Monday, April 29, 2024

PUTIN CÓ THỰC SỰ THUA VỀ MẶT CHIẾN LƯỢC Ở UKRAINE KHÔNG, ÔNG KEUPP? (Raimund Neuß phỏng vấn TS Marcus M. Keupp   |   Kölnische Rundschau)

 


Putin có thực sự thua về mặt chiến lược trong cuộc chiến ở Ukraine không, ông Keupp?

Raimund Neuß phỏng vấn TS Marcus M. Keupp   |   Kölnische Rundschau

Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ

28/04/2024

 https://baotiengdan.com/2024/04/28/putin-co-thuc-su-thua-ve-mat-chien-luoc-trong-cuoc-chien-o-ukraine-khong-ong-keupp/

 

Hình : https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/04/1-62-1024x577.png

Binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện để phóng tên lửa Patriot: Nước này rất cần thêm nhiều hệ thống phòng không. Ảnh: DPA

 

Nhà kinh tế quân sự Marcus Matthias Keupp cho biết gói viện trợ của Mỹ có thể đạt được những gì? Putin và Hitler có điểm gì chung? Và tại sao ông tiếp tục tin rằng Nga đã thua về mặt chiến lược vào mùa thu năm 2023. Sau đây là bài phỏng vấn TS Keupp, do Raimund Neuß thực hiện cho báo Kölnische Rundschau:

 

*

KR: Thưa ông Keupp, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ Ukraine trị giá hơn 60 tỷ USD. Gói này sẽ giúp Ukraine trụ được bao lâu và nó cần thiết cho họ như thế nào?

 

Keupp: Nhiều người lầm tưởng rằng đây là một lối hỗ trợ bằng tiền mặt cho Ukraine. Nó không phải diễn ra như vậy. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nhận ngân sách này để có thể trao đơn đặt hàng cho các công ty quốc phòng. Điều này có nghĩa là vũ khí và đạn pháo hiện có được chuyển đến Ukraine từ các kho của Mỹ và các công ty vũ khí của Mỹ dĩ nhiên sản xuất vật liệu hiện đại hơn. Gói viện trợ cho phép thực hiện các hợp đồng cung cấp dài hạn chứ không chỉ các đơn đặt hàng nhỏ lẻ cho thời điểm hiện tại. Nó đã được thực hiện theo cách này với một số hệ thống, chẳng hạn như với bom lượn GLSDB hoặc với tên lửa chống radar HARMS. Bây giờ là việc thiết lập các tuyến dây chuyền sản xuất dài hạn mới cho tất cả các hệ thống vũ khí, đặc biệt là đạn pháo.

 

 

*KR: Liệu việc giao hàng cho Ukraine có đến đủ nhanh không? Đất nước này đang thiếu trầm trọng hệ thống phòng không và đạn dược.

 

Keupp: Chính xác. Và có vấn đề cơ bản thứ hai cần được hiểu. Không phải  mọi thứ phải được chuyển từ Mỹ sang, mà có hệ thống APS, tức là Kho dự trữ sẵn của Quân đội, tồn tại trên khắp thế giới. Ở Châu Âu, chúng ta có APS Khu vực 2. Có một số nhà kho ở Đức, chẳng hạn như ở Dülmen. Từ đó, vật liệu có thể được giao ngay lập tức và chuyển đến Ukraine qua Poznań và Rzeszów. Điều này đã bắt đầu ngay sau khi gói viện trợ được chấp thuận.

Nhưng tất nhiên vật liệu cũng được vận chuyển từ các khu vực khác; chẳng hạn như xe chiến đấu bộ binh Bradley trước đây đã được vận chuyển bằng tàu từ Hoa Kỳ. Bản thân Ukraine cũng có một đội chuyên xác định xem nơi nào ở châu Âu có những thiết bị quân sự như khẩu đội Patriot mà không cần thiết vào lúc này.

 

*

KR: Ví dụ, nếu Ukraine nói rằng chúng tôi thực sự có thể sử dụng khẩu đội Patriot này từ Hy Lạp, thì sẽ không có nhiều sự nhiệt tình ở đó.

 

Keupp: Nó phụ thuộc vào quốc gia bạn yêu cầu. Slovakia, từng là một trong những nước ủng hộ Ukraine lớn nhất, đã hoàn toàn thay đổi chính sách. Ở Cộng hòa Séc thì hoàn toàn ngược lại; họ hiện là những người ủng hộ cuồng nhiệt của Ukraine. Nhưng bạn cũng phải thừa nhận rằng thế giới đã học được một bài học quan trọng trong vài tuần qua, đó là: Nếu phương Tây ngừng hỗ trợ thì Ukraine cũng ngưng lại thôi. Trong hai tuần qua, chiến tuyến chắc chắn đã lảo đảo ở một số nơi. Câu hỏi được đặt ra: điều này thật sự có ảnh hưởng gì đối với các nước?

Nếu bạn nhìn vào các quốc gia được quân sự hóa mạnh mẽ như Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia tương đối gần khu vực chiến sự, thì tôi sẽ cân nhắc liệu Patriot có phải là một khoản đầu tư tốt cho Kyiv hay không.

Putin có cùng vấn đề với Hitler. Ông ấy phải giành chiến thắng trong thời gian ngắn. Bởi vì về lâu về dài ông không có cơ hội trước tiềm năng công nghiệp của phương Tây.

 

 

*

KR: Tất nhiên người Nga cũng sản xuất. Ai có thể tồn tại lâu hơn trong cuộc chiến này?

 

Keupp: Putin có cùng vấn đề như Hitler. Ông ấy phải giành chiến thắng trong thời gian ngắn. Bởi vì về lâu về dài ông ta không có cơ hội trước tiềm năng công nghiệp của phương Tây. Đó là lý do tại sao ông ta để vũ khí hạng nặng bị tiêu hủy và thí mạng người nhiều như vậy ở chiến tuyến. Ông ta muốn giải quyết trước khi các ngành công nghiệp vũ khí khổng lồ khởi động ở toàn bộ thế giới phương Tây. Mỹ, Hàn Quốc, Pakistan, tất cả Tây Âu đều đang sản xuất để chống lại ông ta. Ông ta không có cơ hội để chống cự lại.

Theo cổng Internet Oryx, cho đến nay Nga đã mất khoảng 2.930 xe tăng chiến đấu và tổng cộng hơn 15.000 hệ thống cơ giới hóa. Kết quả: Cách chiến đấu của Nga ngày càng trở nên nghèo nàn về mặt công nghệ.

Khi chiến tranh bắt đầu vào năm 2022, họ đã tiến hành các cuộc tấn công cơ giới hóa với các tiểu đoàn có lẽ có 30 xe tăng chiến đấu chủ lực, mỗi nhóm cùng với các phương tiện chiến đấu bộ binh và hậu cần. Ngày nay, họ cử người tiến lên với những chiếc xe tăng T62 cổ hủ không có tháp pháo và đôi khi bằng xe chở người đi đánh golf. Cộng thêm vào đó là những cuộc tấn công bằng biển người bằng bộ binh mà bất kể tổn thất.

Bây giờ Nga vẫn còn nhiều hệ thống vũ khí trong kho. Nhưng nguồn dự trữ đã có trước chiến tranh chính xác là 2.900 chiếc, hiện đã không còn nữa. Bây giờ các hệ thống cũ hơn đang được đưa ra khỏi kho lưu trữ. Khi bạn xem ảnh vệ tinh về các trại dự trữ pháo binh, các nòng súng đột nhiên biến mất. Các hệ thống đang bị tháo gỡ để thay thế.

Cơ quan mật vụ Ukraine đã công bố một nghiên cứu vào ngày 13/4 và ước tính rằng với tốc độ tiêu hao hiện tại, phải đến khoảng giữa năm 2026, vũ khí Nga mới hoàn toàn ở mức 0. Tôi có thể nói rằng, vào năm 2024 và 2025, chắc chắn Nga có thể tiếp tục cuộc chiến tranh. Nhưng ngày càng có một vấn đề về thời gian. Bạn cũng sẽ nhận thấy điều này khi những con vẹt ở Điện Kremlin lại bắt đầu gáy ầm ĩ với những khẩu hiệu thông thường: Đàm phán hòa bình, Ukraine không thể thắng v.v…

 

*

KR: Nhưng tất cả những điều này giả định, như ông nói, rằng phương Tây đóng góp toàn bộ năng lực công nghiệp của mình. Họ sẽ làm điều đó?

 

Keupp: Điều này đã xảy ra rồi. Nhưng chúng ta bắt đầu từ mức độ thấp. Từ năm 1991 đến năm 2021, Châu Âu gần như đã phi quân sự hóa và năng lực của ngành công nghiệp vũ khí tương ứng ở mức thấp. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Bundeswehr (Quân đội Đức) sẽ chỉ có đạn dược đủ cho hai ngày. Điều tương tự cũng xảy ra ở Hoa Kỳ hồi năm 1941, khi nước này bước vào Thế chiến thứ hai. Phải mất nhiều năm để tăng tốc ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Mức tối đa không đạt được cho đến năm 1945, khi chiến tranh kết thúc.

Những gì Putin đang làm đã được các Sa hoàng và sau đó là Nguyên soái Zhukov thực hiện trong Thế chiến thứ hai. Nếu 30.000 người thất thủ trong một đợt tấn công, điều đó không thành vấn đề đối với ông ta, cuối cùng thì những người sống sót đã có thể ổn định với vị trí mới của mình.

 

*

KR: Chúng ta đã nói rất nhiều về hệ thống vũ khí và ngành công nghiệp quốc phòng. Nhưng tất cả các hệ thống đều bao gồm những người lính vận hành chúng. Nước Nga có mọi khả năng của một chế độ độc tài để cử người ra mặt trận. Ukraine có thể chịu đựng được điều này trong bao lâu?

 

Keupp: Những gì Putin đang làm đã được các Sa hoàng và sau đó là Nguyên soái Zhukov thực hiện trong Thế chiến thứ Hai. Nếu 30.000 người thất thủ trong một đợt tấn công, điều đó không thành vấn đề đối với anh ta, cuối cùng thì những người sống sót đã có thể ổn định với các vị trí mới. Và tất nhiên Putin có thể lợi dụng tình trạng nghèo đói ở vùng nông thôn Nga và lôi kéo người dân vào quân đội bằng cách đưa ra mức lương rất cao.

Tuy nhiên, số liệu thống kê về số người chết trong chiến tranh ở Nga cũng cho thấy những người được đào tạo bài bản như lính dù, lính pháo binh và lính lái xe tăng ngày càng vắng bóng. Vì vậy, năng lực của quân đội Nga ngày càng kém đi, nhưng tất nhiên số lượng lớn là một vấn đề đối với Ukraine. Họ không có đủ pháo binh để chống lại những bước tiến này. Vì vậy, họ từ từ nhượng bộ và cố gắng làm tiêu hao quân Nga.

Nhưng rõ ràng là: Nếu Nga tiếp tục như thế này, Ukraine sẽ phải tuyển thêm lính mới vào một lúc nào đó, ngay cả khi điều đó gây khó khăn cho một nền dân chủ. Đừng quên Ukraine có lực lượng dự bị gồm một triệu người. Vì thế nó vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Hiện tại, sẽ thuận lợi hơn cho họ áp dụng chiến lược tiêu hao lực lượng.

 

*

KR: Cùng lúc đó, Ukraine tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga – rồi thì Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với ý là không nên làm vậy. Nếu họ thậm chí không thể làm tiêu hao nhiên liệu của kẻ tấn công, làm sao họ có thể giành chiến thắng?

 

Keupp: Tất nhiên là họ có quyền, các nhà máy lọc dầu là mục tiêu quân sự hợp pháp. Điều thú vị là gần đây Kyiv không tấn công hai cảng xuất khẩu dầu lớn ở Ust-Luga gần St. Petersburg và Novorossiysk trên Biển Đen mà là các nhà máy lọc dầu phục vụ nguồn cung nội địa của Nga. Đó là lý do vì sao những lo lắng về giá dầu là sai lầm.

Nga sản xuất 11 triệu thùng mỗi ngày. Trong số đó, 8 triệu thùng tiếp tục tiếp cận thị trường thế giới, 3 triệu thùng còn lại để tự cung tự cấp – và việc này cũng gồm cả nguồn cung cấp nhiên liệu cho quân đội. Ngoài ra, Mỹ hiện đang rất hào phóng khi đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Iran và Venezuela. Tôi thực sự không hiểu điều gì biện minh cho những lo ngại về kinh tế mà các quan chức Mỹ được cho là đang nêu ra.

 

*

KR: Một năm trước, ông nói rằng Nga sẽ thua về mặt chiến lược trong cuộc chiến vào mùa thu năm 2023. Ông vẫn còn tin như vậy?

 

Keupp: Vâng, tôi vẫn giữ quan điểm này. Putin vẫn tiếp tục, mặc dù đáng lẽ ông ta nên dừng cuộc chiến vào mùa thu năm 2023. Đến lúc đó, rõ ràng là tốc độ sản xuất không thể theo kịp tốc độ hao mòn. Nếu cách quản lý chiến đấu không thay đổi, tỷ lệ tiêu hao cao này sẽ khiến Nga đến một lúc nào đó không còn đủ năng lực quân sự.

Sau đó thì sao? Phương tiện bạo lực nào vẫn giữ nước Nga liên kết với nhau, ai bảo vệ biên giới, ai đàn áp xung đột sắc tộc? Logic tiêu hao không phụ thuộc vào bất kỳ thế giới quan nào. Đó là một câu hỏi về hậu cần, giống như trong Chiến tranh thế giới thứ hai: Ai có tiềm năng công nghiệp cao hơn về lâu dài và tồn tại lâu hơn sẽ thắng.

Và tôi nghĩ Putin đã nhận ra điều đó. Đó là lý do tại sao hắn cố gắng phá hoại căn cứ hậu cần của phương Tây bằng cách xoay chuyển tình hình chính trị của các nước và chơi trên bàn phím tình cảm của người Đức để khiến người Đức sợ hãi.

Điều thú vị là, việc phong tỏa gói viện trợ của Mỹ bắt đầu đúng vào tháng 10 năm 2023 và tác động đến Slovakia cũng vậy. Nhưng nếu căn cứ hậu cần của phương Tây tiếp tục mở rộng thì Nga không những không thắng mà sẽ thua. Với tất cả những hậu quả mà việc này gây ra cho tổ chức nội bộ của Nga.

 

*

KR: Nhưng nếu nói về hậu quả nội bộ: Liệu Putin có thể chấm dứt chiến tranh? Liệu ông ta còn đủ thế lực cần thiết trong nước không?

 

Keupp: Ông ta sẽ còn phải lo sợ hơn nữa cho quyền lực của mình nếu chiến tranh kéo dài hơn và sau đó, chẳng hạn, các cuộc nổi dậy sắc tộc nổ ra. Ông ta có thể nói, tôi sẽ cứu những gì tôi có thể cứu và kết thúc chiến tranh. Điều đó có thể sẽ khiến ông ta mất đi quyền lực và danh tiếng vị cứu tinh của nước Nga cũng không còn nữa. Nước Nga sẽ suy thoái về mặt kinh tế và sẽ phải củng cố nội bộ một lần nữa. Nhưng sự cai trị của Siloviki, nhóm hiện đang lãnh đạo nước Nga, sẽ tiếp tục. Vì vậy: Chiến tranh có thể kết thúc. Đó là quyết định mà Putin có thể đưa ra bất cứ lúc nào.

______

 

Tiến sĩ Marcus M. Keupp: Là giảng viên kinh tế quân sự tại Học viện Quân sự thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich. TS Keupp học ở Mannheim và tại Trường Kinh doanh Warwick (Coventry/ London), sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ ở St. Gallen, ông cũng  dạy ở đó từ năm 2013. Hiện ông đang viết một cuốn sách về những hậu quả lâu dài của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

 





NGA CẢNH BÁO PHƯƠNG TÂY KHÔNG ĐỘNG VÀO TÀI SẢN CỦA NƯỚC NÀY (Reuters)

 



Nga cảnh báo phương Tây không động vào tài sản của nước này

Reuters

28/04/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7588242.html

 

Các quan chức Nga hôm 28/4 đã đe dọa phương Tây rằng Moscow sẽ phản ứng "nghiêm khắc" trong trường hợp tài sản phong tỏa của Nga bị tịch thu, sẽ có những thách thức pháp lý "vô tận" và các biện pháp ăn miếng trả miếng.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng Nga sẽ không bao giờ nhượng lại các vùng lãnh thổ chiếm được từ Ukraine để đổi lấy việc trả lại tài sản bị phong tỏa.

“Quê hương của chúng tôi không phải để bán”, bà Zakharova viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

 

"Tài sản của Nga phải được giữ nguyên vì nếu không sẽ có phản ứng nghiêm khắc đối với hành vi trộm cắp của phương Tây. Nhiều người ở phương Tây đã hiểu điều này. Than ôi, không phải tất cả mọi người”.

 

Để đối phó với cuộc chiến của Nga ở Ukraine, Hoa Kỳ và các đồng minh đã cấm giao dịch với ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính của Nga, đồng thời phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản có chủ quyền của Nga ở phương Tây, hầu hết trong số đó nằm ở các tổ chức tài chính châu Âu chứ không phải Mỹ.

 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong một bình luận riêng rẽ rằng vẫn còn rất nhiều tiền của phương Tây ở Nga có thể bị Moscow nhắm tới trong các biện pháp đáp trả.

 

Ông nói: “Triển vọng về những thách thức pháp lý (chống lại việc tịch thu tài sản của Nga) sẽ rộng mở. Nga sẽ tận dụng những lợi thế đó và sẽ không ngừng bảo vệ lợi ích của mình”.





ĐỨC VẬT LỘN VỚI MỐI ĐE DỌA GIÁN ĐIỆP TỪ TRUNG QUỐC, NGA (Ido Vock / BBC News)

 



 

Đức vật lộn với mối đe dọa gián điệp từ Trung Quốc, Nga

Ido Vock

BBC News

28 tháng 4 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cyx6qnlkw0vo

 

Sáu nghi phạm gián điệp đã bị bắt tại Đức chỉ riêng trong tháng 4/2024, trong bối cảnh các cáo buộc về hoạt động gián điệp của Nga và Trung Quốc tăng mạnh.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/26db/live/6a6df330-055e-11ef-b9d8-4f52aebe147d.jpg

Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser (phải) cho biết Đức đang tăng cường mạnh hoạt động phản gián.

 

Đối với đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (Alternative für Deutschland - AfD), điều này đặc biệt đáng xấu hổ khi hai ứng cử viên hàng đầu của họ cho cuộc bầu cử tại Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 6 tới đã lọt vào tầm ngắm.

 

Jian G - trợ lý của Maximilian Krah, một thành viên của Nghị viện châu Âu và là đại diện cho AfD - đã bị bắt vì nghi ngờ làm gián điệp cho Trung Quốc. Jian G bị cáo buộc là "nhân viên của cơ quan mật vụ Trung Quốc".

 

Các công tố viên cũng đã bắt đầu điều tra sơ bộ đối với ông Krah về các khoản thanh toán được cho là từ các nguồn thân Nga và Trung Quốc. Ông Krah phủ nhận mọi hành vi sai trái.

 

Vài ngày trước đó, Petr Bystron, một cái tên khác của AfD, đã bác bỏ cáo buộc rằng ông nhận tiền từ trang web của Tiếng nói châu Âu (Voice of Europe). Tình báo châu Âu cáo buộc trang web này là tổ chức bình phong của tình báo Nga.

 

Các cáo buộc không chỉ dừng lại ở AfD.

 

Hai công dân Đức gốc Nga đã bị bắt vì nghi ngờ có âm mưu phá hoại viện trợ quân sự của Đức cho Ukraine và ba người Đức khác bị giam giữ vì bị cáo buộc lên kế hoạch chuyển giao các thiết kế động cơ tiên tiến cho tình báo Trung Quốc.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/16f3/live/ffd6dac0-052e-11ef-bee9-6125e244a4cd.png

Bốn trong sáu người bị bắt tại Đức trong tháng 4/2024 bị nghi làm gián điệp cho Trung Quốc

 

"Thật bất thường khi việc bắt giữ những người thuộc ba mạng lưới (bị cáo buộc) liên quan đến hoạt động gián điệp của Nga và Trung Quốc diễn ra gần như cùng lúc," Noura Chalati, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Leibniz về phương Đông Hiện đại, nhận xét.

 

Trong cả ba vụ trên, nỗ lực từ phía cơ quan tình báo nội địa BfV của Đức là rất quan trọng.

 

“Các cơ quan an ninh… đã tăng cường mạnh mẽ các nỗ lực phản gián của họ,” Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nói.

 

Các vụ bắt giữ diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz trở về sau cuộc hội đàm sâu rộng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/b25f/live/1a85cf70-0534-11ef-b9d8-4f52aebe147d.png

Ông Maximilian Krah phủ nhận mọi hành vi sai trái và khẳng định ông sẽ sa thải Jian G nếu trợ lý của mình làm gián điệp

 

 

'Bắt giữ luôn là một quyết định chính trị'

 

Andrei Soldatov, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về các cơ quan an ninh Nga, cho rằng trường hợp của cặp nghi phạm Đức gốc Nga cho thấy Điện Kremlin muốn đẩy mạnh tấn công vào các nỗ lực viện trợ dành cho Ukraine.

 

"Đây là một mức độ leo thang hoàn toàn mới. Những người này (bị cáo buộc) đã thu thập thông tin để hỗ trợ hoạt động phá hoại nhằm vào các cơ sở quân sự tại Đức," ông Soldatov trả lời BBC.

 

Trong khi đó, Roderich Kiesewetter, cựu sĩ quan quân đội Đức và hiện là nghị sĩ đảng đối lập, cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận các nghiên cứu tiên tiến mà có thể hữu ích cho quân sự hoặc cho các mục đích khác.

 

"Trung Quốc nhìn thấy cơ hội lợi dụng sự cởi mở của Đức để tiếp cận tri thức và công nghệ của chúng tôi," ông Kiesewetter nói với BBC.

 

Mặc dù vậy, Andrei Soldatov tin rằng Berlin đang chứng minh điều họ có thể làm.

 

“Việc bắt giữ luôn là một quyết định chính trị," ông nhận định.

 

"Các cơ quan phản gián ở tất cả các nước thường không muốn bắt giữ gián điệp vì cách tốt hơn là theo dõi và giám sát họ để tìm hiểu thêm về mạng lưới và hoạt động của họ," Soldatov nói tiếp.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/f233/live/f3c7f4d0-0538-11ef-b9d8-4f52aebe147d.png

Các vụ bắt giữ diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz trở về sau cuộc hội đàm sâu rộng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh

 

Một lý do khiến quyết định chính trị có thể được đưa ra là vì các đối thủ của Đức - đặc biệt là Nga - tỏ ra ngày càng muốn công khai làm bẽ mặt Đức khi nước này trở nên quyết đoán hơn trong quan hệ đối ngoại.

 

Điển hình là vào tháng 3/2024, các nguồn tin từ phía Nga đã rò rỉ cuộc điện đàm thảo luận giữa các tướng lĩnh hàng đầu Đức trong việc cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine.

 

Nhiều tháng trước đó, một quan chức cấp cao từ cơ quan tình báo nước ngoài BND của Đức tên là Carsten L đã ra tòa do bị cáo buộc tiết lộ thông tin mật cho người Nga để đổi lấy số tiền khoảng 400.00 euro (gần 11 tỷ đồng).

 

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace bày tỏ sự thất vọng của nhiều đồng minh khi nói rằng Đức "bị tình báo Nga xâm nhập khá sâu" và đã trở nên "không an toàn cũng như không đáng tin cậy".

 

Ông Roderich Kiesewetter nói ông lo lắng về việc các đồng minh cho rằng Đức không đáng tin cậy. "Chúng tôi cần trở thành một đối tác được ưa chuộng. Khó có thể chấp nhận việc hợp tác tình báo mà không có nước Đức," ông nói với BBC.

 

Các cuộc trấn áp công khai đối với các nghi phạm gián điệp có thể là một cách để gửi tín hiệu đến đồng minh cũng như kẻ thù rằng Berlin rất coi trọng vấn đề an ninh.

 

BND và BfV cho biết họ không bình luận về các chiến dịch đang diễn ra. Bộ Nội vụ Đức không phản hồi yêu cầu bình luận.

 

 

·        Những người Mỹ bị săn lùng trong hoạt động gián điệp của Trung Quốc

10 tháng 7 năm 2022

·        Putin muốn chuộc lại sát thủ Nga đang bị Đức giam giữ

2 tháng 4 năm 2024

·        Trung Quốc có lập căn cứ do thám Mỹ ở Cuba hay không?

19 tháng 6 năm 2023

 

 

 Di sản của lịch sử

 

Các cơ quan tình báo Đức từ lâu đã thất vọng trước những hạn chế ngày càng gia tăng được áp lên các phương pháp hoạt động của họ so với nhiều cơ quan tình báo ở các nước phương Tây khác.

 

Một phần, đó là di sản của chế độ cai trị cộng sản ở Đông Đức cũ - được nhiều người coi là một trong những xã hội bị giám sát chặt chẽ nhất trong lịch sử. Người ta ước tính rằng cứ 6,5 người Đông Đức thì có một người cung cấp thông tin cho cảnh sát mật, được gọi là Stasi.

 

Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, quy mô hoạt động gián điệp của Stasi bị phanh phui, chính phủ Đức đã áp đặt những hạn chế pháp lý nghiêm ngặt đối với các cơ quan tình báo.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/7849/live/a0a2dfa0-053c-11ef-bee9-6125e244a4cd.png

Hình ảnh Cổng Brandenburg ở Berlin trong dịp năm mới đầu tiên sau ngày nước Đức thống nhất

 

Những hạn chế này phần lớn vẫn còn được duy trì, mặc dù một số biện pháp đã được nới lỏng.

 

Giới ủng hộ nhân quyền coi những hạn chế đó là điều tốt để bảo vệ quyền riêng tư của công dân. Nhưng các cơ quan tình báo từ lâu đã phàn nàn rằng họ không thể hoạt động hiệu quả khi có quá nhiều hạn chế được áp lên hành vi của họ.

 

Năm 2023, hai cựu lãnh đạo BND đã viết: “Các cơ quan tình báo Đức, đặc biệt là BND, hiện đang phải chịu sự giám sát quá mức.”

 

Một số người trong các cơ quan tình báo coi các vụ bắt giữ ồn ào gần đây là một cách để nêu bật mức độ xâm nhập thù địch từ nước ngoài vào Đức - và là cơ hội để củng cố đòi hỏi tăng thêm quyền lực.

 

Ông Kiesewetter cho rằng mức độ xâm nhập này một phần là di sản của sự "ngây thơ" chính trị sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

 

“Từ 1990, người ta nghĩ rằng nước Đức được bao quanh bởi bạn bè,” ông nói.

 

Ông giải thích rằng giới lãnh đạo đã tập trung vào các giao dịch kinh doanh, bao gồm cả với các nước chuyên quyền như Nga, mà không để mắt đến an ninh quốc gia.

 

Không còn mơ ngủ nữa

 

Ông Rafael Loss từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu giải thích cụ thể hơn về những gì đã xảy ra.

 

Dưới thời cựu Thủ tướng Gerhard Schröder, vào năm 2002, cơ quan tình báo Đức đã giải thể một đơn vị chuyên trách phản gián.

 

"Thật đáng ngạc nhiên là đơn vị khoảng 60 người này đã bị giải tán hoàn toàn," ông Loss nói.

 

Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Nhân sự của BfV đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Những vụ bắt giữ gần đây cho thấy các cơ quan tình báo Đức đang trở nên quyết đoán hơn, trong một đất nước mà văn hóa chính trị vốn dĩ luôn dè chừng với họ.

 

"Tất cả các vụ bắt giữ đã gửi một tín hiệu đến những nước đang rình rập chúng tôi," theo lời ông Felix Neumann từ Quỹ Konrad Adenauer.

 

"Rằng nước Đức đã thức giấc và không còn mơ ngủ nữa," ông Neumann nhấn mạnh.

 

-------------------

Tin liên quan

·         

Đài Loan nhắm vào 'gián điệp cộng sản' của Trung Quốc

9 tháng 11 năm 2023

·         

Các nghị sĩ Anh coi TQ 'là mối đe dọa' sau vụ bắt 'gián điệp trong quốc hội'

11 tháng 9 năm 2023

·         

Mỹ nêu quan ngại về nỗ lực phản gián của Trung Quốc

3 tháng 8 năm 2023

 

 

 



ANH QUỐC PHÁT TRIỂN PHI ĐẠN SIÊU THANH ĐỂ BẮT KỊP TRUNG QUỐC VÀ NGA (Minh Anh / RFI)

 



Anh Quốc phát triển tên lửa siêu thanh để bắt kịp Trung Quốc và Nga

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 28/04/2024 - 12:14

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240428-anh-qu%E1%BB%91c-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-si%C3%AAu-thanh-%C4%91%E1%BB%83-b%E1%BA%AFt-k%E1%BB%8Bp-trung-qu%E1%BB%91c-v%C3%A0-nga

 

 Truyền thông Anh ngày 27/04/2024 cho biết, bộ Quốc Phòng Anh có kế hoạch thiết kế và tự sản xuất tên lửa siêu thanh để trang bị cho quân đội vào năm 2030.

 

https://s.rfi.fr/media/display/b9c4bea8-0547-11ef-ba12-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2024-04-19T030030Z_1637331754_RC2OY6ADVSKU_RTRMADP_3_NORTHKOREA-SANCTIONS-UN-USA.webp

Hình ảnh một tên lửa siêu thanh được bắn thử tại Bắc Triều Tiên, ngày 02/04/2024. via REUTERS - KCNA

 

Theo nhật báo Anh Telegraph, các chỉ huy quân sự đang chịu áp lực phải bắt kịp Nga, Trung Quốc và Mỹ với việc phát triển loại tên lửa có khả năng bay với tốc độ cao hơn Mach-5, tức gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Hiện kế hoạch đang ở giai đoạn đầu, mặc dù chưa có quyết định nào về việc tên lửa sẽ được phóng đi từ đất liền, trên biển hay trên không.

 

Kế hoạch này được đưa ra sau khi thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết dành 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng vào năm 2030.

 

Người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Anh không bình luận chi tiết về kế hoạch phát triển năng lực tên lửa siêu thanh của Anh với lý do an ninh quốc gia, nhưng xác nhận rằng nước này đang theo đuổi « các công nghệ siêu thanh để phát triển năng lực »của quân đội Anh. Bộ Quốc Phòng Anh khẳng định « tiếp tục đầu tư cho các trang thiết bị quân sự để đối phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai ».

 

Hiện Mỹ, Nga và Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua phát triển tên lửa siêu thanh. Nhưng nhiều quốc gia khác chẳng hạn như Bắc Triều Tiên gần đây đã tuyên bố thử nghiệm vũ khí siêu thanh.

 

Tờ báo Anh lưu ý thêm rằng việc phát triển năng lực tên lửa siêu thanh là một phần của trụ cột thứ hai trong liên minh AUKUS – một hiệp ước an ninh và quốc phòng giữa Anh, Mỹ và Úc.