Thursday, October 28, 2010

MỘT THƯ NGỎ MANG NHIỀU SỨC NẶNG (Bùi Tín)

Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Tư, 27 tháng 10 2010

Bức thư ngỏ ngày 11 tháng 10-2010 của 23 nhân vật từng có vị trí cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi Ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đang được dư luận toàn thế giới quan tâm phổ biến, bình luận khá là sôi nổi.

Đây là một bức thư rất quan trọng, được dự thảo công phu, trao đổi kỹ trong và ngoài nước, giữa lục địa và Hồng Kông, Macao, được dịch cẩn thận ở Hoa Kỳ sang tiếng Anh, có ngay những bản dịch sang tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và được tung ra vào một thời điểm đặc biệt, cho nên càng gây chú ý cho dư luận Trung Quốc cũng như dư luận toàn cầu.

Đây là thời điểm ngay trước Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XVIII sẽ họp vào năm 2012, bàn cả về đường lối chính trị - kinh tế và nhân sự trên cao nhất, là thời điểm khá bất thường là Thủ tướng Ôn Gia Bảo, nhân vật số 2 của chế độ, nhiều lần bày tỏ quan điểm công khai mạnh mẽ là Trung Quốc cần thực sự thực hiện cải cách chính trị sâu rộng, thực hiện dân chủ rộng rãi thì mới giữ được đà phát triển kinh tế và giữ được an ninh xã hội, nhưng 3 lần phát biểu của ông về nội dung này đều bị cơ quan tuyên huấn và công an trung ương kiểm duyệt, cắt bỏ, không cho Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh và Tân Hoa Xã đăng tải. Lại cũng là lúc nhà ly khai Lưu Hiểu Ba được thưởng Giải Nobel Hòa bình trong khi đang ở trong tù, bất chấp sự ngăn cản, đe dọa của Bắc Kinh đối với chính phủ Na Uy, làm cho bản Hiến chương 2008 nổi tiếng của ông được phổ biến rộng rãi thêm ở ngay Trung Quốc và trên toàn thế giới.

Điểm đặc biệt của Thư ngỏ này là ngắn gọn, súc tích, chỉ tập trung vào một điểm là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, trong khi khái niệm đầy đủ về dân chủ theo tài liệu của Liên Hợp Quốc bao hàm đến 27 quyền tự do của công dân, ngoài quyền tự do nói trên còn có các quyền tự do bầu cử, ứng cử, đi lại, xuất ngoại, tôn giáo, tổ chức, lập hội, tuần hành, biểu tình, học hành không mất tiền, quyền hưởng phụ cấp ốm đau, thất nghiệp, khi cao tuổi, về hưu, khi tàn tật, bị tai nạn, thiên tai, quyền được có nhà ở v..v…

Bức thư tập trung vào mũi nhọn đòi tự do báo chí, tư do xuất bản là vì tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn là tự do số một, tự do đi đầu, tự do mở đường cho mọi quyền tự do khác.

Nhà văn kiêm triết gia Pháp nổi tiếng trong thế kỷ Ánh sáng (17) Voltaire từng nhận định rắng «tự do báo chí là linh hồn của nền dân chủ».

Do đó Thư ngỏ yêu cầu với Quốc hội 8 điểm rất cụ thể là:

1- Giải thể cơ chế các báo phải có cơ quan đỡ đầu bảo trợ; các nhà xuất bản có toàn quyền tự lập. Thực hiện nghiêm chế độ chủ nhiệm và tổng biên tập chịu trách nhiệm về các ấn phẩm của mình;

2- Tôn trọng nhà báo, giúp cho nhà báo làm việc có hiệu quả. Nhà báo phải được xem là những «ông vua không ngai». Chấm dứt ngay việc chính quyền, công an địa phương bắt giữ nhà báo;

3- Xóa bỏ mọi hạn chế đối với việc điều tra dư luận của các báo tại các địa phương, bảo đảm cho nhà báo làm công việc đưa tin, viết phóng sự trong phạm vi cả nước;

4- Internet là nơi quan trọng để đưa thông tin, thảo luận về những quan điểm trong xã hội công dân. Cơ quan quản lý internet không được xóa bỏ một cách độc đoán nội dung và lời bình trên mạng, trừ khi có liên quan đến bí mật quốc gia hay xâm phạm đời tư của công dân;

5- Từ nay không có vùng cấm nào liên quan đến lịch sử đảng Cộng sản; công dân Trung Quốc có quyền biết về những sai lầm của đảng khi cầm quyền;

Tuần báo Hoa Nam và Viêm Hoàng Xuân Thu cần được phép khôi phục như là một chương trình tư nhân của một cơ quan đại chúng độc lập. Việc tư nhân hóa các báo chí, tuần báo phải được coi là hướng đi tự nhiên trong cải cách chính trị;

7- Cho phép phát hành tự do trên lục địa những sách, báo từ Hồng Kông, Macao. Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế, đã hội nhập kinh tế toàn cầu, không thể cứ khép kín về văn hóa. Nhân dân chào đón và tỏ ra tin cậy những sách báo đến từ Hồng Kông, Macao;

8- Thay đổi chức năng của các cơ quan tuyên truyền, từ việc đề ra những điều cấm kỵ, chuyên cản trở một cách lỗi thời sự giao lưu thông tin, còn hỗ trợ cho quan chức tham nhũng, kiểm duyệt những bài viết nói lên sự thật… sang thành cơ quan hỗ trợ, tiếp sức cho nhà báo, phản đối cường quyền, bảo vệ thông tin đại chúng và nhà báo.

Tám đề nghị rất cụ thể trên đây liên quan đến tự do báo chí, quyền tư nhân làm báo và xuất bản là những đề nghị mũi nhọn, mang tính mở đường cho quyền tự do công dân và dân chủ trong xã hội ngày càng rộng rãi về sau.

Các nhân vật ký tên vào Thư ngỏ nói lên tầm quan trọng, giá trị của những đề nghị và sức nặng của Thư ngỏ đang được phổ biến rộng và bàn cãi trong thời gian tới.

Chỉ xin nhắc đến một số tên tuổi để chứng minh sức nặng ấy. Đó là các ông: Lý Nhuệ, nguyên Vụ phó Vụ Tổ chức Trung ương đảng CS TQ; Hồ Tích Vỹ, nguyên Chủ nhiệm Nhân dân Nhật báo, từng là Uỷ viên Ban thường trực Quốc hội khóa 7; Giang Bình, nguyên Viện trưởng Đại học chính trị và Luật học, từng là Ủy viên Ban thường trực Quốc hội khoá 7; Lý Phổ, nguyên Phó Giám đốc Tân Hoa Xã; Chu Thiệu Minh: nguyên Vụ phó Vụ Chính trị Quân khu Quảng Châu; Chung Bái Chương, cựu Chánh văn phòng Cục Tuyên truyền trung ương; Vương Vĩnh Thành, giáo sư Đại học Giao thông Thượng Hải; Trương Trung Bồi, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Trung Quốc; Đỗ Quang, cựu giáo sư Trường Đảng trung ương; Quách Đạo Huy, cựu Biên tập báo Khoa học Pháp lý; Tiêu Mặc, cựu lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc Quốc gia; Trang Phổ Minh, nguyên Phó Giám đốc Nhân dân Nhật báo; Hồ Phủ Thần, cựu Giám đốc Nhà xuất bản Lao động; Vũ Hạo Thành, cựu Giám đốc nhà xuất bản Quần chúng; Trương Thanh, cựu giám đốc Trung tâm Điện ảnh Trung Quốc; Sa Diệp Tân, cựu giám đốc Trường Nghệ thuật Nhân dân; Tân Tý Lăng, cựu Giám đốc báo Đại học Quốc phòng...

Một vấn đề được nhiều blogger tự do trong nước trao đổi với nhau sau khi nhận được tin này là Trung Quốc và Việt Nam, ai là nước sẽ để cho báo chí tự do, để tư nhân làm báo và xuất bản sách báo? Ai là nước sẽ thực hiện dân chủ thứ thật là dân chủ bầu cử, tự do lập hội như hiến pháp công nhận, để có nền dân chủ đa đảng theo luật pháp như đông đảo các nước khác? Có bạn nêu tại sao ta cứ phải theo đuôi Trung Quốc, trong khi Việt Nam ta nhỏ hơn, gọn hơn, dễ đạt đồng thuận dân tộc hơn, để chuyển mình mạnh mẽ cả về kinh tế, chính trị và văn hoá, hòa nhập sớm và trọn vẹn với nhân loại tiến bộ. Sao cứ hủ lậu hoài!

Có bạn nêu vấn đề quyết định là ở trí thức và tuổi trẻ nước ta có còn trí tuệ và tâm huyết với nhân dân, dân tộc hay không? hay đã kiệt quệ về ý chí, bị bả hư danh, hưởng thụ vật chất cổ hủ cầm tù mất rồi? Xin mở rộng cuộc tranh luận lý thú và hệ trọng này.
------------------------------------------------------
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

--------------------------

Phạm Toàn dịch theo bản dịch và giới thiệu của David Bandurski ngày 13-10-2010 trên trang mạng của CMP – China Media Project – Dự án Truyền thông Trung Hoa.
11:13 chiều ngày 16/10/2010
17/10/2010 | 4:25 sáng  Tác giả: Phan Đằng Giang
Thư kêu gọi tự do ngôn luận của những cán bộ cao cấp ở Trung QuốcLý Nhuệ, Hồ Tích Vỹ Trần Đông Đức dịch (từ nguyên văn Hoa ngữ)
BNO News -  13/10/2010
15/10/2010
.
.
.

No comments: