Monday, December 14, 2009

TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN VIỆT NAM TRỞ NÊN TỒI TỆ HƠN TRONG NĂM 2009

Tình hình nhân quyền VN trở nên tồi tệ hơn trong năm 2009
Duy Ái
14/12/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-12-14-voa8.cfm
Các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam ở nước ngoài cho rằng tình hình chung về quyền con người tại Việt Nam đã trở nên tồi tệ hơn trong năm 2009, mặc dù con số những nhân vật bất đồng chính kiến bị bắt trong năm vừa qua thấp hơn con số của năm 2008. Họ cũng nêu lên một số sự kiện mà họ xem là cơ hội để thăng tiến nhân quyền Việt Nam trong năm 2010, trong đó có sự kiện là Việt Nam sắp sửa trở thành chủ tịch đầu tiên của Ủy ban liên chính phủ Asean về nhân quyền. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.

Trong
Ngày Nhân quyền Quốc tế 10 tháng 12 vừa qua, giới hữu trách Việt Nam đã thông qua các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát để tuyên bố rằng chính phủ Việt Nam luôn luôn tôn trọng nhân quyền và không ngừng cố gắng để thăng tiến cho quyền con người. Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm thứ năm trích lời ông Đặng Dũng Chí, phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, nói rằng “điểm dễ nhận thấy là các quyền con người” ở Việt Nam “ngày càng được mở rộng và nâng cao.” Trước đó không lâu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, cũng tuyên bố tại Hà Nội rằng “con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.”
Nguyễn Phương Nga đã khẳng định như vậy trong lúc phản đối việc Nghị viện Âu châu ngày 26 tháng 11 thông qua nghị quyết phê phán tình hình nhân quyền, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam ở nước ngoài cũng có một nhận xét tương tự như các nhà lập pháp của nghị viện Âu châu. Họ cho rằng tình hình về quyền con người ở Việt Nam trong năm vừa qua đã xấu hơn những năm trước.

Ông Võ Văn Ái, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ ở Paris có tên là
Ủy ban quyền làm người Việt Nam, cho biết như sau.
Ông Võ Văn Ái nói: "So với năm 2008 thì tình hình về quyền con người ở Việt Nam trong năm vừa qua chẳng những là không cải thiện mà ngày càng tồi tệ. Tôi chỉ lấy một vài ví dụ. Ví dụ chưa đầy 2 tuần lễ sau khi Việt Nam phúc trình vế nhân quyền tại Liên hiệp quốc thì 9 nhà hoạt động dân chủ đã bị kết án, tổng cộng 32 năm tù giam cộng với 27 năm quản chế, chiếu theo điều 88 của Bộ Luật hình sự là “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Ngoài ra còn có 3 nhà blogger cùng với 27 người khác đấu tranh cho nhân quyền cũng bị bắt; như Luật sư Lê Công Định, ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Lê Thăng Long, ông Nguyễn Tiến Trung, ông Trần Anh Kim, vân vân … Tôi xin lấy ví dụ về trường hợp của hai ông Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung để nói về sự phi pháp của Việt Nam về mặt nhân quyền. Hai người này bị bắt, và gần đây cho biết là sắp mang ra xét xử, nhưng khi họ mới bị bắt đã bị qui ngay tội danh 88, là “tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và đưa họ lên đài truyền hình để thú tội, Bây giờ thì sắp đem ra xe tăng thì lại chuyển tội Điều 88 sang Điều 79 là 'âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân'.”

Ông Võ Văn Ái cũng nêu lên những vụ việc liên quan tới Quyết định 97 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và quyết định tự giải thể của Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam để chứng minh cho nhận xét là Việt Nam thông qua một số luật lệ không phải để bảo vệ cho người dân trước luật pháp mà để bóp nghẹt những quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Tổ chức Báo nguy
Cứu người vượt biển, là người đã nhiều lần điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền Việt Nam. Ông cũng có một nhận xét tương tự như nhận xét của giáo sư Võ Văn Ái.
Ông Nguyễn Đình Thắng nhận xét: "Chúng tôi thấy rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2009 không có mặt nào được cải thiện so với những năm trước đó là năm 2007 và 2008. Số người bị bắt và giam giữ có giảm đi. Chẳng hạn như năm 2008 chúng tôi đếm được khoảng 28, 30 người bị bắt, trong năm 2009 thì có khoảng 14, 15 người. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tình trạng có cải thiện mà vì phần lớn những người gọi là “lộ diện” đều đã bị bắt năm 2008 rồi. Số người bị bắt năm nay ít hơn là vì thế. Nhưng ngược lại các vụ đàn áp tôn giáo, từ Công giáo, Tin lành đến Phật giáo, kể cả Phật giáo Tiểu thừa Khmer Krom, cũng đã gia tăng nhiều hơn trong năm nay so với những năm trước đây."

Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng là người đứng đầu
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, một tổ chức nhân quyền Việt Nam có bản doanh ở tiểu bang California. Ông Nguyễn Bá Tùng cho biết rằng ở Việt Nam hiện nay các quyền cơ bản của con người, như quyền tư hữu, quyền tự do lập hội, và tự do phát biểu, đã bị siết chặt hơn trước thay vì ngày càng mở ra như xu thế chung của các nước khác trên thế giới.

Ông Nguyễn Bá Tùng nói thêm: "Năm 2009 tệ hơn năm 2008. Không hiểu vì sao. Nhưng có lẽ vì nhà nước Việt Nam họ nghĩ rằng họ có được một vài tiến bộ về vật chất, về kinh tế – họ nghĩ như vậy, nhưng chưa chắc điều đó đã đúng; cho nên họ không để ý đến hoặc gia tăng đàn áp. Và họ sợ rằng sự đòi hỏi nhân quyền sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của họ. Họ nghĩ trong một lập luận mâu thuẫn như vậy. Hậu quả là chúng ta thấy rằng có hơn 10 người, những người bạn trẻ đấu tranh trong nước, bị bắt bị giữ mà không có tuyên xử hoặc tuyên xử một cách rất bất công, không có luật sư biện hộ."

Trong lúc có cái nhìn tương đối bi quan về tình hình trong năm 2009, các nhà hoạt động tích cực cho nhân quyền Việt Nam cũng tỏ ý lạc quan về triển vọng thăng tiến nhân quyền trong năm 2010 dựa trên một số diễn tiến mà họ xem là cơ hội để gây sức ép đòi giới hữu trách ở Hà Nội tôn trọng các quyền cơ bản của người dân. Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng cho rằng việc Việt Nam giữ chức chủ tịch của ủy ban nhân quyền
Asean trong năm sắp tới là một trong các cơ hội đó.

Ông Nguyễn Đình Thắng nhận xét: "Năm 2010 là năm có một cơ hội rất đặc biệt. Vì Việt Nam sẽ là chủ tịch của khối Asean và như vậy cũng đương nhiên là chủ tịch của Ủy hội liên chính phủ về nhân quyền của Asean, và các buổi họp của Asean sẽ được thực hiện hàng loạt ở Việt Nam. Cho nên nếu như quốc tế – các chính quyền cũng như các tổ chức vận động cho dân chủ nhân quyền và xã hội dân sự, biết tận dụng cơ hội này để đòi hỏi và kỳ vọng Việt Nam phải làm tấm gương tôn trọng nhân quyền trong cương vị chủ tịch Asean và chủ tịch của ủy hội nhân quyền Asean thì chúng ta có cơ may là vận động được Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền bởi vì họ phải làm gương và được sự chú ý không những của các quốc gia trong vùng mà còn của cả thế giới về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam."

Giáo sư Võ Văn Ái ở Pháp cũng tán đồng ý kiến này và cho biết thêm rằng cuộc thương lượng về hiệp định thương mại giữa
Liên hiệp Âu Châu với Việt Nam cũng là một cơ hội tốt.

Ông Võ Văn Ái nói: "Quyết nghị của Liên hiệp Âu châu tố cáo Hà Nội đàn áp nhân quyền và dân chủ có 7 điều yêu sách và tôi cho rằng điều thứ 3 là điều rất quan trọng. Điều này nói rằng “yêu cầu Ủy hội và Hội đồng châu Âu trong khuôn khổ của việc thương thảo hiệp ước đối tác và hợp tác mới với Việt Nam đang diễn ra phải thêm vào một điều khoản bó buộc và không nhập nhằng về nhân quyền và dân chủ cũng như một cơ cấu để đối phó với sự bất tuân dân chủ và nhân quyền một cách qui mô của Nhà nước Việt Nam.” Như chúng ta biết, hiện nay Liên Âu và Việt Nam đang thương thảo để ký lại hiệp ước song phương đối tác và hợp tác mới. Cho nên tôi thấy sự đòi hỏi điều khoản mới và cơ cấu mới này rất quan trọng cho việc thăng tiến nhân quyền tại Việt Nam."

Thưa quí vị, phát biểu vừa rồi của Giáo sư Võ Văn Ái đã chấm dứt tiết mục Nhìn Về Á Châu tuần này, đề cập tới tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm vừa qua. Duy Ái xin kính chào quí vị và xin hẹp gặp lại quí vị trong tiết mục tuần sau.




No comments: