Saturday, June 29, 2024

KHAI THÁC LITHIUM : PHÁP DUNG HÒA "TỰ CHỦ CHIẾN LƯỢC" VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (Thu Hằng / RFI)

 



Khai thác lithium : Pháp dung hòa “tự chủ chiến lược” và bảo vệ môi trường

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 28/06/2024 - 11:19

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20240628-khai-thac-lithium-phap-dung-hoa-tu-chu-chien-luoc-va-bao-ve-moi-truong

 

“Lithium và đất hiếm sẽ sớm quan trọng như dầu khí” (1). Sau khi rút ra bài học bị lệ thuộc từ đại dịch Covid-19 và chiến tranh Ukraina, Pháp muốn củng cố tự chủ chiến lược trong nhiều lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là lithium, một trong những nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất pin. Sau nửa thế kỷ không phát triển khai thác mỏ ngầm, chính phủ Pháp cấp phép nghiên cứu cho 7 dự án khai thác lithium, lớn nhất là dự án “Emili” ở Échassières, tỉnh Allier miền trung.

 

HÌNH

Ảnh minh họa ngày 17/01/2024: Mỏ cao lanh của tập đoàn Imerys ở Echassierres, miền trung Pháp, có thể sẽ được khai thác thêm lithium từ năm 2028. AFP - OLIVIER CHASSIGNOLE

 

Lithium đã được phát hiện ở mỏ Échassières từ cuối thập niên 1970 nhưng chỉ thực sự được chú ý trong quá trình chuyển đổi năng lượng những năm gần đây. Châu Âu muốn giảm phụ thuộc vào lithium được khai thác và sản xuất chủ yếu ở ba nước Úc, Chilê, Trung Quốc. Trong chương trình 28 Minutes (28 phút) của đài ARTE ngày 11/03/2024, ông Christophe Poinssot, tổng giám đốc điều hành Văn phòng nghiên cứu Địa chất và Khai thác mỏ (BRGM), giải thích :

 

“Mỏ Échassières đã được công ty Imerys khai thác từ lâu, không phải khai thác lithium mà là cao lanh, loại nguyên liệu làm đồ sành sứ. Chắc là họ đã thăm dò xung quanh và phát hiện ra lớp đá granit bên dưới chứa nhiều lithium. Việc mỏ này có lithium không phải là chuyện mới nhưng thực ra thách thức về nguồn cung lithium thực sự liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng và ngày càng trở nên quan trọng trong những năm gần đây. Đúng là cách đây 40 năm đã có pin lithium nhưng rất hạn chế. Còn nhận thức về vấn đề chủ quyền, thách thức chiến lược chỉ có khoảng từ 10 năm gần đây”.

 

Tham khảo ý kiến người dân : Bước đầu tiên để khôi phục khai thác mỏ

Việc chính phủ cho phép mở nhiều mỏ lithium trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên truyền thông và trong giới chuyên gia. Đối với Pháp, đây là đợt trắc nghiệm quy mô lớn đầu tiên sau gần nửa thế kỷ không còn khai khác quặng trong lòng đất. Còn theo tập đoàn Imerys, chủ thầu khai thác, đây là “dự án khai thác mỏ lớn nhất ở Pháp lục địa kể từ hơn một thế kỷ qua”.

 

Với hơn 1 tỉ euro đầu tư, mỏ dự kiến được đưa vào khai thác năm 2028 với chi phí sản xuất mỗi cân lithium từ khoảng 7-9 euro. “Khoảng 34.000 tấn lithium, có nghĩa là có thể trang bị được pin cho khoảng 700.000 ô tô điện hàng năm và kéo dài 25 năm”. “Đây là một dự án rất quan trọng cho nước Pháp về mặt tái công nghiệp và tự chủ năng lượng”, tương đương với khoảng 1/3 năng suất của bốn nhà máy lớn được dự kiến xây ở miền bắc Pháp. Ngoài ý nghĩa “tự chủ chiến lược”, dự án “Emili” ở Échassières sẽ tạo thêm khoảng 1.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp ở vùng Auvergne-Rhône-Alpes, theo khẳng định của tập đoàn Imerys, tại hai khu vực : mỏ ngầm chứa lithium, ở độ sâu từ 75-350 mét và một nhà máy tinh chế khoáng chất và chuyển đổi thành hydroxit lithium, cách mỏ khoảng 100 km.

 

Ngày 11/03/2024, Ủy ban Tranh luận công Quốc gia (Commission nationale du débat public, CNDP) đã khởi động giai đoạn tham vấn, kéo dài bốn tháng với khoảng 15 cuộc họp cho đến ngày 07/07. Kết quả sẽ được CNDP công bố trên trang web vào tháng 09, sau đó tập đoàn Imerys có thời hạn 3 tháng để hồi đáp. Ông Mathias Bourrissoux, chủ tịch cuộc thảo luận, trấn an công luận là “mọi chuyện chưa ngã ngũ, trái với một số người vẫn tưởng. Trong 65% trường hợp, dự án sẽ có nhiều sửa đổi”.

 

 

“Mỏ có trách nhiệm” : Cam kết giảm thiểu tác động môi trường

Một trong những quan ngại lớn nhất được người dân địa phương nêu trong buổi họp đầu tiên là “không ai tin là có mỏ sạch” : Khai thác mỏ sẽ gây hậu quả như thế nào đối với môi trường ? Mỏ sử dụng hóa chất không ? Rác thải, phế liệu của mỏ được xử lý ra sao ? Dự án lấy nước từ đâu vì theo kế hoạch phải cần đến ít nhất 1,2 triệu mét khối nước mỗi năm ?

 

Phó chủ tịch tập đoàn Alan Parte, phụ trách về các dự án lithium của Imerys, trấn an mỏ sẽ chỉ sử dụng nước thải đã qua xử lý, “90% nước sẽ được tái sử dụng, các mạch nước ngầm sẽ không bị khai thác”. Nhiều bể trữ sẽ được xây trong khu mỏ để không bơm nước từ sông Sioule vào mùa khô hạn. Phó chủ tịch tập đoàn Imerys cam kết “mở một khu mỏ có trách nhiệm”, thậm chí “tăng thêm 20% trách nhiệm để đối phó với những thách thức môi trường”, vì tập đoàn hiểu rằng “khai thác mỏ không phải là không gây tác động đến môi trường”. Đây cũng là nhận định của ông Christophe Poinssot trong chương trình 28 Minutes :

 

“Mọi hoạt động của con người dù là thế nào đều gây tác động. Không hề có mỏ hay nhà máy nào mà không gây tác động. Ngược lại, người ta có thể giảm thiểu càng nhiều càng tốt, dĩ nhiên là không phải ở Pháp vì Pháp hiện không còn mỏ. Nhưng tại một số nước, nhiều biện pháp vô cùng hiệu quả đã được áp dụng, đặc biệt là về việc tái sử dụng nước, ví dụ tại nhiều khu mỏ ở Phần Lan hoặc Áo.

 

Đó là những biện pháp mà chúng ta biết làm, chắc chắn là tốn kém hơn. Tương tự, chúng ta có thể giảm việc sử dụng nước và đặc biệt là loại bỏ được việc thải hóa chất ra môi trường. Đó là những biện pháp hoàn toàn làm được. Không nên so sánh những biện pháp được dự định áp dụng tại châu Âu với những gì diễn ra ở một số nước ít bị ràng buộc hơn về môi trường vì châu Âu áp dụng “luật về trách nhiệm” với tiêu chuẩn có thể được bên thứ ba kiểm tra để chắc chắn chúng ta tuân thủ quy định”.

 

Ngoài ra, để hạn chế tối đa tác động đến môi trường, tập đoàn Imerys cho biết sẽ triển khai mô hình sản xuất khép kín. Mỏ lithium được xây ngầm ngay dưới chân mỏ cao lanh đã được cấp phép hoạt động đến năm 2050 và như vậy sẽ giúp bảo tồn vài chục hecta diện tích. Đá granit được nghiền trực tiếp trong hầm để hạn chế tiếng ồn và bụi trên mặt đất. Sau đó, quặng sẽ được đưa vào hệ thống đường ống dài khoảng 15 km đến khu tập kết và từ đó sẽ được chuyển bằng tàu hỏa đến nhà máy chuyển đổi ở Montluçon để làm thành bột hydroxit lithium (Liti hydroxit).

 

 

Khai thác mọi nguồn lithium để tự chủ

Pháp đang cần “vàng trắng” để đáp ứng chiến lược sản xuất 2 triệu xe ô tô điện hàng năm từ nay đến năm 2030 để thay thế xe chạy bằng xăng dầu, sẽ bị cấm từ khoảng năm 2035. Cùng thời điểm mỏ Echassières ở tỉnh Allier được cấp phép nghiên cứu vào tháng 01/2024, sáu dự án khác cũng được phê duyệt : 3 dự án ở tỉnh Bas-Rhin (miền đông) và 3 dự án khác ở tỉnh Vienne (đông nam). Tám giấy phép khác đang được xem xét.

