Wednesday, October 27, 2010

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (12)

Lâm Hoàng Mạnh
28/10/2010 | 12:54 sáng

Tôi đến với talawas rất tình cờ. Từ năm 1979 rời Việt Nam làm người Viễn xứ, sau những năm tháng lang thang đầu đường xó chợ tìm thuyền vượt biển, Hải Phòng – nơi tôi sinh ra và lớn lên -, bờ biển Bắc Hải- quê hương của ông tôi-, cuộc đời và gia đình tôi upside down. Tôi căm thù chính phủ cộng sản Việt Nam đã đẩy chúng tôi đến bước đường cùng. Thoát chết sau những cơn giông giữa biển khơi, đến được Hong Kong và định cư ở Anh, tôi nguyện, sẽ quên, quên hết quá khứ, từ đây xây dựng một cuộc đời mới, gây dựng cho đàn con cháu một tương lai tươi đẹp hơn ở xứ người. Từ đó, Việt Nam và Trung Quốc đã không còn trong nếp nghĩ của tôi.

Sau lần về Việt Nam năm 2004, có người giới thiệu tôi trang web “Sài Gòn Báo.com”, trong đó có hàng trăm báo mạng Việt ngữ kể cả talawas, nhưng tôi chỉ vào Việt Nam Thư Quán để đọc truyện và thơ.
Tình cờ tháng 7-2008, trong lúc giúp thằng con thứ hai làm sổ sách, rỗi rãi tôi mở “Saigonbao.com”, thấy talawas, cái tên thật ngộ, tôi nhủ thầm “Ta là… ai?” (was quá khứ của is), lại bất ngờ đọc bài “Đây thôn Vĩ Dạ” của Cổ Lũy, phân tích về bài thơ của Hàn Mặc Tử. Tôi thấy Cổ Lũy “tán hươu tán vượn” nhưng chẳng hiểu tâm sự gửi gắm của tác giả qua bài thơ bất hủ. Ngứa mồm, lại rỗi việc, tôi viết bài “Thêm một ý về bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ”. Thú thực bài viết vội, ngay tại văn phòng của thằng con, tuy chưa hài lòng, nhưng cứ gửi. Không ngờ talawas đăng tải trong mục “Ý kiến ngắn”. Từ đó tôi hay đọc talawas, còn các trang web hải ngoại khác tôi cũng ít đọc. Chẳng ngờ vài tháng sau, talawas thông báo sẽ nghỉ 3 tháng (holiday?) để “chỉnh chang” lại. Thế là tôi cũng bỏ luôn các trang web Việt ngữ khác.
talawas tái xuất giang hồ, tôi bắt đầu đọc, nhiều bài thấy chất lượng, uyên bác, nhiều phản hồi rất hay. Đọc talawas học hỏi được nhiều điều và từ đó tôi thường xuyên mở talawas khi rỗi rãi.
Tháng 7-2009, sau loạt bài phê phán Nguyễn Ngọc Ngạn khi ông tuyên bố “Tôi là người Canada” khen chê ghê gớm, lại ngứa mồm, ngứa tay, tự nhiên tôi nảy ra ý viết bài “Người mang hai dòng máu Trung-Việt, chúng tôi là ai?”, không ngờ talawas đăng tải. Phản hồi 2 chiều, khen cũng nhiều, chê cũng lắm, kể cả quá khích. Tôi viết vài bài tiếp theo, lần này phản hồi phê phán đỡ gay gắt.
Được sự động viên của Ban biên tập talawas, thế là loạt bài “Buồn vui đời tỵ nạn ra đời, tôi trở thành bạn đọc thường xuyên và cũng là người góp bài thường xuyên cho talawas. Cái duyên vừa bén (hơn 1 năm) thì “chia tay”. Không buồn sao được.
Tháng 8 năm nay sau loạt bài “Còi không hụ du ký”, tôi hứa sẽ gửi một số bài mới, talawas hỏi “bài viết có thể hoàn thành trước tháng 10 được không?”, tôi nghĩ, “chắc từ tháng 11-2010, có nhiều chủ đề quan trọng nên những bài viết “vô thưởng vô phạt” của mình sẽ “khó chen chân”. Ai ngờ, ngày 20-10 nữ sĩ Phạm Thị Hoài viết mail thông báo, ngày 03 tháng 11-2010 talawas “về hưu non!”
Buồn, thật buồn. Buồn “thúi ruột”!
Cũng như rất nhiều bác khác, tôi cũng được nữ sĩ Phạm Thị Hoài đưa ra một số câu phỏng vấn.
Biết trả lời sao, bởi tôi chỉ là người Việt gốc Hoa, ngày xưa chỉ là một công chức quèn khi còn ở Việt Nam, hiểu biết chính trị mù mờ, nay lại ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, muốn thì nhiều nhưng “lực bất tòng tâm”, vậy, cũng có một ước vọng duy nhất:
Mong muốn Nhân Dân Việt Nam Hạnh Phúc và Phồn Vinh và tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Hán đời đời bền vững.
Theo tôi, Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung Quốc hay đảng cộng sản bất cứ nước nào trên thế giới cũng sẽ chết, đó là Quy Luật Tất Yếu của lịch sử.
Cám ơn talawas nhiều.
© 2010 Lâm Hoàng Mạnh
© 2010 talawas
.
.
.
Phạm Hồng Sơn
27/10/2010 | 10:52 chiều

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________

Phạm Hồng Sơn
1.
Nếu nhìn tình hình Việt Nam hiện thời theo quan điểm “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” thì có 5 vấn đề hệ trọng như sau:
1. Đa phần giới có học vẫn coi các công việc xã hội, các vấn đề chính trị là những việc xa vời, không ảnh hưởng đến bản thân và gia đình.
2. Lòng tin (chữ tín) giữa con người với nhau chưa được coi trọng.
3. Tập quán làm việc thiếu suy xét kỹ lưỡng (duy lý), thiếu kiên trì, thiếu khát khao đạt tới hoàn hảo, nói một cách khác là thói quen làm việc theo cảm tính, chóng nản, dễ dãi vẫn phổ biến ở mọi giới, mọi nghành nghề.
4. Lối sống đua theo các bản năng cấp thấp (ăn uống, vẻ đẹp bề ngoài, tình dục,..) đang bao trùm giới trẻ.
5. Lòng tự tôn dân tộc, sự liêm sỷ trong hệ thống công quyền đã suy tới mức thấp nhất trong lịch sử nước nhà từ trước tới nay.

2.
Theo tôi, bất kỳ sự ảo tưởng nào cũng không có lợi cho quá trình dân chủ hóa.

3.
Tiến bộ sẽ đến chậm hơn hoặc không đến nếu chúng ta cứ loay hoay với câu hỏi “Khi nào?”

© 2010 Phạm Hồng Sơn
© 2010 talawas
.
.
.
Ban Mai
27/10/2010 | 8:52 chiều

Cách đây sáu năm, tôi đến với talawas thật tình cờ khi đang tìm tư liệu để nghiên cứu, qua lời giới thiệu của một người bạn làm ở Đài Truyền hình Việt Nam.
Ngày ấy, tôi ít biết địa chỉ những trang web ở nước ngoài, trong khi tài liệu nghiên cứu ở trong nước quá đơn điệu và ít thông tin khách quan. Tôi cần những thông tin đa chiều, cách nhìn khác để so sánh đánh giá các sự việc. talawas đã đáp ứng cho tôi những yêu cầu đó, từ ấy tôi thường xuyên theo dõi trang web này. Theo tôi, talawas là một trong những trang web uy tín nhất mà những trí thức trong nước tìm đến để tự do nói lên những suy nghĩ của riêng mình về vận mệnh đất nước, cũng như nhiều lĩnh vực tư tưởng nghệ thuật khác. Về mặt văn chương, talawas đã mở ra nhiều tư liệu quý giúp công chúng hiểu rõ những bí ẩn trong Vụ án Nhân văn – Giai phẩm, talawas cũng giúp bạn đọc tìm lại dòng văn chương miền Nam Việt Nam đã bị bôi xóa sau 1975… cũng như cung cấp nhiều tư liệu đa chiều về chiến tranh Việt Nam.

Tôi biết, nhiều bạn trẻ, nhiều trí thức trong nước rất tốt nhưng không tiếp cận được thông tin nhiều chiều vì vậy họ có suy nghĩ rất phiến diện, điều đó không thể trách họ. Vì từ trên ghế nhà trường họ đã được giáo dục một chiều, suy nghĩ một chiều, sách báo viết một chiều, vậy làm sao họ có thể suy nghĩ khác?
Giáo dục trong nhà trường không khuyến khích sự phản biện, không cung cấp thông tin đa chiều, học sinh không được dạy dỗ sự tranh luận, phản bác nên họ vô cùng thụ động. Im lặng chấp nhận, chịu đựng là cách sống của nhiều người. Trước đây, tôi cũng vậy.
Tôi nói đến điều này, để chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của tự do thông tin và sự giáo dục. Tự do thông tin, thay đổi giáo dục sẽ nâng cao đời sống dân trí, giúp sự phát triển của đất nước.

Hiện nay, món điểm tâm thường xuyên của chúng tôi trước khi làm việc là lướt tin tức qua những tờ báo mạng từ khắp nơi BBC, RFA, VOA, Vietnamnet… và không thể quên trang web talawas để xem hiện tình đất nước mình và thế giới hôm nay như thế nào.

Trang web talawas bất ngờ đóng cửa là một nỗi buồn, tôi biết không chỉ riêng tôi.
Cảm ơn chủ biên Phạm Thị Hoài đã nhiều năm gồng mình gánh vác trang web giờ đây đã đi vào lịch sử. Tôi sẽ không quên tờ báo đã cho tôi nhiều kiến thức bổ ích, cũng như kỷ niệm buồn mà một lần tôi đã trải qua trên talawas.
Tôi biết câu hỏi phỏng vấn cuối cùng mà chủ biên Phạm Thị Hoài gửi chỉ là những câu hỏi giả định. Với tư cách một người dân Việt Nam, tôi xin phép được trả lời ngắn gọn như sau:
1. Vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay theo tôi là tự do dân chủ, nó chính là tiền đề của những vấn đề hệ trọng khác.
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, điều đầu tiên tôi làm là thay đổi Hiến pháp, Hiến pháp hoàn chỉnh là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của đất nước. Theo tôi, Việt Nam nên tham chiếu Hiến pháp Hoa Kỳ, vì đó là bản Hiến pháp tiên tiến nhất mà các nước phát triển trên thế giới đều tham khảo. Hiến pháp này dựa trên tư tưởng tam quyền phân lập do Công tước  Montesquieu – triết gia người Pháp đề xướng. Quản trị một đất nước dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập là sự quản trị tốt nhất của một nhà nước văn minh. Qua hơn hai trăm năm phát triển bản Hiến pháp Hoa Kỳ càng khẳng định sự tuyệt vời đúng đắn của sự kết tinh trí óc nhân loại. Khi đã có một thể chế chính trị tốt, việc quan trọng tiếp theo là hợp nhất lòng người. Có điều này mọi người dân Việt Nam mới có thể chung tay xây dựng một đất nước hùng mạnh.
3. Việt Nam sau 10 năm, 20 năm nữa sẽ là một nước thực sự dân chủ tự do – điều này mang tính quy luật khi chấp nhận cuộc chơi toàn cầu hóa – tuy nhiên kịch bản thay đổi một thể chế như thế nào thì tôi chưa rõ, tất cả tùy thuộc vào tương lai, tôi tin vào trí tuệ của thế hệ trẻ hôm nay.
Việt Nam, ngày 25/10/2010
© 2010 Ban Mai
© 2010 talawas

-------------------------------------------------------

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (11) -  Phong Uyên – Trần Trung Đạo
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (10) -  Song Chi – Lại Nguyên Ân – Trần Kiêm Đoàn
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (9)  -  Hà sĩ Phu – Khuất Đẩu
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (8)  -  Đinh Từ Thức – Nguyễn Trang Nhung
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (7)  -  Trần Vũ – Liêu Thái – Hồ Phú Bông
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (6)   -  Tống Văn Công – Lý Đợi
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (5)  -  Võ Thị Hảo – Nguyễn Chính – Nguyễn Thanh Giang
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (4)  - Trương Thái Du – Dương Tường
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (3)  - Hoàng Hưng – Tieu Dao Bảo Cự
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (2)  - Dương Danh Huy – Bùi Tín – Lê Anh Hoài
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (1)   -  Phạm Toàn – Nguyễn Viện
.
.
.

No comments: