Trần Trung Đạo
27/10/2010 | 6:52 chiều
talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________
Trần Trung Đạo
1.
Việt Nam giống như con lạc đà cõng trên lưng một cơ chế chính trị độc tài, lạc hậu, cồng kềnh đừng nói gì là 5 mà vài chục vấn đề hệ trọng cũng có thể viết được: (1) Sự phân hóa vô cùng trầm trọng trong lòng dân tộc, (2) sự lạc hậu về mọi mặt so với đà tiến của văn minh nhân loại, (3) một nền giáo dục hủy diệt mọi khả năng sáng tạo, (4) một xã hội tham nhũng thối nát, trong đó giới lãnh đạo thờ ơ trước đòi hỏi của nhân dân và nhân dân không có niềm tin nơi giới lãnh đạo. Tuy nhiên một vấn đề hệ trọng thứ 5 có tính thời sự, tôi muốn viết ra ở đây, là Việt Nam hoàn toàn không sẵn sàng cho một cuộc xung đột võ trang trong vùng Đông Nam Á.
Sau cuộc chiến biên giới Việt Trung 1979, một bài bình luận có tựa là “Ai đã học bài học?” của tạp chí Time, trong đó tác giả (quá lâu nên tôi không còn nhớ tên và truy cập được) nhận xét rằng không phải Việt Nam mà là Đặng Tiểu Bình và giới lãnh đạo Trung Quốc mới chính là những người đã học bài học cay đắng. Với võ khí quá lạc hậu và chiến thuật biển người phi nhân cố hữu như họ đã từng sử dụng trong chiến tranh Triều Tiên, trong tuần lễ đầu phía Trung Quốc đã chịu đựng các thiệt hại nhân mạng nặng nề. Hàng chục ngàn lính Trung Quốc gục xuống như rơm rạ trước hỏa lực ngày đó còn vượt trội của phía Việt Nam . Nhưng cũng từ bài học đó, họ Đặng đã thúc đẩy nhanh hơn chính sách hiện đại hóa hải, lục, không quân để ba chục năm sau công khai bày tỏ ý định thống trị biển Đông.
Việt Nam thì không. Hơn 30 năm sau chiến tranh biên giới, Việt Nam vẫn “tiếp tục canh giữ nền hòa bình thế giới” bằng một cơ chế chính trị độc tài, bằng một nền kinh tế lạc hậu, bằng một chính sách giáo dục ngu dân. Nếu gọi cái học là những gì còn lại sau khi quên hết thì cái còn lại trong các thế hệ trẻ là những bài học tuyên tuyền rẻ tiền phản văn minh, phản khoa học và phản dân tộc.
Việt Nam , hơn 30 năm, vẫn chưa được trang bị một hệ thống phòng thủ có khả năng bảo vệ tổ quốc. Cái duy nhất mà các lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam bảo vệ được, đó là quyền thống trị trên đầu trên cổ nhân dân, phó mặc cho đất nước đang rơi vào thảm họa diệt vong. Phần lớn tiền của, mồ hôi nước mắt của 80 triệu dân đã đổ trong một phần ba thế kỷ, nếu không bị thất thoát do quản lý tồi tệ thì cũng rơi vào túi của tập đoàn lãnh đạo Đảng. Những gì gọi là thành tựu tại Việt Nam ngày nay thật quá nhỏ nhoi so với sự chịu đựng triền miên của đồng bào cả nước.
Một số nhà đấu tranh trong và cả ngoài nước thường mô tả vị trí chính trị Việt Nam qua câu nói quen thuộc “đi với Tàu thì mất nước, đi với Mỹ thì mất đảng”, và có người còn đề cao Việt Nam khi cho rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam là quan hệ chân vạc. Tôi cho rằng đánh giá Việt Nam như thế là quá cao và không phản ảnh thực tế kinh tế chính trị của Việt Nam trong bang giao quốc tế. Việt Nam không có được vị trí của một chân kiềng hay chân vạc gì cả, và Việt Nam có muốn “đi theo Tàu” cũng chưa chắc được nhận mà “đi theo Mỹ” cũng chưa hẳn được cho đi. Trung Quốc và Mỹ đều muốn làm thầy, làm chủ để sai khiến giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam hơn là một đồng minh thân cận, và cả hai, dù tuyên bố hùng hổ, cứng rắn bao nhiêu, cũng đều không muốn vì một Việt Nam nghèo nàn lạc hậu mà phải đụng độ nhau trong giai đoạn chưa cần thiết.
Tuy nhiên, chiến tranh là giải pháp cuối cùng của một xung đột chính trị. Những mâu thuẫn quyền lợi tại biển Đông giữa các cường quốc ngày càng gay gắt. Đối với Trung Quốc, mọi hòa hoãn nếu có chỉ là tạm thời bởi vì họ sẽ không bao giờ chấp nhận chủ trương xem biển Đông là chiếc ao nuôi cá chung của các quốc gia trong vùng, và không bao giờ chịu phân chia quyền lợi đồng đều với một quốc gia nhỏ cỡ Brunei . Chiến tranh tại Á Châu nếu không trong mười năm, thì hai chục năm nữa sẽ phải xảy ra. Và nếu đúng như vậy, Việt Nam sẽ xuất hiện sau chiến tranh như một quốc gia có nhiều lợi nhất như trường hợp Thụy Sĩ , Thổ Nhĩ Kỳ sau thế chiến thứ hai, hay mảnh giang sơm gấm vóc của tổ tiên để lại sẽ trở thành một biển máu đào, một rừng xương trắng? Đó là câu hỏi không phải chỉ dành cho giới lãnh đạo Đảng mà nhiều hơn cho những ai đang thao thức với tiền đồ dân tộc.
2.
24 giờ có thể quá ngắn để thực hiện bất cứ một thay đổi có tầm vóc quốc gia nào, tuy nhiên giống như trong quân sự, đó là thời gian cực kỳ quan trọng của người lãnh đạo. Và những việc phải thực hiện trong 24 giờ đầu:
- Long trọng thưa với nhân dân Việt Nam rằng từ thời điểm lịch sử đó, chế độc độc tài Cộng sản đã chính thức cáo chung, dân tộc Việt Nam đang bước vào một thời đại tự do, dân chủ qua ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ toàn diện và triệt để.
- Trả tự do cho tất cả tù chính trị. Sau bao nhiêu chịu đựng, dân tộc Việt Nam có một ngày đoàn viên thật sự để cùng bắt tay nhau xây dựng quê hương. Con đường dân chủ hóa đất nước sẽ còn đầy gai góc và đạt đến nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự đóng góp của từng con tim, từng khối óc của mỗi người Việt Nam trong cũng như ngoài nước.
- Một số bộ phận nhà nước vẫn tiếp tục hoạt động theo các chức năng chuyên môn để duy trì sự ổn định xã hội cần thiết trong giai đoạn chuyển tiếp, nhưng trong 24 giờ đầu tất cả các cơ chế đảng Cộng sản trong hệ thống hành chánh công quyền (đảng ủy, đảng đoàn) và quân đội (chính ủy) sẽ bị giải tán.
- Thành lập hội đồng chuyển tiếp dân chủ bao gồm nhiều ủy ban chuyên môn như tuyển cử, kinh tế, ngoại giao, giáo dục, quốc phòng, an ninh v.v… để chuyến hóa bộ máy nhà nước từ độc tài đảng trị sang dân chủ pháp trị.
- Trong lúc chờ đợi một quốc hội lập hiến được bầu và soạn thảo hiến pháp mới, hội đồng chuyển tiếp dân chủ sẽ lãnh đạo đất nước bằng sắc lệnh và một trong những sắc lệnh ban hành ngay trong 24 giờ đầu tiên là tuyệt đối ngăn cấm việc trả thù dưới bất cứ hình thức nào và vì bất cứ một lý do gì, mọi tội trạng hình sự sẽ được xét xử theo đúng thủ tục được quy định trong hiến pháp Việt Nam dân chủ.
3.
Năm 2010: Ngoại trừ các biến cố quốc tế khách quan hay thiên tai trầm trọng, Việt Nam sẽ không có thay đổi gì trong hai tháng nữa.
Năm 2020: Khi nghĩ đến chuyện 5 năm, 10 năm chúng ta thường nghĩ như khoảng thời gian dài. Thật ra 10 năm là thời gian tương đối ngắn. Diễn đàn talawas là một ví dụ, mặc dù những vấn đề thảo luận trong những ngày đầu vẫn còn đang nóng hổi cũng có một lịch sử 9 năm rồi.
Trong vòng 10 năm, các yếu tố đang có tác dụng sẽ trở nên hữu hiệu và ảnh hưởng rộng lớn hơn:
- Việt Nam có thể vẫn còn phải tiếp tục chịu đựng dưới ách độc tài nhưng các phong trào dân chủ không còn là các nhóm nhỏ hoạt động rải rác mà sẽ phối hợp chặt chẽ và thách thức chế độ một cách công khai bằng nhiều hành động cụ thể.
- Tranh đấu cho dân chủ là khẩu hiệu của thời đại, là niềm vui chứ không còn là nỗi sợ nữa.
- Các thế hệ trẻ tại Việt Nam trưởng thành về nhận thức các quyền căn bản của con người.
- Mạng lưới internet là nguồn tư liệu và cũng là phương tiện thông tin hữu hiệu hơn của các phong trào dân chủ.
- Nhiều trí thức và văn nghệ sĩ ý thức được viễn ảnh một Việt Nam tai họa trong xung đột quốc tế sẽ tích cực gióng lên tiếng nói đối lập với Đảng.
- Ngay trong nội bộ lãnh đạo Đảng Cộng sản cũng có những người chọn đứng về phía dân tộc vì họ ý thức được dân chủ không chỉ là đôi cánh của dân tộc mà còn là lối thoát cho chính họ.
Năm 2030: Với các điều kiện chính trị quốc tế khách quan tác động từ bên ngoài và sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng dân chủ tại Việt Nam, 20 năm nữa Việt Nam sẽ là một quốc gia dân chủ. Tất cả cố gắng của người Việt Nam từ nhiều ngả, nhiều giới, nhiều thế hệ cuối cùng sẽ dẫn tới một điểm hẹn huy hoàng của lịch sử: cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ tại Việt Nam .
Phi trường Dallas 24 tháng 10 2010
© 2010 Trần Trung Đạo
© 2010 talawas
.
.
.
Phong Uyên
27/10/2010 | 4:52 chiều
talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
_______
Phong Uyên
1.
Theo tôi, hiện nay không phải chỉ có 5 vấn đề hệ trọng mà sẽ như nước lũ, sản sinh ra cả chục vấn đề hệ trọng ngang nhau nếu không giải quyết được vấn đề một Đảng 2 phái chia nhau quyền hành. Tất cả mọi vấn đề ngăn cấm tự do ngôn luận, tham nhũng, đạo lí tha hoá, các bè phái trong Đảng dựa vào ngoại bang để chia nhau quyền thế, chia nhau mọi đặc quyền kinh tế, đều ở đó mà ra.
2.
Nếu được cầm quyền tuyệt đối ở Việt Nam 24 tiếng đồng hồ, tôi không đòi hỏi những cái mà cụ Hồ có sống lại cũng không đòi hỏi được như giải tán Đảng Cộng sản Việt Nam, mà chỉ đòi hỏi 2 điều tối thiểu.
1. Thực hiện bước đầu của tự do ngôn luận: Những người viết báo (tuy là báo Đảng báo Đoàn) có một quy chế độc lập của những người hành nghề tự do muốn viết gì thì viết theo lương tâm của mình. Nếu sai phạm đã có toà án định đoạt và xử theo luật. Những hành động tin tặc, thiết lập tường lửa, ngăn cản truyền thông, là vi phạm luật pháp, vi phạm Hiến pháp, phải được làm sáng tỏ và đưa ra trước pháp luật.
2. Bỏ điều 4 Hiến pháp 92 để trả lại cho dân quyền dân chủ tối thiểu là quyền được tự do bầu cử ứng cử một Quốc hội đa nguyên với những đại biểu độc lập không thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam hay những đoàn thể phụ thuộc đảng này. Quốc hội đa nguyên sẽ quyết định lấy lại Hiến pháp 46 tu chính nó trước khi đưa cho người dân phúc quyết như đã được quy định trong điều 70 của Hiến pháp này, hay bầu lại một quốc hội Lập hiến để làm lại hiến pháp khác.
3.
Năm 2010 đã sắp đi vào dĩ vãng và mọi người đều trông thấy Việt Nam đã bị đẩy vào ngõ tắc. Năm 2030 thì quá xa xôi nên tôi chỉ có thể hình dung được Việt Nam năm 2020 dưới 2 dạng, tùy theo Đảng Cộng sản Việt Nam diễn biến theo đường lối nào:
1. Đường lối Trung Quốc: Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là chủ tịch nước hay thủ tướng nắm mọi quyền hành. Đó là ý định của phe Lãnh đạo trong Đảng đang muốn thực thi đường lối này ngay từ sau Đại hội 11 nếu nắm được ưu thế. Đi theo đường lối này, Việt Nam có triển vọng trở thành 1 khu tự trị của Trung Quốc như Tây Tạng, Tân Cương ngay từ thập niên 20.
2. Đường lối dẫn tới chính thể đại nghị: Nếu trong Đảng có 1 phái cấp tiến đủ mạnh để sau Đại hội 11 bầu lại một quốc hội đa nguyên làm nền móng cho tam quyền phân lập. Một khi có một quốc hội đa nguyên mặc dầu vẫn là chế độ độc đảng, quyền hành của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chỉ giới hạn vào quyền hành pháp với 1 thủ tướng do Quốc hội đề cử. Thủ tướng sẽ kiêm Tổng bí thư Đảng hay sẽ chỉ định ai giữ chức vị tổng bí thư, chỉ là chuyện nội bộ của Đảng. Thủ tướng chính phủ chỉ biết có Quốc hội, sẽ hoàn toàn dưới sự giám sát của Quốc hội và chịu trách nhiệm trước Quốc hội chứ không phải trước Bộ chính trị của đảng mình. Đường lối này có nhiều triển vọng đưa tới chế độ đa đảng ở thập niên 20, tạo điều kiện cho hoà giải dân tộc, đưa Việt Nam hội nhập với nền dân chủ thế giới và tách khỏi quỹ đạo Trung Quốc.
© 2010 Phong Uyên
© 2010 talawas
-------------------------------
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (10) - Song Chi – Lại Nguyên Ân – Trần Kiêm Đoàn
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (9) - Hà sĩ Phu – Khuất Đẩu
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (8) - Đinh Từ Thức – Nguyễn Trang Nhung
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (7) - Trần Vũ – Liêu Thái – Hồ Phú Bông
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (6) - Tống Văn Công – Lý Đợi
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (3) - Hoàng Hưng – Tieu Dao Bảo Cự
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (2) - Dương Danh Huy – Bùi Tín – Lê Anh Hoài
.
.
.
No comments:
Post a Comment