Friday, October 29, 2010

TOKYO và WASHINGTON XÍCH LẠI GẦN NHAU VÌ THÁI ĐỘ "HUNG HÃN" CỦA BẮC KINH

Duy Ái | Washington, DC
Thứ Sáu, 29 tháng 10 2010

Một sách lược ngoại giao quan trọng của đảng Dân chủ đương quyền Nhật Bản đã thay đổi sau những phản ứng của Trung Quốc mà Tokyo mô tả là “cuồng loạn” đối với vụ tranh chấp chủ quyền một dãy đảo ở Biển Đông Trung Quốc. Các nhà phân tích cho biết thái độ “hung hãn” của Trung Quốc đã khiến cho Nhật Bản từ bỏ chủ trương giữ khoảng cách đồng đều trong quan hệ với Washington và Bắc Kinh để chuyển sang việc tăng cường quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết về việc này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, phải, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara ở Honolulu, Hawaii, ngày 27 tháng 10, năm 2010


Trong cuộc họp báo chung tại Hawaii hôm thứ 5 (28 tháng 10, 2010) với Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố rằng mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật là nền tảng của sự giao tiếp chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng Á châu Thái bình dương. Bà Clinton cũng tái khẳng định rằng quần đảo Senkaku – một dãy đảo do Nhật cai quản và đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, nằm trong phạm vi của Điều 5 của Hiệp ước Phòng thủ chung mà Hoa Kỳ ký kết với Nhật Bản năm 1960, và Hoa Kỳ có quyết tâm tuân hành nghĩa vụ bảo vệ người dân Nhật Bản.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ đã tuyên bố như vậy sau vụ tranh cãi dữ dội giữa Tokyo và Bắc Kinh liên quan tới việc Nhật Bản bắt giữ viên thuyền trưởng của một chiếc tàu đánh cá Trung Quốc đụng nhau với hai chiếc tàu tuần duyên Nhật trong vùng biển gần quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài. Các nhà phân tích cho rằng vụ tranh chấp này mang lại cho Washington một cơ hội mới để tăng cường quan hệ với Tokyo sau khi các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đương quyền Nhật Bản cổ xướng cho việc theo đuổi một đường lối ngoại giao “độc lập hơn” với Hoa Kỳ.

Giáo sư Kerri Brown của Viện Nghiên cứu Quốc tế Sự vụ Hoàng gia Anh cho biết như sau:
"Điều này quả thật đã nêu bật vai trò “ô dù an ninh” của Hoa Kỳ ở khu vực Thái bình dương. Nhật Bản lâu nay vẫn phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ. Vì vậy đây là một thời điểm rất tốt để Hoa Kỳ khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ với Nhật Bản."

Giáo sư Dương Trung Mỹ, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại ở Nhật Bản, cũng tán đồng nhận định vừa kể. Ông nói như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho ban Hoa Ngữ đài VOA:
"Để đối phó với thái độ của Trung Quốc, Nhật Bản đã quyết định tăng cường quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Trước đây, cựu thủ tướng Yukio Hatoyama và đương kim thủ tướng Naoto Kan có chủ trương là giữ khoảng cách đồng đều giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là Tokyo muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh trong lúc dần dần lánh xa Washington để có thể nắm giữ một vai trò điều hợp, điều giải giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng thế chiến lược này giờ đây đã thay đổi và Nhật Bản đã bắt đầu ngã về hướng tăng cường quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Mặt khác, lực lượng tự vệ biển của Nhật cũng đã được tăng cường với mức độ trước đây chưa từng có, cả về mặt ngân sách lẫn các hoạt động chế tạo chiến hạm. Sức mạnh về tiềm thủy đĩnh và khả năng chống tiềm thủy đĩnh cũng được tăng cường rất nhiều. Tất cả những sự việc này là những biện pháp ứng phó với sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc."

Những hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây mà một số người cho là “lấy đá ghè chân mình” không chỉ giới hạn trong vụ xích mích với Nhật Bản trong vùng Đông Bắc Á. Các nước Đông Nam Á cũng đang ngày càng lo ngại nhiều hơn về điều mà họ cho là sự chèn ép của Trung Quốc, đặc biệt là các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông. Sự lo ngại này đã khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam, ra sức tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ và các nước khác để cân bằng với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Họ cũng thành công trong việc vận động để Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á thu nhận Hoa Kỳ và Nga làm thành viên vào năm 2011.

Về việc này, cựu Ngoại trưởng Australia Stuart Harris cho biết đài VOA biết như sau:
"Việt Nam đang thúc đẩy ASEAN ủng hộ lập trường của mình trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Đối với ASEAN thì đây là một vấn đề vô cùng phức tạp. Nhưng hầu hết các nước này đều muốn gây sức ép lên Trung Quốc và sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ có thể giúp cho họ thực hiện mục tiêu đó."

Giáo sư Trịnh Vũ Thạc, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Thành phố Hồng Kông, cũng có một nhận định tương tự:
"Hiện nay thế lực của Trung Quốc đang bành trướng quá đỗi nhanh chóng. Khối ASEAN nghĩ rằng trong tình huống như vậy thì cách tốt nhất để duy trì vị thế chủ đạo của mình là thu hút sự gia nhập của những nước lớn có liên quan tới khu vực. Làm như vậy có thể tránh được tình trạng Trung Quốc chiếm đoạt vị thế chủ đạo. Họ muốn lôi kéo Hoa Kỳ, lôi kéo Liên bang Nga để cân bằng thế lực. Họ cũng hy vọng là Hoa Kỳ sẽ quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề bên trong khu vực và duy trì các cam kết quân sự đối với khu vực này."

Sự mong muốn vừa kể của các nước láng giềng của Trung Quốc đã nhận được đáp ứng tích cực từ Washington. Trong bài diễn văn đọc tại ở Hawaii hôm 28 tháng 10 trước khi lên đường đến Hà Nội để dự các cuộc họp cấp cao của ASEAN, Ngoại trưởng Clinton tuyên bố rằng Hoa Kỳ không có ý định bao vây Trung Quốc và không ai được lợi khi Hoa Kỳ và Trung Quốc xem nhau như địch thủ, nhưng bà nhấn mạnh rằng sự hiện diện quân sự mạnh mẽ là một yếu tố quan trọng trong sự giao tiếp chiến lược của Hoa Kỳ ở Á châu Thái bình dương:

Bà cho biết: "Sự tiến bộ bền vững về kinh tế phụ thuộc vào những sự đầu tư lâu dài cho ổn định và an ninh – và đây là những sự đầu tư mà Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện. Sự hiện diện quân sự của chúng tôi ở Á châu đã ngăn ngừa xung đột và mang lại an ninh trong 60 năm qua và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập chính trị. Nhưng sự hiện diện quân sự của chúng tôi phải tiến hóa để phản ánh một thế giới đang tiến hóa. Vì vậy Ngũ giác đài đang thực hiện một cuộc duyệt xét toàn diện về sự phân bổ nguồn lực quốc phòng toàn cầu. Cuộc duyệt xét sẽ đề ra một kế hoạch cho sự hiện diện tiếp tục của các lực lượng Hoa Kỳ trong khu vực này."

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần trước hồi hạ tuần tháng 7, bà Clinton đã làm cho Trung Quốc giận dữ khi tuyên bố tại hội nghị của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) rằng việc thông qua đường lối đa phương để giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông là phù hợp với “lợi ích quốc gia” của Hoa Kỳ.

Tin liên hệ
.
.
.

No comments: