Thursday, December 31, 2009

TINH THẦN DÂN CHÚNG VN MỖI NGÀY MỘT MẠNH

Nhà văn Vũ Thư Hiên: 'Tinh thần dân chúng mỗi ngày một mạnh và không sức nào cản nổi'
Tuesday, December 29, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=106175&z=196
Tin tức do báo chí trong nước cho biết ngày 20 Tháng Giêng, năm 2010, tòa án của nhà nước Việt Nam sẽ truy tố một số khuôn mặt đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam là Luật Sư Lê Công Ðịnh, Thạc sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung, hai ông Trần Huỳnh Duy Thức và ông Lê Thăng Long, ngoài ra cựu trung tá bộ đội Trần Anh Kim cũng đã bị tòa án tại Thái Bình xử 5 năm rưỡi tù giam với tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”
Tại sao Hà Nội đồng loạt truy tố những người đấu tranh dân chủ bất bạo động, Người Việt phỏng vấn nhà văn Vũ Thư Hiên hiện đang sống tại Paris. Ông Vũ Thư Hiên từng bị cộng sản Việt Nam giam giữ gần 10 năm tù vì tội mà chế độ quy chụp cho ông là “xét lại chống đảng,” ông là người viết nhiều và tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là cuốn “Ðêm Giữa Ban Ngày”. Hiện nay ông vẫn theo dõi khít khao mọi diễn biến của phong trào đấu tranh tự do dân chủ tại Việt Nam.

------------------------------


ÐQAThái: Thưa ông, hẳn ông đã biết về tin Hà Nội sắp đưa ra xử những người đấu tranh dân chủ tại Việt Nam?
Nhà văn Vũ Thư Hiên: Tin này tôi cũng đã được đọc mấy hôm nay ở trên các báo. Tôi không ngạc nhiên, bởi vì gần đây nhà nước Bắc Kinh tuyên án 11 năm tù với ông Lưu Hiểu Ba, người đấu tranh ôn hòa tại Trung Quốc.
Ở Việt Nam, những người muốn đấu tranh cho dân chủ trước sau cũng bị trấn áp theo cách này hoặc cách khác giống bên Trung Quốc. Tôi chưa biết kết cục của cuộc xử này ra sao, nhưng sự đe dọa đưa vào khung án cao nhất là tử hình thì đây là một sự dọa nạt rõ ràng là rất lớn nhằm vào những người hiện nay đang đấu tranh cho dân chủ.
Lại còn một tin nữa là Phạm Thanh Nghiên cũng sắp sửa bị ra tòa và không biết là họ sẽ xử như thế nào. Thật là khó xử đấy, bởi vì cô Phạm Thanh Nghiên chỉ có viết một khẩu hiệu Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam ở trên bức tường nhà mình và ngồi cả tháng ở đấy thì rất khó xử cô ấy vào tội gì. Chả lẽ xử cô ấy vào tội là đã tự mình đi vào huyện Hoàng Hóa để nghe những ngư dân bị Trung Quốc bắn sống sót trở về kể lại cuộc bắn giết của bọn chúng với những ngư dân Việt Nam?
Cô Nghiên thì tôi biết vì có dịp nói chuyện với cô ấy nhiều, cô là 31 tuổi, mảnh dẻ, nặng có 36 cân nhưng mà rất là anh dũng; khi cô bị sa vào vòng lao lý, tôi nhớ cô ấy có kể tôi nghe là khi anh công an hỏi rằng là tại sao, ai đã xúi giục cô đi vào tận Hoàng Hóa để mà điều tra về vụ Trung Quốc bắn ngư dân Việt Nam thì Phạm Thanh Niên nghĩ ra một câu trả lời hay đến thế, cô ấy bảo rằng, “Anh hỏi tôi cái gì cũng được, nhưng đừng hỏi tôi câu ấy, hỏi như thế xấu hổ lắm.” Sau câu trả lời như thế thì anh công an ấy cũng phải im.

ÐQAThái: Ông vừa nói rằng đây chỉ là một hình thức đe dọa nặng nề thôi chứ theo ông thì nhà nước Cộng Sản Việt Nam sẽ không dám mạnh tay tới mức độ xử tử hình những người đấu trạnh dân chủ này?
Nhà văn Vũ Thư Hiên: Tôi nghĩ như vậy. Có lẽ tử hình thì không nhưng mà nếu họ bắt chước Trung Quốc đối với Lưu Hiểu Ba thì việc tuyên án nhiều năm tù là chuyện chắc chắn có thể xảy ra. Trừ khi dư luận thế giới đến giờ chót tỏ ra mạnh mẽ có thể khiến họ chùn tay, còn họ chùn đến mức nào thì thật sự cũng khó hiểu.

ÐQAThái: Ông có nghĩ rằng chính thái độ răn đe như ông nói lúc nãy liệu có thể làm chùn bước những người trẻ khác muốn dấn thân cho công cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt Nam không?
Nhà văn Vũ Thư Hiên: Tôi nghĩ rằng không. Bởi vì về bề mặt thì có thể làm cho một số người sợ hãi, còn về lâu dài thì tinh thần của dân chúng mỗi ngày một mạnh mẽ và sức mạnh đó thì không có sức nào cản nổi.

ÐQAThái: Trong những ngày bị đưa ra tòa thì có hai người trẻ từng du học ngoại quốc là Nguyễn Tiến Trung du học tại Pháp, Luật Sư Lê Công Ðịnh thì từng tu nghiệp tại Hoa Kỳ; theo nhận định của ông, phải chăng nhà nước Hà Nội lo ngại những người được đào tạo tại ngoại quốc có thể ảnh hưởng đến vai trò cai trị độc đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay?
Nhà văn Vũ Thư Hiên: Cái chính là người ta nhìn thấy nguy cơ tiềm tàng nằm trong giới du học sinh cũng như là những người trí thức đã từng được đào tạo ở nước ngoài, lớp người ấy bây giờ rất năng động và tích cực, dám khẳng khái lên tiếng đấu tranh dân chủ, đấu tranh chống Trung Quốc. Họ là những người do đã nhìn thấy ánh sáng tự do nên không còn muốn quy phục bóng tối của độc tài nữa.

ÐQAThái:
Mới đây, nhà nước Cộng Sản Việt Nam đưa ra quy định tất cả những học sinh nào đi du học tại ngoại quốc, sau khi tốt nghiệp 3 năm mà không chịu về Việt Nam thì bằng tốt nghiệp xem như vô giá trị. Xin nghe nhận định của ông về vấn đề này?
Nhà văn Vũ Thư Hiên: Tôi có dịp gặp các bạn trẻ du học sinh tại Pháp, nói chung họ cũng sợ sứ quán Hà Nội, họ cũng sợ các quy định như vậy, nhưng mà trong lòng họ thì họ không sợ. Mới đây, tôi có đến chỗ có trường đại học của anh Nguyễn Tiến Trung từng học và tốt nghiệp, trước khi Trung về nước. Tôi đến đấy để dự một buổi các sinh viên của trường tổ chức để bảo vệ Nguyễn Tiến Trung. Phải nói rằng rất cảm động, đó là những người có tâm hồn rất là trong sáng và tôi có gặp ông hiệu trưởng cũng như là bà dân biểu của tỉnh có mặt trong buổi hôm đó. Phải nói rằng tôi rất khâm phục tinh thần đấu tranh cho tự do của những người Pháp, đặc biệt là ở trường đại học của anh Nguyễn Tiến Trung. Nhưng điều tôi lấy làm tiếc là ở trường ấy có khoảng 200 sinh viên Việt Nam nhưng không ai dám có mặt trong buổi đó mà chỉ có toàn sinh viên Pháp thôi. Khi tôi ra quảng trường trước cửa tòa thị chính thì tôi có gặp một, hai sinh viên Việt Nam - có lẽ là vì trời rét - họ dùng khăn ấm che mặt và đến nói mấy câu là chúng cháu rất là tán thành lập trường của anh Trung và chúng cháu trước sau cũng sẽ đi vào con đường của anh Trung.

ÐQAThái: Con số 200 sinh viên Việt Nam đi du học mà chỉ có 2 sinh viên cũng phải ngụy trang mới dám phát biểu như vậy, phải chăng chính sách răn đe của nhà nước Hà Nội bắt đầu ngấm và tạo ra nỗi sợ hãi khiến sinh viên du học không dám công khai bày tỏ thái độ tranh đấu như anh Nguyễn Tiến Trung?
Nhà văn Vũ Thư Hiên: Cái này họ chuẩn bị kỹ càng lắm. Khi họ có nghe tin trường đại học ấy tổ chức một cuộc meeting bảo vệ Nguyễn Tiến Trung thì họ đã cho cán bộ đại sứ quán đến dặn từng sinh viên một và đe dọa gia đình sinh viên ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng mình phải thông cảm các cháu sinh viên không thể nào chống lại một bộ máy quá lớn nhưng cái gì những sinh viên giữ trong lòng, đến lúc nào đó chúng ta sẽ biết và lúc đó chúng ta mới biết là họ không sợ đâu. Trong lòng thì họ không sợ nhưng tạm thời họ phải lùi bước trước những lời đe dọa có ảnh hưởng đến cha mẹ họ, anh em họ ở nhà.

ÐQAThái: Ông từng dấn thân đấu tranh và cũng từng trả giá cả 10 năm tù; nếu bây giờ có cơ hội nói với những người trẻ như Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Ðịnh, thì ông có tâm sự gì muốn nói?
Nhà văn Vũ Thư Hiên: Ðiều tôi muốn tâm sự, tôi nghĩ rằng những năm tù của tôi đã cho tôi một kết luận rằng, chế độ cộng sản phải thay thế bằng một chế độ khác. Tôi xin cảm ơn các bạn trẻ vì nhờ có những cuộc đấu tranh ấy thì đất nước của chúng ta mới có triển vọng thoát khỏi một chế độ đã tước đoạt đi những quyền con người chính đáng của nhân dân Việt Nam.

ÐQAThái: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.



No comments: