Nguyễn
Đình Thắng
Posted
on Thursday, November 27, 2014 @ 17:42:00 EST
Hôm
nay là Lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ. Bắc Virginia đã trở lạnh
và trận tuyết đầu mùa để lại những đốm trắng
trên cỏ cây. Ngồi bên cửa sổ nhìn ra cánh rừng thưa
giữa một buổi trưa tĩnh mịch, tôi viết những giòng tạ
ơn người, tạ ơn đời này.
Trước
hết tôi xin tạ ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ.
Ắt hẳn cha mẹ tôi không chỉ khổ cực nuôi mình khôn
lớn trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh dẫy đầy
trắc ẩn mà đã nhiều phen đau đầu vì tính ngỗ nghịch,
mạo hiểm và phiêu lưu của tôi từ tấm bé. Tuổi thơ
tôi ở trong trường lớp thì ít, mà ở ngoài đời thì
nhiều.
Kế
đến tôi xin tạ ơn anh em, thân quyến và bạn bè đã cho
tôi những năm tháng thơ ấu thật hồn nhiên và phong phú
làm hành trang cuộc đời. Thuở niên thiếu của tôi, tuy
nghèo cái nghèo chung của đất nước, lại thật hồn hậu
về tình cảm chứa chan. Ký ức tuổi thơ luôn nhẹ nhàng
như lời ru trong cổ tích.
Và
tôi tạ ơn vợ của tôi và cả gia đình nhà vợ đã dành
cho tôi trọn tình thương yêu và niềm tin tưởng, chấp
nhận nhiều đảo lộn của cuộc sống không bình thường
tí nào. Lý tưởng mà tôi chọn -- xây dựng một nền dân
chủ cho đất nước để phát triển nhiều thế hệ sau
đó -- là con đường đằng đẵng, ngoằn ngoèo, và đầy
trắc trở.
Tôi
tạ ơn những người bạn đồng hành cùng lý tưởng mà
tôi xem là những "hào kiệt" của dân tộc. Họ
âm thầm và miệt mài dấn thân trên con đường chông gai
để mở thông lộ đến một tương lai tươi sáng cho quê
hương. Không chọn con đường tắt, họ lầm lũi dấn
bước trên hành trình vạn dặm. Họ không chỉ góp công
mà nhiều người còn góp của, có khi lên đến vài chục
nghìn Mỹ kim mỗi người, để thực hiện những công tác
chưa thể công khai kêu gọi sự yểm trợ của quần
chúng. Hành trình ấy không có tiếng vỗ tay hoan hộ,
không có vòng hoa choàng cổ, không có ánh hào quang chiếu
rọi nhưng chính đấy là lửa để thử lòng vàng.
Tôi
tạ ơn những bạn đồng nghiệp trong BPSOS, ngày thì phục
vụ đồng hương trong vùng còn chiều tối và cuối tuần
thì góp phần tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở
quê nhà. Họ tận tuỵ hy sinh ngày này sang tháng khác. Ít
ai hiểu rằng, các cấp khoản mà BPSOS nhận được là
chỉ để phục vụ người dân ở địa phương, trong lãnh
thổ Hoa Kỳ. Còn tất cả những công tác giải cứu nạn
nhân buôn người, bảo vệ đồng bào tị nạn cộng sản,
giải thoát tù nhân lương tâm, lên tiếng về đàn áp tôn
giáo, xoá bỏ tra tấn... và vận động chính trường Hoa
Kỳ đều là những công việc hoàn toàn tình nguyện, dựa
vào những đóng góp ân tình của biết bao đồng hương
trên khắp thế giới. Một đội ngũ 50 đồng nghiệp có
tài và có tâm như vậy và lòng tin yêu của hàng nghìn
đồng hương luôn luôn yểm trợ là ân sủng lớn cho tôi.
Tôi
tạ ơn các nhà đấu tranh ở trong nước, có người còn
rất trẻ và có người đã gần đất xa trời, mỗi ngày
phải hứng chịu sự đàn áp và sách nhiễu. Có người
trải qua nhiều năm tù đày, bị khủng bố tinh thần và
tra tấn thể xác. Không chỉ cá nhân họ gặp nạn mà
thân nhân bị liên luỵ, gia đình tan tác. Có người quyết
bám mảnh đất quê hương để tranh đấu từ trong lòng
dân; có người đành lưu vong để kêu gọi sự ủng hộ
của thế giới. Dù ở cương vị nào, trong hoàn cảnh nào
thì họ cũng đã và đang hy sinh thật nhiều, chắc chắn
là hơn tôi rất nhiều. Đất nước là của chung, nhưng
họ đã nhận lấy phần khổ nạn và gian nguy cho riêng
mình. Tôi xin tạ ơn.
Tôi
tạ ơn các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà đã cầm súng bảo
vệ miền Nam tự do, cho những người như tôi có được
một tuổi hồn nhiên giữa sự hỗn mang của thời cuộc,
một nôi ấm thanh bình giữa biển lửa vây quanh. Biết
bao người đã nằm xuống, kể cả những người còn rất
trẻ và tràn đầy nhựa sống; biết bao người đã hy
sinh phần thân thể cho quê hương; và biết bao người
chịu cảnh tù đày, khổ nhục khi buông súng ngày 30 tháng
4 năm nào. Chỉ ngắn ngủi hơn 20 năm, bằng vỏn vẹn nửa
thời gian người Việt lưu vong ở hải ngoại, mà Miền
Nam độc lập đã xây dựng được một quân đội với
các chiến tích hào hùng. Quân đội ấy đã hiến dâng ¼
triệu người con ưu tú để bảo vệ phân nửa giang sơn
trước hoạ bá quyền của Đại Hán, được thực hiện
qua đội lính đánh thuê từ phương bắc dưới chiêu bài
quốc tế vô sản. Ơn này không bao giờ trả hết.
Tôi
xin tạ ơn tiên tổ. Từ thời hồng hoang của lịch sử,
trải suốt 250 thế hệ, hàng hàng lớp lớp con của Mẹ
Việt Nam đã dầy công mở mang bờ cõi, xây đắp giang
sơn để truyền cho hậu thế. Kể sao xiết các anh thư và
hào kiệt, từ hàng dân dã đến bậc quân vương, đã
cùng một lòng, một ý chí gìn giữ quê hương qua bao
thăng trầm của lịch sử. Nhờ những hy sinh vô bờ bến
ấy của tổ tiên, giòng máu Lạc Hồng còn luân lưu trong
huyết quản của chúng ta, 90 triệu dân Việt trong nước
và 4 triệu người Việt ở khắp bốn phương trời.
Và
tôi tạ ơn đất nước và dân tộc Hoa Kỳ, cùng với thế
giới tự do. Ơn cứu tử giữa biển khơi. Ơn cưu mang bên
bờ vực thẳm. Lòng nhân đạo của thế giới đã cho
những người Việt tị nạn cuộc sống và tương lai khi
chúng ta đã bỏ lại tất cả để mưu cầu tự do và
nhân phẩm. Và ơn ấy không chỉ là cho những cá nhân
sống thoát mà là cho cả dân tộc Việt: Bốn triệu con
dân Việt nay có cơ hội đem ánh sáng của thế giới tự
do xuyên thủng màn đêm đang che phủ quê hương.
Trong
ngày Lễ Tạ Ơn, tôi xin tạ ơn tất cả những người đã
một lần hay đang chung vai sát cánh trong đời, tạ ơn
tiền nhân đã cho tôi một quê hương, và tạ ơn nhân
loại đã chấp cánh cho tôi làm con chim én, cùng với biết
hàng triệu con én khác, đem mùa xuân về cho xứ sở cách
một đại dương. Để đền trả ơn ấy, từ tận đáy
lòng tôi nguyện, từ lâu rồi: giang sơn gấm vóc ta phải
gìn giữ cho các thế hệ mai sau; vận nước ta phải gánh
vác để dân tộc thoát điêu lính và đất nước còn mãi
trên bản đồ thế giới; lý tưởng tự do và nhân phẩm
ta phải đeo đuổi để bầu trời nhân loại luôn được
tô điểm một cầu vồng muôn mầu rạng rỡ.
No comments:
Post a Comment