Tuesday, December 29, 2009

TUẦN KÝ SỐ 32 : LÀM SAO CÓ ĐƯỢC SỰ AN LÀNH ?

Tuần ký số 32 (post lại)
LÀM SAO CÓ ĐUỢC SỰ AN SỰ LÀNH ?
Nhạc sĩ Tô Hải’s blog
Dec 26, '09 9:47 PM
http://langdu126.multiply.com/journal/item/138/138
Chưa năm nào tớ nhận được nhiều email, nhiều lời chúc "an lành”, ”hạnh phúc” từ bạn bè, trẻ, già, mới, cũ, trong cũng như… ngoài nước gửi về nhân mùa giáng sinh và năm mới (Tây) đến thế! Thật là cảm động nhưng... thú thật là... Tớ không sao thấy an, thấy lành được cứ mỗi khi năm cùng, tháng tận này đến... Chính cái tháng 12 này gợi cho tớ nhiều kỷ niệm buồn và nghĩ đến một tương lai gần thì càng không thể “an” được khi sắp nhắm mắt từ giã cõi đời này, vẫn chưa được nhìn thấy một sự thay đổi nào như tớ hằng mong ước. Và tớ cứ luẩn quẩn mãi trong đầu những thước phim về những tháng 12 đã qua, những tháng 12 không thể nào quên. Chuyện thì nhiều, kể cả đời không hết, viết cả tháng không xong... Thôi thì, kể vài chuyện có thật 100% để các friends trẻ đọc chơi, nhân ngày vui của các bạn.

1. Chuyện kỷ niệm ngày thành lập Vệ Quốc Quân (22/12/1945)
Chẳng biết có còn ai sống sót như tớ để bổ xung cho cái ngày cùng nhau hát to “Đoàn Vế Quốc quân một lòng ra đi, nào có mong chi đâu ngày trở về” này không, chứ tớ là người được giao cho “10 lời thề danh dự” để đọc trước phân đội do tớ làm phân đội trưởng, nhân ngày 22 tháng 12-1945 năm đó, sau khi “bắt mơ duya” cho cả đơn vị hát bài hát “thà chết chớ lui” này...
Không phải tớ thích “kiêm nhiệm” gì như ngày nay đâu mà chỉ là tớ biết rất rõ là cả phân đội tớ ngoài 5 cậu lính mới tò te có được học qua lớp 1, lớp 2 truờng làng (đều nhận chức tiểu đội trưởng, tiểu đội phó cả) thì toàn đơn vị đều... mù chữ! Tớ còn nhớ như in bảng ký tên biên nhận mỗi người một bộ quần áo vệ quốc mầu nửa nâu-nửa đỏ, một chiếc mũ-ca-lô, một cái ca sắt... thì trong số 16x3=48 người cộng tớ 1 người = 49 chỉ có 6 người biết ký tên. Còn lại tất cả chỉ là... điểm chỉ! Ấy vậy mà tớ cứ phải đọc từng lời thề để toàn đơn vị học thuộc lòng... bằng cách nhắc lại những gì tớ đã đọc (y như các ca sỹ thời nay không biết xướng âm phải đi nhờ người dạy từng câu rồi hát theo ấy mà!). Thế nhưng suốt cả ngày kỷ niệm 22 tháng 12 năm ấy, 10 lời thề, khi kiểm tra vẫn không mấy ai thuộc nổi!
Chẳng hiểu vì sao mà mãi tới những năm 46, 47, tớ thành “chuyên gia đọc lời thề”, mỗi khi có lễ lạt gì long trọng cần đọc lời thề dưới quốc kỳ. Tớ đọc rất hùng hồn, sôi nổi, nhiệt tình và tự hào khi thấy dưới chân mình có hàng loạt tiếng hô “xin thề!” mỗi khi tớ dừng lại điều 1, rồi điều 2, điều 3… cho đến hết, cứ như là người ta đang vì tớ mà biết thề “trung thành với Tổ Quốc” vậy! Tớ cứ như người bay trên mây, tình yêu Tổ Quốc cứ ngùn ngụt cháy trong lòng... quyết tâm “da ngựa bọc thây lòng này vẫn vui”, sẵn sàng tiến ra sa trường “phanh thây, uống máu quân thù”! Tớ lao theo con đường yêu nước thuần túy chẳng hề đếm xỉa đến những lời dèm pha ngay cả của gia đình và lớp bạn bè, đồng học cùng trang lứa... Thậm chí cả lời cảnh cáo của bố tớ là: ”Mày đi theo cộng sản,khi thất bại, đừng có vác mặt về nhà… Tao tống cổ ra đường đấy!” ,tớ cũng cãi lại “Bố nhầm rồi! Đảng cộng sản đã giải tán rồi… Cụ Hồ đã ra lệnh và tuyên bố công khai trước toàn dân và thế giới rồi! Làm gì có còn nữa!”...
