Những
bài học lịch sử về Nga của Tập Cận Bình
Joseph Torigian | Foreign
Affairs
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
27/06/2024
https://nghiencuuquocte.org/2024/06/27/nhung-bai-hoc-lich-su-ve-nga-cua-tap-can-binh/
Cha của Tập Cận Bình đã dạy ông điều gì về
cách đối phó với Moscow?
Vào
ngày 04/02/2022, ngay trước khi xâm lược Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin
đã tới Bắc Kinh, nơi ông và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ký một văn bản
ca ngợi quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa hai nước. Đã hơn hai năm kể từ
ngày đó, và Trung Quốc vẫn từ chối lên án cuộc xâm lược, đồng thời giúp Nga có
được nhiều loại trang thiết bị, từ máy công cụ, động cơ, cho đến máy bay không
người lái, vốn là những thứ rất quan trọng cho nỗ lực chiến tranh. Quan hệ đối
tác đang phát triển mạnh mẽ giữa Tập và Putin đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng
ở các thủ đô phương Tây. Liệu liên minh gắn kết Moscow và Bắc Kinh thời kỳ đầu
Chiến tranh Lạnh có đang quay trở lại? Người Nga và người Trung Quốc đã nhiều lần
bác bỏ những lập luận này, nhưng họ cũng khẳng định rằng quan hệ đối tác hiện tại
của họ bền vững hơn so với những ngày họ cùng nhau lãnh đạo thế giới cộng sản.
Tập
biết rõ điều ấy. Cha của ông, Tập Trọng Huân, là một quan chức cấp cao của Đảng
Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người có sự nghiệp là mô hình thu nhỏ của quan hệ
giữa Bắc Kinh và Moscow trong thế kỷ 20, từ những ngày đầu cách mạng trong những
năm 1920 và 1930, cho đến sự trợ giúp liên tục trong những năm 1940 và việc sao
chép toàn bộ mô hình Xô-viết trong những năm 1950, sau đó là từ sự chia rẽ công
khai trong giai đoạn 1960 và 1970 cho đến việc xích lại gần nhau vào cuối những
năm 1980. Quan hệ giữa Tập Trọng Huân với Moscow là minh chứng cho mối nguy từ
sự thân mật và sự thù địch, rằng chính việc trở nên thân thiết hơn đã tạo ra những
căng thẳng không thể kiểm soát được, từ đó châm ngòi cho một mối thù truyền kiếp.
Hiểu được lịch sử đó, Tập Cận Bình tin rằng quan hệ hiện tại giữa Moscow và Bắc
Kinh thực sự bền chặt hơn so với những năm 1950, và rằng ông có thể tránh được
những căng thẳng từng dẫn đến sự chia rẽ trước đó.
Trong
Chiến tranh Lạnh, ý thức hệ cộng sản cuối cùng đã đẩy hai nước ra xa nhau,
nhưng giờ đây, họ lại được thống nhất bởi một loạt các thái độ bảo thủ, chống
phương Tây, và nhà nước tập quyền. Trước đây, quan hệ không tốt giữa các cá
nhân lãnh đạo đã làm tổn hại đến quan hệ giữa hai nước, nhưng ngày nay, Tập và
Putin đã biến quan hệ cá nhân của họ trở thành một đặc điểm của quan hệ đối tác
chiến lược Trung-Nga. Ngoài ra, các yêu cầu cấp thiết của liên minh Chiến tranh
Lạnh, vốn đòi hỏi mỗi bên phải hy sinh lợi ích riêng của mình cho bên kia, tự
chúng đã chứa đựng mầm mống sụp đổ, nhưng trục quan hệ thuận tiện hiện tại lại
cho phép hai bên linh hoạt hơn. Trung Quốc và Nga sẽ không bao giờ kề vai sát
cánh như cách họ đã làm trong những năm đầu sau Cách mạng Trung Quốc, nhưng họ
cũng sẽ không sớm rời xa nhau.
QUAN
HỆ NGUY HIỂM
Tập
Cận Bình sinh năm 1953, đúng vào thời kỳ Trung Quốc đang sốt sắng sao chép Liên
Xô. Khẩu hiệu phổ biến nhất ở Trung Quốc năm đó là “Liên Xô hôm nay là Trung Quốc
ngày mai.” Khi đó, Tập Trọng Huân vừa mới chuyển đến Bắc Kinh từ miền tây bắc
Trung Quốc, nơi ông đã dành phần lớn trong 40 năm đầu đời để chiến đấu trong một
cuộc cách mạng được lấy cảm hứng từ Cách mạng Bolshevik năm 1917. Giống như rất
nhiều người thuộc thế hệ của mình, Tập Trọng Huân đã cống hiến hết mình cho
chính nghĩa bất chấp những thất bại và hy sinh cá nhân – một tấm lòng tận tụy
đã giúp ông vượt qua sự đàn áp và bỏ tù đối với các thành viên ĐCSTQ vào năm
1935, vì dám bất tuân hệ thống chính thống của cộng sản.
Chiến
thắng của Bolshevik đã ảnh hưởng đến những nhân vật cấp tiến thời kỳ đầu ở
Trung Quốc, và Moscow cũng đã hướng dẫn và tài trợ cho ĐCSTQ trong những năm đầu
thành lập. Nhưng sự độc lập ngày càng tăng của Cộng sản Trung Quốc đi đôi với sự
trỗi dậy của Mao Trạch Đông – và theo đó gắn số phận của Tập Trọng Huân với
Mao. Trong câu chuyện của Mao, những người cấp tiến do Liên Xô đào tạo gần như
đã chôn vùi thành quả của cách mạng ở Trung Quốc, vì họ không hiểu được những
điều kiện đặc biệt của đất nước. Mao tuyên bố, những kẻ giáo điều này đã đàn áp
Tập Trọng Huân vào năm 1935 giống như họ đã ngược đãi chính Mao vào đầu thập kỷ
đó, khi Mao bị các nhà lãnh đạo liên kết với Liên Xô trong ĐCSTQ đẩy ra ngoài lề.
Tuy
nhiên, Mao không ủng hộ việc cắt đứt với Moscow. Tập Trọng Huân gặp rất ít người
nước ngoài trong giai đoạn đầu đời, nhưng điều đó đã thay đổi vào cuối những
năm 1940, khi phe Cộng sản bắt đầu càn quét khắp Trung Quốc trong cuộc nội chiến.
Tập Trọng Huân bắt đầu xây dựng quan hệ bền vững với Liên Xô với tư cách người
đứng đầu Cục Tây Bắc, một tổ chức của đảng chuyên giám sát khu vực Tân Cương.
Liên Xô đã giúp ĐCSTQ triển khai sức mạnh quân sự ở khu vực này, và vào tháng
12/1949, sau khi phe Cộng sản giành chiến thắng trong nội chiến và củng cố quyền
kiểm soát đối với Trung Quốc đại lục, Tập Trọng Huân đã đề xuất thành công với
các lãnh đạo đảng rằng Tân Cương và Liên Xô nên hợp tác để cùng phát triển các
nguồn lực. Một năm sau, ông trở thành người đứng đầu Hiệp hội Hữu nghị Trung-Xô
Tây Bắc.
Ngay
vào thời điểm Tập Cận Bình ra đời, ĐCSTQ đã tiến hành cuộc đại thanh trừng đầu
tiên – một vụ việc có liên quan chặt chẽ tới cả Liên Xô lẫn gia đình Tập. Cao
Cương, một quan chức cấp cao được cho là người kế nhiệm tiềm năng của Mao, đã
đi quá xa khi chỉ trích các nhà lãnh đạo khác trong những cuộc trò chuyện
riêng. Mao quyết định quay lưng với người được ông bảo hộ, và cuối cùng Cao đã
tự sát. Đáng chú ý, Cao có liên hệ mật thiết với Moscow, và dù đó không phải là
lý do khiến ông bị thanh trừng, nhưng Mao vẫn lo lắng về những mối liên hệ như
vậy và kết luận rằng chúng chính là sự phản bội. Chính việc có quan hệ chặt chẽ
với ngoại bang, dù là đồng minh, đã khiến Tập Trọng Huân, người từng phục vụ
cùng Cao ở Cục Tây Bắc, bị đàn áp vào năm 1935. Tập gần như bị thất sủng cùng
lúc với Cao.
Dù
bị tổn hại sự nghiệp sau vụ Cao Cương, nhưng sau đó Tập Trọng Huân vẫn được
giao nhiệm vụ quản lý hàng chục nghìn chuyên gia Liên Xô được cử đến giúp Trung
Quốc tái thiết sau nhiều năm chiến tranh. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ
dàng. Tập Trọng Huân kể lại trong một bài phát biểu năm 1956, những vị chuyên
gia này đã gặp khó khăn trong việc thích nghi với Trung Quốc, và một vài người
trong số họ đã “chết, bị đầu độc, bị thương, bị mắc bệnh, và bị cướp” – thậm
chí tự sát cũng là một vấn đề. Cùng năm đó, khi Mao quyết định rằng cơ cấu
chính trị của Trung Quốc đã trở nên quá “Xô viết” và tập trung quá nhiều quyền
lực vào Bắc Kinh, Tập Trọng Huân cũng được ban lãnh đạo giao trọng trách soạn
thảo kế hoạch tái cơ cấu chính phủ.
CHIA
CẮT
Tháng
8 và tháng 9 năm 1959, Tập Trọng Huân, khi đó là một phó thủ tướng đầy quyền lực,
đã dẫn đầu một phái đoàn đến Liên Xô. Nhưng thời điểm lại không thích hợp. Trước
đó, vào tháng 6, Liên Xô đã từ bỏ lời hứa hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân của
Trung Quốc. Đáng lẽ Tập Trọng Huân đã đến thăm Liên Xô từ đầu mùa hè năm đó,
nhưng kế hoạch của ông đã bị phá vỡ bởi hội nghị trung ương ĐCSTQ ở Lư Sơn –
nơi Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài bị thanh trừng. Bành đã viết một lá thư
chỉ trích Đại Nhảy vọt gửi cho Mao, và Mao không chỉ coi hành động của Bành là
một sự xúc phạm cá nhân mà còn nghi ngờ, một cách không chính xác, rằng lãnh đạo
Liên Xô Nikita Khrushchev đã xúi giục Bành thực hiện điều đó. Bành Đức Hoài và
Tập Trọng Huân cùng có quãng thời gian rèn giũa sự nghiệp trên chiến trường Tây
Bắc Trung Quốc. Và vì vậy, cuộc đại thanh trừng thứ hai của ĐCSTQ, cũng giống
như cuộc đại thanh trừng đầu tiên, vừa gần với gia đình Tập, vừa gắn liền với sự
nghi ngờ của Mao về ý định của Liên Xô. Và một lần nữa, Tập Trọng Huân đã thoát
chết trong gang tấc.
Căng
thẳng Trung-Xô đã dần gia tăng ở hậu trường kể từ năm 1956, nhưng nó đã bùng
phát công khai trong chuyến đi của Tập Trọng Huân. Ngày 25/08, cùng ngày Đại sứ
quán Liên Xô tại Bắc Kinh mời Tập Trọng Huân đến thăm, binh lính Trung Quốc đã
giết chết một binh sĩ Ấn Độ và làm bị thương một người khác ở biên giới Trung-Ấn.
Dù phía Trung Quốc kết luận rằng những cái chết này là do tai nạn, nhưng Liên
Xô vẫn vô cùng tức giận vì họ tin rằng bạo lực sẽ đẩy Ấn Độ rời xa khối cộng sản
và hủy hoại nỗ lực của Khrushchev nhằm đạt được sự hòa hoãn với phương Tây
trong chuyến đi sắp tới tới Washington.
Đặt
chân đến Moscow chỉ hai ngày sau vụ bạo lực ở biên giới, Tập Trọng Huân đã cố gắng
hết sức để củng cố liên minh. Trong một cuộc gặp riêng với một phó thủ tướng
Liên Xô, ông đã tìm cách ủng hộ Đại Nhảy vọt của Mao, khi đó đã diễn ra được một
năm. Ông cũng đến thăm Triển lãm Thành tựu Kinh tế Quốc gia, nơi trưng bày những
thành tựu công nghệ của Liên Xô, và đặt vòng hoa tại lăng mộ của hai nhà lãnh đạo
đầu tiên của nước này, Vladimir Lenin và Joseph Stalin. Sau khi dành vài ngày ở
Ukraine và Tiệp Khắc, Tập Trọng Huân trở lại Moscow, nơi phái đoàn của ông đi
tham quan văn phòng và căn hộ cũ của Lenin trong Đại Cung điện Kremlin. Chắc hẳn
ông đã kể với con trai mình về khoảnh khắc đó: vào năm 2010, khi Tập Cận Bình đến
thăm Moscow với tư cách là phó chủ tịch nước, ông đã yêu cầu Tổng thống Nga
Dmitry Medvedev đưa ông đến căn phòng mà cha ông từng tới thăm. Theo lời một
chuyên gia Nga, Tập đã nán lại ở đó và nói với Medvedev rằng đây là cái nôi của
Chủ nghĩa Bolshevik. Tập Cận Bình cũng tuyên bố rằng cha của ông đã nói rằng
Nga và Trung Quốc luôn nên là bạn bè.
https://cdn-live.foreignaffairs.com/sites/default/files/styles/_webp_large_1x/public/images/2024/06/20/2024-05-16T064837Z_1648999382_RC2IR7ANHCM4_RTRMADP_3_CHINA-RUSSIA-PUTIN.JPG.webp?itok=6_LMpF9u
Putin và Tập tham dự lễ đón tiếp chính thức tại Bắc Kinh, tháng 5/2024. ©
Sergei Bobylev / Reuters
Tuy
nhiên, vào năm 1959, Tập Trọng Huân đã bị mắc kẹt trong khủng hoảng quan hệ
Trung-Xô. Ngày 09/09, tại Bắc Kinh, các nhà ngoại giao Liên Xô đã thông báo cho
Trung Quốc về kế hoạch đăng một tuyên bố trên TASS, hãng thông tấn nhà nước
Liên Xô, trong đó giữ quan điểm trung lập về cuộc giao tranh biên giới Trung-Ấn.
Phía Trung Quốc rất tức giận và yêu cầu Liên Xô thay đổi hoặc trì hoãn bản tin
này. Liên Xô không những từ chối yêu cầu, mà còn cho đăng tin trong buổi tối
hôm đó. Tập Trọng Huân rời Bắc Kinh ngay ngày hôm sau – dù lẽ ra ông sẽ tiếp tục
dẫn đầu phái đoàn cho đến ngày 18/09. Khi Mao và Khrushchev gặp nhau một tháng
sau đó, Mao đã phàn nàn về vụ việc và nói rằng “Thông báo của TASS chỉ khiến tất
cả bọn đế quốc vui mừng.”
Tranh
cãi này chỉ là vết nứt công khai đầu tiên trong liên minh. Mùa hè năm 1960,
Khrushchev ra lệnh triệu hồi tất cả các chuyên gia Liên Xô ở Trung Quốc, và Tập
Trọng Huân được giao trách nhiệm quản lý việc rời đi của họ. Bài học mà con
trai ông rút ra từ sự việc này là Trung Quốc cần phải dựa vào chính mình. Tại một
cuộc họp tháng 11/2022 ở Bali, một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ kể lại
Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng các hạn chế về công nghệ của
Mỹ sẽ thất bại, đồng thời chỉ ra việc Liên Xô ngừng hợp tác công nghệ đã không
thể ngăn cản Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.
NÓNG
VÀ LẠNH
Đến
năm 1962, vận may của Tập Trọng Huân đã không còn nữa, ông bị lật đổ trong cuộc
đại thanh trừng lần thứ ba của ĐCSTQ. Cũng giống như Cao Cương và Bành Đức
Hoài, ông bị buộc tội làm gián điệp cho Liên Xô, dù đó không phải là lý do
chính khiến ông bị trừng phạt. Mao đã quyết định rằng Trung Quốc, giống như
Liên Xô, đang mất đi sự tập trung vào đấu tranh giai cấp, và Tập Trọng Huân chỉ
đơn giản đã bị cuốn vào phản ứng hủy diệt mà Mao khởi đầu. Năm 1965, trong lúc
Mao lập ra kế hoạch tái tổ chức xã hội Trung Quốc để chuẩn bị cho một cuộc chiến
có thể xảy ra với Liên Xô hoặc Mỹ, Tập Trọng Huân đã bị “đày” từ Bắc Kinh đến một
nhà máy sản xuất máy móc khai thác mỏ cách đó hàng trăm dặm ở thành phố Lạc
Dương. Trớ trêu thay, nhà máy đó đã được hoàn thành với sự giúp đỡ của các
chuyên gia Liên Xô, và thậm chí còn được một tờ báo địa phương mô tả là “kết
tinh” của “tình hữu nghị Trung-Xô huy hoàng.”
Sau
cùng, Tập Trọng Huân đã trải qua 16 năm bị lưu đày chính trị và chỉ được phục
chức vào năm 1978, hai năm sau khi Mao qua đời. Trong cương vị Bí thư Tỉnh ủy
Quảng Đông, ông cảnh báo người Mỹ rằng họ cần mạnh mẽ hơn để chống lại sự hung
hăng của Liên Xô. Trong chuyến đi đến Mỹ năm 1980, ông đã gây ấn tượng với những
người đồng cấp Mỹ bằng quan điểm chống Liên Xô và thậm chí còn thực hiện một
chuyến đi tới trụ sở của Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD), ở Colorado, nơi
ông đã ghi chép rất nhiều. Với tư cách là thành viên Bộ Chính trị chịu trách
nhiệm quản lý quan hệ với các đảng nước ngoài có bản chất cách mạng, cánh tả,
hoặc cộng sản, Tập Trọng Huân đã giúp định hướng cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của
Bắc Kinh với Moscow trên toàn thế giới. Ông cũng quản lý vấn đề Tây Tạng, và
trong nửa đầu thập niên 1980, ông lo ngại về ảnh hưởng của Liên Xô đối với Đức
Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng đến năm 1986, khi quan hệ hai bên tan băng, ông lại ca ngợi
những cải cách của lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và bày tỏ hy vọng cải thiện
quan hệ.
Tập
Cận Bình đã làm gì với lịch sử này? Năm 2013, trong chuyến công du nước ngoài đầu
tiên sau khi trở thành lãnh đạo tối cao của đất nước, ông đã tới Nga, nơi ông
trò chuyện nồng nhiệt với một nhóm các nhà Hán học về chuyến thăm năm 1959 của
cha mình. Ông nói những bức ảnh từ chuyến đi đó đã bị phá hủy trong Cách mạng
Văn hóa, nhưng mẹ ông vẫn giữ những món quà mà cha ông mang về. Tập còn nói
thêm, dù nhiều nhà quan sát tin rằng thế hệ của ông hướng về phương Tây, ông lại
lớn lên với việc đọc từ hai nền văn học Trung Quốc và Nga. Sau khi bị đưa về
vùng nông thôn với tư cách là một “thanh niên trí thức” trong Cách mạng Văn
hóa, Tập đã dành cả ngày để đọc tiểu thuyết cách mạng Nga, và cuốn sách yêu
thích của ông là Phải làm gì? của Nikolay Chernyshevsky. Tập
tuyên bố mình rất thích nhân vật Rakhmetov, một kẻ cuồng tín cách mạng, người
đã ngủ trên đinh để rèn giũa ý chí của mình. Sau khi được truyền cảm hứng, Tập
kể lại việc mình đã đi lang thang trong mưa gió và bão tuyết suốt thời gian ở
nông thôn.
Nhưng
trong cuộc nói chuyện năm 2013 với các nhà Hán học Nga, Tập đã không đề cập đến
tình trạng ảm đạm của quan hệ Trung-Xô vào thời điểm ông đọc cuốn sách bằng tiếng
Nga kia. Năm 1969, năm ông được đưa về nông thôn, giữa Trung Quốc và Liên Xô
đang xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới không được tuyên bố, thậm chí còn có
lo ngại về một cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô. Ông cũng không kể cho họ
nghe về công việc đầu tiên của mình sau khi tốt nghiệp đại học, làm thư ký cho
Cảnh Tiêu, Thư ký Trưởng Quân ủy Trung ương. Cảnh là người thận trọng với
Moscow. Năm 1980, tại một cuộc họp ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Harold
Brown nói với Cảnh rằng khi nhắc đến quan điểm của hai bên về Liên Xô, “tôi thấy
có vẻ như các nhân viên của chúng ta đã cùng nhau viết các đề cương trao đổi.”
BẤT
ĐỒNG Ý THỨC HỆ
Xét
đến tình trạng quan hệ giữa Nga, Trung Quốc, và Mỹ ngày nay, thật khó để tưởng
tượng rằng Tập Cận Bình đã dành thời niên thiếu của mình để đào hầm tránh bom,
chuẩn bị cho một cuộc tấn công có thể xảy ra của Liên Xô – hoặc rằng cha ông đã
từng được mời đến NORAD. Tính linh hoạt của tam giác Washington-Bắc Kinh-Moscow
trong 75 năm qua đã khiến một số người hy vọng rằng, bằng cách nào đó, Tập có
thể bị thuyết phục để hạn chế sự ủng hộ của ông dành cho Nga. Nhưng những người
muốn chia rẽ Trung-Xô quay trở lại có thể sẽ thất vọng.
Lý
do là bất đồng ý thức hệ giờ đây hầu như không còn tồn tại trong quan hệ
Trung-Nga. Đúng là ý thức hệ cộng sản chung đã đóng vai trò như một chất keo đặc
biệt gắn kết Trung Quốc và Nga trong những năm ngay sau năm 1949. Nhưng khi thời
gian trôi qua, ý thức hệ cộng sản này thực sự đã khiến hai nước khó giải quyết
những khác biệt của mình hơn. Mao có thói quen diễn giải những khác biệt về mặt
chiến thuật là những tranh chấp ý thức hệ sâu sắc. Ông ngày càng tin rằng Liên
Xô không ủng hộ lập trường hiếu chiến của Trung Quốc đối với phương Tây bởi vì
Liên Xô đã đi theo “chủ nghĩa xét lại.” Và giữa những người cộng sản, những lời
buộc tội “dị giáo” đã lan tràn. Khi Mao và Khrushchev tranh cãi về thông báo của
TASS vào tháng 10/1959, tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Nghị,
rằng Liên Xô là “những kẻ xu thời,” đã khiến Khrushchev đặc biệt tức giận, vì
nó đặt câu hỏi về tư cách cộng sản của ông khi xem ông là kẻ phản bội cách mạng.
Do đó, nhà sử học Lorenz Luthi đã có lý khi tuyên bố rằng “nếu không có vai trò
quan trọng của ý thức hệ, liên minh đã không được thành lập, và cũng không thể
sụp đổ.”
Hơn
nữa, một khi những khác biệt về ý thức hệ đã được đưa vào phương trình, sẽ thật
khó để nói về bất cứ điều gì khác, một phần bởi vì các cuộc tranh luận về ý thức
hệ có thể hàm chứa những lời kêu gọi thay đổi chế độ. Năm 1971, sau một cuộc
trò chuyện tương đối hiệu quả với hai nhà ngoại giao Liên Xô, Thủ tướng Trung
Quốc Chu Ân Lai đã bộc phát khi một trong hai nhà ngoại giao Liên Xô nêu vấn đề
về một bài báo trên tờ Nhân dân Nhật báo mà họ tin rằng đã kêu
gọi nhân dân Liên Xô bắt đầu một cuộc cách mạng. Chu chỉ ra rằng Liên Xô đang
tiếp đón Vương Minh, một lãnh đạo ĐCSTQ thời kỳ đầu, người đã xung đột với Mao
và đã bị lưu đày. “Các vị nghĩ rằng chúng tôi sợ anh ta sao,” Chu nói. “Anh ta
còn thối hơn cả cứt!” Khi một nhà ngoại giao Liên Xô yêu cầu một người tham gia
Trung Quốc ngừng la hét, nói rằng “hét lên không phải là tranh luận,” nhà ngoại
giao Trung Quốc đáp trả “Nếu tôi không hét thì ông sẽ không nghe.”
Tuy
nhiên, nói một cách nhẹ nhàng thì nước Nga ngày nay đã xa rời những lý tưởng của
chủ nghĩa cộng sản. Dù Putin từng gọi sự sụp đổ của Liên Xô là một “thảm họa địa
chính trị” nhưng ông thường bộc lộ những quan điểm khá tiêu cực về Đảng Cộng sản
Liên Xô. Trong bài phát biểu trước ngày Nga xâm lược Ukraine, ông đổ lỗi cho
Lenin vì đã tạo ra Ukraine hiện đại, đồng thời cũng nói về “chế độ độc tài” và
“chế độ toàn trị” của Stalin. Mặt khác, Tập Cận Bình tiếp tục coi trọng di sản
của chủ nghĩa cộng sản. Theo một nhà ngoại giao Australia, một lần nọ, các nhà
ngoại giao Nga đã lúng túng khi Tập trích dẫn cuốn tiểu thuyết cách mạng Thép
đã tôi thế đấy. Dù không phải là một người theo chủ nghĩa giáo điều, nhưng
Tập Cận Bình quan tâm sâu sắc đến ý thức hệ và thậm chí còn đổ lỗi rằng sự sụp
đổ của Liên Xô một phần là do Moscow đã không đảm bảo người dân xem trọng chủ
nghĩa Marx-Lenin.
Bất
chấp những khác biệt quan trọng này, giới tinh hoa Trung Quốc và Nga đều có
chung một thế giới quan bảo thủ, ủng hộ nhà nước. Cả hai bên đều coi các cuộc tấn
công vào lịch sử của họ là những âm mưu của phương Tây nhằm phi chính danh hóa
chế độ của họ, và xem việc thúc đẩy dân chủ là một mối đe dọa sống còn. Cả hai
bên đều đánh giá cao các giá trị truyền thống, xem chúng là bức tường thành chống
lại sự bất ổn, và cho rằng phương Tây đang tự hủy hoại mình bằng những cuộc
tranh luận về văn hóa. Cả hai bên đều kết luận rằng các chế độ độc tài giải quyết
những thách thức hiện đại tốt hơn. Cả hai bên đều mong muốn đất nước của mình lấy
lại địa vị đã mất và cả lãnh thổ đã mất. Putin và Tập thậm chí còn đưa ra cùng
một câu chuyện về tính chính danh, rằng những người tiền nhiệm của họ đã cho
phép một sự suy thoái quyền lực không thể chấp nhận được (và bị ảnh hưởng của
phương Tây) mà chỉ có sự cai trị độc tài của họ mới có thể giải quyết được.
QUAN
HỆ CÁ NHÂN
Một
yếu tố khác ràng buộc Moscow và Bắc Kinh ngày nay là quan hệ nồng ấm giữa Putin
và Tập. Truyền thông Trung Quốc và Nga ca ngợi quan hệ cá nhân bền chặt giữa
hai nhà lãnh đạo, dù rất khó để xác định tình bạn của họ chân thành đến mức
nào. Putin được đào tạo để trở thành điệp viên KGB, một trải nghiệm đã dạy ông
cách làm việc với con người, và Tập có lẽ đã học được những mánh khóe tương tự
từ cha mình, một bậc thầy về nỗ lực “mặt trận thống nhất” của đảng nhằm thu phục
những ai còn hoài nghi. Putin và Tập là những con người rất khác nhau. Putin từng
bị gãy tay khi đánh nhau trên tàu điện ngầm ở Leningrad, còn Tập đã liên tục thể
hiện khả năng tự chủ phi thường, bằng chứng là khả năng thâu tóm quyền lực mà
không ai biết ông thực sự nghĩ gì. Putin thích một cuộc sống thượng lưu, trong
khi phong cách cá nhân của Tập lại gần với khổ hạnh. Nhưng chí ít, quan hệ chức
năng giữa các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc là một điều bất thường trong lịch
sử.
Đối
với Mao, thành tích ý thức hệ và những đóng góp của Stalin cho lịch sử Liên Xô
đã khiến ông trở thành một tượng đài khổng lồ trong thế giới cộng sản. Tuy
nhiên, thái độ thận trọng của Stalin đối với Cách mạng Trung Quốc vào nửa sau
thập niên 1940 đã khiến Mao khó chịu, tương tự là sự độc đoán của Stalin trong
các cuộc đàm phán về hiệp ước liên minh giữa Trung Quốc và Liên Xô năm 1949 và
1950. Sau cái chết của Stalin, Mao cảm thấy tầm vóc của mình vượt xa
Khrushchev, và vị chủ tịch này nổi tiếng là hay đối xử với người đồng cấp Liên
Xô của mình bằng thái độ khinh thường.
Mao
cũng rất ấn tượng trước sự cứng rắn mà Đặng Tiểu Bình, người được ông bảo trợ,
thể hiện trong các cuộc tranh luận không hồi kết về ý thức hệ ở Moscow trong thập
niên 1960, khi Đặng là nhân vật nổi bật nhất của Bắc Kinh trên trường thế giới.
Sau cái chết của Mao, Đặng nói rằng các nước gần Liên Xô đang có nền kinh tế rối
loạn chức năng, trong khi các đồng minh của Mỹ lại phát triển thịnh vượng. Vào
thời điểm Đặng trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, nhiều cộng sự của
ông đã hy vọng xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với Moscow, nhưng Đặng lại phớt lờ
những tiếng nói đó. Ông và Gorbachev chỉ gặp nhau đúng một lần – trong cuộc biểu
tình ở Quảng trường Thiên An Môn – và Đặng kết luận rằng nhà lãnh đạo Liên Xô
là “một tên ngốc.” Sau khi Liên Xô sụp đổ và Boris Yeltsin trở thành Tổng thống
Nga, người Trung Quốc ban đầu tỏ ra nghi ngờ ông vì vai trò của ông trong việc
góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản, nhưng quan hệ giữa các nhà lãnh đạo cấp
cao đã dần được cải thiện. Người kế nhiệm Đặng, Giang Trạch Dân, từng đi học ở
Liên Xô và hay hát những bài hát xưa cũ về tình hữu nghị Trung-Xô.
Quan
hệ nồng ấm giữa các cá nhân không phải là lý do chính khiến Nga và Trung Quốc
ngày nay thân thiết đến vậy, nhưng quá khứ chắc chắn đã chứng minh cá nhân các
nhà lãnh đạo có thể quan trọng đến mức nào khi họ coi thường những người đồng cấp
và quốc gia mà những người này lãnh đạo. Bất chấp những khác biệt của họ, không
khó để đoán tại sao Putin và Tập có thể hòa hợp trên phương diện cá nhân. Họ trạc
tuổi nhau và đều là con của những người đã hy sinh cho tổ quốc. Và có lẽ quan
trọng nhất, cả hai đều đã trải nghiệm sự nguy hiểm của bất ổn chính trị. Trong
Cách mạng Văn hóa, Tập và gia đình bị Hồng Vệ Binh của Mao bắt cóc và đánh đập,
còn vào năm 1989, Putin, khi đó là sĩ quan KGB đóng quân ở Dresden, đã tận mắt
chứng kiến Đông Đức sụp đổ nhưng lại không thể nhận được hướng dẫn từ Moscow. Cả
hai có rất nhiều điều để nói khi cùng nhau làm bánh blini và bánh bao trước ống
kính truyền hình.
HỢP
TÁC
Sự
linh hoạt lớn hơn trong quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và Moscow ngày nay cũng
khiến quan hệ trở nên vững chắc hơn so với trước đây. Kể từ năm 1949, thách thức
chiến lược trọng tâm là làm thế nào hai cường quốc, vốn cùng nhau tạo nên trung
tâm độc tài của lục địa Á-Âu, có thể hợp tác hiệu quả chống lại mối đe dọa từ
khu vực ngoại vi dân chủ do Mỹ lãnh đạo. Washington đã thể hiện sức mạnh phi
thường tại các vùng ngoại vi này, còn Bắc Kinh và Moscow chật vật xoay sở để có
thể hợp tác hiệu quả. Hết lần này đến lần khác, họ tỏ ra không sẵn sàng hy sinh
lợi ích của mình vì nhau, một phần là do nghi ngờ rằng đối phương đang bán đứng
họ và tìm cách cải thiện quan hệ với phương Tây.
Trước
khi chia rẽ, liên minh giữa Moscow và Bắc Kinh đã tạo ra những vấn đề thực sự
cho Mỹ và lợi ích thực sự cho hai Trung Quốc và Liên Xô. Biên giới yên bình giữa
hai nước cho phép họ tập trung vào việc đối đầu với phương Tây và chia sẻ công
nghệ quân sự. Năm 1958, khi Trung Quốc tấn công Đài Loan trong một nỗ lực nằm
chiếm quyền kiểm soát hòn đảo này, Khrushchev đã trợ giúp Bắc Kinh bằng cách
công khai cảnh báo rằng ông sẽ can thiệp để bảo vệ Trung Quốc nếu Mỹ tham gia
vào cuộc xung đột – dù ông cũng bực bội khi Bắc Kinh đã không thông báo trước
cho ông về kế hoạch của mình.
Tập
Cận Bình tham dự lễ đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh, Moscow, tháng 7/2017.
© Sergei Ilnitsky / Reuters
Tuy
nhiên, quan hệ của vùng trung tâm với vùng ngoại vi luôn là sự kết hợp giữa
cùng tồn tại và cạnh tranh, và Moscow và Bắc Kinh hiếm khi xem những mục tiêu cạnh
tranh đó là quan trọng như nhau. Trong những năm 1950 và 1960, Trung Quốc về cơ
bản đã bị loại khỏi hệ thống quốc tế, trong khi Liên Xô gần như là một cường quốc
muốn giữ nguyên trạng. Sự vô cảm của Mao khi đe dọa phát động chiến tranh hạt
nhân, cùng với việc ông sử dụng vũ lực ở biên giới Trung-Ấn và chống lại các
hòn đảo ngoài khơi Eo biển Đài Loan, đã làm dấy lên lo ngại ở Điện Kremlin rằng
Trung Quốc sẽ kéo Liên Xô vào chiến tranh. Moscow ủng hộ Hiệp ước Không Phổ biến
Vũ khí Hạt nhân, từ chối giúp đỡ Trung Quốc trong nhiều cuộc khủng hoảng khác
nhau và hy vọng giảm bớt căng thẳng với phương Tây – những động thái khiến các
nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh kết luận rằng Moscow quan tâm đến phương Tây hơn là khối
cộng sản.
Nhưng
hiện tại, Trung Quốc và Nga đã hoán đổi vị trí. Bắc Kinh hy vọng sẽ được hưởng
lợi về mặt kinh tế và công nghệ từ việc tiếp tục duy trì quan hệ với Mỹ và châu
Âu, trong khi Moscow cho rằng họ đang ở trong một quan hệ cạnh tranh thuần túy.
Người Nga chắc chắn muốn Bắc Kinh cung cấp viện trợ sát thương cho họ ở Ukraine
và đồng ý với Sức mạnh Siberia 2, một đường ống được đề xuất sẽ đưa
khí đốt tự nhiên đến vùng đông bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với thời hoàng
kim của liên minh Trung-Xô, về mặt kỹ thuật, Bắc Kinh không có nghĩa vụ phải hy
sinh lợi ích kinh tế hoặc danh tiếng của mình cho Moscow vì hai nước không phải
là đồng minh chính thức. Người Nga có ít lý do hơn để cảm thấy bị phản bội – và
người Trung Quốc có ít lý do hơn để sợ bị mắc bẫy.
BÀI
HỌC LỊCH SỬ
Là
con trai của một người có liên quan nhiều đến quan hệ giữa đất nước mình với
Moscow, Tập Cận Bình hiểu rõ lịch sử. Lịch sử đã dạy cho ông bài học về những
nguy hiểm của việc vội vàng liên kết lẫn việc thù địch toàn diện. Giờ đây, Tập
muốn được hưởng lợi từ chiếc bánh – tiến đủ gần đến Nga để gây rắc rối cho
phương Tây, nhưng không quá gần đến mức buộc Trung Quốc phải phân tách hoàn
toàn. Nhưng đây không phải là một chiếc bánh dễ ăn, và mọi thứ có thể trở nên
khó khăn hơn. Washington đang cố gắng gây cản trở nhiều nhất có thể bằng cách
mô tả Nga và Trung Quốc là cùng một giuộc, nói (một cách chính xác) Trung Quốc
là nước tạo điều kiện cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Cuộc xung đột đã gây ra
tổn thất thực sự về kinh tế và danh tiếng cho Bắc Kinh, ngay cả khi nước này né
tránh một số yêu cầu của Moscow.
Vấn
đề sẽ luôn tồn tại trong bất kỳ quan hệ nào, đặc biệt là quan hệ giữa các cường
quốc. Điểm khác biệt so với thời Chiến tranh Lạnh là các vấn đề gai góc về ý thức
hệ và cá nhân đã không còn khiến thách thức trở nên khó giải quyết nữa. Nếu
không có các sự kiện có tác động lớn, nhưng xác suất xảy ra thấp – chẳng hạn
như việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, sự sụp đổ của nhà nước Nga, hay chiến
tranh ở Đài Loan – thì Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục hành động trong phạm vi rộng
rãi mà nước này đã vạch ra cho quan hệ với Nga. Đôi khi, Bắc Kinh sẽ ẩn ý về một
quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow, và khi khác, họ sẽ ám chỉ một quan hệ xa cách
hơn, điều chỉnh thông điệp của mình tùy theo tình hình. Về phần mình, Mỹ có thể
định hình một số tính toán của Trung Quốc và hạn chế những loại trợ giúp mà Nga
nhận được. Tuy nhiên, trong tương lai gần, mô hình quan hệ Trung-Nga của Tập Cận
Bình có lẽ sẽ tồn tại vững chắc hơn so với trước đây bởi vì, trái ngược với trực
giác thông thường, nó tránh được mối nguy từ sự thân mật.
------
Joseph
Torigian
là là Nghiên cứu viên tại Phòng thí nghiệm Lịch sử Hoover của Đại học Stanford
và là Giáo sư tại Trường Ngoại giao của Đại học American University.
======================================================
Có
Thể Bạn Quan Tâm:
1.
Thặng dư
thương mại của Nga và Trung Quốc là tốt hay xấu?
2.
Lý do Tập muốn
giữ khoảng cách với cuộc chiến của Putin
3.
Tập Cận Bình cân
nhắc hậu quả của việc hỗ trợ Nga
4.
Chuyến thăm Nga của Tập
thực sự có ý nghĩa gì?
5.
Thái độ của Tập trước
cuộc binh biến ở Moscow
6.
Cuộc chiến gián điệp mới
giữa các cường quốc
7.
Tác
động từ việc Putin tiết lộ với Tập chiến tranh Ukraine sẽ kéo dài 5 năm
8.
Quan
hệ Tập–Putin gặp nguy hiểm khi người Trung Quốc tràn vào Nga
No comments:
Post a Comment