 

Trong số các dự án này có loại lithium từ nước muối địa nhiệt (saumures géothermales), đặc biệt là mỏ Rittershoffen ở tỉnh Bas-Rhin. Trong chương trình 28 Minutes, giáo sư-kinh tế gia Philippe Chalmin, Đại học Paris Dauphine, giải thích về sự khác biệt giữa hai loại :

 

“Cần phải phân biệt rõ giữa quặng và kim loại. Về quặng cũng có hai loại lớn : Thứ nhất là nước muối hoặc các hồ nằm trên cao bị khô hạn, người ta gọi đó là những bãi muối, như cả một vùng được gọi là “tam giác lithium” nằm giữa Achentina, Chilê và Bolivia. Thứ hai là mỏ quặng, đó là đá spodumene. Và Úc chiếm ưu thế về loại đá này. Ví dụ Úc xuất khẩu loại quặng này sang Trung Quốc để chế biến, do đó Trung Quốc giữ một vị trí rất quan trọng, không hẳn về khai thác mỏ, mà là về khâu chế biến”.

 

Theo trang L’Express ngày 16/03, hai công ty Eramet và Electricité de Strasbourg (Điện lực Strasbourg) hợp tác trong dự án AgeLi (Alsace Géothermie Lithium) để sản xuất lithium từ nước muối ở xã Rittershoffen, vùng Alsace. Năm 2021, những kg lithi carbonat đầu tiên có chất lượng cao đã được sản xuất tại đây. Dự kiến đến năm 2030, liên doanh này sản xuất khoảng 10.000 tấn hàng năm.

 

Ông Benjamin Louvet, giám đốc quản lý nhiên liệu tại OFI Invest Asset Management, cho rằng khả năng người dân chấp nhận loại lithium này khá là cao : “Lithium địa nhiệt có một lợi thế rất lớn. Tác động thấp đến môi trường và xã hội : cơ sở công nghiệp đã có và năng lượng địa nhiệt bảo đảm sản xuất điện cho khu vực. Loại lithium này gần như được tinh chế ngay lập tức, trong khi với các mỏ đá cứng không làm được như vậy”.

 

Như vậy, với hai mỏ khai thác lithium ở Échassières và ở lưu vực sông Rhin, Pháp sẽ có chỗ đứng trong thị trường này. Hàng năm, Pháp bán gần 80 triệu xe ô tô ra thế giới. Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ khâu khai thác đến sản xuất pin, cuối cùng là tái chế.

 

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE), năm 2022, thế giới cần khoảng 131.000 tấn lithium. Cho đến năm 2030, nhu cầu này sẽ tăng gấp 3,5 lần và cho đến năm 2040 sẽ tăng gấp 8 lần. Tại châu Âu, vài chục dự án khai thác đã được thống kê, như tại Phần Lan, Tây Ban Nha, Bosnia, Anh Quốc.

 

Trước nhu cầu cấp bách, chính phủ Pháp ủng hộ các dự án khai thác lithium, trong đó có dự án “Emili”. Bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire đánh giá “dự án là một ví dụ về kế hoạch môi trường và khí hậu, sẽ làm giảm triệt để nhu cầu nhập khẩu lithium của Pháp”. Tổng giám đốc Imerys coi lithium như phương tiện “giúp châu Âu giảm phát thải cacbon”. Nhưng theo trang media Vert, cũng như nhiều nhà bảo vệ môi trường, “không thể coi thường tình trạng ô nhiễm từ việc sản xuất ô tô điện. Loại vàng trắng này không đến mức trắng (sạch) như tên gọi của nó”.

 

*****

(1) Phát biểu của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, tháng 09/2022.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

TẠP CHÍ XÃ HỘI

Tái sử dụng nước thải đã qua xử lý, thách thức cho Pháp trước nguy cơ khan hiếm nước ngọt

 

TẠP CHÍ XÃ HỘI

Xử lý rác thải điện tử tại Pháp : Ưu tiên khử ô nhiễm và tái sử dụng

 

TẠP CHÍ XÃ HỘI

Pháp : Các bể nhân tạo trữ nước hút từ mạch ngầm và nguy cơ gây căng thẳng xã hội

 






No comments: