Monday, October 25, 2010

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (6)

Thiện Ý
25/10/2010 | 11:11 chiều

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________

Tống Văn Công

I.
1. Xã hội phân hóa ra nhiều giai cấp, tầng lớp, nhưng lại do một Đảng độc quyền lãnh đạo, nhân danh bộ tham mưu của giai cấp công nhân, một giai cấp bị thất học, nơm nớp lo thất nghiệp, muốn đình công đòi tiền lương còm không biết dựa vào ai, tự đình công thì bị coi là bất hợp pháp. Ai cũng thấy là xã hội đang đi vào con đường của chủ nghĩa tư bản, nhưng lúc nào cũng được nhắc nhở phải kiên trì chủ nghĩa xã hội. Nói hướng tới nền kinh tế tri thức, nhưng tầng lớp trí thức được xếp sau công, nông (hai giai cấp lao động chân tay).

2. Đất nước trải qua 65 năm dân chủ, nhưng những người cầm quyền thảo văn kiện nào, bài viết nào cũng nhắc đi nhắc lại, nhắc tới nhắc lui, phải thực hiện dân chủ, mở rộng dân chủ, thực hiện quyền làm chủ, khắc phục dân chủ hình thức, chống lợi dụng dân chủ, dân chủ phải đi đôi với kỷ cương… Bạn có thấy trên thế giới có quốc gia nào như thế không? Vậy là yêu dân chủ hay sợ dân chủ? Vậy là  dân chủ còn xa vời lắm, vẫn là mơ ước chưa thành?

3. Hiến pháp đã ghi nhận đủ mọi quyền tự do, các văn kiện chính thức đều nhắc con người là trung tâm, phải tôn trọng quyền con người. Nhưng các sắc luật, bộ luật đã tạo ra các điều cấm trái với Hiến pháp và bất chấp Tuyên bố Vienna của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc: “Tất cả quyền con người đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau, liên quan đến nhau” và “không thể viện dẫn sự kém phát triển để biện minh cho việc cắt xén các quyền con người.”

4. Kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự là kiềng ba chân của một xã hội dân chủ. Ở Việt Nam, hai chân kiềng trước bị áp đặt tính từ “xã hội chủ nghĩa”, do đó chân kiềng thứ ba vẫn là một xã hội chính trị như nửa thế kỷ trước; Các đoàn thể đều không cần che giấu mình là công cụ của Đảng, tập hợp người dân thuộc giới mà mình phụ trách trước Đảng. Không có xã hội dân sự thì cũng không thể có nhà nước pháp quyền thực sự, không thể có nền kinh tế thị trường lành mạnh.

5. Bốn vấn đề bất cập kể trên đưa tới khủng hoảng văn hóa, đặc biệt là băng hoại đạo đức, có người e rằng vô đạo đức đang trở thành dân tộc tính! Văn hóa đạo đức giả: Nói dối như cuội, bằng giả tràn lan, báo cáo láo mọi cấp, mọi nơi; Văn hóa không trả lời: Các đại công thần và có tuổi ngang cha, chú như Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt gửi kiến nghị không ai trả lời; Hằng ngàn trí thức kiến nghị dừng Bauxite không ai trả lời…; Con đánh giết cha mẹ, cháu đánh giết ông bà, học trò đánh thày, công an đánh chết dân…

II.
1. Lập tức đổi mới Đảng, từ bỏ chủ nghĩa xã hội mô hình Xô-viết Stalin, xây dựng một Đảng của dân tộc.
2. Mở Hội nghị Diên Hồng mới dự thảo Hiến pháp có độ sáng đủ sức soi đường 1000 năm cho dân tộc.
3. Thực hiện ngay tự do ngôn luận để phát huy dân trí, dân khí, dân quyền, làm cho tiếng dân vang lên một ý chí  tự cường dựng nước giữ nước.

III.
2030: một nước Việt Nam đã ra khỏi chế độ toàn trị, chế độ dân chủ đã có nền móng; một dân tộc Việt Nam xóa sạch hận thù, hòa hợp trong tình đồng bào thiêng liêng; một nền văn hóa dân tộc hiện đại đang hình thành.

© 2010 Tống Văn Công
© 2010 talawas
.
.
.
Lý Đợi
25/10/2010 | 10:39 chiều

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________

Lý Đợi

1.
Đây không phải là những vấn đề hệ trọng nhất, mà thuộc về vô số những vấn đề hệ trọng tại Việt Nam nhưng chưa có hướng giải quyết:
Giáo dục đang nhằm theo cách ngu dân + giáo dục để dân ngu à sản sinh ra xã hội u mê, phần lớn dân số vì u mê mà sống một cách vô minh và “tính bổn ác”.
Kinh tế rã rời và tiếp tục rã rời với chính sách “thị trường định hướng XHCN”, tiếp tục sản sinh ra một giai tầng có đặc quyền tham nhũng và những nhóm đại tư bản đỏ vĩ cuồng. Không tạo được tích lũy tư bản (vốn) cho đất nước, nên đất nước chưa và có nguy cơ không thoát khỏi hai cái hố khốn khổ và khốn nạn.
Văn hóa nghệ thuật thì trời ơi đất hỡi… Bọn trẻ được hướng dẫn, tuyên truyền, rồi thành quán tính, nên chỉ lắng nghe những chuyện người tình nhố nhăng từ các ca sĩ “thời thượng”; mà không chưa chịu nghe chuyện: “Này công dân ơi…” từ ông già Hoàng Tụy, ông trẻ Ngô Bảo Châu…
Tôn giáo chợt mở chợt đóng với đồng bóng ma quỷ rộn ràng… Đại Nam Văn hiến ở Bình Dương và chùa Bái Đính ở Ninh Bình làm đại diện cho hai đầu tàu của 1.001 chùa chiền thuộc diện vô lễ nhất nước… Cái mĩ học vốn đã nghèo và nho nhỏ, lại heo hút và heo hắt hơn…
Chính quyền hụt tầm + thiếu trí à tiếp tục làm sản sinh và trầm trọng thêm các vấn đề trên.

2.
Theo lịch sử thì Việt Nam có rất nhiều cột mốc cho thấy 24 giờ đủ để thay vua, đổi chúa, chuyển chính quyền, thay chế độ… nhưng bản thân cái cột mốc ấy chỉ là “cột mốc có ý nghĩa lịch sử” mà thôi, về ý nghĩa dân sinh và nhân cảm, chúng ta cần một thời gian dài, với rất nhiều những việc cơ bản phải tái thiết. Vì các vấn đề mà câu hỏi 1 đã đề cập ở trên, nên từ thế hệ của mình (7X), rồi 8X, 9X… tôi chưa thấy được nhiều những nhân tài phát tiết. Không có nhân tài thì tương lai của dân tộc, của đất nước sẽ mờ mịt, chứ đừng nói gì tới canh tân, thay đổi. Tôi là một đại diện tiêu biểu cho thế hệ thiếu nhân tài. Tuy nhiên, nếu được, tôi sẽ làm những việc sau:
Giáo dục – y tế: Thực hiện chính sách giáo dục cưỡng bách và miễn phí hết cấp 3 (ngay trong niên khóa 2011); Tân trang và xây thêm 100 bệnh viện cấp tỉnh và 200 bệnh viện – bệnh xá cấp huyện và xã – giảm và không thu phí bệnh nhân không tiền và nghèo sặc máu (bắt đầu không thu viện phí ngay trong năm 2011 và tân trang + xây dựng trong vòng 10 năm).
Kinh tế: Tự do hóa kinh tế dân sinh; Giảm tối đa kinh tế quốc doanh; Lực lượng vũ trang quân đội – công an không được làm kinh tế (chuyển giao trong vòng 5 năm).

3.
2010: Sự việc Vinashin là điểm mốc mới về khốn khổ và khốn nạn.
2020: Khốn khổ giảm 50%. Khốn nạn tăng 50% (đột biến DNA của tầng lớp giàu mới).
2030: Khốn nạn giảm 49%. Bắt đầu hai mốc điểm mới về khốn khổ và khốn nạn (hy vọng và ước vọng…).
Khốn khổ (xét về: đời sống kinh tế); khốn nạn (xét về: đời sống tinh thần)

© 2010 Lý Đợi
© 2010 talawas

-----------------------

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS
.
.
.

No comments: