốn bị kiện sạt nghiệp hoặc
thậm chí là đi tù.
Dĩ nhiên “chợ tin” có những
công năng hữu ích, và trên mạng xã hội vẫn có những nguồn tin đáng tin cậy,
nhưng cũng giống như “đức tin”, người ta cần phải biết đâu là giới hạn của nó.
.
3. Chiếc tã lót cảm xúc
Mạng xã hội không chỉ là
chợ trời rao tin tức, nó còn là van xả thải của vô số người.
Khi tin Donald Trump bị bệnh
được xác nhận, rất nhiều người đã bày tỏ sự vui mừng. Thậm chí có người còn
mong chuyện xấu nhất xảy đến với Trump.
Trong khi đó, các đối thủ
chính trị của ông, từ Joe Biden cho đến cựu tổng thống Barack Obama, lại đều gửi
lời hỏi thăm sức khỏe và chúc vợ chồng Trump sớm bình phục.
Bạn hoàn toàn có thể cho
rằng những lời đó là ngoại giao, hoặc thậm chí là giả tạo. Nhưng những phát
ngôn theo quy tắc đạo đức tối thiểu này tồn tại là có lý do của nó.
Tưởng tượng một người đi
tới đâu, dù trong nhà hay ngoài đường, ngồi trên bàn ăn hay nằm trên giường, bất
kỳ lúc nào cũng có thể ị đái thoải mái, bạn sẽ không khen rằng họ “chân thật”,
dù rằng họ đang thực hiện những hoạt động bản năng mà bất kỳ ai cũng có. Kết luận
duy nhất chỉ là những người này có bệnh, không biết kiểm soát bản thân. Hệ quả
của việc thiếu kiểm soát đó là khiến những người xung quanh luôn phải hít thở
thứ không khí hôi thối khó chịu.
Tương tự, một người không
biết kiểm soát cảm xúc yêu ghét của bản thân, thỏa sức văng miểng vô tội vạ, bất
kể là đang trong trường hợp nào, sẽ khó có thể được ngợi ca là “chân thật”.
Những người như vậy có lẽ
sẽ cần trang bị cho mình chiếc “tã lót cảm xúc”, như cách người ta mặc cho những
đứa trẻ chưa biết kiểm soát cơ thể.
.
4. Huyền thoại về “sự mạnh mẽ”
Xét theo nhiều tiêu chí,
Donald Trump cũng là một người rất cần phải mang “tã lót cảm xúc”, nhất là khi
có quá nhiều người lầm tưởng rằng những gì ông thể hiện ra là dấu hiệu của một
người “mạnh mẽ”.
Trừ phi phải đọc diễn văn
có sẵn, Trump luôn có thói quen nói bất kỳ thứ gì trong đầu, và rất nhiều trường
hợp đó là những lời miệt thị, mắng chửi, hạ nhục người khác. Tất nhiên không thể
không nhắc đến hàng
chục ngàn lần ông nói dối và tung tin sai sự thật.
Một người nói dối quá nhiều và quá lâu chắc chắn có một mối quan hệ
không lành mạnh với hiện thực.
Đó cũng là lý do Trump
không hề tin tưởng những lời cảnh báo của các nhà khoa học, trong đó có của bác
sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ. Ông cho rằng Fauci “sai”
về diễn biến dịch bệnh, suốt hàng tháng trời không
chịu đeo khẩu trang, nhiều lần chế
giễu người khác, trong đó có ứng cử viên tổng thống Joe Biden về việc
“suốt ngày đeo khẩu trang”.
Phong thái lớn tiếng bạo
mồm bạo miệng thích chặn họng người khác của Donald Trump, cho rằng mình biết mọi
thứ và giỏi hơn người, nghĩ rằng mình là thiên hạ vô địch không sợ bất kỳ ai
hay con virus nào, khiến nhiều người cũng hoang tưởng rằng đó là biểu hiện của
sự mạnh mẽ.
Trong buổi
tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào ngày 29/9 vừa qua, trong khi những
thành viên trong đoàn của Joe Biden đều đeo khẩu trang suốt buổi, những người
trong đoàn của Trump, bao gồm đệ nhất phu nhân và cả gia đình, đều ngay lập tức gỡ khẩu trang khi vào trong phòng ghi
hình. Thậm chí cả khi cán bộ y tế đến tiếp cận để cung cấp khẩu trang, họ cũng
từ chối không đeo.
Trước đó khi tổ chức một
buổi mít tinh đông kín người và được hỏi về nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, Trump
đã thản
nhiên trả lời “tôi ở trên sân khấu, cách xa bên dưới lắm” và “vậy nên,
tôi chả lo gì cả”.
Một người mạnh mẽ thật sự
liệu có bao giờ chỉ quan tâm tới an nguy của riêng mình, đặt người khác vào
hoàn cảnh nguy hiểm?
.
5. Xỏ chân vào giày người khác
Ngay cả khi là người được
bảo vệ chăm sóc nhất nước Mỹ, và có thể là nhất thế giới, Donald Trump rốt cuộc
vẫn trở thành một trong những nạn nhân mới nhất của virus corona.
Nhiều người hy vọng rằng
điều này sẽ giúp Trump hiểu hoàn cảnh của hàng triệu người khác đã dính bệnh ở
Mỹ. Đây có lẽ là một mong ước khó thành hiện thực.
Cùng nhiễm bệnh, nhưng
hoàn cảnh của Trump vẫn khác xa so với hàng triệu người khác, những người không
có được chăm sóc y tế hạng sang, lo sợ mất việc, phải trả hóa đơn đủ loại mỗi
tháng, phải lo miếng ăn cho người thân…
Mong ước khả dĩ hơn, dù vẫn
xa vời, là qua sự kiện này, tất cả đều nhận ra rằng đối với dịch bệnh nói riêng
và mọi vấn đề của cuộc sống nói chung, bản thân mỗi người luôn luôn có thể trở
thành nạn nhân. Những vấn đề của người khác, vì vậy, không bao giờ là “chuyện của
thiên hạ” không liên quan tới mình.
.
6. Minh bạch: lợi ích hay lời
nguyền?
Trong khi cả thế giới rầm
rộ đưa tin về tình hình tổng thống Mỹ bị nhiễm bệnh, người Việt Nam không thể
không cám cảnh khi nghĩ đến chế độ trong nước.
Cách đây hơn một tháng,
chính quyền Việt Nam quyết định xếp thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cấp cao
vào danh sách “tối
mật”. Theo định nghĩa của những người làm luật, các thông tin này “nếu bị lộ,
bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.”
Xét theo tiêu chí của những
người cộng sản, nước Mỹ có lẽ sắp tiêu vong, khi thông tin về sức khỏe của tổng
thống không những “bị lộ” mà còn lộ chi tiết đến từng giờ từng phút, và được
chính những người trong cuộc cung cấp ra bên ngoài.
Nhưng không ai nghĩ lợi
ích quốc gia của Mỹ có thể bị nguy hại chỉ vì việc công khai thông tin sức khỏe
lãnh đạo. Ngược lại, nó chỉ giúp tất cả biết rõ ràng phải làm gì: những người
có nguy cơ lây nhiễm nhanh chóng thực hiện xét nghiệm, các phương án chuẩn bị
được xác định, các vị trí có thể tiếp quản lãnh đạo được người dân biết rõ từ đầu…
Vẫn có những nghi
ngờ về việc chính quyền Trump đã không hoàn toàn minh bạch thông tin sớm
nhất có thể, khi họ biết tin cố vấn Hope Hicks bị bệnh nhưng vẫn tiếp tục đến
tham gia buổi gây quỹ tranh cử trong cùng ngày. Trong trường hợp này, báo chí sẽ
vào cuộc và làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan. Điều này gần như
là chuyện không tưởng ở Việt Nam, khi báo chí bị ép buộc biến thành công cụ
tuyên truyền một chiều của Đảng Cộng sản.
Có thể thấy rõ với những
quốc gia văn minh trên thế giới, lợi ích của minh bạch đem lại vượt xa so với bất
kỳ phiền toái hay “mối nguy hại” nào.
Ngược lại, với những thể chế
độc tôn như Việt Nam, minh bạch không khác gì lời nguyền đáng sợ.
Họ thậm chí đồng nhất sức
khỏe lãnh đạo với sự tồn vong của quốc gia, dân tộc – một điều mà chỉ có những
con nghiện quyền lực giai đoạn cuối mới có thể nghĩ ra.
.
7. Ai là “con một” của Mẹ
Thiên nhiên?
Không phải chỉ có những kẻ
độc tài mới nhiễm căn bệnh “độc tôn”.
Rất nhiều người cũng mắc
bệnh này, nhưng thể hiện ở một dạng khác: họ nghĩ nhân loại là đứa con độc nhất
của Mẹ Thiên nhiên (hoặc Chúa, Thượng đế, Thánh thần… tùy vào đức tin của mỗi
người).
Với suy nghĩ ấy, họ mặc
nhiên cho rằng mình đứng trên vạn vật, là ngoại lệ của tất cả, và vì thế sẽ
luôn được “thế lực siêu nhiên” nào đó che chở.
Nhờ vào việc nhận vơ làm
con một của Mẹ Thiên nhiên, nhân loại đã tự cho phép mình phá hoại hành tinh
xanh, khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm cả đất, nước lẫn
không khí, giết hại vô tội vạ các loài động vật khác, đốt trụi hết mảng rừng
này đến cánh rừng nọ…
Đại dịch COVID-19 là một
cơ hội giúp nhiều người tỉnh giấc, rằng “con” virus hay “con” người rốt cuộc
cũng chỉ là hai trong vô số các đứa con của tự nhiên, không ai “đứng trên” ai.
Nhân loại sẽ còn phải tỉnh
giấc sớm hơn khi hậu quả của biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng. Những ai
nghĩ “nó chừa mình ra” sẽ phải sớm nghĩ lại, nếu không muốn thế hệ tương lai của
con người nhanh chóng trở thành “con rơi” của Mẹ Thiên nhiên.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài
bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
No comments:
Post a Comment