Cho đến ngày được điều về Bộ Tư Lệnh Chiến Khu III, sau khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, gặp lại ông Dương Hữu Miên, (nguyên Đội Khố Xanh yêu nước Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Thái Bình), lúc ấy đã trở thành Trung đoàn trưởng trung đoàn Thành Tô-Hải Phòng) tôi hỏi ông về cái đơn vị đầu tiên mà tôi với ông đã cùng thề trung thành với Tổ Quốc thì ông cười như... mếu và trả lời bằng giọng buồn buồn: ”Chẳng còn gì nữa rồi! Chỉ một trận đầu, khi quân Pháp tiến vào Thái Bình, Lê Tín, Phó Kỳ Năng đã hy sinh, lính tráng kẻ bỏ chạy về quê làm ăn, người thì chết vì không biết đánh đấm ra sao! mà đánh đấm gì khi trong tay cả đơn vị chỉ có vài cây mousqueton, Lebel, cổ lỗ sỹ mà bắn thì đạn không nổ hoặc... tụt hậu!” Quả là tớ bỗng cảm thấy một sự hối hận đầu tiên khi quá nhiệt tình yêu nước không... có định hướng(!) nên đã đi truyền lửa cho cả một lớp người ngu ngơ, khờ khạo xung phong đi vệ quốc đoàn chỉ vì có một lý do duy nhất là... khỏi phải chết đói vì nơi quê nhà, gia đình, vợ con đều đã chết đói như rạ... (dân Thái Bình bị gậy tung hoành khắp nơi mà!) Thì ra cái lũ tạch tạch xè chúng tớ cho đến mãi sau này vẫn chỉ là... những cái loa tuyên truyền cho nhân dân đi hy sinh cho một thứ chủ nghĩa yêu nước kiểu Tây, Tầu nhập cảng mà không biết!
Thế rồi,đã 64 cái ngày 22 tháng 12 trôi qua,được tai nghe,mắt thấy những bạn bè, đồng ngũ, những đại đội, tiểu đoàn rất thân quen với tớ cứ lần lượt hi sinh trong 9 năm chống Pháp mà chẳng có được tuyên dương trên báo chí, phong tặng anh hùng ,anh hiếc gì như những Tử Giang, Kì Vẩu, Sáu Đậu... mà người ta cứ viết thời đó là những “anh hùng địa lôi chiến của đường số 5” hoặc cả một đơn vị tuyên truyền xung phong và trung đội bảo vệ nhà hát lớn Hải Phòng đều chiến đấu đến người cuối cùng để giữ vững nhà hát lớn…Còn nhiều nhiều nữa sau những cuộc chiến đấu chống Mỹ, đi B, trên đường Trường Sơn sau này. Tớ càng nghĩ đến họ khi thấy mỗi lần 22/12, người ta lại phát hiện ra những sự hi sinh để truy tặng anh hùng, để xây tượng đài kỉ niệm như vụ “Truông Bồn”, vụ “Hang Ba Cô” và gần đây vụ “đại đội 916” ở Thái Nguyên thì mới ngã ngửa người ra rằng: Đến tướng Võ Nguyên Giáp người ta cũng quên chính thức phong là anh hùng thì huống hồ mấy anh đi lính chống Pháp. Có khi họ lại hạnh phúc hơn tớ ở chỗ chẳng biết chuyện gì xảy ra sau này, chẳng biết lời thề cũng đã được sửa. Và sang thế giới bên kia, họ vẫn tưởng rằng họ đi chiến đấu vì nhân dân suốt đời.

2. Chuyện Noel năm 1955
Năm ấy, đoàn văn công mới tái lập của tớ, trước Noel 2 tuần được đích thân ông Nguyễn Đình Tùng, chủ nhiệm chính trị giao cho nhiệm vụ đi trực tiếp đấu tranh chính trị với bọn “công giáo phản động” đang âm mưu nổi dậy khắp nơi sau phát hiện sai lầm trong Cải cách Ruộng Đất.
Ông giảng giải rất nhiều về tôn giáo, cái thứ “thuốc độc” nguy hiểm làm u mê những con chiên để nhằm bóc lột họ. Ông kể vanh vách những chuyện bọn cha cố với đầy đủ tên tuổi cả Tây lẫn Ta đã bị nhân dân vạch tội trong cải cách ruộng đất ra sao, kể cả "những chuyện đồi bại" nhất thuộc về sinh hoạt của họ, như gieo giắc mầm mống Tây lai khắp xứ đạo xã Đoài(!?) Và ông giao nhiệm vụ phải làm sao tranh thủ được sự đồng tình của quần chúng lao động nhưng tránh sao khỏi bị kẻ địch phản tuyên truyền là chúng ta đàn áp tôn giáo. Một nhiệm vụ hoàn toàn mới toanh, mà tớ, một đoàn trưởng văn công quân đội chưa hề nghĩ tới bao giờ. Ấy vậy mà vừa “thoát chết”, sau đợt cải cách cuối cùng, tớ cũng cố dàn dựng cho xong một chương trình có nội dung tàm tạm gọi là “đấu tranh chính trị chống bọn công giáo phản động”!
Cá nhân tớ, viết xong một bản hợp xướng có nhan đề “Tiếng chuông tội ác”, trong đó có những câu như “Những lũ đớn hèn lừa dối giáo dân”, “như quân Du - đa xưa kia phản chúa”, “miệng luôn Amen, ngực đeo thánh giá, lòng theo quân cướp hại dân, phản nòi”. “Tiếng chuông nhà thờ” của Nguyễn Xuân Khoát và “Tiếng chuông tội ác” của tớ tưởng phen này có thể góp sức giác ngộ được đồng bào công giáo bị "lầm đường"... Kèm theo còn có vở kịch “Cai Tô” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương mà nhân vật chính có dính tới chuyện một giáo dân giác ngộ (sáng tác này của nhạc sĩ NVT là một điều “lạ”, có lẽ ít ai biết, ngoài tớ và hiện nay còn Nguyễn Văn Tý và Văn Ký đang còn sống biết mà thôi). Chương trình hoàn chỉnh và sau khi được duyệt đúng ngày 22 tháng 12 thì ngày 23/12/1956, chúng tớ đã lục tục lên đường thẳng tiến ra Ba Làng, nơi đã có cả hai, ba tiểu đoàn được triển khai gọi là... giúp dân giữ làng, giữ nước, sẵn sàng chống lại âm mưu nổi loạn của giáo dân dưới sự kích động của bọn phản động đội lốt tôn giáo. Vừa tới nơi tớ đã ngẩn người ra trước quang cảnh chưa từng thấy vì: tất cả đều đóng quân rải rác ngoài trời, tăng, bạt thời ấy làm gì đã có nên túm năm tụm ba dựng lều lá chuối, hoặc cọc tre phủ ni-lông. Vừa nhảy xuống xe,tớ đã được tiểu đòan trưởng tiểu đòan 2, tên Toại ra đón và phổ biến: “Tình hình căng lắm, không vào nổi nhà dân đâu... "Chúng nó" ra lệnh bất hợp tác với quân đội với lí do chuẩn bị ngày chúa ra đời không cho người ngoại đạo vào làng!“ Cứ ở đây với bọn tớ, đêm nay ta tổ chức một đêm văn nghệ liên hoan với anh em cho vui”, khi nghe tiếng trống, tiếng đàn, họ chẳng kéo ra xem không ít thì nhiều ”Thế là bắt tay ngay vào dựng sân khấu, giăng phông, màn, kéo giây điện Chương trình mở đầu lúc 7 giờ rưỡi tối, khi máy nổ bắt đầu phát điện sáng rọi cả một nửa trên của hai tháp chuông nhà thờ, từ trước vẫn lặng im trong đêm tối không một biểu hiện gì có lễ trọng đêm Noel. Của đáng tội thì cũng có độ vài chục thanh niên nam nữ, cũng như lóc nhóc một đống thiếu nhi nghe tiếng trống, tiếng đàn, đến xem nhưng hỏi ra thì mới biết là họ ở tận Phú Thượng không theo công giáo đã mò tới xem “cọp”! Dù sao thì chương trình cũng cứ được tiến hành. Bài “Tiếng chuông nhà thờ, những câu hát bằng tiếng La- Tinh của tớ “Gờ- lô- ri- a- in- ếch- xen- xít- đê- ồ- êđ- in- te-ra… Bô- nê- vô- lun- ta- tix;” Được loa phóng đi oang oang về phía làng tưởng sẽ không thể nào không bay tới lỗ tai của những người không muốn nghe, Kết thúc bằng vở “Cai Tô” vừa đúng 11h đêm thì máy điện cũng vừa hết xăng. Ăn xong một bát cháo gà của anh nuôi Mẫn gánh ra tận chỗ biểu diễn, trên một thửa ruộng bỏ hoang xong là chúng tớ chui vào gầm sân khấu đánh 1 giấc no nê vì quá mệt và căng thẳng. Sáng tinh mơ, mặt trời vừa mới ló thì tất cả bỗng bị đánh thức. Tiểu đoàn trưởng Toại thông báo “không ổn rồi, bọn này ghê thật, tưởng chúng âm mưu nổi loạn nhưng không phải, nó đi sạch cả rồi.” Sau đó chẳng ai bảo ai, chúng tớ đều chạy theo anh em bộ đội vào làng. Chó vẫn sủa, lợn vẫn ủn ỉn đòi ăn trong chuồng, trâu bò vẫn nhai lại những nắm cỏ của ngày hôm trước, cửa đóng then cài nhưng vào nhà thì chẳng còn một ai. Lớn, bé, trẻ, già, tất cả đã ra đi không kèn không trống, bỏ lại cả những cây thông, máng cỏ, có chúa hài đồng đang giơ tay, giơ chân chào đời. Có lẽ họ không cần mang theo nữa vì họ đã tin rằng “Chúa đã vô Nam rồi” nên họ quyết tâm đi theo hơn 1 triệu đồng bào của họ đã theo Chúa ngay từ giai đoạn 300 ngày được phép chọn nơi ở, miền Nam hay miền Bắc theo đúng hiệp định Genève!
Cuộc ra quân đấu tranh chính trị của đoàn văn công chúng tớ coi như thất bại ê chề. Bài hát “Tiếng chuông tội ác” của tớ cũng bị khai tử từ đấy và quả thật là may mắn cho tớ nếu đồng bào công giáo ở đó không đấu tranh bất bạo động, bất hợp tác mà lại đến nghe xem ba anh Việt cộng này làm cái trò gì, thì có khi tớ không bị xé xác, cũng ăn phải vài phát củ đậu, sứt đầu, mẻ trán như chơi. Sau này, có dịp gặp lại mấy cụ Ba Làng tập trung thành một cụm dân cư đông đúc ở thành phố Nha Trang. tớ có hỏi lại về cái đêm Noel năm đó sao các cụ ra đi tài tình như thế thì các cụ cho biết: Chính vì sự dàn quân và cuộc biểu diễn văn công đã đưa đến quyết định của bề trên là “ra đi ngay, thời cơ Chúa đã cho”
Làm sao tớ có thể quên được, cái đêm Noel ấy chứ?

3. Noel 1972, sống an bình nhờ B52 ngừng rải thảm
Giữa tháng 12/1972, H. Kissinger đến Hà Nội khi chúng tớ đã được phổ biến về nội dung “Hiệp đình hòa bình và chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam”, nhưng còn một đôi điều chưa ổn. Vì dụ chuyện bồi thường chiến tranh, chuyện chính phủ ba hay bốn bên. Thế rồi cái ông có tên… “vừa hôn vừa ca” (Kiss và singer) đó ra đi không có tuyên bố chung báo hiệu một cái gì đó không ổn rồi… Chỉ sau đó có ít ngày thì “chiến dịch Điện Biên Phủ trên không” bắt đầu! Kể ra, lần đầu tiên nghe B52 rải thảm cũng đáng sợ thật. Chẳng thấy tiếng máy bay mà cứ thấy tiếng ầm ì như từ đất vang lên rồi sau đó là các loại tên lửa, cao xạ chằng chịt đỏ hết bầu trời. Cái buổi đầu tiên nếm bom B52 tại Hà Nội đó, tớ đang trong phòng thu, chỉ huy nhạc phim “Bài ca ra trận”. Toàn thể anh em kĩ thuật, nhạc công đều chạy ùa ra ngoài khi thấy mặt đất rung chuyển dưới chân mình. Có thể nói chẳng một ai xuống hầm, xuống hố gì cả, vì nếu cứ rải thảm kiểu này thì hầm hố nào mà chống trả được. Tốt nhất là cứ đứng mà xem cái cảnh hiếm xảy ra giữa thủ đô ngàn năm văn vật vậy. Và quả là vui mắt thiệt! Mấy đời được chứng kiến cái cảnh “mặc cả và trả giá” nhau bằng những thủ đoạn giết người hàng loạt này không? Mấy đời được trông thấy B52 gãy đôi, bốc lửa, phi công nhảy dù rơi ngay trên hồ Trúc Bạch còn xác máy bay lại rơi trúng xóm vườn hoa Ngọc Hà? Riêng tớ và đạo diễn Đỗ Ngọc thì còn trèo lên hẳn sân thượng của căn nhà anh ở trên đường Quan Thánh để ngắm xem người Mỹ dọa Việt Nam thế nào. Ngày hôm sau là cuộc di tản tự nguyện của tất cả những người dân Hà Nội (còn cố nán lại) bằng mọi phương tiện có thể. Mà phải công nhận là chẳng ai có đủ sức thuyết phục người dân bỏ mọi của cải, tài sản, chỉ mang theo vài bộ quần áo và quan trọng nhất, cuốn sổ gạo và tập tem phiếu thịt, rau, đậu, dầu lửa… trong có vài tiếng đồng hồ, bằng... Cái Chết! Gần nhà tớ, khu vực nhà thờ Hàm Long, mấy lá cờ, cành thông, mấy dây đèn kim tuyến đang lỡ dở trang trí cho đêm Noel sắp tới cũng vắng hoe trừ một vài anh dân phòng đi đi, lại lại trên đường. Riêng tớ, thì chẳng có gì mà lo lắng cả vì vợ con đã đi sơ tán theo trường, theo cơ quan từ lâu nên tớ quyết chí “một tấc không đi, một li không rời”! Chỗ trú ẩn duy nhất của tớ là gầm của chiếc piano, vì tớ có một niềm tin vững chắc là “Người Mĩ chẳng dại gì mà rải thảm cả cái thủ đô của một nước đang có trụ sở của hơn 100 đại sứ quán và cơ quan quốc tế. Nếu chẳng may có sự chệch mục tiêu thì chẳng qua chỉ là cái… “số chết vì tên bay đạn lạc mà thôi! . Mà quả là như thế, vụ sứ quán Pháp bị đánh trúng chết cả Đại sứ lẫn người tình, vụ ba căn nhà phố Huế bị trúng bom hay cả đến phố Khâm Thiên, khu An Dương, bệnh viện Bạch Mai, sau này đều được biết là người Mĩ, dù đã hạn chế tối đa những mục tiêu phi quân sự, nhưng cũng không thể nào tránh khỏi những sự cố sai lầm. Mà tên bay đạn lạc thì đâu có kể là của phía ta hay phía địch. May nhờ,rủi chịu, thế thôi! Tớ có thể khẳng định rằng 12 ngày đêm B52 rải thảm, trừ đêm Noel được yên tĩnh để mừng chúa ra đời, nhân dân Hà Nội mất cả chuyện “vui theo” người công giáo. Riêng tớ, chưa bao giờ lại thấy rõ cuộc chiến “Điện Biên Phủ trên không” chẳng qua chỉ là một trò mặc cả và đòi trả giá giữa các bên tham chiến! Nó trắng trợn, nhẫn tâm, và tàn ác đến lạnh lùng để đạt tới chiến thắng trên vài câu chữ thậm chí mấy dấu phết, dấu chẩm ,cần phải đạt được trên bàn hôi nghị... Tớ luôn nghĩ rằng, người Mĩ không đến nỗi tồi, đến mức cả Hà Nội 36 phố phường mà 12 ngày đêm không sao đánh trúng bất cứ một cơ quan đầu não, một xí nghiệp tầm cỡ, một nhà ông thủ tướng, bộ trưởng…, một nhà thằng nhạc sĩ quèn như tớ! Cái đòn “nắn gân” này cuối cùng chỉ những dân sơ tán, loanh quanh, ngoại thành là lãnh đủ. Tội nghiệp em bé Hà và bao người cứ sơ tán quanh ngọai vi Hà nội để dễ đi, về, mất xác sau những vụ "rải thảm răn đe" này..
Đêm 24/12/1972 đó, tớ cũng đạp xe lên phố nhà thờ xem giáo dân có hủy bỏ lễ Noel không, thì tớ thật ngạc nhiên: Không ít người vẫn đổ dồn về quảng trường nhà thờ lớn tuy không đông, không vui bằng mọi năm nhưng vẫn có đủ lễ bộ, cây thông, máng cỏ, đèn xanh, đèn đỏ. Người đi, kẻ lại tấp nập chào đón ngày chúa ra đời. Thì ra, ngoài lòng tin ở Chúa họ cũng giống tớ là tin chắc chắn rằng Hà Nội sẽ không bị Mĩ ném bom rải thảm bao giờ.

Ba câu chuyện hồi ức về 62 cái tháng 12 tớ đã trải qua kể đến đây cũng đã khá dài. Chắc các bạn cũng đã hiểu vì sao, quá khứ đối với tớ luôn hiện về như vừa xảy ra hôm qua, khi hiện tại cứ vả vào mặt những cái tát đau điếng bằng những sự thật bị bóp méo, xuyên tạc, giấu diếm hay giả vờ nhớ lại lịch sử một cách tùy hứng và mị dân./.

Viết thêm
Tuần ký này tớ kể lại cho lớp trẻ và cố mở mắt cho một số người già đến giờ vẫn không có nổi những cách nhìn của tớ: Nếu chuyện thứ nhất chỉ là chuyện "cười ra nước mắt" của lớp trẻ ngây ngô dại khờ về chính trị, quá tin vào 10 lời thề mà sẵn sàng hy sinh tất cả cho "Tổ Quốc quyết sinh"... kẻ đã chết thì chẳng còn ai nhớ, kẻ còn sống như tớ thì thấy đắng cay vì thấy lời thề hôm nay đã thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức! (Làm gì thời ấy có câu "Trung với Đảng?)
Chuyện thứ hai là chuyện thất bại hoàn toàn trước lòng tin tuyệt đối vào Chúa và sự vĩnh viễn không thể hòa hợp của đồng bào công giáo đối với những người cộng sản.
Còn chuyện thứ ba là hoàn toàn lý trí... Tớ muốn nêu lên một vấn đề chưa mấy ai dám nêu ra: Đó là: Chiến dịch "Điện Biên Phủ Trên Không"chẳng qua chỉ là một cuộc mặc cả bằng xương máu về một số điều khoản chưa thỏa thuận được ở Paris mà thôi và cuôc rải thảm bằng B52 suốt 12 ngày đêm đó KHÔNG HỀ NHẰM VÀO VIỆC SAN BẰNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI. Tất cả mọi cái chết thương tâm trong cuộc trả giá này, trừ một vài điểm ở nội thành ra, đều xảy ra ở ngoại vi Hà Nội.. Hoặc chết vì tên bay, đạn lạc do máy bay tránh tên lửa... pháo cao sạ, hỏa lục súng máy, súng trường đan kín bầu trời đã không thể chấp hành lệnh "chỉ tấn công những mục tiêu quân sự" của Lầu 5 Góc... Người nào như tớ ở lại cũng như đồng bào công giáo cứ tiếp tục chuẩn bị đêm Noel phải có niềm tin vững chắc ở nhận định này mới dám ở lại chờ người Mỹ đến "rải thảm đón mình đi" chứ! Và quả là như thế... Tớ và ai ở lại cùng tớ vẫn sống tiếp những ngày sau đó để thấy bản sơ thảo hiệp định Paris sau đó đã mất béng đi cái khoản "Bồi thường chiến tranh... tỷ đô-la" mà chúng tớ đã được phổ biến sơ sơ khi ông Lê Đức Thọ trở về Hà Nôi... Còn một số thay đổi gì nữa tớ không nhớ nổi! Hãy tha lỗi cho tớ khi nói chuyện B52 rải thảm mà cứ "vô cảm" vì tớ quá chú trọng đến mặt quân sự và chính trị của vụ việc mà tớ đã để lý trí lên trên cả tình cảm... Vả lại tớ đâu có chủ định "lên án Đế Quốc Mỹ đã tàn sát đồng bào ta" ở cái entry này!Tớ xin nhường nó cho "báo ta" mà theo tớ, chẳng hiểu sao rất ít lời lẽ lên án kẻ thù, khuếch trương chiến quả của chiến thắng B52. Trong dịp kỷ niệm một sự cố lịch sử bi hùng xảy ra đã cách đây những 37 năm trời mà các bạn U40, U30, U20 nào có hay biết????



No comments: