Friday, October 29, 2010

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (17)

Trương Nhân Tuấn
30/10/2010 | 5:47 sáng

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________

Trương Nhân Tuấn

Tôi trả lời “bài phỏng vấn cuối cùng” của BBT talawas với tâm trạng nửa bâng khuâng, nửa bất an. Tôi không tin lần viết này là lần chót trên trang mạng talawas. Hy vọng đây chỉ là quyết định tạm thời của talawas.

Về các câu hỏi:

1.
Theo thứ tự, hiện nay theo tôi 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam là: a/ giáo dục và chấn hưng văn hóa truyền thống Việt Nam; b/ ngoại giao và quốc phòng; c/ kinh tế; d/ ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững và e/ luật pháp không minh bạch và các vấn đề thuộc về an sinh xã hội.

Nếu hỏi vì sao thì tôi xin nói lý do ở hai điểm a và b như sau:
a/ Việt Nam hiện nay vẫn còn xếp hạng trong các nước nghèo trên bảng tính của thế giới, mặc dầu đã được hơn ba thập niên thanh bình để chấn chỉnh nội bộ và phát triển đất nước. Cũng với vốn thời gian này, Nhật Bản đã vươn lên từ đống tro tàn của đất nước họ sau Thế chiến thứ II để trở thành một cường quốc kinh tế. Cũng với thời gian đó, các nước đồng sàng với Việt Nam như Đại Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Mã Lai… đã vượt lên, thành rồng thành hổ, bỏ xa Việt Nam lại đàng sau vài thập niên.

Theo tôi có các nguyên nhân đã làm cho Việt Nam trì trệ: do sai lầm từ việc lựa chọn thể chế chính trị, do sai lầm về đường lối ngoại giao, do sai lầm về chiến lược quốc phòng… các sai lầm này đã làm cho Việt Nam vừa bị cô lập với thế giới tự do, vừa bị đẩy vào hai cuộc chiến đẫm máu với hai lân bang, gây tổn hại biết bao xương máu mà không đem lại lợi lộc nào cho dân và nước, ngoài việc kết thêm thù hận và đem lại sự nghèo khổ cùng cực cho người dân. Ngoài ra còn có những sai lầm trọng đại khác, đã khiến cho đất nước ngày càng đắm chìm vào vòng nghèo đói, khiến xã hội đầy dẫy bất công, luân thường đạo lý suy đồi: sai lầm về chiến lược phát triển kinh tế, sai lầm và bất cập đã tạo ra nền công lý bất phân minh, xã hội đảo điên do luân thường đạo lý (văn hóa truyền thống gia đình) suy đồi.

Nguyên nhân vì đâu Việt Nam đã có một loạt các lựa chọn sai lầm đó? Một câu trả lời đơn giản: nếu có lãnh đạo sáng suốt, chắc chắn Việt Nam đã không liên tục phạm những sai lầm tai hại.
Đến nay Việt Nam vẫn chưa (hay không) có một chiến lược nhất định để phát triển đất nước. Lãnh đạo Việt Nam vẫn chỉ loay hoay từng ngày, đối phó với từng thử thách, từng vấn đề một. Các Đại hội Đảng tiếp nối nhau đi qua, các nghị quyết lần lượt đi vào quá khứ, nhưng mục tiêu đề ra vẫn mập mờ, không điều gì hoàn tất hay thành công trọn vẹn.

Vấn đề cốt lõi, theo tôi, là do kết quả giáo dục và đào tạo con người.
Tất cả các đổ vỡ của dân tộc Việt Nam, từ sau khi giành được độc lập từ tay Pháp (thậm chí đến ngày hôm nay), là do các tầng lớp lãnh đạo quá tồi dở. Những lớp lãnh đạo này phần lớn chưa bao giờ được đào tạo có bài bản từ trường lớp.
Thời cộng sản, người lãnh đạo không có kinh nghiệm quản lý quốc gia (chỉ có kinh nghiệm cầm súng), không có kiến thức (ngoài lý thuyết Mác-Lênin lỗi thời)… do đó làm lãnh đạo không khác chi làm nghiên cứu sinh, lần mò thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Nhưng mỗi thất bại về chính sách của lãnh đạo là mỗi lần gây đau đớn cho người dân, là đem lại mất mát cho đất nước, vì những người lãnh đạo ấy đã lấy dân và nước làm vật thử nghiệm. Điều phẫn nộ là những cá nhân đáng lẽ phải chịu trách nhiệm về các thất bại đó, trước các nạn nhân của nó, thì chưa bao giờ bị trừng trị theo phép nước. Ngoại lệ đã bắt đầu từ thời ông Hồ Chí Minh. Ông Hồ vẫn đứng ngoài mọi trách nhiệm, cho dầu ông là tác nhân gây thiệt hại của hàng trăm ngàn sinh mạng, gây đổ vỡ của hàng triệu gia đình… Phương châm của Đảng CSVN làm lãnh tụ là được phép sai lầm. Phép nước đã bị coi không ra gì bắt đầu từ ấy.
Con người quyết định tất cả. Con người thế nào thì phản ảnh ra xã hội như thế ấy.

Đã có rất nhiều nhà mô phạm có lương tâm và có lòng với đất nước thường xuyên lên tiếng báo động về giáo dục.
Để ý, bất kỳ một quốc gia nào, tiên tiến, phát triển hay đang phát triển, nhà nước luôn dành cho bộ giáo dục ngân sách lớn nhất. Việc này nói lên hết tầm quan trọng của vấn đề giáo dục (và văn hóa) đối với sự phát triển của quốc gia. Quốc gia giàu mạnh hay không phần lớn tùy thuộc vào kết quả việc giáo dục và đào tạo công dân của quốc gia đó.

Tôi mới đọc được thống kê về thành quả của học trò gốc Châu Á (mà Việt Nam chiếm phần lớn vì kiều dân Việt Nam sống tại Pháp đông hơn các sắc dân Châu Á khác) so với các nước Châu Âu, đặc biệt là nước Pháp. Theo đó chỉ có 52% học trò Pháp tốt nghiệp đại học trong khi tỉ lệ học trò các giống dân Châu Á lên đến 62%. Tỉ số này còn đậm nét hơn nếu nhìn sang Hoa Kỳ. Ở đây học trò gốc Châu Á luôn đứng đầu lớp. Thống kê này được các cơ quan thẩm quyền Pháp quốc thực hiện nhằm tổng kết thành quả “hội nhập” của các sắc dân khác sống tại nước Pháp. Thống kê được thực hiện trên các gia đình di dân đã sinh sống khá lâu, có con cái sinh ra và trưởng thành tại Pháp. Cũng theo kết quả đó, thành phần ít thành công trong học đường là các con em có gốc Châu Phi (vùng ảnh hưởng Hồi giáo). Thống kê khác, về tội phạm, cũng cho thấy thành phần con em Châu Á rất ít phạm tội hình sự, trong khi thanh niên gốc Phi Châu Hồi giáo thì liên tục phá mọi kỷ lục về tội phạm trên nước Pháp.
(Nên phân biệt, thống kê này không ghi nhận tội phạm gây ra từ những di dân mới. Điều đáng ghi nhận: tội phạm gốc Việt Nam những năm gần đây đã chiếm một con số rất lớn trên các nước Châu Âu, làm đảo ngược thứ tự mọi thống kê từ trước tới nay. Do các tệ nạn này mà tinh thần “bài Việt” đã nổi dậy rất mạnh mẽ trên một số nước, nhất là các nước Đông Âu cũ.)

Rút được kết luận gì cho giáo dục hiện nay tại Việt Nam? Phải chăng con em gốc Châu Á thông minh hơn con em các nước Châu Âu và con em của các giống dân Á-Âu thì có chỉ số thông minh vượt trội hơn con em gốc Châu Phi?
Theo tôi, không hiện hữu vấn đề “chủng tộc siêu việt”. Dân tộc nào chỉ số thông minh cũng sàn sàn như nhau.

Tôi cho rằng các yếu tố sau đây là yếu tố quyết định: văn hóa truyền thống gia đình, hệ thống giáo dục, đức hạnh của những người làm giáo dục và phẩm chất của chương trình và phương pháp giáo dục.
12% khác biệt mức độ thành công ở thống kê trên là do từ văn hóa truyền thống gia đình. Con số này rất lớn nếu so sánh với tỉ lệ thành công 52%.

Văn hóa Hồi giáo (cực đoan), có nhiều nét tương đồng với lý thuyết cộng sản, như cực đoan và bất bao dung. Văn hóa Châu Âu thì quá phóng khoáng, gia đình đôi khi không là điểm tựa vững chắc về tinh thần và vật chất cho con em để chúng có thể thành công. Trong khi văn hóa phương Đông (Việt Nam) hài hòa và bao dung (thành phần Việt kiều trên đất Pháp đa số theo Phật giáo và Thiên Chúa giáo). Cha mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả để con cái được thành công.

Việt Nam sau bao nhiêu năm sống trong nền “văn hóa mới xã hội chủ nghĩa”, lăng tẩm, đền đài, đình, miếu, mồ mả cha ông… đã bị đào xới, nền văn hóa truyền thống do đó lần hồi biến dạng.
Đại lễ “1000 năm Thăng Long” là dịp để người Việt nhìn lại chính mình. Thấy gì? Con người Việt mới xã hội chủ nghĩa (cực đoan và bất bao dung) đã tự đào hố chôn quá khứ của mình, trong khi cái mới thì chưa hình dung được thế nào, vẫn loay hoay ở định hướng và các ý định về xây dựng. Những gì thể hiện chung quanh đại lễ “1000 năm Thăng Long” là sự phản ảnh tự nhiên của việc, mà tôi gọi là khủng hoảng căn cước và  mặc cảm về nguồn gốc, của người Việt hiện nay. Những gì đã thấy từ các sản phẩm văn hóa cống hiến cho đại lễ, từ màu sắc cho đến các tấn tuồng, rõ ràng là ngoại lai. Nhưng khi định tâm trước việc đề nghị cái gọi là “bản sắc Việt Nam”, rõ ràng mọi người có một sự ngập ngừng lớn. Một ngàn năm độ hộ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của mẹ một bọn “lai căn”…
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói những lời như tiên tri: lũ chúng ta chỉ là một bọn “lai căn”. Nếu không nhận diện được các khuyết tật (do đoạn tuyệt với quá khứ) của mình ngay từ hôm nay thì ba thập niên nữa Việt Nam cũng không thoát khỏi tình trạng khủng hoảng căn cước và mặc cảm về nguồn gốc.
Do đó trọng trách về văn hóa và giáo dục rất là lớn lao. Tiên khởi là nhận diện nền văn hóa truyền thống gia đình (đã chứng tỏ thành công trên đất Pháp) đó như thế nào để chấn hưng và phát huy nó, để từ đó làm nền tảng cho văn hóa dân tộc.

Việc hệ trọng khác, để có thể đào tạo người tốt cho xã hội, là đức hạnh và tính chuyên môn của người làm văn hóa giáo dục. Câu hỏi thứ hai tôi xin xen vào ở đây, nếu tôi có quyền tuyệt đối trong 24 tiếng đồng hồ, một việc mà tôi sẽ làm là tìm những người như thầy giáo Đỗ Việt Khoa, mời vào làm Tổng thanh tra Bộ Giáo dục, phẩm hàm ngang hàng Thứ trưởng, trực thuộc phủ Thủ tướng, để cầm trịch trong việc làm sạch hệ thống giáo dục của Việt Nam. Người làm giáo dục phải là những người gương mẫu. Có vậy mới có thể đào tạo được học trò tốt. Mô phạm là có ý nghĩa như vậy.

Nhưng nghĩ lại, khi nghe ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng than: “Từ lúc làm Thủ tướng đến nay tôi chưa kỷ luật đồng chí nào cả!”. Phép nước có cũng như không. Có 1 triệu tấm lòng như ông Đỗ Việt Khoa thì cũng (bó tay chấm com)! Và bây giờ mỗi đảng viên cấp cao là một lãnh tụ, lãnh đạo trong một vùng, một tỉnh riêng. Mỗi người cứ noi gương Bác có quyền được “sai”, không ai chịu trách nhiệm về hậu quả của việc “sai” này.
Xem ra cái nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nói “né” như trong nước, là lỗi do hệ thống; nhưng nói thẳng là do Đảng CSVN. Nếu Đảng vẫn coi quyền dân phép nước không ra gì; quyền dân không bằng quyền Đảng, luật nước chỉ áp dụng cho dân (và luật được suy diễn theo ý của Đảng) và đảng viên đứng ra ngoài (hay trên) luật nước, thì tất cả những nỗ lực đều chỉ hoài công.
Các vấn đề khác, hệ thống giáo dục là hệ thống nào và phẩm chất của chương trình giáo dục là phẩm chất gì thì nhiều người đã nói, tôi không bàn thêm.

b/ Về quốc phòng và ngoại giao: Truyền thống Việt Nam, những người đã vẽ nên những trang sử hào hùng cho con cháu đọc các đời sau đều là các vị tướng lãnh, với những trận chiến hào hùng mở nước và giữ nước. Ngày nay có lẽ cũng không khác, vấn đề giữ nước vẫn quan trọng hàng đầu (vì định mạng đã sắp đặt như thế, Việt Nam ở kế một nước lớn mà từ lịch sử dựng nước của họ đã đặt nền tảng trên một thứ chủ nghĩa bành trướng cực đoan). Nhưng thời thế hôm nay là làm thế nào để giữ nước, bảo vệ được quyền lợi của quốc gia, sinh mạng và quyền lợi của mỗi người dân, mà không gây chiến tranh. Chiến tranh phải là điều nên tránh. Đó là việc làm kết hợp giữa quốc phòng và ngoại giao.

Nhưng xem ra thế hệ hôm nay thua kém xa thế hệ cha ông. Việt Nam vẫn không bảo vệ được lãnh thổ, hải phận, hải đảo và quyền lợi của quốc gia ở các nơi đó. Ngoại giao và quốc phòng Việt Nam cũng không bảo vệ được sinh mạng và tài sản của người dân.
Quốc phòng Việt Nam vẫn chưa đủ thể lực để có thể răn đe các thế lực bành trướng. Ngoại giao Việt Nam vẫn thường xuyên bó tay trước những hành vi ngang ngược của Trung Quốc (cũng như của các nước khác) tại biển Đông, ngay trên vùng mà chủ quyền của Việt Nam được xác định.
Thế trận “dân quân tự vệ biển” vẫn không (hay chưa) được khai triển. Việc này còn bị chống đối. Theo tôi, thế trận này khả dĩ chống lại được những gieo rắc kinh hoàng cho ngư dân Việt Nam của những chiếc tàu Ngư Chính (những chiếc tàu đội lốt lực lượng hành chính bảo vệ các nguồn tài nguyên của Trung Quốc), thực tế hành xử như hải tặc. Vấn đề là khai triển thế trận này như thế nào để vừa bảo vệ quyền lợi cũng như sinh mạng của ngư dân Việt Nam, vừa khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam, đồng thời không tạo nên cớ để Trung Quốc phát động chiến tranh.
Thời gian gần đây, quốc phòng và ngoại giao Việt Nam đã có những bước đi khả quan, như liên kết được Hoa Kỳ vào thế đối trọng với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển Đông. Nhưng quyền lợi Việt Nam trong dự án “quốc tế hóa vấn đề biển Đông” vẫn không rõ ràng. Sự nhập cuộc của Hoa Kỳ vẫn không rõ rệt, chỉ đơn thuần ở mức tuyên bố. Nhiều tiếng nói (thuộc Học viện Ngoại giao hay của một tổ chức nghiên cứu độc lập) vừa qua cho thấy quyền lợi Việt Nam bị đặt vấn đề.

Dường như hai phe quốc phòng và ngoại giao có hiện tượng “lệch pha”.
Quốc tế hóa một vấn đề tranh chấp ở phạm vi khu vực có nhiều ý nghĩa, tùy theo mức độ của việc tranh chấp. Trường hợp biển Đông, trong giờ phút này, quan trọng hơn hết là phải vận động dư luận quốc tế ủng hộ lập trường (hay lý lẽ) của Việt Nam ở biển Đông, về chủ quyền của Việt Nam ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dầu Hoa Kỳ chỉ mới tỏ lập trường ở tuyên bố, nhưng đã cho thấy rõ rệt ý kiến của họ: Hoa Kỳ không ủng hộ phe nào trong việc tranh chấp. Tức là Hoa Kỳ vẫn hoài nghi về lập trường (hay lý lẽ) của Việt Nam ở biển Đông (về chủ quyền của Việt Nam tại các đảo) nhưng vẫn mở một cánh cửa để đó cho Việt Nam.
Thuyết phục quốc tế, trong đó Hoa Kỳ là chính, là sứ mạng của những người nghiên cứu nhưng là công việc của ngoại giao.
Lập trường (hay lý lẽ) của Việt Nam rất bất lợi trước dư luận quốc tế, vì các tác phẩm về nghiên cứu biển Đông của các học giả trên thế giới phần nhiều đều phản đối lập trường Việt Nam. Có nhiều lý do: do các hành động vô trách nhiệm của các lãnh đạo Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong quá khứ, do thiên vị vì ý thức hệ chính trị, do diễn giải sai các dữ kiện lịch sử hoặc do đầu độc bởi các luận điệu xuyên tạc và “phịa sử” của phía các học giả Trung Quốc. Điều trớ trêu, một số “học giả” Việt Nam lại bị tiêm nhiễm rất nặng nề quan điểm của các học giả quốc tế nói trên. Điều quan trọng khác, các tác phẩm này đã ảnh hưởng rất lớn đối với các thế hệ thanh niên Hoa Kỳ sau này.
Do đó, công việc của các học giả Việt Nam là vừa tự “giải độc” cho “phe mình”, vừa phải phản biện từng lý lẽ một của các học giả quốc tế.
Nói chung, về quốc phòng và ngoại giao, thử thách trước mắt rất lớn, thành quả của việc giải quyết vấn đề sẽ xác định bản lĩnh và trí tuệ của Việt Nam.

2.
Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, tôi sẽ vận động để quần tụ một Quốc dân Đại hội gồm đại diện trí thức của các miền, các sắc tộc, các tôn giáo… để soạn thảo bộ luật hòa giải dân tộc.
Từ lâu nay, người Việt Nam chỉ hiểu “hòa giải” như là một hành động, một thủ đoạn chính trị. Họ đã đúng vì thực tế đã cho phép họ nghĩ như vậy. Mỗi khi nghe nói đến “hòa giải” là nghe đến “chính phủ hòa hợp hòa giải dân tộc”, “chính phủ hòa giải hai (ba, bốn bên) v.v… Tất cả chỉ là thủ thuật chính trị để tranh giành hay chia chác quyền lực. Chưa bao giờ hòa giải được hiểu như là một vấn đề thuộc phạm trù đạo đức.
Dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc có nhiều xung đột nhất, kể cả việc xung đột với văn hóa, lịch sử… tức là với chính quá khứ của mình.
Dân tộc Việt Nam phải hòa giải với quá khứ để nhìn lại chính con người thật của mình, nhận thấy mặt thật của mình, để thoát khỏi khủng hoảng về căn cước và mặc cảm về nguồn cội. Lòng tự hào dân tộc chỉ có thể phát sinh nếu không còn mặc cảm về nguồn cội.
Nhưng lòng tự hào của dân tộc từ lâu đã bị đánh tráo với lòng tự hào về các cuộc chiến thắng. Các cuộc chiến thắng này đang bị đánh giá lại. Ngày hôm nay sự thật về các chiến thắng đó dần dần lộ rõ: chiến thắng đó là chiến thắng của Đảng CSVN, hay đúng ra là của phe cộng sản quốc tế. Người cộng sản có thể tự hào về các chiến thắng này nhưng người Việt Nam thì không thể tự hào.
Phải hòa giải với quá khứ, với nạn nhân, với gia đình nạn nhân trong các cuộc cách mạng đẫm máu: Cải cách Ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm… bằng cách phục hồi nhân phẩm cho họ, cho con cháu họ. Phải đền bồi, cho dầu ở mức tượng trưng.
Phải hòa giải với những kẻ chiến bại (trước phe cộng sản), phục hồi danh dự và đền bồi cho họ, cho gia đình dòng tộc của họ. Hành động đầu tiên là cho trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa, thành một khu “di tích quốc gia”, như đề nghị của một sử gia gần đây trên talawas.
Làm được như vậy là hòa giải đạo đức với chính trị, đưa đạo đức vào lại trong sinh hoạt chính trị.
Từ đó lòng tự hào dân tộc sẽ được phục hồi. Và khi có lòng tự hào về dân tộc mình, người ta có thể làm mọi thứ để hy sinh và phụng sự nó.

3.
Việt Nam năm 2010 thì đã nói và nhiều người đã nói. Nhưng không cần nói thì cũng thấy: một Việt Nam nghèo đói, chậm tiến, bất công, tham nhũng lan tràn… Việt Nam 2010 còn có thêm một xấu hổ lớn với thế giới là vẫn còn giữ một chế độ độc tài do Đảng Cộng sản lãnh đạo, mà chủ nghĩa cộng sản đã bị thế giới vứt bỏ vào sọt rác lịch sử từ lâu.
Về tương lai Việt Nam 2020 hay 2030, tôi không bi quan mà cũng không lạc quan. Việt Nam tốt đẹp hay bi đát sau này đều do ảnh hưởng của 5 điều mà tôi cho là quan trọng nhất ở trên. Tất cả đều có thể quyết định ngay từ hôm nay.
Theo tôi, sẽ tốt đẹp cho tương lai Việt Nam nếu chế độ chính trị sớm được thay đổi. Vì nó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Chế độ độc tài đảng trị hiện nay đã chứng tỏ sự bất lực ở mọi phương diện, kể cả vấn đề công bằng xã hội, là hòn đá tảng của chế độ chủ nghĩa xã hội. Nhưng giới lãnh đạo Đảng CSVN vẫn tiếp tục dẫn đất nước phiêu lưu không định hướng. Càng “phát triển” thì xã hội càng đầy dẫy bất công, chênh lệch giàu nghèo ở mức cao nhất thế giới. Pháp luật diễn giải tùy tiện theo ý của cán bộ, công an. Tài nguyên khai thác lần hồi kiệt quệ. Vấn đề khai thác bừa bãi đã đưa đến việc ô nhiễm, hay đe dọa ô nhiễm nghiêm trọng. Miền Trung bị đe dọa do việc khai thác bauxite trong khi đồng bằng sông Cửu Long thì vừa bị đe dọa do thiên nhiên (biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao), vừa bị đe dọa do… thiên triều với những cái đập xây dựng ở đầu nguồn. Miền Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ trở thành một vùng “no man’s land”, không có người sinh sống.

Một chế độ dân chủ đa nguyên, trên nền tảng tự do về kinh tế, theo tôi sẽ thích hợp cho hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Chế độ chính trị này đã chứng minh sự hữu hiệu ở rất nhiều nước trên thế giới. Điển hình, khá đồng dạng với hoàn cảnh xã hội và lịch sử của Việt Nam, là Đài Loan và Đại Hàn trước đây, hai xứ này áp dụng chế độ dân chủ đa nguyên từ gần hai thập niên nay. Kết quả cho thấy họ đã có một sức bật mãnh liệt trên mọi phương diện, sản phẩm văn hóa cũng như khoa học kỹ thuật của họ đã cạnh tranh với những nước tiên tiến nhất trên thế giới. Hai nước này cũng đã vượt qua khó khăn do khủng hoảng kinh tế Châu Á 1997 một cách dễ dàng và lành mạnh hơn các nước khác trong khu vực như Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan… Lý do giải thích là vì Đại Hàn và Đài Loan có nền tảng chính trị dân chủ đa nguyên, so với các nước kia còn vướng vít ít nhiều trong vòng độc tài, các chế độ lãnh tụ chế hay vương quyền.
Như thế, tương lai của Việt Nam ở các năm 2010, 2020, 2030 thì tùy thuộc vào chế độ chính trị. Tôi tin tưởng ở con người Việt Nam, những người đầy tài năng và bản lĩnh, nhưng nhiều thế hệ đã bị mai một vì không thể thi thố tài năng. Chỉ có một chế độ dân chủ đa nguyên mới có thể giúp họ thi thố tài năng, trên mọi lãnh vực. Nếu thuận tiện và tốt đẹp, năm 2030 Việt Nam có thể vượt qua Đại Hàn.
Nhưng nếu Việt Nam vẫn như hôm nay, nhất định theo đuổi “định hướng xã hội chủ nghĩa” với sự dẫn dắt (mù quáng theo “lề phải”) của Đảng CSVN, thì năm 2030 dân Việt Nam sẽ biến thành… đàn cừu (nói theo khoa học gia Ngô Bảo Châu). Bằng không thì dân Việt Nam sẽ chỉ là một dân tộc chuyên làm thuê gánh mướn cho các nước tư bản chung quanh.

4.

Kết luận: Với một thời gian ít ỏi và một tâm trạng bất an tôi viết trả lời bài “phỏng vấn cuối cùng” của talawas. Những thao thức, trăn trở của tôi về đất nước từ nhiều năm nay không thể dàn trải mạch lạc một lần là xong. Việt Nam có quá nhiều điều cần phải nói. Mà muốn nói cho đúng, cho thuyết phục hơn thì cần có một tâm trạng ổn định với nhiều vốn thời gian. Vì thế tôi hy vọng rằng quyết định của talawas chỉ là quyết định tạm thời.
Tôi không biết lý do nào để talawas có quyết định ngừng hoạt động. Tôi thấy mô hình sinh hoạt nào cũng có khuyết điểm nhưng mô hình nào cũng có thể bổ khuyết cho hoàn chỉnh hơn. Chỉ có con người vừa có uy tín vừa có khả năng lại vừa có tấm lòng thì thật là hiếm hoi. Tôi hy vọng các bạn, sau một thời gian nghỉ ngơi sẽ hồi tâm, sẽ tiếp tục dấn thân, nghĩa bóng và nghĩa đen, trên một hình thức khác, một lề lối sinh hoạt khác. Tôi sẵn sàng cộng tác với các bạn qua một mô hình bất kỳ. Đây là lời hứa long trọng của tôi đến những người bạn mà tôi chưa hề gặp mặt, nhưng suốt đời có lẽ không thể tôi quên, những người thật đáng trân trọng và quí mến.
Hẹn sớm gặp lại, những viên ngọc quí của đất nước.

Marseille, ngày 23 tháng 10 năm 2010
© 2010 Trương Nhân Tuấn
© 2010 talawas
.
.
.
Cổ Ngư
30/10/2010 | 4:00 sáng

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________

Cổ Ngư

1.
Sự lãnh đạo độc tài, độc đảng và tư lợi của nhóm cầm quyền, nguyên nhân chính của tệ nạn tham nhũng, lũng đoạn trong giới lãnh đạo và việc mất niềm tin trầm trọng của người dân đối với chính quyền;
Mối đe doạ chính trị, kinh tế, quân sự của Trung Quốc đối với Việt Nam;
Hệ thống giáo dục và y tế ngày càng xuống cấp, từ chất lượng đến tinh thần và trách nhiệm của người thi hành;
Ô nhiễm môi sinh, phá hoại thiên nhiên, lãng phí tài nguyên, năng lượng;
Quy hoạch – cân bằng sự phát triển giữa thành phố và nông thôn, giữa hạ tầng và thượng tầng cơ sở, giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân.

2.
Tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Việt Nam, tạm giữ lại chính phủ hiện thời để chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử trong tinh thần tự do dân chủ;
Trả tự do cho các tù nhân chính trị và tôn giáo;
Mở cuộc thăm dò dư luận quần chúng, khuyến khích người dân phát biểu ý kiến để chuẩn bị cho việc soạn thảo hiến pháp mới;
Chỉnh đốn chính phủ, quân đội, công an ở cấp lãnh đạo;
Thắt chặt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, Âu Châu, Nga, Nhật, các nước Đông Nam Á. Bình thường hoá mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

3.
Sự thay đổi triệt để cách lãnh đạo đất nước (lãnh đạo theo kiểu Đảng-Nhà nước tuy-hai-mà-một như hiện nay) là điểm then chốt để có thể đưa ra dự phóng cho một nước Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng, dân chủ trong vòng 10, 20 năm sắp tới.
© 2010 Cổ Ngư
© 2010 talawas
.
.
.
Lê Tuấn Huy
30/10/2010 | 1:12 sáng

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________

Lê Tuấn Huy

1.
Vấn đề hệ trọng của Việt Nam hiện nay thì nhiều nhưng chỉ xin nêu một, vì đó là cái “hệ trọng” tạo ra mọi “hệ trọng” khác: Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong ngắn hạn, nếu đảng này không có biến chuyển mang tính đột phá (hiểu theo nghĩa rộng nhất, ở mọi dạng thức khả dĩ của “biến chuyển”) về nhận thức, tổ chức và con người, thì hệ quả sẽ càng trầm trọng hơn rất nhiều so với cái vốn dĩ đã rất trầm trọng.

2.
- Ban hành hiếp pháp mới, tương hợp với sự tiến bộ của loại văn bản này của loài người.
- Thiết lập nhà nước phân quyền, là thể chế đương đại duy nhất tương ứng với một hiến pháp tiến bộ.
- Phân bổ bộ máy nhân sự cấp cao mới, là những con người tương xứng để vận hành đúng hướng nhà nước phân quyền đó.
Đương nhiên, cần giả định rằng những việc liên quan đã có tiền đề từ trước, chứ không thể khởi sự 24h này từ con số 0.

3.
Tôi là người không thích tiên đoán, chỉ giả định những tình huống khác nhau trên cơ sở các dữ liệu đã tích tụ ở mức cần có.

28/10/2010
© 2010 Lê Tuấn Huy
© 2010 talawas

-----------------------------------

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (16) – Phạm Đình Trọng – Nguyễn Trọng Tạo – Lê Diễn Đức
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (15) -  Bùi Văn Phú – Trần Doãn Nho – Nguyễn Thanh Giang – Đào Tấn Phần
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (14)  -  Tống Văn Công – Nguyên Trường – Trần Thị Trường
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (13)  -  Nguyễn Huệ chi – Nguyễn Lệ Uyên
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (12)  -  Lâm Hoàng Mạnh – Phạm Hồng Sơn – Ban Mai
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (11) -  Phong Uyên – Trần Trung Đạo
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (10) -  Song Chi – Lại Nguyên Ân – Trần Kiêm Đoàn
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (9)  -  Hà sĩ Phu – Khuất Đẩu
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (8)  -  Đinh Từ Thức – Nguyễn Trang Nhung
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (7)  -  Trần Vũ – Liêu Thái – Hồ Phú Bông
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (6)   -  Tống Văn Công – Lý Đợi
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (5)  -  Võ Thị Hảo – Nguyễn Chính – Nguyễn Thanh Giang
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (4)  - Trương Thái Du – Dương Tường
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (3)  - Hoàng Hưng – Tieu Dao Bảo Cự
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (2)  - Dương Danh Huy – Bùi Tín – Lê Anh Hoài
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (1)   -  Phạm Toàn – Nguyễn Viện
.
.
.

No comments: