Monday, October 25, 2010

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (7)

Trần Vũ
26/10/2010 | 4:22 sáng

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________

Trần Vũ

1.
1.1. Cần tách rời Tư pháp với Hành pháp. Có sự độc lập giữa Tư pháp và Hành pháp thì công lý mới minh bạch, đây là điều kiện đầu tiên trong việc cải cách đất nước.
1.2. Bên cạnh độc lập của Tư pháp, Quân đội và Công an cần phi chính trị. Các quân nhân và cảnh sát không tham gia bất kỳ đảng phái chính trị nào, như hiện nay tại Tây Âu. Các quốc gia Tây Âu đã suy nghĩ kỹ khi áp dụng biện pháp này, để các lực lượng võ trang không trở thành phương tiện của một đảng phái đương quyền. Nhân sự phi đảng phái, thì sự độc lập của Tư pháp mới hữu hiệu và quân đội phi đảng phái mới không đặt chức năng bảo vệ một chính đảng, một thượng tầng, một cung đình lên trên chức năng bảo vệ quốc gia. Do vậy, quân đội cần tự trị và phát triển tách bạch với nhu cầu giai đoạn của giới chức dân sự. Trong bối cảnh đất nước đang bị Trung Hoa uy hiếp, việc hiện đại hóa, võ trang tối đa quân đội là một bắt buộc, cũng như liên minh quân sự với Ấn Độ và các quốc vành đai Thái Bình dương là một khẩn cấp. Liên minh mà không duy nhất “hợp tác”.  Sức mạnh quân sự là một cần thiết để dân tộc Việt giữ được kiêu hãnh làm người.
1.3. Cải tổ thuế khóa công bằng, với chi tiêu công khai, là điều mọi chính phủ lương thiện phải làm. “Định hướng Xã hội Chủ nghĩa” làm gì khi học đường phải trả tiền, y tế phải trả tiền và hưu trí không đủ sống? An sinh xã hội, giáo dục cùng y tế miễn phí và hưu trí tương xứng là điều kiện tối thiểu của một quốc gia văn minh… Không các đặc quyền kể trên, hai chữ “công dân” trở nên vô nghĩa. Có nghĩa vụ, phải có quyền lợi. Sang thế kỷ 21, ở các quốc gia Tây phương người dân đã từ lâu chấm dứt cách đặt câu hỏi: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho mình, mà mình đã làm gì cho tổ quốc?” Đã từ lâu, người dân các xứ này đặt duy nhất một câu hỏi: “Chính phủ đã làm gì với tiền thuế của dân?”
1.4. Với một quốc gia mà dân chúng làm thuê mướn đông như tại Việt Nam, việc xuất hiện công đoàn độc lập là một cần thiết, không những vừa giúp bảo vệ quyền lợi lao động, vừa giúp phổ biến các đạo luật, còn giúp điều hòa các ngành nghề cũng như giúp chính phủ và chủ đầu tư hiểu rõ thêm thực tế khu vực. Công đoàn không chỉ là một tập hợp những yêu cầu, mà còn là đối tác trung gian giữa chính phủ, chủ nhân và người lao động. Không công đoàn, vẫn xảy ra đình công tại Việt Nam mà chính phủ không đối tác chính thức để thương lượng. Đã đến lúc phải cho phép những công đoàn độc lập hoạt động.
1.5. Sau nữa, là tự do ngôn luận.

2.
Cuối triều Mãn Thanh, khi triều đình Mãn suy yếu, các trí thức Hán đã có thể lập nội các cầm quyền, đề xuất Tân chính, Bách nhật Duy tân, trong một trăm ngày ban hành một trăm sắc luật nhằm canh tân đất nước… và thất bại ― vì cải cách quá gấp, quá nhiều, cùng một lúc gây ra mất trật tự, khiến dân không theo kịp, không hưởng ứng, khiến phái bảo thủ Mãn Thanh có thể viện cớ thiết quân luật và bắt giam Nội các Tân chính ― là bài học đáng suy gẫm. Bài học khác, Adolf Hitler lên chấp chính bằng con đường hợp hiến nên có được đồng thuận của đại bộ phận dân Đức muốn khôi phục đất đai và sức mạnh Đức quốc bị Hiệp ước Versailles của Đồng minh thắng trận kềm hãm. Tể tướng Adolf Hitler không những thành công trong việc xóa bỏ nền Cộng hòa Weimar trong một sớm chiều, mà còn thành công gia tăng gấp bội tổng sản lượng quốc gia, giải quyết 6 triệu dân thất nghiệp, xây xa lộ, nhà máy và gia tăng sức mạnh tột bực của quân đội Wehrmacht; Hitler còn tạo điều kiện cho mỗi gia đình công nhân mua trả góp một chiếc xe hơi, xưởng xe Volkswagen (xe của dân) ra đời năm 1936… Tuy nhiên, quân đội Wehrmacht với lời phát thệ trung thành tuyệt đối với Quốc trưởng đã bán linh hồn cho Đảng Quốc xã. Quân đội Đức, đã từng là đảm bảo cho các định chế xã hội, cho nền Cộng hòa, ngăn ngừa các chính khách đi ngược quyền lợi quốc gia, trở thành công cụ riêng của Adolf Hitler. Chuyện gì xảy ra về sau, toàn thế giới cùng biết. Bài học khác nữa: Lenin triệt tiêu xã hội Nga hoàng bằng bạo lực cách mạng nên thiếu đồng thuận đưa đến nội chiến…
24 tiếng đồng hồ chỉ đủ thời gian hứa hẹn mà ai cũng làm được. Dường như luôn phải bắt đầu bằng sửa đổi hiến pháp, thông qua việc lập ủy ban nghiên cứu hiến pháp, rồi đưa ra lịch trình tổng tuyển cử sau giai đoạn chuyển tiếp với cam kết trưng cầu dân ý cho một thể chể mới, với hiến pháp mới, thông qua đầu phiếu… là hết 24 giờ.

3.
Đã đến lúc đảng cầm quyền cần hiểu sự vĩnh cửu không hiện diện trên mặt đất, càng không tuyệt đối trong chính trị. Cầm quyền ngắn ngủi nhưng cải cách thực tâm vẫn là con đường đi vào lịch sử vẻ vang nhất. Và sau nữa, với hệ thống đảng viên đông đúc, với thành tích giành độc lập, với tổ chức đảng bám rễ sâu rộng trong xã hội, với sự hy sinh to lớn trong chiến tranh được một bộ phận dân chúng công nhận, và với nguồn vốn kinh tài khổng lồ, đảng cầm quyền nên tự tin sẽ tất thắng khi ra tranh cử. “Tất thắng” là một mặc nhiên. Nguy cơ mất quyền trong những lần bầu cử về sau, sẽ biến mất ― một khi đảng thành công trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, thiết lập các định chế công bằng cho toàn dân, và bảo vệ được biên cương quốc gia ― là điều toàn dân mong muốn. Chỉ trên nền tảng này, đảng đương quyền sẽ tìm lại được chính danh để tiếp tục cầm quyền.
Còn tiên đoán? Vẫn… như bây giờ, nhưng chuyên chính sẽ tinh vi thêm.

23 tháng 10-2010
© 2010 Trần Vũ
© 2010 talawas
.
.
.
Liêu Thái
26/10/2010 | 3:54 sáng

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
__________

Liêu Thái

Thật sự đây là một tin sốc với tôi, cũng như lần trước, khi talawas bộ cũ ra thông cáo đóng cửa, không biết nói gì hơn ngoài cảm giác ngẩn ngơ và bàng hoàng. Không hiểu nội tình sự việc như thế nào, nhưng sẽ là sự thiếu vắng một trang web mà mỗi sáng thức dậy [thậm chí trong những lúc mất ngủ] tôi cũng ngồi vào máy lướt đọc ít dòng, vài bài… để tìm cho mình một chút cảm giác chia sẻ, đồng cảm, một chút bổ sung kiến thức… Rồi lần này, lại thông báo đóng talawas blog. Chẳng biết nói gì ngoài chữ buồn! Và dự tính của tôi với các bài ghi chép về chuyện dạy và học trên talawas là 15 kì, từ kì 1 đến kì 8 [đã đăng] tôi chỉ mới kể những câu chuyện bắt gặp trên đường, trong xóm, trong thôn… Chưa đi sâu vào vấn đề trọng tâm.
Rất tiếc thời gian còn quá ngắn, tôi thì lại đang thu thập tài liệu, đang đọc và tổng hợp những vấn đề có tính khoa học, chí ít thì cũng nửa tháng sau mới có thể ngồi vào bàn viết cho nên đầu nên đũa. Tôi chỉ còn tin vào sự trở lại của talawas [dù ở giao diện nào] để nối tiếp chuỗi ghi chép của tôi. Tôi có niềm tin mãnh liệt về sự trở lại của talawas!

1.
Theo tôi, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là:
- Nền giáo dục lũng đoạn;
- Thể chế chính trị lạc hậu;
- Mặt bằng văn hóa còn quá thấp so với khu vực và quá tệ so với yêu cầu chung của thế giới mở. Sự nhầm lẫn và trá hình về mặt lịch sử dẫn đến ngộ nhận của nhiều thế hệ từ những năm 1930 – 1945 [ở miền Bắc] và 1975 về sau [ở cả hai miền];
- Vấn đề dân chủ – nhân quyền hầu như không có và biểu hiện rõ nét nhất trong hành xử về đất đai, chủ quyền nhà đất, bắt người, các phiên tòa không minh bạch, cấm đoán trong báo chí nhằm bao biện, phục vụ cho đảng cầm quyền… của nhà nước với nhân dân;
- Ý thức dân chủ của người dân còn quá thấp kéo theo những yêu cầu về nhân quyền của họ gần như ở mức số không, điều này một mặt đòi hỏi sự đánh thức, truyền đạt của giới trí thức và mặt khác cần có sự hoạt động rộng rãi của họ cộng với sự trợ lực từ những chính phủ, tổ chức có nền dân chủ đích thực, bằng mọi giá phải thực hiện điều này vì nó liên quan đến tiếng nói của người dân, hành động của người dân trước vấn đề chủ quyền đất nước, chủ quyền lãnh hải, biên giới… và tương lai của con em dân tộc Việt.

2.
Không, sẽ chẳng bao giờ có khái niệm cầm quyền tuyệt đối trong tôi dù ở nghĩa nào. Đất nước này chưa đủ tối tăm sau một chuỗi dài tuyệt trị của chính quyền phong kiến, rồi đến toàn trị của chính quyền cộng sản hay sao?
Cả hai thứ này đều mang lại sự dốt nát, ù lì, trì trệ và mất tự chủ, triệt tiêu nhân quyền, dân chủ, nhân tính ở đất nước có hình chữ S này. Nếu như có thêm một nhà cầm quyền tuyệt đối [dù nửa giờ đồng hồ!] thì chẳng khác nào ông nội phong kiến đẻ ra cha cộng sản, cha cộng sản lại đẻ ra con toàn trị tuyệt đối, cùng một giuộc với nhau cả!
Khi nào quyền lực còn tập trung, còn có khuynh hướng toàn trị, tuyệt đối thì khi ấy đất nước còn lầm than, con người còn sống trong u mê và kiềm kẹp, giả trá, đau khổ…  Hãy ném cái cầm quyền tuyệt đối vào tường cho nó vỡ nát ra rồi vo nó lại thành viên bi tròn, bỏ vào một cái chai thả vào đại dương, chắc chắn cái chai sẽ trôi về đúng vùng cổ thủy của nó. Hãy trả sự u mê về đúng vị trí của nó, giữ nó lại bằng tư duy toàn trị là một tội ác với cả tương lai và cả quá khứ của nhân loại!
Những giá trị đích thực của con người đang tiến gần đến chỗ chúng ta, biểu hiện của nó là mật độ những nhà đấu tranh nhân quyền, dân chủ càng lúc càng dày, sự sợ hãi càng lúc cảng mỏng dần. Và những chủ trương đậm chất ba hoa, xảo quyệt càng lúc càng bị vạch trần mạnh mẽ. Tôi tin vào một tương lai pháp quyền, và tin mãnh liệt rằng cái tương lai ấy phải do đội ngũ trí thức yêu nước, thức thời, tiến bộ đồng lòng xây dựng chứ không tin vào một cá nhân. Vì sao tôi tin vậy thì tôi đã nêu ở phần trên.

3.
2010 là năm chúng ta đang sống, chuyện đã xảy ra hàng loạt, về diện rộng thì thế giới văn minh phương Tây trao Nobel Hòa bình cho nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba trong lúc ông đang ngồi trong tù của chính quyền Trung Quốc, điều này phản ánh ý nghĩa gì tùy vào cách cảm nhận của mỗi người, nhưng chắc chắn một điều là cái giá của nhân quyền, dân chủ không nhỏ, nhưng không có nó, con người trả giá lớn hơn gấp bội lần.
Trong diện hẹp, chính quyền Việt Nam vẫn đang ráo riết bắt bớ, nhốt tù các nhà đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam, mà trong đó, thành phần trí thức là chủ yếu: các luật sư, nhà báo, nhà văn, blogger… Câu trả lời về tự do thân thể của họ vẫn còn là một nan đề. Điều này nói lên gì? Nó phản ánh cái tát tai của con sư tử già trước lúc nhắm mắt tắt thở.

Và từ đây cho đến 2020, sẽ có một cuộc cải tổ chính trị toàn triệt, sự có mặt của các đảng phái đề cao tính nhân quyền, dân chủ trong bộ máy nhà nước là điều tất yếu, Đảng Cộng sản vẫn tồn tại như một thực thể lịch sử, một dấu vết của một giai đoạn lịch sử, tuy còn là một nhóm nhỏ nhưng họ vẫn có quyền đề cử dân biểu ra tranh cử Tổng thống, Thủ tướng và các ghế khác trong bộ máy chính quyền Cồng hòa Việt Nam.
Năm 2015, Việt Nam sẽ có giải Nobel Hòa bình.

Từ năm 2020 trở đi: sẽ có một cuộc cải cách giáo dục toàn triệt, hệ thống triết học về giáo dục được thay đổi căn bản cho hợp thời đại và tạo ra đặc trưng giáo dục Việt Nam trên mặt bằng giáo dục thế giới, Ngô Bảo Châu sẽ là Bộ trưởng Bộ giáo dục Cộng hòa Việt Nam. Năm 2023 sẽ là năm Việt Nam có đầy đủ một hệ thống luật pháp khoa học và tiến bộ.
Các nhân vật đấu tranh dân chủ nhân quyền đang bị nhốt tù, kiềm kẹp hiện nay sẽ là những quan chức đầy năng lực phục vụ cho nhân dân trong tương lai, Đảng Việt Tân cùng những đảng phái khác có mặt ở Việt Nam để xây dựng chương trình Việt Nam 2030 và tương lai.

2030 trở về sau: Việt Nam được xếp vào nhóm tiến bộ, phát triển và văn minh, dân chủ. Lăng Hồ Chủ tịch được lưu giữ như một dấu vết, một đền thờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự hiện hữu của lăng này như một nhà thờ chi nhánh trong một tộc họ. Đất nước Việt Nam thì có rất nhiều tộc họ.
Năm 2030, hệ thống chống lũ, ngăn lũ và xả lũ trên toàn Trung phần Việt Nam đi vào hoạt động, đời sống của những khu vực này không còn khó khăn như đang thấy.
2035: Việt Nam có 2 nhà văn được đề cử Nobel Văn học. Các giải khác về điện ảnh cũng sẽ dần dần đến với Việt Nam.
Mọi dự đoán chỉ là dự đoán, nhưng dù sao tôi cũng có quyền tin vào dự đoán của mình. Vì tôi là người yêu nước! Xin cám ơn anh chị, mong sớm gặp lại talawas! Chúc anh chị sức khỏe, an lạc!
© 2010 Liêu Thái
© 2010 talawas
.
.
.
Hồ Phú Bông
26/10/2010 | 12:25 sáng

Đọc cái “Cáo phó” của talawas, tôi ngỡ ngàng. Hừừmm hừừmm mấy tiếng rồi bật ngửa ghế ra, gác chân lên bàn, nhìn trơ lên trần nhà! Không biết được bao lâu, tôi rời ghế, lại cửa sổ mở hai chốt khóa và lùa cánh cửa kiếng nhập qua một bên. Không khí lạnh ùa vào. Thì ra cái ấm cúng quá bên trong đôi khi lại cần đến cái lạnh bên ngoài!  Mặt hồ nước mênh mông của công viên sau nhà phẳng như tấm kiếng, phản màu trời xanh biếc, trong vắt. Hôm nay, tuần lễ cuối tháng Mười, gần cuối Thu để bắt đầu mùa Đông, nên những chú chim hàng ngày bay lượn, hót líu lo đã thiên di hay đang ẩn mình đâu đó trốn cái lạnh chớm về. Những nhánh cây ven hồ còn lưa thưa lá úa, trơ ra một số cành khẳng khiu. Cảnh và vật khá trơ trọi, đìu hiu. Nếu đang vui thì cảnh nầy thật thơ mộng.
Quay lại, màn hình laptop đã chuyển sang những hình ảnh và cảnh vật hai mùa Thu và Đông, mà tôi đã download về lâu rồi, đang lặng lẽ theo nhau. Xuân, Hạ đã qua. Thu, Đông đang đến. Cảnh bên ngoài và trên máy như quyện vào nhau. Phải chăng Xuân, Hạ của talawas cũng đã qua và chuẩn bị cho Thu, Đông gay gắt sắp tới?

Gõ lại password, “cáo phó” talawas lại hiện ra. Tôi ghé mắt bài mới hơn, Phạm Toàn trả lời phỏng vấn của talawas.  Thì ra còn có 3 câu hỏi sau khi talawas đăng “cáo phó”!  Đã “cáo phó” sao còn đặt 3 câu hỏi, mà cả 3 câu hỏi nội hàm đều ở thì tương lai? Tôi hiểu, có thể talawas đang chuẩn bị chuyển hướng. 9 năm đã khá đủ để tự chứng minh tính độc lập và giá trị của một trang web nên bây giờ dùng ID đó đi tiếp đoạn đường khác chăng?

Trở về quá khứ, thực tình tôi cũng không nhớ đã quen talawas trong trường hợp nào, được bao lâu. Với người đẹp thì “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” rất khó quên nhưng với talawas thì đầy nghi hoặc. Tôi tin là cái nghi hoặc nầy không phải chỉ riêng tôi!  Dẫu gì, văn phong Bắc/Nam cũng khác. Cách dùng chữ cũng có một số khác nhau.  Trong talawas bộ cũ, lần nào đó tôi gửi đến talawas một bài viết về chuyện gì đó (nhất thời không nhớ) đến khi nhận được bản edited, dù chỉ đôi chữ, đôi câu, nhưng tôi cũng nhận ra sự khác biệt Bắc/Nam nầy. Thì ra dẫu đồng chủng, đồng ngôn ngữ nhưng hai miền theo hai thể chế chính trị khác nhau nên tự gốc gác đã có khác biệt về văn hóa. “Văn tức là người”! Thời điểm đó, trao đổi với một số bạn bè về talawas, hầu hết đều nghi hoặc. Ô hô, “bọn nó” cả! Chỉ hai chữ ngắn ngủn “bọn nó” nhưng lại là một khoảng cách khá diệu vợi, đau xót, từ tâm thức!

Ai vậy? Ai gây nên “bọn nó” và “bọn mình”? Cuộc chiến Bắc/Nam không chỉ trên súng đạn, vì súng đạn đã xong, nhưng “bọn nó”, “bọn mình” vẫn còn đây. Cũng không phải vì thắng/thua mà cay cú. Cũng không phải vì thắng/thua mà kỳ thị.  Nhưng rõ ràng là có sự khác nhau về văn hóa Bắc/Nam. Hay đúng hơn là văn hóa xã hội chủ nghĩa và văn hóa “Mỹ-Nguỵ”!
Hàng ngày, vẫn cùng ngôn ngữ Việt, nhưng cách dùng chữ, cách lên giọng, xuống giọng khác nhau. Người miền Bắc dùng dấu nhấn khá mạnh, còn giọng miền Nam thì bình bình. Kèm với dấu nhấn là những chữ “lạ”. Rất lạ. Thí dụ trong những ngày đầu tiên sau 30 tháng Tư năm 1975, chữ “sự cố” nổi trên màn hình TV khi bị trở ngại kỹ thuật. Từ chữ “lạ”, đi kèm theo dấu nhấn, nên câu nói dễ biến thành một thứ “lệnh”.  Do đó, có khoảng cách trong giao tế là điều rất dễ hiểu.
Văn phong talawas vừa lạ, vừa tỉ mỉ. Hình ảnh những nhân vật trong các bài viết mang đậm tính Bắc. Cho nên, cá nhân nào đó có là nạn nhân của chế độ xã hội chủ nghĩa thì cũng không gây ấn tượng mạnh trong tôi. (Không nói đến nạn nhân tập thể trong Cải cách Ruộng đất.) Chuyện cũng bình thường, như sự xúc động về tin chiến sự có hàng trăm người chết, nhưng khi biết, dầu chỉ có một người mình quen, thì khó thể ngăn được nước mắt!

Vụ Nhân vănGiai phẩm chẳng hạn. (Trần Hoài Thư vừa nhắc lại chuyện nầy).  Những nạn nhân Nhân vănGiai phẩm đã và được tiếp tục ca ngợi đến đỉnh điểm của nhân cách, trong lúc đó thì cả nền văn hoá miền Nam bị “đào tận gốc, trốc tận rễ”(!) và số đông những người viết bị đày ải, tù tội, chết chóc thì, lúc ban đầu, hầu như talawas lãng quên. Mấy năm qua, vài khuôn mặt “tiêu biểu” của Nhân vănGiai phẩm còn sống sót, khi được nhà nước “ta” ban chút ân huệ về tiền, cho in sách, hoặc phục hồi tư cách nhà văn thì đã hả hê, dù chẳng nhận được một lời xin lỗi!

Cuối cùng thì “bọn nó” cũng như “bọn mình” đều “phe ta” vs “phe đang cai trị”! Chí ít thì cũng đã cùng chung điểm chính. Đó là, chủ nghĩa cộng sản là thảm họa của nhân loại nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng.
Với một chế độ cộng sản cào bằng dân trí và văn hóa dân tộc trong hơn 65 năm tại miền Bắc và 35 năm tại miền Nam thì, ít nhất, chúng ta đã có chung một ID.
9 năm qua đã xác nhận ID đó thì tại sao không mạnh mẽ đi tới để đối đầu với tập đoàn “thông tin lề phải” của đảng “ta” đang nắm quyền? “Có cứng mới đứng đầu gió’!
Cái “lạ” ban đầu, nêu ở trên, “không bởi tại anh, cũng không bởi tại em”, mà bởi chính chế độ cộng sản gây ra. Chế độ đó là tác nhân chính, nên nếu còn tiếp tục cai trị thì họa chia rẽ dân tộc không thể tránh khỏi.
Và dân tộc nào chia rẽ thì bị diệt vong! Đó là lịch sử.
(23/10/2010)

P/S:  Chuyện chú chuột talawas Jerry “thiếu thực phẩm” bủn rủn tay chưn nên không còn đủ sức chạy nhảy trốn tránh chú mèo Tom, thiên la địa võng, thì bàn sau.
© 2010 Hồ Phú Bông
© 2010 talawas

---------------------------------

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS
.
.
.

No comments: